Dẫu các chương trình hẹn hò thực tế luôn được xây dựng với mô-típ “xào đi nấu lại” cùng sự góp mặt của dàn “trai xinh gái đẹp” sở hữu profile khủng nhưng thiếu cá tính thì không thể phủ nhận là người xem vẫn khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của chúng. “Có bao nhiêu phần trăm người đến tham dự chương trình để tìm kiếm tình yêu thật sự?” là điều không ít khán giả quan tâm. Quen thuộc nhưng không nhàm chán, tranh cãi mà tạo được sự hào hứng cho các “anh hùng bàn phím”, còn điều gì ở chương trình hẹn hò thực tế đã khiến khán giả chấp nhận theo dõi nhiều đến như vậy?
Nhiều chương trình thực tế được xây nên dựa trên những toan tính của nhà sản xuất. Dù chỉ mang tính chất hư cấu nhưng họ không ngần ngại sử dụng loạt chiêu trò để thu hút lượng người xem. Người tham gia thậm chí còn không biết bản thân sẽ bị “nhào nặn” thành hình tượng như thế nào. Các nhà sản xuất sẵn sàng biến một người thành nhân vật phản diện bằng việc thêm thắt tình tiết và phóng đại nội dung. Với bất kỳ lời thổ lộ nào có khả năng “gây sốc” đều được họ chớp lấy thời cơ đưa lên sóng, bất chấp nguyện vọng của người chơi đặt ra là xây dựng niềm tin và mang đến hình ảnh tốt đẹp đến công chúng.
Trong một cuộc trò chuyện giữa tạp chí VICE với nhà sản xuất (giấu tên) – người đã có kinh nghiệm 10 năm ở lĩnh vực truyền hình thực tế, vị này tiết lộ rằng ngay khi tham gia chương trình, người chơi đã được nhà sản xuất ấn định nhân vật họ trở thành. Nhà sản xuất sẽ trao cho một vai chính diện hay phản diện, tùy thuộc vào khả năng “diễn” của họ. Chẳng may, người chơi phàn nàn về việc họ không hài lòng với cách mình được miêu tả trong chương trình, lập tức nhà sản xuất sẽ có cách đưa họ vào tình thế “chân trong, chân ngoài”. Do đó, không quá đỗi ngạc nhiên khi chương trình hẹn hò thực tế luôn khiến người xem phải mong chờ. Tất cả đều nằm ở ý đồ của nhà sản xuất.
Song, người này cũng tiết lộ thêm rằng anh đã từng chứng kiến một người chơi thú nhận rằng bản thân không thích tham gia cuộc hẹn hò do chương trình sắp xếp bởi cô gái kia là người gốc châu Á. Tuy nhiên, anh ta nhanh chóng thay đổi thái độ vì hiểu rằng đó là một bình luận mang tính phân biệt chủng tộc và không muốn chúng bị đưa lên sóng. Trái ngược với tâm trạng lo lắng của anh, nhà sản xuất chương trình đó nói rằng họ sẽ không sử dụng đoạn trên. Sau cùng, họ không giữ lời mà vẫn đưa nó vào, khiến người xem tranh cãi dữ dội.
Chính điều này đã phân chia hai nhóm người chơi đối nghịch nhau. Một bên tỏ vẻ khá e dè, lo ngại khi tham gia các chương trình hẹn hò. Họ cho rằng kể cả bạn khôn khéo đến mấy cũng chẳng thể nào nắm bắt được mánh khóe của các nhà sản xuất. Họ có đủ mọi cách khiến bạn làm tất cả điều mình muốn. Bên còn lại tỏ ra hào hứng, phấn khích và tò mò vì không biết các nhà sản xuất mang đến bản thân hình tượng như thế nào. Tuy nhiên, điều họ không ngờ rằng việc xây dựng hình ảnh theo kịch bản, biến mình thành hình tượng theo ý đồ cá nhân lại có thể dẫn đến những hệ lụy cũng như rắc rối không ngờ tới.
