200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!”

 TS.Lê Xuân Nghĩa: “Nếu không thành lập AMC để giải quyết ngay nợ xấu, chúng ta có thể suy giảm liên miên từ nay đến năm 2017-2018”.

Phát biểu với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng tại một hội thảo sáng 13/7 tại Hà Nội, ông Nghĩa cho biết mình là một thành viên trong nhóm chuyên gia đưa ra đề xuất về thành lập AMC nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu.

Chuyên gia này cho biết khi đặt ra vấn đề nợ xấu, thế giới cũng chỉ có ba cách làm “cơ bản”. Thứ nhất là Chính phủ bơm tiền cho các ngân hàng để giải quyết nợ; thứ hai là thành lập công ty mua bán nợ và thứ ba là quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém.

Soi chiếu vào tình hình Việt Nam, nhiều ý kiến nói rằng nếu Chính phủ bơm tiền thì rất rủi ro vì hầu hết ngân hàng nhỏ là ngân hàng của tư nhân, nếu bơm biền họ sẽ cho vay chính các dự án của các công ty con của họ, và do đó nợ xấu không được giải quyết.

Trong khi đó, quốc hữu hóa cũng không khả thi vì các ngân hàng lớn vẫn đang là “quốc hữu” và nợ xấu đang tập trung ở nhóm này.

Việc thành lập AMC là giải pháp khả dĩ nhất để giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu, thông được “cục máu đông” của nền kinh tế.

Ông Nghĩa cũng cho biết đề xuất ban đầu là AMC sẽ có vốn 4 tỷ USD, trong đó ngân sách cung cấp ban đầu khoảng 20 ngàn tỷ đồng vốn, phần còn lại sẽ huy động bằng nhiều cách, chẳng hạn công ty này sẽ phát hành trái phiếu, hoặc sử dụng tín phiếu của chính các ngân hàng để huy động vốn.

AMC sẽ mua nợ của các ngân hàng, nhưng với giá mua tùy vào phân loại nợ, chẳng hạn nợ nhóm 5 sẽ mua với giá bằng 10% khoản nợ gốc, nhóm 4 là 20% và nhóm 3 là 50%.

Sau khi mua nợ từ các ngân hàng, AMC sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang nợ để có cách xử lý phù hợp.

Theo ông Nghĩa, có bốn cách thức thường được áp dụng:

Thứ nhất là cổ phần hóa khoản nợ, theo đó AMC sẽ trở thành cổ đông của chính doanh nghiệp đó dựa trên phần nợ đã mua.

Thứ hai là kêu gọi các nhà đầu tư mới đến để bán lại một phần hoặc toàn bộ nợ.

Thứ ba là chứng khoán hóa khoản nợ rồi bán.

Thứ tư là xóa nợ.

“Bản chất của AMC là một cơ chế để giải quyết vấn đề nợ xấu của nền kinh tế, không phải là doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu lợi nhuận nên nó có thể thực hiện việc xóa nợ”, ông Nghĩa nói.

Ý tưởng về AMC hiện đang được thảo luận rộng rãi và ông Nghĩa nói vẫn còn phải chờ, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đây là việc “cần làm ngay”.

“Nếu không thành lập AMC để giải quyết ngay nợ xấu, chúng ta có thể suy giảm liên miên từ nay đến năm 2017-2018. Chúng tôi vô cùng lo ngại khi ý tưởng này đã và đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian qua. Nhật Bản đã mất 16 năm để phục hồi từ một tình huống tương tự. Tôi ăn tối với đại sứ Nhật Bản thứ hai vừa qua, họ khuyên Việt Nam làm ngay vì chậm xử lý nợ xấu ngày nào sẽ đình đốn ngày đó”, ông Nghĩa nói.

Trước những ý kiến nói rằng các ngân hàng có thể dùng dự phòng rủi ro để quản lý nợ xấu, ông Nghĩa cho biết dự phòng rủi ro hiện nay chỉ có 67 ngàn tỷ đồng, trong đó cũng chỉ có thể huy động khoảng 40 ngàn tỷ đồng để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước vừa công bố con số nợ xấu trên 200 ngàn tỷ đồng thì theo ông Nghĩa, con số 40 ngàn tỷ đồng sẽ “không bõ bèn gì”.

“Tôi đoán và hy vọng AMC sẽ sớm ra đời, hơn 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà không có AMC thì không thể xử lý được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo VnEconomy

From the same category