35 cách rèn luyện trí thông minh cho trẻ

Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến các bậc phụ huynh đau đầu với việc sáng tạo các hoạt động giúp kích thích phát triển trí thông minh của trẻ. Hãy để 35 hoạt động vui nhộn và rất cụ thể dưới đây giúp đỡ bạn.

Kích thích thị lực của bé

1. Nhìn thẳng vào mắt bé và biểu lộ thái độ: Tận dụng những khoảnh khắc khi mà em bé mở mắt ra rồi nhìn thẳng vào mắt bé. Trẻ nhận ra các khuôn mặt rất sớm và khuôn mặt của bạn với trẻ là quan trọng nhất. Khi bé nhìn bạn, việc ghi nhận khuôn mặt vào trí nhớ của bé cũng đồng thời diễn ra.

2. Làm mặt sinh động: Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em mới sinh 2 ngày tuổi có thể bắt chước những biến đổi đơn giản trên mặt. Đây là biểu hiện ban đầu của kỹ năng giải quyết vấn đề.

3. Luyện phản xạ cho bé: Cho bé soi gương. Đầu tiên, bé có thể nghĩ là bé đang nhìn một em bé dễ thương khác, nhưng bé sẽ thích khi làm cho em bé trong gương cũng vẫy tay và cười.

4. Rèn luyện khả năng phân biệt cho bé: Bạn treo hai bức tranh cách bé khoảng 20 đến 30 cm. Hai bức tranh này phải có những điểm khác nhau. Em bé sẽ nhìn tới nhìn lui và tìm ra được những điểm khác nhau. Điều này tạo lập những bước đầu cho việc nhận mặt chữ và khả năng đọc sau này của bé.

Trò chuyện, trêu chọc cho bé cười

5. Nói chuyện: Khi bạn nói chuyện, ban đầu có thể bé sẽ nhìn bạn ngây ngô nhưng hãy dừng lại một chút cho bé bi bô. Bé sẽ sớm bắt kịp nhịp trò chuyện và bắt đầu biết phản ứng lại thay vì chỉ tròn mắt nhìn.

6. Hát cho bé nghe: Nếu có thể bạn hãy học thật nhiều giai điệu và vừa hát vừa thay tã cho bé, tắm cho bé… Một số nghiên cứu nói rằng học các điệu nhạc cũng hỗ trợ cho việc học toán của bé sau này.

7. Cung cấp thông tin cho trẻ: Trước khi ấn công tắc để bật đèn bạn nói “Mẹ sẽ bật đèn bây giờ”. Qua đó, bạn sẽ dạy cho bé một quá trình gồm nguyên nhân và hệ quả. Bé hiểu khi ấn công tắc thì đèn sẽ sáng.

8. Cù vào các ngón chân của bé: Điều đó làm bé cười và cười là bước đầu tiên trong việc phát triển tính hài hước của bé.

9. Làm mặt hài hước: Bạn có thể phồng má lên và bảo con chạm vào mũi bạn. Khi bé chạm vào thì bạn xẹp má xuống. Hoặc bạn bảo bé kéo tai bạn và bạn thè lưỡi ra… Bạn cũng có thể tạo ra các âm thanh vui nhộn khi bé vỗ vỗ vào đầu bạn. Hãy lặp lại khoảng 3-4 lần, sau đó thì thay đổi các phản ứng của bạn để bé phải đoán.

Gần gũi bé bất cứ khi nào có thể

10. Cho bé “ti” mẹ, nếu có thể: Thực tế là những em bé được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn. Ngoài ra, cho con bú là khoảng thời gian tuyệt vời vì người mẹ ngoài gần gũi với con qua tiếp xúc cơ thể còn có thể hát ru, trò chuyện hoặc xoa đầu con.

11. Cho trẻ xem TV vừa đủ: Não của bé cần những tương tác trực tiếp. Không chương trình TV nào có thể cung cấp được điều này.

12. Chơi tự do với bé: Dành vài phút mỗi ngày chỉ đơn giản là ngồi xuống sàn với bé. Để cho bé tự khám phá, nghịch ngợm và xem sự sáng tạo của bé đưa bạn đi đến đâu.

Cả nhà cùng chơi

13. Chơi dưới sàn: Bạn nằm dưới sàn để cho bé bò xung quanh hoặc trèo lên người bạn. Điều này giúp tăng khả năng hòa hợp và kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ.

14. Tạo ra những chướng ngại vật: Bạn sắp xếp ghế, gối, đồ chơi… dưới sàn sau đó chỉ cho trẻ cách bò vòng quanh hoặc trèo qua các vật cản.

15. Nào cả nhà cùng nhảy: Bạn bật nhạc vui nhộn rồi khuyến khích bé nhảy nhót, múa hoặc xoay như diễn viên ba lê.

16. Chơi trò đi tàu: Bạn dẫn bé bò hoặc chạy quanh nhà, thi thoảng bạn thay đổi tốc độ di chuyển và dừng ở những nơi thú vị trong nhà để chơi.

Khám phá những không gian mới

17. Chia sẻ những gì bạn nhìn thấy: Nếu bé biết đi, bạn cho bé đi bộ cùng bạn và thuật lại cho bé những gì mà bạn thấy như “Đây là con cún” hoặc “Con của bố/mẹ hãy nhìn những cái cây rất to này mà xem” hoặc “Con có nghe thấy tiếng động cơ xe không?”…điều này sẽ tạo cơ hội mở rộng vốn từ, hình ảnh và âm thanh cho bé.

