2 hiệp sĩ đường phố Sài Gòn hy sinh: Đừng đẩy họ lao vào hiểm nguy vì sự nghĩa hiệp! - Tạp chí Đẹp

2 hiệp sĩ đường phố Sài Gòn hy sinh: Đừng đẩy họ lao vào hiểm nguy vì sự nghĩa hiệp!

Sống

“Tôi không mong ngày càng có nhiều Lục Vân Tiên mới xuất hiện!”

Đó là quan điểm của bình luận viên – nhà báo Trương Anh Ngọc. Anh viết:

“Tôi không hề mong vụ 2 hiệp sĩ qua đời đêm qua khi bắt cướp sẽ khiến người dân sợ hãi, chùn bước, vô cảm, không dám đấu tranh với kẻ xấu, và những nhóm săn bắt cướp sẽ giải tán.

Nhưng tôi cũng không hề mong ngày càng có nhiều Lục Vân Tiên mới xuất hiện, và họ tiếp tục hy sinh theo cách này. Sự cổ vũ cho những hành động đẹp đẽ của họ là để cám ơn họ, trong một xã hội đang ngày càng trở nên ích kỷ và vô cảm, nhưng cám ơn họ không đồng nghĩa với việc ta cứ đẩy họ tiếp tục lao vào hiểm nguy vì sự nghĩa hiệp, vì họ thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là phải thế, mà không có hoặc có nhưng rất ít vai trò của lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp cũng như sự mạnh mẽ của chính quyền trong việc duy trì trật tự trị an cho nhân dân.

blv-truong-anh-ngoc
“Trước khi mong thành Singapore hay cái gì đó, liệu có thể mong đi đường mà không bị giật đồ ngay giữa ban ngày ban mặt không?”

Một xã hội ngày càng nhiều hiệp sĩ chính là một xã hội mà khoảng trống về an ninh và trật tự trị an đang ngày càng lớn dần. Không thể chỉ trông chờ vào sự nghĩa hiệp của các hiệp sĩ, mà cần phải đặt niềm tin vào sự hiệu quả của cơ quan chức năng. Cướp ở Sài Gòn không phải việc hiếm. Việc này đã tồn tại từ rất nhiều năm nay và gây tiếng xấu cho thành phố. Tôi mong người dân vẫn cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nhưng tôi không hề mong họ ‘tự xử’ và giải quyết tất cả bằng sự dũng cảm. Tôi mong các cơ quan chức năng làm tốt nhất có thể công việc này. Họ được trả lương để làm việc.

Trước khi mong thành Singapore hay cái gì đó, liệu có thể mong đi đường mà không bị giật đồ ngay giữa ban ngày ban mặt không?”

“Xin hãy dừng lại ngay các hiệp sĩ ơi!”

Từ Mỹ, nhà văn Nguyễn Danh Lam – một người con của Sài Gòn bày tỏ góc nhìn đa chiều về các hiệp sĩ đường phố:

“Xin hãy dừng lại ngay các hiệp sĩ ơi!

Đọc tin các ‘hiệp sĩ’ săn bắt cướp ở Việt Nam bị đâm hàng loạt mà đau lòng quá đỗi. Hẳn cũng vì thiện tâm mà các anh đã lao vào vòng nguy hiểm, nhưng giờ người chồng, người cha trong gia đình đã mất đi, vợ góa, con côi làm sao có thể nhìn lên mấy tấm bằng khen các anh nhận được để bù đắp cho sự mất mát vĩnh viễn, lớn lao trong gia đình mà các anh để lại? Sau sự kiện này, hẳn nhiều ‘hiệp sĩ’ sẽ bỏ ‘nghề’, xã hội cũng sẽ vì vậy mà loạn hơn, bởi bằng chứng rõ ràng là mỗi anh đã tham gia bắt hàng trăm tên cướp; thêm nữa, sự thờ ơ trong con người cũng sẽ trầm trọng hơn, bởi người ta sẽ không còn muốn can thiệp vào bất cứ sự vụ ngang trái nào nữa. Tuy nhiên, việc nào ra việc đó, các anh, cũng như mỗi người dân cần phải phân định rõ điều này.

16422636_2012231885670339_5040537210905080712_o
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: “Mong các anh hãy quay về với mái nhà, với vợ con, với gia đình bé nhỏ của mình… Đó là điều các anh nên làm và cần phải làm.”

