2015: Phim nhà nước có gì thế nhỉ?

“Những người viết huyền thoại”

Một cách nào đó điện ảnh nhà nước bỗng gắn liền với những hào quang xưa cũ, những phim “cúng cụ”, những dự án chục tỷ đồng không có doanh thu. Nhắc đến điện ảnh nhà nước, theo thói quen, người ta lập tức nghĩ ngay về cái gì cũ cũ, bảo thủ, ru ngủ, một cái nhọt đang mưng mủ hoặc một cánh đồng khoai lang đã từng cứu đói cả triệu nồi cơm nay tuyệt nhiên không ra củ.

“Khổ nỗi, đi chợ rõ nhiều, tiêu tiền rõ kỹ, mà xào nấu lại vụng về nên khán giả cứ ngắm kho thực phẩm đồ sộ ấy để… ức chế suông”.
Báo chí nhân dịp Liên hoan phim (LHP) Sen Vàng 19, tung ra những con số “vô tình” làm giật mình thiên hạ: phim 20 tỉ không bán được vé nào, phim 16 tỉ doanh thu 700 triệu…

Nếu cứ căn vào những điều này, chắc bạn sẽ nghĩ: Phim nhà nước gì để xem nhỉ… Rằng thôi, xin đề nghị những ai đang làm phim cho nhà nước hãy nghĩ đến đồng bào đang thiếu đói, đến em nhỏ đu dây qua miệng thác, đến những vùng miền còn lũ lụt triền miên…, xin các anh hãy dừng ngay việc làm phim vô cùng lãng phí, xin hãy để dành tiền cho mì gói hoặc xi măng… Rằng, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cứ chuyển hết tiền dành dụm được sang cho Bộ Giao thông Vận tải xây cầu, hoặc chuyển cho Bộ Y tế xây thêm bệnh viện… Còn chuyện làm phim, đã có phim tư nhân ma, hài, kinh dị, doanh thu vài chục tỉ đến trăm tỉ đảm đương.

Thế là từ nay khỏi cần phim “cúng cụ”, ai muốn xem phim cứ việc vào rạp to sang chảnh mà ăn bắp với uống coca… Các bạn vùng sâu heo hút, các bạn nên đến trường hoặc đi bệnh viện chứ phim ảnh thì… chuyện ấy đã có chúng tôi đảm đương nơi thành phố.

“Thầu Chín ở Xiêm”

Nếu đến các rạp mới và nhìn phim tư nhân (đang bớt dần hài, nhảm), phim nước ngoài (quẩn quanh là Mỹ, Hàn, thảng hoặc có Thái với “nước lạ”) đang tung hoành ác chiến…, bạn sẽ thấy hoang mang và đặt câu hỏi: Phim nhà nước đặt hàng có cửa nào ra rạp hay không?

Nếu có dịp được ngồi “chém gió” với những người viết “huyền thoại” tại các hãng phim nhà nước, câu chuyện nhiều nhất bạn có thể nghe là chuyện cổ phần – giải thể hoặc chuyện đoàn làm phim mang tiếng có vài chục tỉ thực ra đang “kéo cày” lịch sử chiến tranh chỉ bằng chút tiền còm cõi… nên phim muốn hay cũng chả thể nào hay.        

Vậy thử nhìn mọi thứ qua phim và lạm bàn thêm đôi chút.

2015 – Phim nhà nước tăng đột biến về… lượng

Điện ảnh quân đội trình làng “Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền) sau 10 năm im hơi lặng tiếng. Phim được hoan hô nhiệt liệt tại mọi buổi chiếu miễn phí và báo cáo. Đoàn làm phim xúc động, đạo diễn nữ khóc rất nhiều nhưng có lẽ chưa thể nhiều như trên màn ảnh… Có một giai đoạn, chúng ta sáo mòn với công thức anh lính trở về, người yêu xưa đã lấy chồng vì tờ giấy báo tử vô tình. “Người trở về” là phiên bản nữ của mô típ kể trên khi thay anh lính bằng… cô lính, nhà làm phim đã “nhúng ướt” người xem trong nước mắt dư thừa. Đây có lẽ là phim nhà nước hiếm hoi nhận được thiện cảm từ truyền thông và công chúng – dẫu công chúng của những suất chiếu miễn phí thật ra cũng hạn chế và rất khó… đo lường!

