Bản lĩnh của họ, có lẽ trước kia, chưa được nhìn nhận đúng đắn hay vì họ chưa được đặt đúng vị trí? Sự “cầm quyền” của hai người phụ nữ này đã khiến giới thời trang, vốn rất “manh động”, phần nào yên lòng hơn.

NTK Sarah Burton
NTK Phoebe Philo
Người trợ lý lặng lẽ
Đầu tiên, có lẽ nên nói về biến cố chấn động nhất xảy ra trong hai năm qua. Tháng 2 năm 2010, chưa đầy một tháng trước khi tuần lễ thời trang Thu Đông diễn ra, Alexander ‘Lee’ McQueen tự tử. Không lời nhắn gửi, người đời chỉ có thể đoán rằng chấn động đau buồn sau tang lễ của mẹ Alexander vừa xong đã lấy đi khỏi anh niềm an ủi và chỗ dựa tâm lý. Nếu nhìn vào lịch sử thiết kế nhà mốt Alexander McQueen do chính anh gây dựng, bên trong yếu tố cầu kì, dị biệt của mẫu trang phục, lẫn những thể nghiệm hoành tráng trong các buổi ra mắt bộ sưu tập tại tuần lễ thời trang, tinh thần xuyên suốt trong thiết kế của McQueen luôn ẩn khuất một nỗi sầu muộn, kết quả từ những mâu thuẫn nội tâm phức tạp, giằng xé giữa cá tính mạnh mẽ và cảm giác yếu mềm của người nghệ sĩ.
Nắm bắt được tinh thần trong trang phục của McQueen đã khó, việc kế tục và phát triển tinh thần ấy lại càng khó khăn hơn bội phần. Chính vì vậy, vào đầu tháng 10 năm 2010, khi bộ sưu tập Xuân Hè 2011 ra mắt, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Sarah Burton, cựu trợ lý – cánh tay phải của McQueen trong gần 15 năm kể từ quãng thời gian sinh viên trường nghệ thuật Central Saint Martins, giới phê bình, cánh báo chí và chủ hãng phân phối thời trang có thể cảm thấy tin tưởng vào đường lối tồn tại của toàn bộ cơ ngơi mang tên Alexander McQueen. Sarah duy trì bản chất của Alexander ‘Lee’ trong việc xử lý họa tiết vải nhiều lớp màu và nhất là tính tường thuật, kể chuyện rõ nét trong việc trình bày ra mắt bộ sưu tập. Mở màn buổi trình diễn là màu trắng kem ngọt ngào nhìn tựa như cô gái mới lớn, tiếp đến là họa tiết đủ sắc dày đặc tựa hồ sự rối trí và nghịch lý tuổi trẻ, kéo theo chuỗi trang phục màu đen tuyền nhức nhối, trên nền vải trơn, rồi đính cườm và dần chuyển thành lớp da cắt laser loang lổ cánh hoa rải trên cơ thể.
Câu chuyện McQueen kể bởi Sarah Burton tiếp tục với quá trình phát triển và chuyển biến của cô gái trở thành hình ảnh người phụ nữ ma lực với những bộ đầm dài quyến rũ màu vàng đồng, trắng xanh gắn lông chim hay vải xếp chồng lớp. Chất bạo tàn và vũ lực đặc trưng của Alexander ‘Lee’ dần thay đổi, Sarah thổi tính nữ uyển chuyển của cô vào dòng máu McQueen. Vẻ đẹp quyền lực mang tên Alexander McQueen vẫn đó, nay còn quyền lực hơn, bởi vẻ đẹp ấy đã biết dụng “nhu thắng cương”.
BST Xuân Hè 2012 của Alexander McQueen
Trở lại mạnh mẽ hơn