Ở Mỹ, mỗi người dân được đào tạo khá tốt từ khi còn ở trường học về những kỹ năng cấp cứu, thoát hiểm, sinh tồn… Tuy nhiên, luật quy định rất rõ ràng, khi gặp các vụ việc như tai nạn, tai nạn giao thông, trộm cướp… việc duy nhất mà người chứng kiến có thể làm và được phép làm, đó là gọi số điện thoại khẩn cấp 911, tuyệt đối không được can thiệp vào vụ việc (tất nhiên phải loại trừ những trường hợp vô cùng khẩn thiết như khủng bố, giết người hàng loạt, khi… tuyệt vọng thì mới chọn giải pháp cuối cùng là chống lại). Bởi cấp cứu, bắt cướp là kỹ năng của các nhà chuyên môn, nếu mình không bảo đảm được tình thế mà nhảy vô can thiệp, mọi thứ có thể trầm trọng hơn. Và nghĩa vụ của phía những nhà chuyên môn, như cảnh sát, cấp cứu, cứu hỏa… là phải ngay lập tức có mặt tại hiện trường, đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm tới nơi tới chốn.

Điều này là hết sức công bằng, lực lượng cảnh sát, cấp cứu, cứu hỏa là những người không tham gia sản xuất, không có đóng góp nào khác, ngoài chính công năng của họ – như những người bảo vệ. Và người dân đóng thuế, cũng là trả tiền thuê (chữ thuê không cần bỏ ngoặc kép, vì tính chất của nó đúng là như vậy) những người này bảo vệ cho mình, cho gia đình, tài sản của mình. Hàng tháng những người này lãnh lương, nghĩa là đã chấp nhận hợp đồng lao động với người dân và người dân có quyền bắt buộc họ phải thực thi công việc bất cứ lúc nào. Và khi anh không thực hiện đúng hợp đồng, anh sẽ phải chịu trách nhiệm đâu ra đó.

Nói rộng thêm một chút, cảnh sát ở Mỹ, hoàn toàn là công cụ, họ chỉ làm phần việc của họ. Cảnh sát không được phép thay mặt tòa án đứng ra xử bất cứ sự vụ nào, ngoài những gì mà pháp luật cho phép họ làm. Thí dụ, khi thấy một chiếc xe vi phạm luật giao thông, cảnh sát chỉ được phép ghi nhận sự việc và chuyển mọi ‘dữ liệu’ ấy cho tòa án. Vì vậy, người dân Mỹ, khi vi phạm bất cứ điều gì cũng phải ra tòa, dù chỉ là một lỗi giao thông nhỏ. Cảnh sát không thể thay mặt tòa đưa ra mức phạt và thu tiền tại chỗ.

Quay trở lại sự kiện các ‘hiệp sĩ’, điều này đã trở nên hết sức bình thường ở Việt Nam. Hình ảnh các ‘hiệp sĩ’ có mặt trên đường phố đã từ rất lâu rồi. Điều này hoàn toàn là một việc ‘tréo cẳng ngỗng’. Bởi ngoài việc các ‘hiệp sĩ’ thực hiện hành vi mạo hiểm ngoài công năng, họ còn vô tình vi phạm pháp luật, vì đã có hành vi lạm quyền. Bởi ‘hiệp sĩ’ trên mặt luật pháp cũng là một người dân, anh lấy quyền gì mà bắt một người dân khác, khống chế, trói tay trói cẳng họ để giải đi, dù họ có là ăn cướp?…

Chẳng biết nói gì hơn, ngoài sự đau lòng, mong các ‘hiệp sĩ’ hãy yên nghỉ. Và qua sự việc này, mong các anh hãy quay về với mái nhà, với vợ con, với gia đình bé nhỏ của mình… Đó là điều các anh nên làm và cần phải làm.”

32349588_1277733855691380_7680498180722524160_n
“Hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam – 1 trong 2 người hy sinh khi truy bắt cướp vào tối 13/5. (Ảnh: Facebook “hiệp sĩ” Nguyễn Việt Sin)

Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/5/2018, nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình gồm 8 thành viên đã phục kích bắt quả tang một nhóm gồm 4 đối tượng đang trộm xe máy SH tại 1 cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.10, Q.3. Tp.HCM. Ngay lập tức nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình tổ chức vây bắt nhưng các đối tượng đã tháo chạy bằng xe gắn máy. Ít phút sau, nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình đuổi kịp bọn trộm, tuy nhiên họ đã bị băng nhóm này rút hung khí tấn công. 4 “hiệp sĩ” đã bị thương và được đồng đội, người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do thương tích nặng, 2 “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi đã tử vong.

Sự việc đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót tiếc thương 2 “hiệp sĩ” bị nạn, cũng như gây ra sự lo lắng hoang mang cho người dân Sài Gòn trước sự manh động nguy hiểm của các nhóm cướp.

Thực hiện: depweb

14/05/2018, 13:51