4 bài học sự nghiệp từ thánh kinh thời trang “The Devil Wears Prada” - Tạp chí Đẹp

4 bài học sự nghiệp từ thánh kinh thời trang “The Devil Wears Prada”

Lifestyle

Sau gần 2 thập kỷ ròng rã chờ đợi, người hâm mộ tựa phim “The Devil Wears Prada” đã nhận được điều họ hằng mong muốn: Disney xác nhận là sau 18 năm, phần tiếp theo của bộ phim thời trang đình đám một thời đã chính thức được thực hiện, với sự trở lại của hầu hết dàn diễn viên mang tính biểu tượng như “bộ ba” Meryl Streep, Anne Hathaway và Emily Blunt. Ngoài khắc hoạ thế giới hào nhoáng của thời trang, hình ảnh cô nàng Andrea Sachs (Anne Hathaway) bị “ném” vào một môi trường làm việc khắc nghiệt, và rồi từng bước “lội ngược dòng” đã truyền cảm hứng cho không ít cô gái trẻ. Vậy 4 nguyên tắc nào từ bộ phim này các cô gái cần ghi nhớ nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp?

“Sự bình tĩnh là nền tảng của sức mạnh”

“The Devil Wears Prada” (2006)  theo chân cô trợ lý Andrea Sachs (nickname Andy) dấn thân vào thế giới hào nhoáng của thời trang để theo đuổi ước mơ làm nhà báo, dù kinh nghiệm của cô ở lĩnh vực này chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Là cánh tay phải của tổng biên tập tạp chí Runway – Miranda Priestly (Meryl Streep), Andy trải qua vô vàn thử thách trước khi được công nhận. Được biết rằng Miranda Priestly được lấy nguyên mẫu từ Anna Wintour, tổng biên tập quyền lực của tạp chí Vogue, và cũng được mệnh danh là “bà đầm thép” của ngành thời trang.

Miranda Priestly là người sếp mang tính biểu tượng nhất trong văn hóa đại chúng. Dù khắc nghiệt, nhưng không thể phủ nhận cô được người trong ngành kính trọng và làm tốt công việc của mình. Miranda không bao giờ cao giọng, nổi cơn thịnh nộ hoặc ném đồ đạc vô cớ… Từng yêu cầu tưởng chừng như vô lý của vị tổng biên tập đều khiến Andy trau dồi kỹ năng chuyên môn và trở nên khá hơn mỗi ngày. Một điểm đặc biệt là  Miranda luôn nói nhẹ nhàng, rõ ràng, nhưng ai nấy đều phải lắng nghe.

Chưng diện không có nghĩa là phù phiếm

Những năm 2000s đánh dấu sự lên ngôi của thời trang cao cấp. Loạt phim “Sex and the City” đã biến những đôi giày Manolo Blahnik trở thành ước mơ của những cô gái trẻ, bộ phim truyền hình “Gossip Girl” thì quyến rũ người xem với những chiếc túi xa xỉ từ các nhà mốt đình đám như CHANEL, Hermès, Prada…Và nếu nhắc đến những tựa phim mang tính biểu tượng về thời trang, chúng ta không thể nào bỏ qua “The Devil Wears Prada” khi đã khéo léo nắm bắt tất cả các xu hướng và vẫn là nguồn cảm hứng thời trang bất tận cho đến bây giờ.

Thoạt tiên, Andy không hề quan tâm tới thời trang. Ở đầu phim, cô xuất hiện với trang phục xuề xòa – áo sơ mi nhăn nhúm với phần cổ kéo ra ngoài chiếc áo len cũ, cùng chiếc chân váy dài kẻ caro “lệch tông” hoàn toàn so với tổng thể trang phục. Tính chất công việc trong ngành thời trang đòi hỏi cô phải thay đổi, sau khi diện những thiết kế sành điệu hơn, Andy hiểu được rằng trang phục hàng ngày có thể như một lớp “áo giáp” giúp cô tự tin hơn, và thậm chí có thể làm việc tốt hơn.

Trong vai trò một phụ nữ có địa vị xã hội, phong cách thời trang của Miranda tập trung vào “quiet luxury” (sự sang trọng thầm lặng), phù hợp với hình tượng một người “sếp tổng” khó gần. Ngoài việc khéo léo che đi những nhược điểm về vóc dáng, những chiếc áo khoác chính là chìa khoá giúp cô toát ra đẳng cấp của một người đứng đầu tạp chí thời trang. Vậy nên xuyên suốt bộ phim, Miranda Priestly không cần phải nói quá nhiều mà người xem vẫn cảm nhận được “khí chất ngời ngời” cùng quyền lực vô hình của “bà đầm thép” làng mốt.

Đừng mạo hiểm sức khỏe vì công việc

Điều này nghe có vẻ khá hiển nhiên trong thời đại ngày nay, khi mà chúng ta dành nhiều sự quan tâm hơn để chăm chút cho sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, “The Devil Wears Prada” đã cho khán giả thấy rằng từng có một thời kỳ sự tận tụy với công việc mới là thứ được ưu tiên đặt lên hàng đầu. 

Trong thế giới sặc sỡ xa hoa của tạp chí Runway, văn hóa “làm việc hết mình” đã trở thành kim chỉ nam để thăng tiến. Đó là khi các trợ lý của Miranda Priestly phải chịu đựng những tiếng chuông điện thoại bất kể đêm hay ngày, phải săn lùng “luôn và ngay” những chiếc khăn Hermès còn chưa kịp đặt lên kệ, và cả các bản thảo truyện chưa từng được công bố cho…con “sếp tổng”. Hãy thử nhìn vào cô trợ lý kỳ cựu Emily Charlton (Emily Blunt) mà xem. Cô đã làm việc mệt nhoài suốt nhiều năm với hy vọng được mời đến Tuần lễ Thời trang Paris, nhưng cuối cùng khi có cơ hội thì Emily đã hoàn toàn kiệt sức đến nỗi phải ở nhà và nhường chỗ cho Andy.

Bạn hoàn toàn có quyền nói “không” với công việc trong mơ

Ở một trong những phân cảnh cuối cùng của phim, Andy hỏi sếp của mình rằng: “Nếu tôi không muốn sống theo cách của bà thì sao nhỉ?”. Câu hỏi này đã gợi mở ra cho khán giả rất nhiều suy ngẫm. Từ xuất phát điểm chỉ là con số 0, Andy Sachs cuối cùng cũng chạm tới đỉnh cao danh vọng và nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp. Nhưng đổi lại, cô đã phải hy sinh hạnh phúc và đánh đổi cả cuộc sống bình yên của mình. Không chỉ thế, khi càng nhìn vào hình ảnh thành công của Miranda, Andy càng nhận ra rằng điều duy nhất đang chờ đợi cô đằng sau ánh sáng rực rỡ của công việc này chỉ có sự cô độc. Vậy liệu sự đánh đổi này có đáng không? Câu trả nằm ở quyết định của mỗi người. Còn với Andy, trong khoảnh khắc đó, cô quyết định rời bỏ hào quang hiện tại để được sống với những giá trị mà cô trân quý.

Đằng sau những bộ trang phục lộng lẫy, xa hoa cùng những buổi tiệc xa xỉ, “The Devil Wears Prada” đã truyền tải một bài học cuộc sống vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ: Dù cho chúng ta đã phải nỗ lực ra sao và đánh đổi nhiều như thế nào để có được công việc hiện tại, chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền lựa chọn rời đi khi nó không còn phù hợp với những giá trị mà bản thân chúng ta hướng đến nữa. 

Tác giả: Nhật Hà

17/07/2024, 14:59