Có những ngày bạn bừng tỉnh tại ngưỡng cửa tuổi 25, cảm giác như cả thế giới đã bỏ xa hàng ngàn cây số còn bản thân vẫn mãi đứng yên ở vạch xuất phát. Không chắc mình là ai, không biết mình muốn gì và liệu mình có đang đi đúng hướng…
Một số gọi đó là khủng hoảng một phần tư cuộc đời, lặng thầm mà hầu hết ai cũng phải đối mặt ở tuổi đôi mươi, dù sớm hay muộn. Giữa lưng chừng tuổi trẻ, cảm giác chênh vênh và mệt mỏi dường như là những gì tất yếu phải trải qua. May mắn thay, điện ảnh vẫn luôn là điểm tựa hoàn hảo cho những tâm hồn đang lạc lối giữa bộn bề cuộc sống. Tìm đến phim ảnh để thấy mình được thấu hiểu, hoặc đồng cảm với những nhân vật có trải nghiệm tương tự, đôi khi chính là liều thuốc xoa dịu dễ chịu và bình yên nhất.
Trong lúc cả thế giới hẵng còn xôn xao về màn tái xuất của Danny Boyle cùng phần mới nhất thuộc loạt phim “28 Days Later”, không ít người chọn ngược dòng thời gian quay trở lại hành trình điện ảnh đầy thú vị của đạo diễn kỳ cựu người Anh này. Trong số đó, “Trainspotting” thường xuyên được nhắc tới như một tác phẩm không chỉ định hình nên phong cách làm phim của Danny, mà còn trở thành tượng đài quan trọng của nền điện ảnh thập niên 90.

“Chọn sống. Chọn làm việc. Chọn sự nghiệp. Nhưng tôi lại chọn một thứ khác.”. Chuyển thể từ tiểu thuyết đình đám cùng tên của nhà văn Irvine Welsh, bộ phim là cuộc đào sâu không khoan nhượng vào lãnh địa heroin của một nhóm thanh niên tại Edinburgh vào những năm 1980. Không cần cố gắng nhồi nhét những bài giảng về đạo lý, bộ phim vẫn thừa sức tinh luyện được nỗi chán chường của tuổi trẻ thông qua ngôn ngữ đậm chất đại chúng: chủ nghĩa vô trị, lời thoại trào phúng, tình trạng kinh tế suy thoái,… và cả chiếc croptop huyền thoại của tài tử Ewan McGregor – người thủ vai nhân vật chính Mark Renton. Ở tuổi 26, Mark thất nghiệp và dần trở nên sa đọa vào con đường bạch phiến. Cùng hội bạn bất hảo, anh sống vật vờ qua ngày nhờ chất cấm hòng chạy trốn khỏi mọi ràng buộc và lựa chọn không mong muốn trong đời. Song rõ ràng, bản chất cuộc sống được làm nên từ một chuỗi quyết định không ngừng, việc né tránh chúng chẳng khác nào chấp nhận bỏ mặc chính mình. Để rồi ngay cả những kẻ “bất lương” nhất đến một lúc nào đó cũng phải tự đặt câu hỏi: “Liệu mình sẽ sống khác đi, hay tiếp tục chìm sâu như hiện tại?”
Trước khi mê hoặc cả thế giới bằng loạt thước phim tiêu biểu như “Lady Bird” hay “Little Women”, Greta Gerwig từng có một khoảng thời gian dài ngụp lặn trong giới giải trí dưới danh nghĩa diễn viên. Năm 2012, cùng với chồng mình là đạo diễn Noah Baumbach, cô cho ra mắt “Frances Ha” – tựa phim được nhắc đi nhắc lại trong những danh sách tác phẩm khai thác đề tài tuổi trẻ. Ngoài vai trò đồng biên kịch, Greta còn đảm nhiệm thêm cả vai nữ chính Frances ‘Ha’lladay, một vũ công 27 tuổi sống một cuộc đời giản đơn và bình thường tựa bao người. Tuy nhiên, cũng chính cái phẳng lặng ấy mới là điều khiến những tâm hồn trẻ không ngừng lăn tăn, trăn trở.

