4 cách để không bị "chết chìm" trong cơn trì trệ - Tạp chí Đẹp

4 cách để không bị “chết chìm” trong cơn trì trệ

Sống

Tình trạng trì trệ thường thình lình xuất hiện, khiến bạn mất hết năng lượng và chẳng muốn làm gì nữa. Nếu cứ bị mắc kẹt ở trạng thái đó mãi, bạn sẽ lại vướng vào hàng tỉ vấn đề.

Đã nhiều hơn một lần bạn có một ngày thế này: Thức dậy và chỉ muốn nằm ì tại chỗ, thấy cuộc đời bỗng chốc vô nghĩa, công việc chẳng có gì đáng mong đợi và các mối quan hệ xã hội là điều phiền phức. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã rơi vào tình trạng trì trệ, một trạng thái chán ngấy tình cảnh hiện tại nhưng lại không biết làm gì tiếp theo.

Hãy giả sử “hoàn cảnh hiện tại” là một ốc đảo, “những việc muốn làm/những nơi muốn tới/người ta muốn trở thành” lại là một ốc đảo khác. Một người ở trạng thái bình thường sẽ ở ốc đảo này hoặc ốc đảo kia. Ngược lại, người trong tình trạng trì trệ sẽ ở chính giữa đại dương, càng ở lâu càng chìm xuống. Bạn sẽ chẳng đi được tới đâu, gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ xung quanh và thậm chí còn dẫn tới bất ổn tâm lý. Có thể bạn chưa biết, rằng họa sĩ là người hay gặp phải trạng thái này nhất. Nếu bạn đang mắc kẹt trong sự trì trệ, hãy thử qua 4 cách dưới đây đi kèm lời khuyên của các họa sĩ hàng đầu.

Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng!

Cơn trì trệ thường xuất hiện sau khi bạn trải qua hàng loạt vấn đề trong đời sống: mối quan hệ gặp trục trặc, công việc không thuận lợi hoặc không có sự thử thách, quá bận bịu đến độ không thể lắng nghe bản thân. Bạn nên dành thời gian để suy nghĩ về cơn trì trệ, khi hiểu được nguyên nhân thì bạn sẽ có giải pháp cụ thể và chuẩn xác hơn. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn lấy lại cảm giác tự chủ. Hãy đặt những câu hỏi như “Tại sao mình lại có cảm xúc như này? Nó bắt nguồn từ đâu, do yếu tố bên ngoài tác động hay từ chính bản thân mình?”. Tuy nhiên, hãy đưa ra những câu trả lời thành thực, giúp giải quyết vấn đề thay vì tự trách mình nhé!

Nghĩ về con người bạn muốn trở thành

Khi trong trạng thái trì trệ, nhiều người nghĩ rằng họ không biết làm gì tiếp theo. Đừng để cảm xúc đánh lừa, hãy ngồi xuống và gạch những đầu dòng trên giấy. Bạn sẽ ngạc nhiên vì độ tham vọng của mình: có ti tỉ thứ bạn muốn làm và có ti tỉ loại người bạn muốn trở thành. Đây là lúc bạn nên thành thực trả lời những câu hỏi như: Bạn muốn thay đổi điều gì? Bạn mong đợi điều gì ở nghề nghiệp và những người ở cạnh bạn? Phiên bản tốt hơn bạn hôm nay sẽ có những đức tính gì?

Lên kế hoạch chi tiết

Sau khi xác định được những việc muốn làm, bước sau đó sẽ là lập một bảng kế hoạch hoàn chỉnh. Đó đơn giản là một danh sách những việc phải làm vào ngày mai. Bạn hãy viết ra những thói quen tốt, thói quen xấu muốn bỏ đi, mục tiêu hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng. Ví dụ, nếu mục tiêu hằng tháng của bạn là đọc được 4 quyển sách, thì bạn sẽ phân bổ thành 1 quyển/tuần và xếp lịch để đọc sách vào cuối tuần hoặc mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Lưu ý, hãy lên kế hoạch với một tâm thế không phải lúc nào nó cũng hoàn hảo. Và nếu bạn không làm được hết những việc đã ghi ra, thì cũng đừng quá chán nản, vì bạn đã tốt hơn bạn của ngày hôm qua.

Xắn tay lên hành động

Trạng thái trì trệ khiến bạn nghĩ ngợi mãi về những chuyện mình nên làm. Nhưng tất cả sẽ chỉ là suy nghĩ nếu bạn không chịu xắn tay lên và biến nó thành hiện thực. Hãy bắt đầu bằng những việc làm nhỏ, dễ làm, nhưng có cam kết sẽ kiên trì thực hiện. Chỉ cần như thế, hiệu ứng “quả bóng tuyết” sẽ diễn ra, một hành động nhỏ kéo theo nhiều hành động khác liền sau. Có thể bạn nên trao đổi với sếp về công việc, kết nối lại với bạn bè hay bắt đầu những thói quen mới như nấu ăn, tập thể dục.

Tác giả: Hằng Trần

23/09/2021, 10:48