4 cô gái vàng Rowing - điểm nhấn xúc động trong lễ vinh danh "Tự hào Việt Nam!" - Tạp chí Đẹp

4 cô gái vàng Rowing – điểm nhấn xúc động trong lễ vinh danh “Tự hào Việt Nam!”

Giải Trí

Hồ Thị Lý từng bươn chải với nghề phụ hồ, Phạm Thị Thảo – nữ kiện tướng không biết… bơi nhưng 2 lần giành suất Olympic, Lường Thị Thảo – VĐV điền kinh, Tạ Thanh Huyền – VĐV bơi lội, nhưng lại cùng nhau “chèo” tới Olympic và giật luôn “Huy chương vàng môn chèo thuyền bốn nữ hạng nhẹ” tại ASIAD 2018.

Mạnh mẽ trên đường đua là vậy, nhưng khi đứng trên sân khấu lớn của Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 2018, 4 cô gái lại trở nên vô cùng nhỏ bé với những chia sẻ giản dị và xúc động khiến cả khán đài lặng đi…

“Làm vận động viên sướng hơn vì không phải… đi giày cao gót”

Qua màn hình nhỏ, người hâm mộ cả nước gặp 4 cô gái vàng trên sân khấu của Sân vận động Mỹ Đình chỉn chu trong trang phục áo đỏ, quần âu sáng. Và một chi tiết đặc biệt có lẽ chẳng mấy ai để ý: Ngày hôm nay họ đi giày cao gót!

Cả 4 cô gái dáng người mảnh khảnh bởi chế độ ép cân, những buổi tập luyện thường xuyên bất kể nắng mưa, bước từng bước lên bậc vinh danh có phần hơi khó khăn bởi những đôi giầy cao gót ít mang… Trong phòng chờ trước đó, một cô gái đã phải nhét thêm giấy ăn vào giầy để bớt đau chân và để “có lại cảm giác đang đi dưới mặt đất”.

“Phù thủy của những đôi giày cao gót” Christian Louboutin cho rằng: “Lấy đi một đôi giày của một người phụ nữ là lấy đi rất nhiều thứ khác của cô ấy”, thế nhưng 4 cô gái nhỏ này lại nói: “Làm vận động viên sướng hơn vì… không phải đi giày cao gót. Em thấy chạy 3 vòng quanh sân vận động còn dễ hơn đi giày cao”. Có lẽ, với họ lấy đi mái chèo là “lấy đi nhiều thứ khác” thì đúng hơn.

40535881_243271046337075_5559686039112515584_n-min-min
Nữ vận động viên Rowing phải nhét thêm giấy ăn vào giầy để đỡ đau chân

Và những chia sẻ khiến cả khán đài lặng đi vì xúc động

Trên sân khấu vinh danh, khi MC Thùy Linh hỏi về lý do đến với môn thể thao này, Hồ Thị Lý – cô phụ hồ bén duyên thể thao ngập ngừng chia sẻ bằng giọng nói đặc trưng chân chất của người con miền đất nắng gắt mưa nhiều. Cách đây 3 năm, trong một lần đi làm thêm công việc phụ hồ, Lý đã lọt vào “mắt xanh” của HLV Phan Văn Biên. Sau một thời gian vất vả làm quen với môn Rowing trong hoàn cảnh thiếu thốn cả thuyền lẫn địa điểm, thầy trò Lý vào Đà Nẵng, nơi có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất hơn để… tập nhờ. Chỉ sau đúng một năm, cô gái sinh năm 1991 bất ngờ giành 2 huy chương Bạc giải CLB toàn quốc và nổi lên như một hiện tượng lạ của làng đua thuyền.

doi-rowing-nu-viet-nam-oa-khoc-khi-doat-hc-vang-dau-tien-o-asiad-hinh-anh915350222351121631666
VĐV Phạm Thị Thảo và Hồ Thị Lý

Với người chị cả Phạm Thị Thảo, câu chuyện trong Lễ vinh danh lại xoay quanh những hy sinh thời gian bên gia đình để dành cho Rowing. Sinh nhật đầu tiên của cô con gái nhỏ cũng là thời gian cô thi đấu xa nhà. Khi biết mình giành huy chương vàng, cô và các chị em ôm nhau mừng rỡ, đơn giản chỉ vì: “Có tiền mua sữa cho con rồi!”.

