Lệnh giãn cách đã bước sang tháng thứ 3. Có lẽ lúc này đã có nhiều người nhận ra, rằng chưa bao giờ họ phải đối mặt với suy nghĩ của mình nhiều như vậy. Mỗi ngày có hàng tá luồng suy nghĩ đến và đi, nhưng có một số thì ở lại, dày vò và gây ra nhiều bất ổn tâm lý.
Giãn cách xã hội là cơn ác mộng với tất cả chúng ta. Nhưng với những người hay nghĩ nhiều, nó có thể còn tồi tệ hơn thế. Thoạt đầu, bạn chỉ đang cố tìm giải pháp, nhưng càng nghĩ ngợi bạn càng cảm thấy bất an. Dần dần phản ứng đó trở thành một thói quen đi kèm nhiều hệ lụy, chẳng hạn như mất ngủ, khó tập trung, căng thẳng kinh niên và trầm cảm. Nếu bạn đang ở trong tình cảnh như thế, thì đây là tin vui cho bạn: thói quen này hoàn toàn thay đổi được, bạn chỉ cần kiên trì với các bước sau đây.
Khi nói về bất ổn tâm lý, bạn sẽ cho suy nghĩ tiêu cực chính là vấn đề. Nhưng có một sự thật rằng tất cả chúng ta đều có suy nghĩ tiêu cực, kể cả những người tích cực nhất. Điều khác biệt là có người chọn ở lại với nó, có người không. Hãy tưởng tượng bộ não chúng ta là một ga tàu, mỗi chuyến tàu là một luồng suy nghĩ. Theo đó, “lỡ bọn họ không thích mình thì sao?” sẽ là một loại tàu trong ga. Nếu bạn bắt chuyến tàu đó, nó sẽ đưa bạn đến trạm “có rất nhiều bằng chứng cho thấy họ đang đánh giá mình”, kế tiếp sẽ là “có lẽ mình nên tránh xa bọn họ”, và “Nhưng tại sao họ lại không thích mình? Mình sai ở đâu?”. Bạn biết đấy, nó không phải là một chuyến tàu vui vẻ. Vậy thì tại sao bạn không để yên nó lại trong ga? Tương tự vậy, khi một suy nghĩ tiêu cực lóe lên trong đầu, tốt nhất là bạn nên để yên cho chúng trôi đi, thay vì chạy theo nó mãi!
Nếu bạn không muốn để suy nghĩ đó trôi qua, và thực sự nghĩ rằng mình có thể giải quyết được, vậy thì hãy chọn ra một khung giờ hẳn hoi để làm điều đó. Nói cách khác, bạn cố không nghĩ về nó khi chưa đến lúc. Chẳng hạn khung giờ suy nghĩ của bạn là 7-8g mỗi buổi sáng, vậy thì đừng nghĩ ngợi đến nó lúc 4g chiều. Như vậy, bạn sẽ không để nó ảnh hưởng tới công việc và đời sống cá nhân. Và bạn cũng sẽ dần nhận ra rằng mình có thể kiểm soát được luồng suy nghĩ.
Pia Callesen, nhà trị liệu tâm lý và cũng là tác giả cuốn sách “Live more think less” (Tạm dịch: Sống nhiều hơn nghĩ ít đi”), đã đưa ra bài tập sau cho những bệnh nhân có thói quen nghĩ nhiều.
– Trước tiên, hãy chọn một không gian có nhiều tạp âm, chẳng hạn như tiếng chim, tiếng xe cộ, tiếng nước sôi, tiếng tivi.
– Lựa ra loại âm thanh bạn muốn nghe. Và cố gắng nghe nó trong 10 giây và bỏ ngoài tai các loại tạp âm khác. Lấy ví dụ bạn muốn nghe tiếng chim. Vậy trong 10 giây hãy chú tâm nghe nó, khi đủ tập trung bạn sẽ nhận ra những tạp âm kia tự động nhỏ dần.
– Cứ như vậy, bạn lần lượt thử các âm thanh tiếp theo.
Cứ 10 phút như vậy mỗi ngày, bạn sẽ dần quen với việc kiểm soát suy nghĩ. Lựa chọn không chạy theo những suy nghĩ tiêu cực sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn đã luyện tập đủ nhiều.