Ngày 14.10, Hà Nội thông báo mở cửa trở lại. Trước đó, ở phía Nam đất nước, TP.HCM cũng chính thức nới lỏng giãn cách. Trong suốt 4 tháng giấc mơ này tất cả cùng mơ: Dịch qua đi và nhịp sống cũ trở lại. Nhưng với nhiều người, kì quặc thay, trước đây họ càng mong ngóng bao nhiêu thì lại càng sợ hãi bấy nhiêu khi phải quay lại một “đời sống bình thường”. Nếu chính bạn cũng đang cảm thấy thế, đây là lúc bạn nên biết tại sao và các cách để vượt qua.
Loài người là sinh vật của thói quen. Dù tình huống có bất thường đến đâu, một khi bạn đã quen thì mọi thứ sẽ dần đi vào khuôn khổ. Giãn cách là một giai đoạn bất thường, nhưng sự bất thường này đã kéo dài 4 tháng, một thời gian đủ để nhiều người xây dựng thói quen mùa giãn cách. Phòng gym đóng cửa, bạn bắt đầu tập thể dục tại nhà. Quán ăn đóng cửa, nấu ăn ở nhà cũng thú vị chẳng sao. Chỗ làm đóng cửa, ban công, phòng ngủ, nhà bếp bỗng trở thành phòng làm việc tại gia. Bạn bắt đầu đọc sách nhiều hơn, kết nối với bạn bè và xây dựng một thời gian biểu “mùa dịch”. Bây giờ, bạn thấy ổn, ổn với cả những phần đáng nhẽ không ổn lắm. Suy cho cùng, quay trở lại nhịp sống cũ nghĩa là phải thay đổi quỹ đạo và có những thói quen mới cho mình. Mà chúng thì mất thời gian. Và chúng không hề dễ dàng.
Dịch bệnh rất tệ, điều đó không cần bàn cãi. Nhưng bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn tìm thấy mặt tích cực của cái “tệ” này. Bạn có lẽ đã tránh được giờ tan tầm kẹt xe, có một giờ giấc làm việc linh hoạt, có được nhiều kỉ niệm quý giá với gia đình, bạn không bận bịu sống hướng ra ngoài; mà thay vào đó quay trở về nuôi dưỡng bên trong, bạn nói chuyện với bạn bè nhiều hơn, cũng có thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị cho nhiều dự định sắp tới. Vậy nên, khi “bình thường mới” xuất hiện, vui sướng sẽ làm cảm xúc chính, nhưng đâu đó trong bạn cũng thấy nhớ những mặt tích cực bất đắc dĩ kia.
Trừ một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhà với nhiều người là hầm trú ẩn an toàn và có thể kiểm soát. Trong suốt 4 tháng, bạn đi ra đi vào, chủ yếu tiếp xúc người thân – những người gần gũi đến độ bạn không phải che đậy cảm xúc hay lo lắng khi phải giáp mặt. Quay trở lại nhịp sống cũ nghĩa là, ở một mức độ nào đó, bạn phải chịu một số áp lực xã hội như giao tiếp, giữ mối quan hệ tại chỗ làm,… Những áp lực này sẽ nặng nề hơn đối với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, ám ảnh xã hội hoặc hậu chấn tâm lý.
Khi cảm thấy lo âu, một số người sẽ chọn cách lảng tránh vấn đề. Thay vì thích nghi với “bình thường mới”, họ sẽ vẫn dính chặt với nề nếp cũ trong mùa giãn cách, trì hoãn cả những dự định sau dịch. Theo nghiên cứu Avoidance Learning của trường đại học Amsterdam (Hà Lan), lảng tránh sẽ làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn lúc đầu, nhưng nó không hiệu quả nếu đi đường dài, vì càng về sau bạn thậm chí càng thấy áp lực gấp đôi lúc trước. Dưới đây là cách làm giúp bạn vượt qua cảm xúc lẫn lộn kì quặc kia.
1. Cho mình thời gian thích nghi
Bạn vừa lấy đà và nhảy qua phía bên kia cây sào. Khi muốn nhảy ngược trở lại, sẽ không công bằng lắm nếu bạn bỏ qua bước lấy đà kia. Vì vậy, hãy cho mình một thời gian thích nghi, xem như là một giai đoạn lấy đà. Sẽ chẳng sao nếu bạn đang có thời gian chết, hay cơ thể vẫn còn ù lì một chút. Và hãy ghi nhớ trong đầu rằng những cảm xúc vui buồn lẫn lộn kia là cực kì bình thường, nhất là khi so với tất cả những bất thường bạn vừa đối mặt.
2. Nói chuyện với bạn bè
Được chia sẻ và được lắng nghe sẽ rất tốt cho bạn lúc này. Vì vậy, hãy tìm đến một người bạn đáng tin cậy (hoặc một người nào đó ủng hộ bạn, thay vì đánh giá tiêu cực), nói ra những cảm xúc và suy nghĩ của bạn hiện giờ. Biết đâu, chính những người ấy cũng đang chật vật giống bạn. Sẽ nhẹ nhõm hơn nếu bạn biết, bạn không phải là người duy nhất mắc kẹt lại trong “dư âm” dịch bệnh.
3. Bắt đầu từng bước một
Bạn không cần ngay lập tức trở về bạn của ngày trước dịch. Một lịch trình hoàn hảo là điều ai cũng kì vọng, nhưng đừng áp lực chuyện làm được hay không. Đây là giai đoạn thích nghi, thay vì bước những bước dài, hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ. Chọn những việc làm đơn giản, thích thú. Đặc biệt là những việc bạn rất muốn nhưng không thể làm trong mùa dịch. Chẳng hạn như tập gym, đi bơi, dạo một vòng quanh khu phố…
Sa chân vào dịch bệnh làm ta căng thẳng. Bước ra khỏi dịch bệnh cũng chẳng mấy dễ dàng. Nhưng bằng những việc làm nhỏ và đều đặn trên, bạn sẽ lại quen với đời sống “bình thường mới”, vui vẻ, an toàn và nhiều hi vọng.