“Người trở về”

Hãng phim Giải phóng cũng góp một phim cổ trang lịch sử, tên nghe thu hút như… “chim cút nóng giòn” cách đây nửa thập kỉ: “Mỹ nhân” (đạo diễn Đinh Thái Thụy). Phim chưa kịp nói chuyện nhân văn thì đã lùm xùm trên mặt báo vì Lion King chình ình trên… mặt áo. Đây là phim nhà nước “liều mình” ra rạp bán vé và tất nhiên bị “knock-out” ngay lập tức! Phim xoay quanh ông vua mê cô gái đẹp, “hứng lên thì tán, mà ngán lên thì… dìm ngay xuống nước”, thêm bà hậu già ham mê quyền lực, lôi sắc dục ra làm của đổi trao. Chuyện chỉ có vậy, đâm truyền thông luẩn quẩn “anh Quách không ngoan” mê hàng hiệu cùng kha khá cảnh “ấn ai”, hi sinh da thịt ở mức cực lưng chừng. Mối quan hệ quân vương – người đẹp chả làm khán giả tò mò, chả có gì gọi là bài học lịch sử hay vẻ đẹp của ngôn ngữ điện ảnh. Nên “Mỹ nhân” đến rồi đi cũng không làm ai xao xuyến cả.

Phim còn lại của đạo diễn Nguyễn Xuân Cường là “Đường xuyên rừng”, thậm chí còn chẳng có cơ hội để khán giả nhớ được tên.

Hãng Phim truyện số 4 Thụy Khuê và Hãng Phim truyện 1 được coi là anh cả anh hai cũng đồng loạt ra mắt 4 phim mà tạm thời đang dùng “cúng cụ”. Trong đó, ngoài “Trên đỉnh bình yên” (đạo diễn Hữu Mười) chưa có trong hình dung của công chúng thì 3 phim còn lại khá sóng gió xôn xao.

“Cuộc đời của Yến”

“Cuộc đời của Yến” (đạo diễn rất trẻ Đinh Tuấn Vũ), vì bộ phim này mà nguyên cả LHP Bông Sen Vàng 19 bị “dân gian” gọi là “LHP chị Yến”. Phim gặt một mớ những giải vàng bạc trong gật gù, chặc lưỡi “biết trước rồi”, “sao khác được” của công luận xung quanh. Phim kể về đời truân chuyên của Yến, từ thuở lên 10 cho đến tận lúc có con đúng bằng tuổi mẹ. Cuộc đời ấy vắt qua những biến cố lịch sử ngồn ngộn: chuyện kháng chiến, cải cách, chuyện hợp tác xã, chuyện bình dân học vụ, chuyện kinh tế mới… Nhưng khổ nỗi, đi chợ rõ nhiều, tiêu tiền rõ kỹ, mà xào nấu lại vụng về nên khán giả cứ ngắm kho thực phẩm đồ sộ ấy để… ức chế suông.              

“Dễ dàng nhìn thấy những cú flying cam lượn vèo vèo ở hầu hết các phim đến dự giải Sen Vàng, đến mức bên bàn nhậu người ta đề xuất có thêm giải ‘flying cam Vàng’, hoặc đổi luôn tên LHP thành ‘LHP… Dù Lượn’!”
Mấy cái “trendy” theo kiểu flying cam bay theo hai đứa trẻ chạy giữa thảm lúa xanh rờn trên nền ca khúc của Lê Cát Trọng Lý thì bị kết luận là y xì phoóc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của một anh Vũ (Victor Vũ) khác. Điểm sáng trong phim là diễn xuất của diễn viên chính cũng không làm mờ được những điều ngô nghê có thực trong phim và những lời xầm xì lắm khi không có thực ngoài đời. Tất cả chỉ vì phim chưa hay, đã thế đạo diễn lại có vai có vế.

“Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Nhà tiên tri” (đạo diễn Vương Đức), cả hai đều làm về Hồ Chủ Tịch. Phim được đầu tư hình ảnh công phu, ê kíp bảo chứng bởi rất nhiều NSƯT với NSND, ít nhất phim “Thầu Chín ở Xiêm” thực sự xúc động và cuốn hút. Ê kíp phim này xứng đáng là những người lội ngược “dòng tai tiếng”. Kết thúc buổi chiếu phim về Bác Hồ, giữa rất nhiều khán giả trẻ đang xem giờ để chen vào tiệc ra mắt phim “Hùng Ali” (bị xếp vào hàng thảm họa)…, có những khán giả đứng tuổi, quả quyết rằng rất cần phim nhà nước. Nếu không có nhà nước đặt hàng, lấy đâu ra những phim như thế này để nhân dân có dịp được xem.

“Nhà tiên tri” (diễn viên Bùi Bài Bình vào vai Bác Hồ)

“Cái khó ló cái… hôn”

Bắt đầu 2015, phim truyện đầu tiên của dòng độc lập đã chính thức ra rạp dưới hình thức phát hành độc lập (không dựa vào hệ thống phát hành sẵn có). “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), không marketing, quảng bá nhưng đã trụ rạp dài hơn dự đoán và kì vọng của chính ê kíp. Tuy vậy, con số gần 20.000 vé mà nhà phát hành công bố sau 1,5 tháng trụ rạp, quá ít so với bất kì phim thương mại nào. Chỉ với một phép tính nhẩm cũng thấy “Đập cánh giữa không trung” mà là phim nhà nước, chắc chắn đã bị xếp vào hàng “phá hoại tiền thuế của nhân dân”.

Tin vui lớn trong năm là việc Cha và con và…” của Phan Đăng Di dự tranh chính thức tại LHP quốc tế Berlin. Phim thứ hai này may mắn và hanh thông hơn hẳn phim thứ nhất của chính Phan Đăng Di, bởi nó đã có kế hoạch được phát hành trong năm 2016 tại Pháp. Còn tại Việt Nam lại là câu chuyện khác. Nhìn dưới góc độ doanh thu lời lãi, các phim độc lập cũng bấp bênh chả khác gì số phận mà phim gắn mác nhà nước đang gặp phải. Bởi khả năng bị đánh bật khỏi rạp chiếu quá cao. Thị hiếu khán giả dẫu có khó lường đến cỡ nào, cũng có thể lường trước một điều: phim tác giả, phim nghệ thuật cực kỳ khó bán vé (đấy là trong trường hợp có nhà phát hành và rạp chiếu đồng ý “ôm bom”).

“Cha và con và…”

Nên các phim nhà nước, để an toàn, tốt nhất là cất kho chưa chiếu vội hoặc là cứ miễn phí cho nhẹ đầu. Một phim độc lập mấy năm trôi qua, không ra được rạp, hoặc ra rạp lỗ chổng vó cũng chả sao, vẫn được cái chẹp mồm chia sẻ: phim nghệ thuật kén khán giả. Nhưng một phim nhà nước, vừa hoàn thành còn chưa tròn tháng, thậm chí khán giả chưa có cơ hội được xem qua, lập tức có thể lên thớt vì tội tiêu tiền tỉ, doanh thu không được một đồng con.