Vài năm vừa qua đánh dấu sự tiến bước của các nhà thiết kế nữ. Xét trên mặt bằng chung, có thể thấy, ngoại trừ một số tên tuổi tiêu biểu như bộ ngũ Versace, Missoni, Gucci, Prada, Marni ở Ý, Stella McCartney và Sonia Rykielt ở Pháp, bông hồng nước Anh quậy phá Vivien Westwood, nữ hoàng váy cưới Vera Wang của Mỹ, và tính cả Sarah Burton của nhà Alexander McQueen, không nhiều phụ nữ có thể trụ vững trước áp lực căng thẳng trong ngành công nghiệp thời trang. Ngay cả với một tài năng sáng giá như Phoebe Philo, người từng đứng đầu chỉ đạo sáng tạo cho hãng Chloé, cũng tạm biệt ngành thời trang, lui về cuộc sống êm đềm và kín đáo với gia đình vào năm 2006. Những tưởng tài năng của Phoebe bị chôn giấu mãi mãi, may mắn thay, hơn hai năm sau, cô quyết định trở lại sự nghiệp tạo mẫu, nhưng không phải về với Chloé, mà cô khởi sự lại tại Celine. Vậy là giới mộ điệu thời trang phải chờ đợi tới 4 năm mới được nhìn thấy lại bộ sưu tập mới của Phoebe Philo cho mùa Xuân hè 2010.
Và họ đã không hề thất vọng. Nét tinh tế, đường cắt tối giản, màu sắc căn bản, tính tiện dụng nhưng không tầm thường, mọi thứ đều hoàn hảo dưới bàn tay thiết kế của Phoebe. Tốt nghiệp từ trường nghệ thuật Central Saint Martins, lò đào tạo nhân tài thiết kế và nghệ thuật ở thủ đô London, cô trở thành trợ lý cho Stella McCartney, rồi chuyển sang vị trí giám đốc sáng tạo nhà mốt Chloé từ năm 2001 tới khi sinh con đầu lòng năm 2005 và tạm dừng sự nghiệp trong năm tiếp theo.
Trước khi Phoebe gia nhập nhà Celine, tập đoàn sở hữu LVMH vẫn loay hoay tìm kiếm người thích hợp thay thế cho Michael Kors, người góp phần xây dựng phong cách đơn giản nhưng bóng bẩy cho thương hiệu này suốt một chặng đường dài từ năm 1998 tới 2004. Và chỉ trong vòng bốn kì tuần lễ thời trang kể từ bộ sưu tập đầu tiên dưới tên Celine cho mùa Xuân hè 2010, đến nay Phoebe có thể tự hào về số lượng fan tín nhiệm tiêu dùng. Đơn cử là chiếc túi dạng hộp khóa vuông trở thành mẫu túi bán chạy khắp thế giới, được ưa chuộng đến mức cuồng tín bởi các tín đồ thời trang. Có mẹ là một nhà thiết kế đồ họa kiêm môi giới bán tranh, Phoebe từ bé đã say mê may vá và bị ảnh hưởng từ mẹ niềm đam mê đồ họa, kiến trúc và điêu khắc. Phong cách “cool” và thông minh ở mẫu thiết kế thời trang của cô phản ánh niềm đam mê thơ ấu ngày xưa. Đó cũng chính là hình ảnh người phụ nữ hiện đại mà Phoebe Philo mong muốn thể hiện và truyền cảm hứng.

BST Celine Thu Đông 2011-2012

BST Celine Xuân Hè 2012
Hai người phụ nữ tiêu biểu đại diện cho thế hệ mới thay đổi bộ mặt thương hiệu của thế kỉ 21 xứng đáng dành cho Sarah Burton và Phoebe Philo, một người truyền vẻ nữ tính của mình làm mềm mại sự bạo tàn phái mạnh, và một dùng sức mạnh thiết kế trong không gian như điêu khắc và kiến trúc để khắc họa tính nữ hiện đại. Những dòng chảy sáng tạo không ngừng nghỉ như họ hứa hẹn sẽ đem đến nguồn sinh khí nóng ấm cho thế giới thời trang nói riêng, và nền nghệ thuật thẩm mỹ nói chung.
