3 lý do bạn không thể bỏ lỡ “Phim Hoạt hình Xuất sắc Nhất” của Quả cầu Vàng 2025

Tuy “Flow” vẫn còn khiêm tốn với công chúng nhưng nó đã chứng minh được tính điện ảnh của mình khi vượt mặt những cái tên sừng sỏ như “The Wild Robot”, “Inside Out 2” để giành giải “Phim Hoạt hình Xuất sắc Nhất” tại Quả cầu Vàng 2025. Hiện tại, “Flow” đang được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất trong hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” tại Oscar 2025. 

video
play-rounded-fill
Sức mạnh của sự “không lời”

Thế giới điện ảnh ngày càng ồn ào và náo nhiệt bởi những hiệu ứng cùng lời thoại để tăng tính hài hước. “Flow” do đạo diễn Gints Zilbalodis cầm trịch lại lựa chọn một hướng đi khác, lược bỏ tất cả các lời thoại, chỉ tập trung vào trải nghiệm thị giác với những âm thanh thiên nhiên. 

Bộ phim lấy bối cảnh hậu tận thế, thời điểm chỉ còn các loài động vật sinh sống, kể về hành trình của một chú mèo đen buộc phải sống sót sau khi bị cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm khu rừng nơi mình sinh sống. Tưởng rằng chú mèo hoang cô độc ấy sẽ chỉ chiến đấu một mình rồi chấm dứt cuộc đời trong làn nước lũ. Ấy vậy mà chú lại được “bộ trưởng bộ ngoại giao” Capybara cứu giúp và cho lên thuyền. Sau đó, hai người bạn lần lượt cứu giúp những loài động vật khác gồm vượn cáo đuôi vòng, Labrador vàng, chú chim lớn rồi tạo thành một tổ đội khăng khít, cùng nhau rong ruổi khắp nẻo đường nhằm tìm kiếm nơi cư ngụ mới. 

Điểm hay của “Flow” nằm ở việc phim không nhân hóa các loài động vật, mà giữ những đặc tính vốn có của chúng. Chú mèo đen vui mừng khi gặp cá, chú Capybara dù chậm chạp nhưng lại hiền hòa, chú chó vàng tăng động, vượn đuôi cáo mê sưu tầm đồ vật, hay chú chim giữ được tính kiêu ngạo của loài động vật biết bay. 

Tác phẩm chẳng có một lời thoại nào, nhưng vẫn có thể khiến khán giả cảm thấy hồi hộp. Mỗi lần những thành viên của con tàu gặp nguy hiểm, khán giả sẽ có cảm giác hẫng đi một nhịp tim. Chẳng hạn, phân cảnh chú mèo đen bị bầy chó rượt đuổi, chìm sâu dưới dòng nước, hay cả con thuyền phải vượt qua những tàn tích còn sót lại của con người để không bị đánh thuyền, thậm chí là khoảnh khắc chú chuột lang đáng yêu có thể bị rớt xuống vực bất cứ lúc nào. Tất cả tạo nên nhịp phim kịch tính nhưng không gây cảm giác ồn ào, bất giác cuốn người xem vào những khoảnh khắc ly kỳ.

Đây chính là sức mạnh của việc tuân thủ nguyên tắc kinh điển trong điện ảnh: Thể hiện một cách chậm rãi mà không cần diễn giải bằng lời. Không chỉ trong “Flow”, nguyên tắc này tạo nên sự thành công ở nhiều tác phẩm điện ảnh khác, chẳng hạn như “A Quiet Place”, “Bird Box”, “The Silence”,… Nhờ vậy, “Flow” thu hút sự tập trung của khán giả vào cốt truyện chính của mình, mà không bị phân tâm bởi những câu thoại. 

Sự chiêm nghiệm qua dòng nước

Chướng ngại lớn nhất đối với nhóm bạn trong “Flow” là dòng nước. Câu chuyện của “Flow” xoay quanh hành trình băng qua dòng nước từ rừng sâu đến việc băng qua đại dương của chú mèo nhỏ nhằm tìm kiếm vùng đất mới. Những nơi mà chú cho là an toàn đều lần lượt bị nhấn chìm trong biển nước. Chú dần nhận ra chỉ có chiếc thuyền buồm mà người bạn Capybara thân thiện cho mình lên mới chính là nơi an toàn nhất. Vậy nên, điều mà dòng nước làm trong “Flow” chính là dẫn dắt nhóm bạn khác loài xuôi dòng qua những tàn tích của thế giới cũ, nơi những công trình đổ nát, tác phẩm điêu khắc dang dở, hiện vật của con người còn sót lại. Dù trải qua những việc cãi nhau nhỏ nhặt rồi làm hòa, nhưng quan trọng là chuyến đi trọn vẹn vì đã tiếp tục đồng hành cùng nhau. 

Mỗi nơi dòng nước đi qua, Zilbalodis cho khán giả thấy những hình ảnh lụi tàn của nhân loại, phần khác là lời nhắc nhở về bản chất vô thường của cuộc sống. Đồng thời, “Flow” cũng thể hiện một cách khéo léo sự trưởng thành trong nhận thức. Điển hình ở phân cảnh đắt giá soi chiếu bản thân của chú mèo đen trên mặt nước ở đầu phim và cuối phim. Chú mèo cùng nhóm bạn soi chiếu hình bóng của mình lại một lần nữa khi tiễn chú cá voi mắc kẹt trên bờ. Hình ảnh này không đơn giản là một khoảnh khắc thị giác, mà còn chứa đựng ý nghĩa về sự thay đổi về nhận thức, nhận ra giá trị của bản thân trong hành trình sinh tồn. 

Trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn

“Flow” vốn dĩ không có một lời thoại nào nên tập trung tất cả vào phần hình ảnh. Và đúng như kỳ vọng, “Flow” của Gints  Zilbalodis đã đem đến cho khán giả một màn trình diễn về bối cảnh, màu sắc xuất sắc. 

“Flow” tận dụng nhiều góc máy từ góc rộng để phô diễn sự hùng vĩ của thiên nhiên, thể hiện sự sống đang diễn ra cùng với hình dạng mờ ảo của một nền văn minh còn sót lại. Từng chi tiết như cảnh quan của khu rừng, dòng cá bơi lội dưới dòng nước, sự hùng vĩ của đại dương, những cú bật cao của chú cá heo, hay các con thuyền bị sóng đánh tan tác…, tất cả quá đủ cho một cuộc dạo chơi, đắm mình vào thiên nhiên hùng vĩ đầy thơ mộng. 

Cùng với đó, những con vật trong “Flow” được trau dồi tỉ mỉ từ biểu cảm, tính cách thể hiện rất rõ ràng đến nỗi dù không có lời thoại nào, cũng sẽ hiểu được tâm trạng của chúng. Thỉnh thoảng phim lồng ghép vào những phân đoạn dài của thiên nhiên, mặt nước tĩnh lặng, những bông hoa trên đất liền,… mang đến cảm giác thiền định, đưa khán giả bước vào trạng thái tĩnh lặng, phiêu du giữa ranh giới thực và mộng.


From the same category