Nói vậy không phải không có những ngoại lệ, đạo diễn của Đập cánh giữa không trung bảo rằng cô được truyền cảm hứng từ thành công của một phim tài liệu đã phát hành độc lập “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm): có bán vé và luôn cháy vé. Gần cuối năm, một phim tài liệu khác mang tên Lửa Thiện Nhân cũng ra rạp “không miễn phí”, dù giới hạn số lượng buổi chiếu nhưng đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và cũng vượt xa dự đoán của ê kíp khi cháy vé là tình trạng thường xuyên.

Một trường hợp khác là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – phim nhà nước đặt hàng, tư nhân thực hiện. Cái bắt tay lịch sử này đã làm khuynh đảo phòng vé bằng doanh thu kỷ lục. Sự tung hô quá đà theo chiều hướng một phim nghệ thuật đỉnh cao đi vào lòng công chúng có thể bị gán là đánh tráo khái niệm về phim nghệ thuật nhưng cũng rất nhanh chóng chìm lấp trong cơn “lên đồng tập thể”, đến giờ còn chưa lắng. Rất nhanh sau đó, người ta mở hội thảo bàn về… du lịch, người ta lôi các quốc gia trong khu vực vào cuộc để khẳng định rằng điện ảnh cần làm tốt hơn nữa trong việc… đánh thức các vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Đi đâu cũng thấy mọi người nhắc đến “Hoa vàng”, như một điển hình tiên tiến, như một “mô hình kinh tế mới”. Người ta đề nghị nhân rộng mô hình này, vài “còm men” trên báo mạng còn mạnh dạn: nhà nước cứ bỏ tiền, còn việc làm phim đã có Victor Vũ lo.

Kiểu quay mượt mà mang đậm tinh thần quảng cáo với những khuôn hình như bưu thiếp của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã trở thành xu hướng mới trong điện ảnh năm nay và có thể là vài năm sau nữa. Dễ dàng nhìn thấy những cú flying cam lượn vèo vèo ở hầu hết các phim đến dự giải Sen Vàng, đến mức bên bàn nhậu người ta đề xuất có thêm giải “flying cam Vàng”, hoặc là đổi luôn tên LHP thành “LHP… Dù lượn”!

Giọt nước tràn ly hay dư chấn “Hoa vàng”: Tháng cuối cùng trong năm, Cục Điện ảnh gửi thư mời đến tất cả các hãng phim tư nhân, “mời gửi kịch bản phim truyện điện ảnh chất lượng cao”. Hi vọng thêm vài cú bắt tay để phim nhà nước đặt hàng nếu còn tồn tại thì cũng sẽ tự tạo cho mình những hào quang xứng đáng!

Vĩ thanh

Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) lại là một trường hợp thú vị khác, không có nhà nước đặt hàng, không có anh Vũ triệu đô hay anh Vũ có vai vế làm đạo diễn. Phim còn chưa ra mắt đã gấp rút được mời vào LHP quốc gia và dù không ở vòng dự tranh chính thức, phim vẫn giành được giải Sen Vàng khán giả – một giải hiếm hoi không bị đem ra tranh cãi ì xèo. Truyền thông bài bản lại rất hợp tình hợp cảnh, cộng với bộ phim “Việt hóa” thực sự tình cảm và thuyết phục, đạo diễn cùng ê kíp chỉn chu và chuyên nghiệp, diễn viên tươi mới và nhập vai duyên dáng, sản xuất – phát hành – rạp chiếu đoàn kết và dốc sức quyết tâm… – sẽ không bất ngờ nếu đây là phim phá vỡ kỉ lục doanh thu năm nay. Nghe đồn, sau trường hợp này, thị trường sản xuất phim đang có kha khá nhà đầu tư cũng muốn làm phim “Việt hóa”. Ở một góc độ nào đó, hãng phim nhà nước cũng nên mua bản quyền kịch bản nước ngoài để sản xuất phim phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi tầng lớp nhân dân. Tại sao không?

“Em là bà nội của anh”

  Bài: Old Boy

logo 


From the same category