Chỉ sau 10 ngày ra rạp, siêu phẩm “Thanh Xuân 18×2: Lữ Trình Hướng Về Em” đã cán mốc doanh thu 21 tỷ đồng, khẳng định vị trí top 1 phòng vé tại Việt Nam. Ngoài câu chuyện lãng mạn đầy da diết, bộ phim cũng ẩn chứa những thông điệp nhân văn về du lịch chữa lành.
Có lẽ một trong những điểm nhấn đặc biệt của tác phẩm chính là mạch phim chậm rãi, giống như hoài niệm khắc khoải về một thời thanh xuân đã qua của Jimmy. Khi vừa mất đi công ty game do chính mình sáng lập, chợt nhận ra bao lâu nay anh đã bỏ quên bản thân, vùi đầu vào công việc rồi trở nên vô cảm, Jimmy quyết định tạm gác lại mọi bộn bề trong cuộc sống để xách balo lên đường đi du lịch. Mạch phim ở thời hiện tại mang lại cảm giác lê thê, buồn tẻ nhưng khắc họa đúng tâm trạng của một Jimmy 36 tuổi mất đi sự nghiệp, phương hướng và có lẽ là chính bản thân anh lúc bấy giờ.
Chỉ đến khi hồi tưởng lại từng đoạn ký ức về năm 18 tuổi, Jimmy mới nhận ra mình đã bị cuốn vào vòng xoáy của thời gian mà quên đi ý nghĩa thật sự của cuộc sống hiện tại. Lúc này, anh mới thật sự thả lỏng để tận hưởng từng giây phút của chuyến hành trình này, thay vì chăm chú hướng về đích đến như trước. Giống như Jimmy, đôi khi chúng ta du ngoạn nhưng lại quá chú trọng vào điểm đến và những gì chưa xảy ra nên quên mất rằng, du lịch chính là khoảng thời gian quý giá để sống chậm lại, cho bản thân cơ hội tận hưởng trọn vẹn từng giây phút mà không phải lo nghĩ về quá khứ hay tương lai.
Xuyên suốt bộ phim, những câu nói về du lịch đã cho người xem nhiều chiêm nghiệm – “Du lịch thú vị ở chỗ, ta không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo”, “Nghỉ ngơi là để đi được quãng đường dài hơn”, hay “Du lịch là quá trình nhìn nhận lại hành trình của bản thân” lặp lại với tần suất cao. Chuyến độc hành của Jimmy tới Nhật Bản có lẽ không phải để tìm kiếm điều gì mới, mà là để thẳng thắn đối diện với lòng mình, với nỗi đau của quá khứ, sự vô tình ở hiện tại, học cách buông bỏ những chấp niệm đã cũ để hướng về ngày mai tươi sáng hơn.
Phiên bản Jimmy 18 tuổi là một chàng trai vô tư, hoạt bát, sống hết mình với đam mê và tình yêu. Còn phiên bản của anh năm 36 tuổi lại khác hẳn – dường như anh đã chôn vùi sự chân thành, nhiệt huyết của mình sau những năm tháng chật vật với sự nghiệp. Tạm dừng những bộn bề của cuộc sống để lên đường, du lịch để tìm lại chính mình chính là như thế. Có thể bạn sẽ nhận ra, dù lớn đến đâu, sâu thẳm trong chúng ta vẫn là những đứa trẻ háo hức với những chuyến đi và trải nghiệm mới.
Khi Jimmy mở lòng hơn, chúng ta nhận ra chuyến đi của anh không hề đơn độc. Ở mỗi điểm dừng, anh lại gặp những câu chuyện, con người khác nhau, mà “mỗi người đều để lại một cảm giác đặc biệt trong tim”. Họ không hề quen biết, nhưng cứ thế giao nhau tại một điểm và trở thành ký ức tự nhiên đẹp đẽ trong cuộc đời. Bác chủ tiệm mì đồng hương, cậu bạn quen trên chuyến tàu đi qua đường hầm tới xứ sở tuyết trắng hay cô nhân viên ở quán Netcafe đều là những mối nhân duyên đúng người – đúng thời điểm mà Jimmy vô tình gặp được trên hành trình xa xứ của anh. Làm sao anh có thể nắm bắt được những điều quý giá đó nếu không dám chủ động bước ra khỏi vùng an toàn?
Bộ phim khuyến khích chúng ta đừng ngần ngại dành thời gian cho những chuyến đi một mình bởi giống như Jimmy, mỗi người ta gặp, mỗi hoàn cảnh ta trải qua đều đem đến một trải nghiệm và góc nhìn hoàn toàn mới về nhân sinh, vạn vật trong vũ trụ bao la. Biết đâu sau những chuyến độc hành, ta lại tìm được những người bạn tri âm tri kỉ, hay đơn giản chỉ là một ký ức tươi đẹp như gió nhẹ thoảng qua nhưng khắc ghi cả một thời thanh xuân.
Sự kết hợp bối cảnh đan xen giữa Nhật Bản – Đài Loan mang tới những thước phim đẹp như mơ. Những cảnh quay đưa người xem cùng đi du lịch qua những ngày hạ êm đềm ở Đài Nam khi Jimmy và Ami tham gia lễ hội đèn lồng rực rỡ và linh thiêng, cùng đi xem phim, dạo phố và khám phá khu chợ đêm trên chiếc xe máy cổ. Khi ở một vùng đất xa lạ, dường như ta được tự do hơn để làm những điều mình muốn mà chẳng sợ ai phán xét hay đánh giá.
Tới khi Jimmy 36 tuổi quyết định lên đường tới Nhật Bản, khung cảnh khoáng đạt của mây trời và núi non xứ Phù Tang lại mở ra một “chương” khác trong phim, vừa tĩnh mịch, sâu lắng, vừa yên bình đến lạ. Những thước phim đi cùng chuyến độc hành của nhân vật được bao phủ trong gam màu xanh – trắng lạnh lẽo, ảm đạm của mùa đông buốt giá. Dãy núi tuyết phủ trắng xóa và nền trời xanh thẳm như nuốt trọn lấy nỗi buồn bất định của Jimmy khi bước xuống con tàu, đặt chân lên vùng đất nơi anh gửi gắm lời hẹn ước thời niên thiếu với mối tình đầu dang dở. Dẫu bất định, nhưng chuyến đi này đã mở ra cho anh một chân trời mới, tìm lại sự tự do quý giá của tuổi trẻ – sự tự do khi chẳng có gì để mất.
Phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa – dù còn trẻ, hay đã đi qua tuổi trẻ, con người ta vẫn luôn có cái đặc quyền được tự do rong ruổi, tự do lên đường nghỉ ngơi hay khám phá những chân trời mới. Và đó cũng là bản chất và cái đẹp của sự dịch chuyển.