4 mẫu thiết kế "bất diệt" trong lịch sử thời trang - Tạp chí Đẹp

4 mẫu thiết kế “bất diệt” trong lịch sử thời trang

Thời Trang

Đầm nhỏ màu đen (LBD) – Coco Chanel

Trong cuốn sách “Coco Chanel: The Legend and The Life“, tác giả Justine Picasdine đã nhận định: “Chiếc đầm nhỏ màu đen có thể đã xuất hiện từ lâu nhưng nó chỉ thực sự có sức sống kể từ khi Coco Chanel chạm tay vào. Sự kết hợp thiết kế đầm suôn từ lụa crepe với tay áo thon nhỏ cùng chuỗi ngọc trai đã được Tạp chí Vogue dự đoán sẽ là một kiểu “đồng phục” mới. Và thật sự là LBD còn vượt xa cả mong đợi.”

Chiếc đầm nhỏ màu đen do Coco Chanel thiết kế xuất hiện trên Tạp chí Vogue Mỹ năm 1926


Năm 1928, diễn viên Joan Bennett diện một chiếc đầm nhỏ màu đen với phom dáng suôn, dài ngang gối kết hợp cùng chiếc mũ quả chuông. 

Nữ diễn Elizabeth Taylor diện một thiết kế đầm đen ôm sát eo và xòe rộng ở phần chân rất nữ tính

Năm 1961, nữ diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn diện thiết kế của Hubert de Givenchy trong bộ phim “Breakfast at Tiffiany’s”. Và rất nhiều năm sau khi nhắc lại, người ta vẫn xem đây là một mốc son chói lọi khi điện ảnh đã tạo nên một dấu ấn thời trang kinh điển.

Những năm 60 của thế kỷ trước là thập niên của những thiết kế đầm mini với phom dáng suôn, chi tiết được tiết chế tối đa. Chỉ một chiếc đầm đen nhỏ đơn giản cũng đủ để làm bật lên vẻ đẹp cổ điển của nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve.

Đến năm 1970, thời trang lại quay về với nét duyên dáng đến từ sự cầu kì, tỉ mỉ. Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ – Jackie đã diện một chiếc đầm với nhiều chi tiết bèo nhún đắt giá để thể hiện sự sang trọng, sành điệu của mình. 

Năm 1994, hình ảnh công nương Diana tự tin bước đi trong chiếc đầm trễ vai táo bạo đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ

Chỉ cần nhìn vào những thiết kế LBD đẳng cấp luôn xuất hiện ở các sự kiện quan trọng, ta sẽ hiểu được tại sao đây luôn là một sáng tạo bất diệt. Vào năm 2008, tại buổi công chiếu “Hancock”, diễn viên Charlize Theron đẹp hút hồn trong chiếc đầm với cấu trúc bất cân xứng của Balenciaga.

Bar suit – Christian Dior

Lịch sử thế giới sang trang sau khi Thế chiến II kết thúc, thời trang cũng dần học cách thích nghi với mọi thay đổi của đời sống, xã hội. Những nhà thiết kế tài ba đương thời như Christian Dior vô tình phải gánh trọng trách mang đến hơi thở mới, trong lành và vui tươi hơn trong phong cách cho những người phụ nữ thời hậu chiến. Và thiết kế “Bar suit” kinh điển của Dior ra đời, được lấy cảm hứng từ chiếc đồng hồ cát ở Belle Époque. Sau khi nhìn thấy, Tổng biên tập Harper’s Bazaar – Carmel Snow đã phải thốt lên: “Christian thân mến, đây chắc hẳn là một cuộc cách mạng. Những thiết kế này của ông đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới (New look).”

Hình phác thảo (trái) và thiết kế thực tế trong bộ sưu tập Xuân Hè 1947 của Christian Dior. Thiết kế “Bar suit” với phần vai áo khoác ngang, thắt eo rồi xòe rộng ngang hông trở thành nguồn cảm hứng kinh điển cho rất nhiều những thiết kế sau này. 

Chiếc đầm “Junon” thuộc bộ sưu tập Thu Đông 1949 được coi như phiên bản nữ tính và lộng lẫy hơn của “bar suit”

Thiết kế “Bar suit” một lần nữa được xuất hiện trên sàn diễn khi Christian Dior có bài diễn thuyết tại Sorbonne năm 1955

Những thiết kế thuộc bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 1997 của Dior được thiết kế bởi John Galliano

Trong bộ sưu tập Haute Couture 2008, nhà thiết kế John Galliano đã mang tới nét sự tinh quái, cầu kỳ và huyền bí cho thiết kế “Bar suit”

Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2010, “Bar suit” trở về với phom dáng quen thuộc

Chiếc áo khoác màu đỏ này mang tới những dấu ấn mới dưới thời Raf Simons: cổ điển, hiện đại và rất mực nữ tính