Kỳ thực, mỗi ngày trôi qua với Frances luôn là một chuỗi loay hoay bất định. Loay hoay vì sở hữu nhan sắc “làn lạt” chẳng ai bận nhớ, vì không đủ xuất chúng ngay trong chính đam mê của bản thân, và còn vì trạng thái thu nhập “vay đầu này, đắp đầu kia” giữa một New York hối hả liên tục… Hay nói cách khác, Frances mang trong mình nỗi bất an về một sự tồn tại chưa đủ nổi bật. Điều này buộc cô phải tìm cách nương tựa vào người bạn thân Sophie. Bên cạnh một người có hoạch định rõ ràng về tương lai như Sophie, Frances cảm thấy đời mình có ý nghĩa, có trọng lượng hơn. Nhưng, đâu có gì là mãi mãi. Đến độ tuổi đủ chín muồi, Sophie cũng phải bước đi trên con đường riêng, còn Frances chỉ còn cách dậm chân tại chỗ và nhìn nhận thực tại. Sau cùng, nếu muốn trưởng thành, ta thực sự cần học cách vỡ mộng trước hết.
Grace, một cô gái ngoài hai mươi tuổi, đảm nhiệm vai trò quản lý đời sống thường nhật của các thiếu niên tại Short Term 12, cơ sở bảo trợ tạm thời dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cô không phải nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp hay một người mẹ hợp pháp của những đứa trẻ, mà chỉ đơn thuần là “nhân viên tuyến đầu” (theo lời Grace). Kể cả vậy, sự tận tụy mà Grace dành cho chúng là toàn tâm toàn ý do ảnh hưởng sâu sắc từ quá khứ đầy biến động mà khán giả sẽ dần được khám phá thông qua mối quan hệ giữa cô và Jayden – một cô bé mới chuyển đến với khuynh hướng tự hạ thấp cùng vô số hành vi tự hại, bên cạnh chuyện tình với người đồng nghiệp Mason.

Người ta hay gọi “Short Term 12” là một tác phẩm đẹp và buồn, nhưng thật ra nó chẳng cố làm mình trở nên buồn hay đẹp. Nó đơn giản tường thuật lại những nỗi đau âm ỉ, theo cái cách chân thành và tươi sáng hiếm thấy. Ta càng dễ trở nên đồng cảm hơn nhờ vào sự hiện diện bền bỉ của những người chịu lắng nghe, chịu kiên nhẫn và không bao giờ rời đi trong hành trình tìm ra lối thoát cho riêng mình của từng nhân vật. Chia sẻ nỗi đau có thể là điều khó khăn nhất. Nhưng đó cũng là điều duy nhất khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.
Hẳn sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua cái tên Joachim Trier khi đã bước chân vào tìm hiểu nền điện ảnh phong phú của Bắc Âu. Khởi đầu bằng “Reprise”, bùng nổ ở “Oslo, August 31st” và kết thúc tại “The Worst Person in the World”, chỉ với trilogy Oslo, vị đạo diễn tài năng này đã trở thành nhân tố liên tục được bàn tán cũng như gây tò mò nhất nhì mỗi mùa Cannes. Nếu “Reprise” cuồng nhiệt khai phá khát vọng khẳng định bản thân của tuổi trẻ, “Oslo, August 31st” tựa lời độc thoại trầm lặng của kẻ đứng bên bờ vực mất mát, thì “The Worst Person in the World” – viên gạch cuối cùng của bộ ba – lại hiện lên như một bản hòa tấu ngổn ngang đặc tả tình cảnh của lớp trẻ giữa thế kỷ 21, lựa chọn vô vàn nhưng lạc lối cũng vô kể.

Phim theo chân Julie, một sinh viên y khoa trạc 30 với lý lịch chuẩn “con nhà người ta”. Thế nhưng, ẩn sau vỏ bọc ưu tú ấy thực chất là một cá tính xốc nổi được nuôi dưỡng trong thầm lặng và kín đáo. Các trọng điểm vốn định hình nên cuộc đời Julie lần lượt bị cô xáo trộn không ngừng, từ ngành học, công việc, cho tới cả các mối quan hệ yêu đương. Tất cả đều không gì khác ngoài những quyết định chóng vánh, như một cách để nhân vật tìm kiếm hình hài thật sự của chính mình. Dẫu vậy, “The Worst Person in the World” đến cuối vẫn không trao cho Julie một câu trả lời thỏa đáng, càng không cố gắng uốn nắn cô theo bất kỳ khuôn phép nào. Thay vào đó, bộ phim nhẹ nhàng lùi một bước, để Julie được sống, được sai, được lựa chọn, được từ bỏ và quan trọng hơn hết là được quyền chưa thấu hiểu mình – như một đặc ân đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.