Giá cả hàng hóa và tốc độ lạm phát đang nóng lên toàn cầu. Theo The New York Times, tỉ lệ lạm phát đã đạt mức cao nhất ở Mỹ trong lịch sử 40 năm đổ lại đây. Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Sự biến động này đã đặt áp lực lên ví tiền của hàng triệu hộ gia đình, giá cả của các nhu yếu phẩm như xăng dầu, thực phẩm, tiền thuê nhà đều đồng loạt tăng lên.
Theo The New York Times, căng thẳng tài chính đang là gánh nặng với nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là người trẻ mới kết hôn. Các vấn đề tiền bạc bỗng trở thành “mồ chôn” của kết hôn khi vợ chồng dễ tranh cãi, bất hòa, căng thẳng và thậm chí thấy xấu hổ về nhau hoặc về khả năng thu nhập của chính mình. Theo một nghiên cứu công bố vào năm 2017, cách một người nhận thức và phản ứng với hoàn cảnh tài chính có thể tác động đến sức khỏe tinh thần của họ. Cụ thể, người hay buồn phiền vì vấn đề tiền bạc có khả năng trầm cảm cao hơn so với người cũng gặp vấn đề tương tự nhưng không quan tâm tới nó.
“May mắn thay, có rất nhiều cách để chúng ta kiểm soát và giải quyết những cảm xúc tiêu cực về tiền bạc”, Sarah D. Asebedo, Giám đốc kế hoạch tài chính tại Đại học Công nghệ Texas ở Lubbock, Texas cho biết. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia về cách các cặp đôi cải thiện mối quan hệ với “ví tiền” trong thời lạm phát.
Rick Kahler, Đồng sáng lập Hiệp hội Trị liệu Tài chính, người đang cộng tác trong một cuốn sách dành cho các cặp đôi gặp vấn đề về tiền bạc, cho biết khi các cặp vợ chồng không đồng ý về cách tiêu tiền của đối phương, họ thường cố gắng thuyết phục đối phương thay đổi ý kiến. Và sự bất hòa sẽ nổ ra khi đối phương không chịu đồng ý hay làm theo quan điểm của bạn.
Thế nhưng, sự căng thẳng đè nặng lên tất cả mọi người. Vì vậy, khi sắp nổ ra tranh cãi, hãy nhớ rằng đối phương cũng đang chịu một áp lực tài chính tương tự. “Tiếp cận đối tác của bạn bằng sự đồng cảm và hỏi: Bạn muốn dành số tiền này cho việc gì? Tại sao bạn lại mua nó? Hoặc Tại sao bạn lại không muốn mua món đồ này trong khi nó cần thiết với chúng ta?”, ông Kahler nói.
Amanda Clayman, một nhà trị liệu tài chính ở Los Angeles, lưu ý rằng, hãy đặt mục tiêu cụ thể và tìm sự đồng thuận một cách nhẹ nhàng chứ không ra lệnh. Chẳng hạn, thay vì nói “Chúng ta cần tiết kiệm nhiều hơn”, hãy nói, “Thử tiết kiệm thêm 200 đô la mỗi tháng và xem nó khác biệt thế nào.”
Dù là sống một mình hay mới kết hôn, nắm được mục tiêu tài chính là luôn cần thiết trước khi bạn định lên kế hoạch tiết kiệm. “Bạn đang tiết kiệm để làm gì? Bạn cần trang trải những gì với ngân sách hạn hẹp này? Viết chúng ra. Sau đó, hãy nghĩ về những khoản có thể cắt giảm,nhưng hãy cố gắng duy trì những điều mang lại niềm vui cho bạn”, Megan McCoy, chuyên gia tư vấn gia đình nói.
McCoy khuyên rằng bạn nên tự hỏi bản thân: “Tôi có thể cắt giảm những gì mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của tôi? Lạm phát đã đủ tồi tệ. Và việc chi tiêu khôn ngoan không đồng nghĩa với việc cắt giảm hoàn toàn mọi thứ một cách cực đoan”.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tài chính của bạn là trò chuyện với người có kiến thức về chúng. Đây được gọi là một liệu pháp trị liệu tài chính, là một hình thức tư vấn khác có thể giúp mọi người hiểu được suy nghĩ và niềm tin của họ về tiền bạc, đặc biệt là khi họ cảm thấy bế tắc.
Nói chuyện với một nhà trị liệu tài chính có thể giúp mọi người tìm hiểu tận gốc cảm xúc của họ về tiền bạc và hiểu được hành vi của chính mình. “Tại sao mình lại nghĩ như thế về tiền, tại sao mình lại chọn chi tiêu thế này mà không phải là một kiểu khác. giải mã những câu hỏi này sẽ giúp bạn nhận thức được những mặt lợi hại và có được kiểu chi tiêu khôn ngoan nhưng có lợi cho sức khỏe của bạn hơn”, ông Kahler nói.