18. Cho bé đi mua sắm: Cứ cuối tuần bạn đi siêu thị mua sắm, hãy đưa bé đi cùng để thay đổi không gian quen thuộc ở nhà bằng không gian siêu thị sinh động, rộng rãi. Nơi đây có nhiều người, nhiều loại âm thanh, màu sắc và cũng là nơi lý tưởng cho bé giải trí.

19. Thay đổi không gian quen thuộc của bé: Ví dụ, bạn có thể thường xuyên chuyển chỗ ngồi của bé. Điều này sẽ mang lại cho bé một thách thức nhỏ khi bé phải nhớ xem mọi thứ được đặt ở đâu trên bàn ăn.

Đùa với bé

20. Thổi vào người bé: Thi thoảng tạo sự thích thú cho bé bằng cách thổi nhẹ lên mặt bé, tay bé và bụng/rốn bé. Bạn tạo các kiểu thổi khác nhau vào người bé rồi chú ý xem phản ứng của bé.

21. Chơi trò đoán đồ vật bị giấu: Bạn lấy một vài hộp nhỏ bằng nhựa, giấu một trong những đồ chơi của bé trong đó. Đảo qua đảo lại các hộp và đố bé tìm được hộp có đồ chơi.


22. Chơi trò ú òa: Trò chơi này của bạn sẽ làm bé rất vui. Bé học được rằng các đồ vật biến mất và ngay sau đó có thể xuất hiện trở lại.


Dạy bé ngôn ngữ và học đếm

23. Học chữ: Bạn có thể dành mỗi tuần cho một chữ cái. Ví dụ, bạn đọc những quyển sách bắt đầu với chữ A, ăn những món ăn bắt đầu với chữ A, xếp món ăn thành hình chữ A…

24. Đếm đồ vật: Khi bé chơi xếp hình, bạn cùng bé đếm xem bé xếp được bao nhiêu miếng ghép, hoặc cùng bé đếm số bước chân, số ngón tay và ngón chân của bé. Bạn nên tập thói quen đếm thật to và bé sẽ đếm cùng bạn.

25. Đọc sách: Bạn đọc sách cho bé và đọc đi đọc lại để bé quen mặt chữ. Điều đó cũng giúp bé ghi nhớ và tăng vốn từ vựng.

26. Kể chuyện nhập vai: Bạn chọn câu chuyện bé thích và thay thế nhân vật chính bằng tên của bé. Điều đó sẽ làm bé thích thú

27. Đi thư viện: Hãy tranh thủ đưa bé đi thư viện, xem múa rối, triển lãm sách…

Lưu giữ các kỷ niệm

28. Làm album gia đình: Trong đó có ảnh chụp những người họ hàng gần, xa và cho trẻ xem album đó thường xuyên để giúp phát triển trí nhớ của trẻ. Khi bà nội/ngoại gọi điện, hãy cho bé xem ảnh của bà và nói chuyện cùng với bà.

29. Làm sách về động vật: Sau mỗi chuyến đi của bé đến sở thú, bạn chụp ảnh những con vật yêu thích để trong album các loài vật. Sau đó, đề tên các con vật hoặc thêm những câu chuyện, âm thanh của chúng ở cạnh.

30. Xem video về bé: Cả nhà cùng xem lại video gia đình về bé, như lần đầu tiên bé được tắm, khi bé học lẫy, khi bé chơi với ông bà… đồng thời, bạn kể lại câu chuyện liên quan cho bé nghe để rèn luyện trí nhớ cho bé.

31. Chơi trò ghi nhớ ảnh: Bạn chụp ảnh chân dung những người thân trong gia đình và rửa 2 tấm mỗi kiểu để chơi trò chơi ghép hình. Bạn đặt các bức ảnh xuống sàn nhà và cùng bé tìm ra hai bức ảnh giống nhau. Sau này khi bé lớn hơn, bạn có thể thay đổi trò chơi bằng cách úp các ảnh xuống để bé tìm được bức ảnh phù hợp.

Lưu ý đối với các bé mới biết đi

32. Mở rộng trí tưởng tượng: Bạn chỉ ra những chi tiết nhỏ trong bức tranh và hỏi bé thật nhiều câu hỏi từ cụ thể cho đến trừu tượng để giúp bé tưởng tượng ra các câu chuyện.

33. Tập cho bé làm chủ quyết định: Bạn sẽ tăng sự tự tin cho trẻ bằng cách để cho bé phải lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Bé sẽ học được rằng các quyết định của bé sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau.

34. Trò chuyện về một ngày đã qua: Ba/mẹ ôm ấp bé trên giường và hỏi bé chuyện gì làm bé vui/buồn ngày hôm đó. Điều gì làm bé thấy tự hào hay cáu giận. Bằng cách đó, ba/mẹ sẽ giúp bé hồi tưởng lại một ngày đã qua, hiểu như thế nào là quá khứ và biết cách gọi tên các cảm xúc. Đây là một hoạt động cần duy trì cho đến khi trẻ lên trung học.

35. Cho bé làm việc: Các bé có thể giúp bạn phân loại quần áo màu tối và màu trắng trước khi mang đi giặt. Bạn hãy luyện cho bé để bé có ý thức giúp đỡ ba/mẹ ngay từ khi còn nhỏ.

Huyền Lưu
Biên dịch theo Parents.com
Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn.


From the same category