Anh chàng Honey Badger của show hẹn hò “The Bachelor” là một ví dụ điển hình. Tham gia chương trình này, Badger đã làm trái kịch bản và cố tỏ vẻ mình như một kẻ bất hảo. Anh thu hút người xem bằng sự quyến rũ cùng những trò đùa “lố lăng”, thậm chí anh còn tắt micro và dùng lời lẽ không nên để chỉ trích bạn đồng hành. Sự gồng ép đầy khiên cưỡng đi cùng trò đùa quá trớn của Honey Badger đã khiến anh hứng trọn cơn mưa chỉ trích từ người xem. Hơn thế, khán giả còn tìm đến trang cá nhân của anh để đả kích tinh thần.
Có thể thấy, nhà sản xuất đóng vai trò như người cầm trịch toàn bộ sân chơi hẹn hò thực tế. Họ chấp nhận đối diện sóng gió dư luận, bỏ qua những mâu thuẫn đạo đức, sẵn sàng thao túng ở quá trình xây dựng chương trình nhằm đạt mục đích tăng lượt tương tác.
Xu hướng luôn là từ khóa chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội trong những năm gần đây. Để có thể đứng đầu bảng xếp hạng thịnh hành, các nhà sản xuất không ngừng thay đổi format chương trình, tăng tính hấp dẫn, độ kịch tính để thu hút người xem. Đồng thời, quan sát và làm mới các thể loại cho chương trình nhằm tránh tình trạng đi vào lối mòn gây “bội thực”. Song song đó, nhà sản xuất phải luôn tìm kiếm những gương mặt nổi bật để có thể tiếp cận lượng khán giả tiềm năng và tăng thêm sức hút cho show. Ngoài người nổi tiếng, các tên tuổi tham gia cũng phải sở hữu profile ấn tượng từ người mẫu, bác sĩ, blogger đến doanh nhân với loạt thành tích đáng nể. Chính những yếu tố đó đã khiến người xem không thể rời mắt trước sự hào nhoáng và hoàn hảo của người tham gia.
“Possessed Love” đang là chương trình hẹn hò nhận được đông đảo sự quan tâm của khán giả. Khác với những format chương trình hẹn hò truyền thống trước đây, “Possessed Love” gây tiếng vang khi không có drama giữa các cô gái, không chiêu trò câu view. Hơn hết, người tham gia chương trình có xuất thân đặc biệt, đó là những người pháp sư, chuyên gia tarot và thầy tử vi. Đây được xem là thế giới hẹn hò “có một không hai” dành cho những người chơi hệ tâm linh.
Nếu trước đây, người chơi dựa vào ngoại hình, học thức hay tính cách để lựa chọn ra ý trung nhân, thì “Possessed Love” lại chọn “nửa kia” thông qua các phương pháp tâm linh. Chẳng hạn, trước khi gặp gỡ nhau, từng người sẽ xem thẻ bài ghi thông tin bát tự gồm ngày và giờ sinh của tất cả người tham gia. Sau đó, họ dựa vào nguồn năng lượng của bản thân để tìm ra người phù hợp với mình nhất. Nhờ sự mới mẻ và độc đáo, chương trình đã nhanh chóng trở thành một làn gió mới trong show truyền hình hẹn hò thực tế.
Không dừng lại ở show hẹn hò nam – nữ, các chương trình hẹn hò còn mở rộng hơn khi thực hiện series dành cho cộng đồng LQBTQ+. Không kém cạnh các show hẹn hò thông thường, những chương trình này “bỏ túi” nhiều thành tích đáng nể, thậm chí làm nên cơn địa chấn và thu về một lượng người hâm mộ “khủng”.
“The Boyfriend” của Nhật Bản do “ông lớn” Netflix cầm trịch được ra mắt vào hồi đầu tháng 7 là một ví dụ. Đây là show kết đôi hẹn hò dành riêng cho các chàng trai thuộc cộng đồng LGBTQ+. Tuy chỉ trải qua hơn nửa chặng đường, nhưng chương trình gây ấn tượng mạnh mẽ với giới khán giả đại chúng khi liên tục nằm ở danh sách “hot search” trên mọi nền tảng, đồng thời nhận được nhiều bình luận tích cực xoay quanh về show. Đặc biệt, vào tuần đầu tiên lên sóng, chương trình lập tức chiếm lĩnh vị trí thứ 8 trong “Top 10 chương trình được xem nhiều nhất thế giới của Netflix” của hạng mục không nói tiếng Anh. Bên cạnh đó, chương trình cũng được xếp hạng trong “Top 10 chương trình truyền hình” tại 6 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, HongKong, Singapore, Đài Loan, Brazil và New Caledonia.
