20 bộ phim có thời trang đẹp nhất mọi thời đại (P2)

Funny Face (1957)

Phim dựa trên cuộc đời thực của nhà quay phim Richard Avendon. Những màn khiêu vũ đẹp mắt, giai điệu mượt mà và cả những trang phục lộng lẫy do Audrey Hepburn khoác lên mình đã khiến “Funny Face” trở thành một bộ phim về thời trang nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Nàng Audrey Hepburn thêm lần nữa làm thế giới thời trang lay động với những chiếc váy đẹp mê hồn. Chiếc váy đỏ rực rỡ nàng mặc trong cảnh quay tại viện bảo tàng Louvre hay chiếc váy cưới trắng ngắn đơn giản ở phần cuối phim đều đã trở thành huyền thoại. Chiếc váy cưới mà Audrey mặc trong bộ phim này đã trở thành hình mẫu cho váy cưới dáng ngắn đầu tiên trên thế giới với vẻ đẹp đơn giản mà thanh tao, nổi bật trong khung cảnh lâu đài và hồ thiên nga trong bộ phim, tôn lên vóc dáng mảnh mai của Audrey.

The Great Gasby
(1974)

Năm 1974, hãng phim Paramount mời nhà thiết kế lừng danh Ralph Lauren thiết kế trang phục cho các nhân vật nam trong bộ phim The Great Gatsby. Và thực sự Ralph Lauren đã tạo ra một thế giới thực của Gatsby, nơi mà ông có thể tô điểm thêm bất cứ sản phẩm nào miễn là nó phù hợp với phong cách Gastby (Theo định nghĩa của Ralph). Bộ phim này và những bộ trang phục trong phim đã trở thành nổi tiếng và được săn lùng sau đó. Sau thành công này, Lauren tiếp tục gặt hái thành công mới khi tham gia thiết kế trang phục cho bộ phim “Annie Hall” vào năm 1977.

La Dolce Vita (1960)

“La Dolce Vita” ra mắt vào năm 1960, được đánh giá là bộ phim hay nhất của đạo diễn Federico Fellini. Bộ phim có tên trong danh sách 100 bộ phim hay nhất thế giới và được xem như cột mốc đánh dấu bước chuyển của đạo diễn Fellini từ trường phái tân hiện thực (neo-realist) sang trường phái phim nghệ thuật (art film) sau này của ông. Bộ phim đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1960 và được đề cử 4 giải Oscar và đoạt 1 giải cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất.

Thời trang trong bộ phim, dẫu là của thập niên 60 nhưng vẫn mang nét thanh lịch, tinh tế và rất phù hợp với bối cảnh. Quan trọng nhất, những chiếc váy, áo len hay áo sơ mi và cách phối đồ từ “La Dolce Vita” dường như vẫn giữ nguyên sức cuốn hút cho đến hiện tại.

Last Year at Marienbad (1961)

Bộ phim “Last Year at Marienbad” sản xuất năm 1961 được coi là một trong những kiệt tác để đời của đạo diễn Alain Resnais. Bộ phim có một trong những thước phim mượt nhất, hoàn hảo nhất nhờ chiếc máy quay của Vierny lướt dọc căn phòng lâu đài hay ngang qua khu vườn trong khi những diễn viên đứng ngồi như những manơcanh. Từ khung cảnh, diễn viên đến trang phục của bộ phim đều được trau chuốt, đầu tư một cách kỹ lưỡng, đầy tâm huyết và xuất phát từ trái tim của một vị đạo diễn tài năng.

Phim giống một bức hoạ mỹ thuật hơn một phim điện ảnh thông thường. Mặc dù những nhân vật thể hiện cảm xúc bị nhận xét là mờ nhạt như những bóng ma, nhưng lại được nhận định rằng: “Sự tương phản lớn nhất ở “Marienbad” đó là, dù nó trông thật lạnh lẽo, nhưng trong nó hàm chứa một câu chuyện tình yêu cháy bỏng – tình yêu của cả một thế hệ đối với điện ảnh.”

North by Northwest (1959)

Câu chuyện trong “North by Northwest” là hành trình tìm kiếm sự thật minh oan cho bản thân của nhân vật chính Roger, kèm theo đó là nỗ lực của anh trong việc cứu người yêu (Eve) khỏi tay kẻ xấu Vandamm. Chính yếu tố tình yêu trong bộ phim đã biến một câu truyện trinh thám, mang tính hình sự về một kẻ vô tội chạy trốn trở nên lãng mạn và mang hơi hướng của một câu chuyện tình yêu nảy sinh trong rắc rối.

Không chỉ hấp dẫn ở những tình tiết gay cấn, được đẩy lên cao trào và thắt nút hợp lý, bộ phim còn mê hoặc khán giả với phong cách thời trang của huyền thoại điện ảnh Cary Grant khi đảm nhận vai chính. Những bộ comple thương hiệu Norton & Sons của Luân Đôn khiến Cary có thể dễ dàng đóng khuôn được hình thể đẹp của mình mà vẫn “thấp thoáng” cơ bắp sau những trang phục lịch lãm này.

Rare Window (1954)

Bộ phim “Rear Window”  xứng đáng được coi là một bài học nhập môn cho bất cứ tín đồ thời trang nào. Nhân vật nữ chính trong phim do Grace thủ vai không bao giờ mặc lại một bộ trang phục đến hai lần, và bộ nào cũng khiến khán giả phải nín thở vì thèm muốn. Chiếc váy dài tinh tế với hai màu đen trắng, áo xanh lá cây nhạt, thắt lưng, mũ, khăn voan và găng tay dài…, tất cả làm nên một phong cách thanh lịch, tinh tế khiến bao người ngưỡng mộ. Đặc biệt là chiếc váy liền với thân trên màu đen khoét cổ sâu, tùng váy xòe rộng màu trắng kết hợp cùng vòng cổ ngọc trai và đôi găng tay dài cũng màu trắng khiến cô trở nên tuyệt đẹp.