Hành trình chinh phục huy chương Vàng ASIAD lần này của Thảo gian truân hơn rất nhiều so với những giải đấu trước. Sinh con gái đầu lòng tháng 8 năm ngoái, chỉ 3 tháng sau, cô đã lao vào tập luyện. Khi bé được 6 tháng tuổi, Thảo bồng bế con lên Hà Nội, ra Hải Phòng, tập luyện cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho ASIAD. Vì mưu sinh, chồng Thảo cũng phải rong ruổi khắp các tỉnh thành miền Bắc bán hàng để Thảo yên tâm tập luyện vì đam mê và vì màu cờ sắc áo của tổ quốc.

Lạ nhất là, Phạm Thị Thảo vốn không hề có hứng thú với môn chèo thuyền, do cô… không biết bơi, cho đến khi cô nhận được lời mời gia nhập đội tuyển chèo thuyền tỉnh Thái Bình. Dù vậy, cũng phải mất 2 tháng trời thuyết phục, các HLV chèo thuyền mới được cô học trò với sải tay dài khác thường này nhận lời.

Suốt 10 năm, Thảo xa nhà biền biệt để tập luyện. Cứ 5 giờ sáng, cô đã vác thuyền xuống nước, chèo hàng chục cây số bất kể nắng mưa. Nhìn mái tóc cháy nắng, làn da đen sạm, đôi tay chai sần… đủ khắc họa những vất vả cực nhọc mà Thảo và đồng đội đã trải qua – như mặt sau của những chiếc huy chương lấp lánh.

img_9844
4 nữ VĐV Rowing tại lễ vinh danh ”Tự hào Việt Nam!” với những đôi giày cao gót ít mang

Tạ Thanh Huyền – cô gái mạnh mẽ với mái chèo giành thắng lợi thần kỳ lại là cô gái mau nước mắt nhất. Khi nói về những phấn đấu, khổ luyện và những chiếc huy chương mà đoàn Rowing giành được, cô chỉ muốn dành sự biết ơn cho người thầy đáng kính – HLV trưởng bộ môn đua thuyền Trần Văn Sáu – người đã phát hiện và dìu dắt cô trở thành một VĐV đua thuyền hàng đầu Việt Nam.

Năm 2012, Huyền trở thành thành viên đội tuyển đua thuyền quốc gia. Tại ASIAD 17, Huyền giành được huy chương Đồng. Những năm sau đó, cô tiếp tục là cái tên ấn tượng của Rowing Việt Nam ở các đấu trường quốc tế… Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của Huyền là cùng đồng đội đổi màu tấm huy chương tại ASIAD 2018, và niềm mong ước của cô gái sinh năm 1994 đã trở thành hiện thực.

phamthi-thao
VĐV Tạ Thanh Huyền

Trên sân khấu vinh danh, cô em út của đội Rowing Việt Nam, Lường Thị Thảo, run run kể về cơ duyên đến với Rowing, về những lần tập luyện, những khó khăn, và cả những yêu thương, chiều chuộng mà các chị  dành cho cô.

Cô gái quê Sơn La ban đầu được lựa chọn vào đội điền kinh của tỉnh, và được cử xuống Hà Nội tập huấn. Bước ngoặt đến với Thảo khi cô lọt vào “mắt xanh” của Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo – Huấn luyện TDTT Quảng Bình – ông Lê Văn Núp. Ông đã về tận nhà Thảo ở Sơn La để thuyết phục bố mẹ cô cho con gái vào Quảng Bình tập luyện đua thuyền. Để rồi sau đó, Thảo liên tiếp tỏa sáng và giành những tấm huy chương vàng ở các giải trẻ quốc gia.

Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và trở thành nhà vô địch ASIAD 2018 khi mới 19 tuổi.

ly
Lường Thị Thảo – thành viên trẻ nhất của đội tuyển Rowing Việt Nam
4 cô gái vàng Rowing Việt Nam giành huy chương Vàng mục ''chèo thuyền bốn nữ hạng nhẹ" tại ASIAD 2018
Chia sẻ giản dị và xúc động của 4 cô gái vàng Rowing Việt Nam trở thành điểm nhấn của Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 2018, tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình tối 2/9.

Thực hiện: depweb

02/09/2018, 20:30