Dẫu biết tỉ lệ thành đôi giữa các cặp tham gia rất khiêm tốn, nhưng nếu không tồn tại “chemistry” dường như chương trình hẹn hò bỗng trở nên vô vị, nhàm chán. Nó được xem như một loại gia vị không thể thiếu cho một show hẹn hò thực tế, đồng thời trở thành yếu tố quyết định tính thành bại của chương trình.
Phản ứng tình yêu được các cặp đôi thể hiện qua việc tìm hiểu lẫn nhau trong quá trình cùng chung sống, từ đó tìm ra người phù hợp nhất với mình để thành đôi. Hiển nhiên, ở quá trình này, “mập mờ” là trạng thái luôn được người xem đón nhận và hưởng ứng nồng nhiệt. Từng ánh mắt, cử chỉ, những lời nói quan tâm dành cho nhau hay hành động gần gũi của các cặp đôi tạo ra nhiều khoảnh khắc bùng nổ. Nhờ đó, họ tạo ra được nhiều OTP (One True Pairing) và lượng khán giả ái mộ riêng cho từng cặp đôi.
“We Got Married” là một trong số chương trình hiếm hoi ghi trọn điểm 10 của khán giả nhờ những màn phản ứng bùng nổ. Đặc biệt, hiệu ứng chương trình mạnh mẽ đến mức có cộng đồng người hâm mộ riêng theo từng mùa phát sóng, tạo ra nhiều chuỗi merchandise sau chương trình. Hơn thế nữa, người hâm mộ còn liên tục soi “hint” để chứng minh OTP của họ là thật dù đã trải qua nhiều mùa phát sóng.
Những năm gần đây, khán giả dần tỏ rõ sự nhàm chán đối với các show kết đôi, thế nhưng các nhà sản xuất vẫn liên tiếp cho ra mắt các chương trình với đa thể loại. Theo hãng tin Reuters, vào năm 2022, Hàn Quốc đã có ít nhất 20 chương trình hẹn hò thực tế được phát sóng trên truyền hình và các nền tảng phát trực tuyến tại châu Á, gấp ba lần số lượng show hẹn hò vào năm 2021.
Nguyên nhân sự việc này bắt nguồn từ câu chuyện người trẻ thờ ơ và từ chối hôn nhân. Vì thế, Chính phủ các nước này quyết định thúc đẩy thế hệ trẻ kết hôn thông qua những chương trình hẹn hò thực tế, giúp khơi dậy những cảm xúc khi yêu và lan tỏa hương vị ngọt ngào của thế giới yêu đương. Nhà sản xuất chương trình “Living Together without Marriage”, bà Kim Jin nhận định: “Bằng cách thể hiện lối sống cùng nhau, chúng tôi muốn mang đến cho xã hội một cái nhìn rõ ràng, khách quan và hiện đại hơn.”
Giáo sư tâm lý Lim Myung-ho của Đại học Dankook cho biết: “Bất chấp tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn ở các quốc gia châu Á đang rất thấp, nhưng các chương trình hẹn hò ngày nay rất phổ biến. Đó là bởi vì nhiều người người xem đang trải nghiệm ‘hiệu ứng nhận dạng’ thông qua niềm vui gián tiếp và sự đồng cảm khi xem các chương trình hẹn hò thực tế”. Mặt khác, cô Kim Yu Jin – người hâm mộ của chương trình “Singles Inferno 2” chia sẻ: “Nói đến hẹn hò, tôi chỉ có kinh nghiệm cá nhân, nhưng bản thân tôi có thể học hỏi từ người khác thông qua chương trình này, vì nó khá thú vị”. Dù với bất lý do nào, mục đích gì, lượng người xem ngày càng tăng đã tạo cơ hội cho các chương trình hẹn hò phát triển.