Rebel Without a Cause (1955)

Nằm trong số các phim kinh điển hay nhất mọi thời đại, được đưa vào chính sách bảo tồn và là tác phẩm có hình tượng vĩ đại đầu tiên cho thể loại phim teen, “Rebel Without A Cause” đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh thiếu niên nổi loạn đối lập lại các chuẩn mực trước đấy của điện ảnh, và tạo nên tượng đài phản – anh – hùng muôn đời cho giới trẻ – James Dean.

Ngoài James Dean, bộ phim còn có sự tham gia của huyền thoại điện ảnh Natalie Wood. Thông điệp về sự nổi loạn trong bộ phim được khắc họa rõ ràng từ tuyến nhân vật đến các chi tiết nhỏ trong trang phục. Chiếc áo khoác màu đỏ mà James Dean mặc trong phim, chiếc áo khoác màu đỏ tươi mà Natalie Wood khoác lên mình hay thập chí là đôi tất đỏ mà Sal Mineo xỏ vào… tất cả đều thể hiện ý nghĩa nhất định. Nhưng cũng chính vì thế, phong cách thời trang trong bộ phim được đẩy lên yếu tố hàng đầu, trở thành mẫu mực cho các cô bé, cậu bé tuổi teen cá tính lúc bấy giờ.  

Sabrina (1954)

Phim là một câu chuyện cổ tích Lọ lem hiện đại. Cháu gái của người lái xe Sabrina (Audrey Hepburn) yêu say đắm con trai ông chủ – David (Holden) – một chàng Don Juan thứ thiệt. Cha cô gái gửi cô đến một trường học ở Paris hi vọng rằng cô sẽ mau chóng quên anh, nhưng cuối cùng họ vẫn quay về bên nhau.

Trong phim, huyền thoại điện ảnh Audrey Hepburn lại khiến khán giả phải quên đi hình ảnh kiều diễm của những nàng tiên cá, nàng Bạch Tuyết… và thay vào đó là hình ảnh tuyệt sắc của mình. Điều khó có thể quên được là chiếc đầm trắng trang trí hoa văn màu đen cùng giày búp bê đế thấp của Audrey đã khiến các tín đồ thời trang phải trầm trồ ngưỡng mộ. Dù qua bao nhiêu năm tháng, đây vẫn là một phong cách không bao giờ lỗi mốt.

The Thomas Crown Affair (1968)

Diễn viên Steve McQueen đặc biệt vừa khít với vai nam chính của bộ phim kinh điển “The Thomas Crown Affair”, vừa mang phong cách sang trọng, lịch lãm của một triệu phú lại vừa có nét phong lưu, hào hoa của một kẻ thích chơi đùa – nhất là khi quyết định cướp nhà băng để làm trò vui. Cũng chính phong cách ăn mặc trong bộ phim đã phần nào thể hiện được tính chất lãng tử của ông, với cách phối kính, cà vạt và bộ vest lịch lãm cùng tông màu. Và vẫn luôn chỉn chu như vậy, Steve khiến các quý bà chỉ biết dán mắt vào màn hình và lấy ông làm hình mẫu lý tưởng.

Bên cạnh Steve, người đẹp Faye Dunaway vào vai một chuyên viên điều tra bảo hiểm được khao khát. Nhà thiết kế Thea Van Runkle chịu trách nhiệm đối với tủ đồ của Dunaway và bà luôn biết cách “phù phép” để nàng diễn viên trở nên quyến rũ nhất trong những chiếc váy ngắn, bó sát gợi cảm nhưng vẫn phảng phất sự cá tính cần có cho nhân vật.

The seven year itch (1955)

Nhân vật Richard Sherman (Tom Ewell thủ vai) vừa tiễn vợ con đi nghỉ hè thì một nữ thư kí xinh đẹp (Marilyn Monroe) bất ngờ xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ… Riêng sự góp mặt của huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe trong bộ phim này cũng đã đủ để làm nên thành công cho bộ phim. Những trang phục mà cô mặc, qua tháng năm đều dần trở thành biểu tượng.

Đặc biệt cảnh Marilyn Monroe với bộ váy ngắn gợi cảm màu trắng tung bay trong gió là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của nữ minh tinh tài hoa bạc mệnh này. Chiếc váy do nhà thiết kế William Travilla dành tặng riêng cho cô.

Gone with the wind (1939)

Ra mắt năm 1939, “Gone With the Wind” vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả khi dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ. Bộ phim kể về cuộc đời của nhân vật chính Scarlett O’Hara, một cô gái xinh đẹp, con của một điền chủ giàu có ở Georgia trước nội chiến Mỹ. Nàng đã 3 lần kết hôn, tính tình ích kỷ, ngang bướng nhưng là con người đầy nghị lực và sức mạnh vượt qua khó khăn.

Những chiếc váy dạ hội lỗng lẫy, quý phái mà nàng Scarlett O’Hara vận trong phim đã làm mê đắm lòng người, giúp nhà tạo mẫu Walter Plunket giành giải Oscarcho thiết kế trang phục xuất sắc nhất.

Linh Nguyễn (Tổng hợp)

From the same category