Là câu chuyện giản dị, chân thực về tình thân, về mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện đại, “Hãy Chăm Sóc Mẹ” khiến khán giả thổn thức con tim bởi nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa.
“Hãy Chăm Sóc Mẹ” xoay quanh cuộc sống độc lập của người mẹ già Jeong Mal-im, tuy đã ở tuổi xế chiều nhưng bà luôn khước từ sự quan tâm của con cái vì một nỗi trăn trở rất phổ biến với các bậc cha mẹ nói chung trong thế kỷ 21. Qua đây, khán giả có thể rút ra được nhiều thông điệp sâu sắc, đáng suy ngẫm.
Ở tuổi 85, bà Jeong Mal-im gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và không thể tiếp tục sống một mình. Trong khi con trai bà làm đủ mọi cách để chăm nom cho bà, thì bà luôn cố đẩy anh ra xa. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con dần phát sinh từ việc bà không muốn trở thành gánh nặng cho con cái.
Câu thoại “Tôi chỉ ước được chết trong giấc ngủ để khỏi làm gánh nặng cho con tôi” của nhân vật Jeong Mal-im đã phản ánh tâm lý chung của hầu hết các bậc làm cha mẹ. Câu nói chứa đựng sự đồng cảm nhưng cũng gieo vào lòng những đứa con nhiều trăn trở. Làm sao để cha mẹ có thể tin tưởng và tiếp tục sống gắn bó cùng con cái giữa muôn vàn áp lực cuộc sống đến từ xã hội hiện đại? Đây sẽ là vấn đề khiến khán giả canh cánh trong lòng vì khó có thể tìm ra lời hồi đáp xác đáng nhất.
Không cần những khoảng bùng nổ về cảm xúc, mạch phim chuyển biến nhẹ nhàng theo thời gian nhưng chính câu chuyện rất đời thường đã giữ chân khán giả trong suốt 110 phút. Tất cả đều chờ đợi một cái kết có “giải pháp hợp lý” cho vấn đề nan giải mà ai cũng phải đối diện trong đời: Khi cha mẹ về già, một đứa con hiếu thảo nên đưa cha mẹ lên thành phố sống cùng hay thuyết phục mẹ vào viện dưỡng lão? Hay là về quê để sống cùng cha mẹ?
Chính vì thế, “Hãy Chăm Sóc Mẹ” đã mang đến một hướng đi táo bạo hơn khi xây dựng một khái niệm gia đình mới ngoài tình thân ruột thịt. Phim nhấn mạnh vai trò của những người chăm sóc tại Hàn Quốc, đây được xem là dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi đang phổ biến tại những quốc gia đang già hóa dân số.
Trong Hãy Chăm Sóc Mẹ, nhân vật Lee Mi-seon (Park Jeong-yeon) đóng vai người chăm sóc bà Jeong Mal-im, cô được thuê đến để làm việc nhà, nấu ăn cho bà trong khoảng thời gian bà bị gãy tay. Dù chỉ là một người xa lạ được trả công bằng tiền, nhưng Mi-seon đã làm tròn vai người nhà, người bạn của bà Jeong Mal-im – điều mà đứa con của bà không thể thực hiện được.
Mô hình “người chăm sóc” thay thế những đứa con để trở thành “người nhà” của bố mẹ đang trở thành một xu hướng tại Hàn Quốc. Điều này được đạo diễn kiêm biên kịch Park Kyung-mok khắc hoạ tài tình qua “Hãy Chăm Sóc Mẹ”. Đồng thời, phim mở ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại.
Liệu đó là giải pháp hợp lý với thời cuộc hay khiến cho tình thân ngày một phai nhạt? Và sau cùng, liệu nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ già có phải là “gánh nặng” của con cái? Đây vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ để khán giả tự có cho mình câu trả lời riêng sau khi bộ phim kết thúc.