Không chỉ xuất hiện trong các bộ sưu tập của Dior,  phom dáng nữ tính này còn có ảnh hưởng tới các thiết kế của những nhà mốt lừng danh khác (trái qua: Junya Watanabe, Mary Katrantzou)

Le Smoking suit – Yves Saint Laurent

Người bạn đời của Yves Saint Laurent – Pierre Berge từng nhận định: “Nếu Coco Chanel giải phóng phụ nữ, thì Yves Saint Laurent chính là người đã trao cho họ quyền lực”. Sự ra đời của thiết kế Le Smoking như một cú đánh trời giáng vào tư tưởng, sự tự tôn của các quý ông luôn coi suit là chuẩn mực, “lãnh địa” riêng của phái mạnh. Bằng ngôn ngữ thời trang, Saint Laurent dõng dạc tuyên bố: vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm không nhất thiết phải đến từ các thiết kế mềm mại hay phô bày quá nhiều da thịt.  

Diễn viên Pháp Catherine Deneuve làm mẫu cho những thiết kế Le Smoking của Yves Saint Laurent. Với các đường cắt may sắc bén, mọi chi tiết đều được tinh giản tối đa, còn lại ông để tinh thần, phong thái của những người phụ nữ ấy “lên tiếng.”

Nàng thơ Betty Catroux càng thể hiện được vẻ bất cần, ngạo nghễ của mình trong một thiết kế thuộc bộ sưu tập Haute Couture của Saint Laurent

Phá vỡ mọi quy chuẩn, tiền lệ, diễn viên Bianca (trái) đã làm nên lịch sử khi chọn chiếc áo khoác blazer trắng cùng chân váy dài làm trang phục cưới lúc kết hôn cùng Mick Jagger (phải) năm 1971

Năm 1973, Le Smoking trở thành “nhân vật chính” trên Tạp chí Vogue Bồ Đào Nha

Diễn viên Lauren Bacall luôn nhận được ưu ái của nhà thiết kế Yves Saint Laurent khi thường xuyên xuất hiện trên sàn diễn trong bộ Le Smokingsuit đã trở thành biểu tượng của thương hiệu

Dưới thời của nhà thiết kế Hedi Slimane, bộ Le Smoking khoác lên mình sự hiện đại và thanh lịch đầy cuốn hút (bộ sưu tập Xuân Hè 2013 của Saint Laurent)

Có người đã nói rằng: “Để cảm nhận được sự ảnh hưởng của Yves Saint Laurent, mọi người chỉ cần nhìn vào tất cả những phụ nữ đang được truyền cảm hứng từ bộ suit trứ danh.” (ảnh: Kate Moss)

Diễn viên Angelina Jolie (trái),…

… và cả nữ diễn viên trẻ tài năng Emma Watson là những tín đồ nhiệt thành của các thiết kế Le Smoking “cộp mác” Saint Laurent

Đầm quấn (wrap dress) – Diane von Furstenberg 

Phom dáng không mới, nhưng tư duy và cách thể hiện đã khiến cho chiếc đầm quấn (wrap dress) do Diane von Furstenberg thiết kế năm 1973 làm nên hình ảnh mới cho người phụ nữ hiện đại, tự do. Thiết kế ôm chéo ngực rồi tạo điểm thắt ở eo là đặc điểm giúp cho chiếc đầm tôn lên vóc dáng của người mặc rất tao nhã và nữ tính. Triển lãm “Journey of a Dress” được tổ chức năm 2014 đánh dấu chặng đường 40 năm bền bỉ mà đầm quấn đã đi qua và truyền cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ mang tinh thần của Diane von Furstenberg. 

Năm 1976, nhà thiết kế Diane von Furstenberg xuất hiện trên bìa Tạp chí Newsweek trong thiết kế đầm quấn đầu tiên với họa tiết vân gỗ lạ mắt. 

Đầm quấn trong chiến dịch quảng bá của Diane von Furstenberg năm 1989

Chiếc đầm quấn màu xanh ngọc với những họa tiết tuyệt đẹp như tiếp thêm năng lượng và sự tự tin cho ca sĩ Madonna khi cô diễn thuyết tại Tel Aviv năm 2004

Nữ diễn viên Amy Adams (trái) mặc thiết kế đầm quấn của Diane von Furstenberg trong phim “American Hustle”

Năm 2014 đánh dấu chặng đường 40 năm bền bỉ của đầm quấn và nó vẫn chưa hề có dấu hiệu thoái lui. Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2014, Diane von Furstenberg đã mang sức sống mới vào thiết kế kinh điển này với phom dáng và màu sắc đa dạng hơn. 

Người mẫu Miranda Kerr (trái) và công nương Kate Middleton (phải) là những tín đồ nhiệt thành của mẫu đầm mềm mại và luôn nữ tính này

Bài: Thy Lam

Ảnh: Dior, DVF, Chanel, Telegraph,…

logo
 

Thực hiện: depweb

22/07/2015, 23:04