3 ngân hàng 'kẹt' trong vụ giải cứu công ty đại gia Diệu Hiền - Tạp chí Đẹp

3 ngân hàng ‘kẹt’ trong vụ giải cứu công ty đại gia Diệu Hiền

Tin Tức

Những nghi vấn về chủ sở hữu mới của 25 triệu cổ phiếu tại Bianfishco mà bà Diệu Hiền hiện vẫn chưa được làm rõ. Sự việc này có liên quan tới 3 ngân hàng lớn là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) và Ngân hàng cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) do ông Đỗ Quang Hiển làm chủ tịch.

 

Việc bà Diệu Hiền thực sự đã làm gì với 25 triệu cổ phiếu tại Thủy sản Bình An vẫn chưa được làm rõ.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền sở hữu 50% cổ phần của Công ty Thủy sản Bình An. Tuy nhiên, trước khi vụ việc vỡ nợ của công ty này nổ ra, bà Hiền đã đem 25 triệu cổ phiếu (tương đương 125 tỷ đồng) thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thanh Niên cho biết, sau khi thế chấp tại VDB, bà Hiền lại đem bán sổ cổ phần này cho một công ty khác tại Hà Nội. Về phần mình, công ty này lại ủy quyền toàn bộ cho SHB đứng ra đàm phán, xử lý và hưởng mọi quyền lợi liên quan đến số cổ phần này.

Theo biên bản làm việc ngày 26/7 giữa Công ty Thủy sản Bình An, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), mà VnExpress.net có được, cả 3 bên đã đi đến thống nhất đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ ghi nhận Ngân hàng SHB (chứ không phải Ngân hàng Phát triển Việt Nam) là cổ đông nắm giữ 25 triệu cổ phần của Bình An (tương đương 50% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, vấn đề sở hữu cổ phần của Bianfishco còn có liên quan tới Habubank do trước đây ngân hàng này có đầu tư góp vốn vào công ty của nữ đại gia Diệu Hiền. Qua kết quả kiểm toán độc lập của Ernst & Young Việt Nam về việc soát xét hoạt động của Habubank, Habubank đã góp vốn đầu tư vào Bianfishco.

 

Lãnh đạo 3 bên đã ký cam kết thực hiện viện bảo lãnh và giải chấp tài sản của Công ty Bình An, trong đó có 25.000.000 cổ phần của nữ đại gia Diệu Hiền. Ảnh: Thiên Phước.

Thế nhưng, do sáp nhập Habubank nên Ngân hàng SHB cũng phải đứng ra xử lý các khoản đầu tư góp vốn, cho vay trước đây của Habubank. Theo tờ trình SHB gửi UBND TP Cần Thơ ngày 7/6, Habubank góp vốn mua 5 triệu cổ phần với giá 16.000 đồng một cổ phiếu, trị giá 80 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ của Bianfishco). Ngoài ra, còn một khoản mua có kỳ hạn 25 triệu cổ phiếu Bianfishco, trị giá 125 tỷ đồng (đây có thể chính là số cổ phần bà Diệu Hiền đã đem thế chấp VDB). Một khoản ủy thác đầu tư khác Habubank mua 9 triệu cổ phiếu Bianfishco, trị giá 62 tỷ đồng. Như vậy, Habubank nắm giữ 39 triệu cổ phiếu (trị giá 267 tỷ đồng – tương đương 78% vốn điều lệ của Bianfishco.

“Như vậy, sau khi Habubank sáp nhập vào Habubank thì SHB trở thành cổ đông lớn của Bianfishco”, tờ trình của SHB cho hay. Ngoài ra, tờ trình này cũng cho hay, hiện SHB đã hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho Habubank gần 5.000 tỷ đồng. Với lợi thế là cổ đông lớn, có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm trong tái cấu trúc doanh nghiệp, SHB đề nghị Thành ủy, UBND TP Cần Thơ chấp thuận để SHB là đầu mối chủ trì tái cơ cấu toàn bộ cho Bianfishco, bao gồm cả thu xếp tài chính).

Do đó, thực chất Ngân hàng SHB nắm 50% hay 78% vốn điều lệ của Bianfishco? Hiện tại, biên bản đề nghị công nhận SHB là cổ đông lớn nắm 50% vốn điều lệ của Bianfishco đã được gửi lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của Công ty mua bán nợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính (DATC) – đơn vị trực tiếp đứng ra thực hiện tái cơ cấu Bianfishco – xác nhận có sự việc tranh cãi này khiến SHB chưa được công nhận là cổ đông lớn. Vị này cho hay, các vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển nhượng cổ phần để chứng minh Bianfishco và các bên có thực sự tiến hành mua bán hay không.

Lãnh đạo của Sở Kế hoạch Đầu tư TP Cần Thơ cho biết đã nhận được văn bản đề nghị thay đổi chủ sở hữu số cổ phần tại Bianfishco nhưng do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên chưa thể chấp nhận. Vị này cũng cho hay, dự kiến ngày mai (4/8), Sở sẽ có cuộc gặp mặt ba bên giữa Bianfishco và các ngân hàng liên quan để làm rõ vấn đề này. Về phần mình, lãnh đạo Ngân hàng SHB sẽ công bố thông tin cụ thể sau cuộc họp ngày mai cũng như khi có ý kiến từ cơ quan chức năng về sự việc này.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cũng đang là chủ nợ của Bianfishco cho biết, công ty của bà Diệu Hiền là một trong những doanh nghiệp để lại nợ xấu lớn nhất cho ngân hàng ông và việc xử lý các khoản nợ của công ty này rất phức tạp. Tuy nhiên, vị này cho biết thêm, một ngân hàng không được sở hữu quá 11% vốn điều lệ của một doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà) cho biết, hiện mới chỉ có quy định ngược lại, một cá nhân – tổ chức không được sử hữu quá 10% vốn của một tổ chức tín dụng. Trong khi đó, vẫn chưa có quy định cụ thể về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của ngân hàng tại một doanh nghiệp.

 

Theo VnExpress

Thực hiện: depweb

03/08/2012, 16:32