Trước đây, vì công việc nên bố mẹ ít có thời gian cho con cái. Nhiều hơn một lần các vị phụ huynh cảm thấy có lỗi và mong được gần gũi với con hơn. Giờ đây, ước mong đó đã trở thành hiện thực, nhưng trong một tình huống thật chẳng đặng đừng.
Đại dịch đã gom cả nhà lại với nhau theo đúng nghĩa đen. Thoạt đầu, đây có lẽ là một cơ hội “bất đắc dĩ” giúp bố mẹ thân thiết với con cái. Nhưng khi lệnh giãn cách áp dụng sang tháng thứ hai, tất cả bỗng biến thành cơn đau đầu. Chỉ quanh quẩn trong nhà khiến bố mẹ và con cái liên tục giáp mặt nhau. Những thay đổi của người đối diện, xưa nay không để ý, bỗng trở thành chướng tai gai mắt. Điểm sơ qua, gia đình mùa dịch có 3 vấn đề lớn sau đây và một số giải pháp đi kèm.
Trước đây, gia đình được chia ra thành một số không gian riêng và chung. Mẹ chiếm cứ căn bếp, bố ngồi lì trên ghế sofa hoặc bàn cà phê, con cái có một thế giới riêng gọi là “phòng ngủ”. Ở một mức độ nào đó, cả nhà không quá phiền nhiễu nhau. Vì đã có một ngày lăn lộn ngoài kia, ai cũng muốn ngôi nhà là nơi trú ẩn. Trong lúc dịch bệnh, bố mẹ và con cái ở nhà 24/7. Tiếng bố mẹ họp online chồng chéo lên tiếng con trẻ học trực tuyến. Bàn ăn hay phòng khách đều trở thành nơi làm việc của bố mẹ. Con cái không thể ở lì trong phòng mãi. Tiếng tivi và điện thoại, tiếng của các thành viên réo rắt suốt ngày. Và rồi, hầm trú ẩn xưa kia trở thành một cơn ác mộng.
– Phân chia lại khu vực chính của mỗi thành viên. Ví dụ như phòng khách là nơi mẹ làm việc. Phòng ngủ là nơi bố họp online. Con cái học trực tuyến trên phòng riêng. Cố gắng đi nhẹ nói khẽ khi đi qua khu vực không phải của mình, để tránh làm người khác sao nhãng.
– Đề ra quy định về âm thanh: Không được nói điện thoại quá to, đeo tai nghe khi nghe nhạc, xem phim.
Giãn cách xã hội buộc mẹ phải chu toàn 3 bữa cơm. Hàng quán đã đóng cửa, mà kể cả không phải thế, đặt đồ ăn ngoài cũng rất khó khăn. Dịch bệnh là thời điểm nhiều bà mẹ tìm lại cảm hứng nấu ăn, nhưng dần dà cảm hứng đó cũng không còn nữa. Nấu ăn ngày ba bữa, tuần này qua tuần khác càng trở nên nan giải hơn khi mẹ còn có công việc riêng.
– Cả nhà cùng nấu ăn để tránh cảm giác tủi thân.
– Tránh nấu các món cầu kì. Trong 3 bữa, nên có hai bữa ăn giản dị nhưng đủ dinh dưỡng.
– Chia sẻ vấn đề này với cả nhà. Nói cho các thành viên còn lại biết tình hình và cảm xúc của bản thân, nhờ thế mà được cảm thông nhiều hơn.
Dù đã chung sống rất lâu, mùa dịch khiến nhiều gia đình phải học hiểu nhau lại từ đầu. Bố mẹ vốn là người gương mẫu thế, nhưng khi nhà ở bất đắc dĩ trở thành văn phòng, con người “xã hội” của họ bỗng chốc lộ ra. Trong khi đó, đứa con đang tuổi thiếu niên cũng có tính nết thất thường. Việc chịu đựng tính cách của nhau cũng là một khó khăn lớn cho các gia đình mùa dịch.
– Hạn chế cãi nhau hay mắng mỏ con cái. Thỉnh thoảng, những cuộc cãi vã nhỏ to chẳng đến từ lỗi sai của ai cả, lỗi sai nằm ở dịch bệnh vì nó khiến ta không thể ra đường.
– Nếu phê bình con, thì cũng cần lắng nghe suy nghĩ của bố mẹ, từ đó có những sửa đổi phù hợp.