3 cách để ngừng "bốc hỏa" liên tục khi nuôi dạy con cái - Tạp chí Đẹp

3 cách để ngừng “bốc hỏa” liên tục khi nuôi dạy con cái

Sống

Con của bạn có thể nói những lời khó nghe, hành xử thô lỗ và trở nên lì lợm. Chúng dường như còn chẳng nghe lời, thậm chí là lời nhắc đi ngủ hay đánh răng. Và bạn phản ứng lại bằng cách la mắng, dọa nạt và phạt chúng. Nhưng sau tất cả, thứ duy nhất sót lại trong đầu bạn là những suy nghĩ: “Mình đúng là cha mẹ tồi”. Nhưng sự thật là, bạn không phải là cha mẹ tồi khi la mắng con cái. Bạn chỉ đang cần học cách để bình tĩnh hơn. 

Khi nói về những phản ứng tiêu cực của bố mẹ, nhà tâm lý học Albert Ellis đã giới thiệu mô hình ABC – gọi là “kiểu phản ứng theo chuỗi”. Trong đó: A (Adversity) có nghĩa là sự việc, chẳng hạn như con cái bảo rằng bạn là bố mẹ tồi, hoặc chúng la khóc vì không muốn đi ngủ, hoặc đứa con tuổi thiếu niên hờn dỗi, đóng cửa im ỉm trên phòng suốt cả ngày; C (Consequences) có nghĩa là kết quả, mà ở đây chính là những cảm xúc và hành động phản kháng lại của bạn, chẳng hạn bạn bắt chúng úp mặt vào tường, dạy cho chúng một bài học bằng cách nói thao thao bất tuyệt, la mắng chúng bằng những từ ngữ thiếu kiểm soát; và B (Belief), có nghĩa là suy nghĩ của bạn, nó bao gồm cách bạn phân tích và đánh giá tình hình.

Theo đó, khi đứa con hét lên rằng hãy để nó yên, bạn căn bản sẽ có một tấn suy nghĩ sau đây: “Nó hư và lì lợm”, “Mình không thể nó ăn nói kiểu đó”, “Có vấn đề gì với cách nuôi dạy của mình à? Mình đã sai ở chỗ nào?”, “Mình đã thất bại rồi, nó đã hư đến độ không còn sửa được”… Chính những suy nghĩ này sẽ định hình cảm xúc và hành vi của bạn. Chúng khiến bạn thấy bất lực, tức giận, thất vọng, bị xúc phạm và từ đó sẽ phản ứng tiêu cực với con mình, như chính cách chúng đã làm với bạn, thậm chí còn tệ hơn.

Khi con cái trở nên bướng bỉnh, mà theo cách gọi của bố mẹ là “không ngoan” và “hư hỏng”, có hai thứ bạn phải cần phải nhớ: 1. Con của bạn đang gặp vấn đề, chứ không phải bản thân chúng là vấn đề; 2. Trước khi muốn “sửa” con cái, hãy kiểm soát cảm xúc của mình trước đã. Để có thể ngừng la hét vào mặt con cái, 3 bước dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn:

Học cách phân tích tình huống

Hãy phân tích mọi thứ bằng cách đặt câu hỏi, có thể trong đầu nhưng tốt hơn hết là viết ra thành chữ. Trước tiên, tạo một danh sách dài những lí do con cái làm bạn tức giận: Chúng vứt đồ chơi lung tung, hoặc giữ khư khư bí mật mà không chịu chia sẻ cho bạn, chúng cắt ngang lời bạn hoặc thô lỗ khi bạn muốn cho chúng lời khuyên? Ghi tất cả xuống giấy và bạn sẽ nhận diện được “chất gây nổ” này khi chúng xuất hiện.

Sau đấy, hãy ghi chép lại cách bạn phản ứng, chẳng hạn như bạn hét lại chúng, không muốn nghe một lời nào nữa, hoặc dùng đến “gậy thước” ngay khi có thể. Sau đó, tự hỏi mình: “Tôi đã cảm thấy thế nào trước khi làm thế?”. Câu trả lời nên thật cụ thể. Thay vì chỉ nói chung chung rằng mình tức giận, hãy mô tả thật chi tiết như “tôi thấy bất lực, vô vọng, bị xúc phạm và buồn bã”. Sau khi đã hiểu cảm xúc của mình, đã đến lúc bạn chất vấn lí do: “Tôi đã nghĩ gì trong đầu?”. Bạn có thể sẽ nhận được những câu trả lời như: “Tôi thấy con mình thật vô ơn, nó không biết trân trọng, không hiểu những gì tôi đã làm cho nó”,… Bằng cách này, bạn có thể sẽ kiểm soát chính mình tốt hơn, và bắt đầu nghĩ khác đi khi gặp phải tình huống tương tự.

Dừng lại một giây và tìm cách hạ hỏa

Có một công tắc trên người bạn. Một khi nó được bật lên, mọi tức giận, buồn bã sẽ đồng loạt tuôn ra. Khi con cái lỡ tay nhấn phải cái nút ấy, hãy cố dừng lại một lúc và hạ hỏa. Hít từ 3 đến 4 hơi dài bằng miệng, đẩy hơi xuống bụng và thở ra bằng mũi, chúng sẽ giúp đầu bạn dịu lại và khả năng kiểm soát lý trí hết bị sập nguồn. Dẹp đi cái giọng nói trong đầu rằng: “Mình phải dạy nó một bài học”, thay vào đó hãy lẩm nhẩm câu thần chú: “Con mình đang gặp vấn đề, không phải vấn đề là chính nó đâu”.

Bạn đang kì vọng điều gì vậy?

Bạn tức giận với con cái có thể là vì chúng không như kì vọng của bạn. Hãy cẩn trọng với những kì vọng này, vì đó có thể là những thứ bạn không làm được và đẩy hết gánh nặng sang con cái. Câu hỏi đặt ra cho bạn là: 1. Đấy là những kì vọng đặt ra cho con bạn, hay là đặt ra cho những đứa con trong tưởng tượng của bạn? Kì vọng chỉ thực tế và phù hợp khi nó ở trong tầm với của con bạn, giúp con bạn tốt hơn thay vì cảm thấy chúng không bao giờ đủ tốt. 2. Kì vọng có phù hợp với độ tuổi của chúng không? Chẳng hạn, khi con bạn còn quá nhỏ và nghĩ rằng thế giới xoay quanh chúng, chúng không có khả năng lắng nghe và hiểu được vấn đề của người khác. Như vậy, sẽ không phù hợp nếu bạn kì vọng chúng yên lặng khi bạn mệt mỏi. Hoặc đứa con đang tuổi thiếu niên sẽ có những bí mật riêng khó chia sẻ cho bạn, dù bạn có kì vọng nhiều đến mấy.

Hãy để những kì vọng đi cùng với cái con bạn cần, thay vì phản ánh cái bạn muốn. Và đừng để những kì vọng ấy trở thành một tín hiệu cho con bạn. Tín hiệu bảo rằng: Con không bao giờ đủ tốt.

Tác giả: Hằng Trần

18/10/2021, 12:25