Tiếp theo danh sách 15 bộ phim hay nhất chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết triết học của Nietzsche như Đạo lý Chủ nô – Nô lệ (Master-Slave Morality), Ý chí Hùng cường (The Will to Power), Apollo và Dionysus, Vĩnh cửu luân hồi (Eternal Recurrence), và Trên cả con người (Above-Human)
7. “Fight Club” (Câu lạc bộ võ thuật – 1999)
“Fight Club” là một trong những bộ phim thiêng (cult movie) có ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa đại chúng, mặc dù lúc mới xuất hiện nó hầu như không được chú ý, nhưng cho đến tận bây giờ, hội người hâm mộ của nó vẫn đang tăng lên đều đều. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Chuck Palanihiuk, nhân vật được thủ vai bởi những khuôn mặt sáng giá nhất Hollywood, “Fight Club” thể hiện một tín ngưỡng của bạo lực và thuyết hư vô ấn tượng nhất kể từ sau “A Clockwood Orange” của đạo diễn Stanley Kubrick.
Edward Norton thủ vai một nhân vật vô danh, một trí thức cổ cồn trắng thường xuyên lui tới các câu lạc bộ vào ban đêm, giả vờ là một người cần giúp đỡ. Tại đây, gã gặp Marla, một con nghiện thuốc kích thích cũng hay lui đến những câu lạc bộ đó và cũng giả vờ là nạn nhân như gã. Cuộc đời của gã thay đổi chóng mặt kể từ sau khi gã gặp Tyler, một “con người thượng đẳng đích thực”, có một hệ thống giá trị và đạo lí của riêng mình, hoàn toàn trái ngược với gã nhân vật chính vô danh này. Gã và Tyler bắt đầu tổ chức những cuộc đấu tay đôi đường phố, quy tụ được một đám thành viên trung thành tạo thành một tổ chức với tên gọi Fight Club. Nhưng gã dần nhận ra hành vi của Tyler càng ngày càng trở nên nguy hiểm, gã cố dừng cuộc chơi, nhưng sự việc phức tạp hơn gã nghĩ nhiều lần.
Nếu bạn để ý đến từng chi tiết phim nhỏ một, cái kết bất ngờ nổi tiếng của bộ phim có thể sẽ không làm bạn giật mình, nhưng dù sao nó cũng tạo nên một sự khắc họa ấn tượng khái niệm Con người thượng đẳng của Nietzsche. Và thêm nữa, Đạo lý Chủ-Nô không chỉ diễn ra ngoài xã hội, mà còn có thể gây xung đột trong chính một con người, một nhân cách.
6. “Apocalypse Now” (Thời khắc tận thế – 1979)
Đó là 153 phút kết hợp kiệt tác của âm nhạc, hình ảnh và diễn xuất. Bất chấp một số vấn đề lúc đầu như khi “bố già” Marlon Brando hoàn toàn không chuẩn bị gì cho vai diễn trong phim, hay như sự tiếp nhận lạnh nhạt của giới phê bình khi phim vừa mới ra mắt, ngày nay “Apocalypse Now” là một bộ phim thiêng, được tôn thờ bởi cả 2 giới chuyên và không chuyên.
Bộ phim kể về câu chuyện của một người lính Mỹ trong thời kì chiến tranh Việt Nam, đại úy Benjamin Willard, được giao nhiệm vụ đột nhập sang Cambodia ám sát viên đại tá biến chất Walter Kurtz. Sự hiện sinh của bi kịch (Birth of tragedy) là khái niệm triết học được mở rộng và phát triển xuyên suốt bộ phim.
Giống như người Hy Lạp cổ đại, những nhà quan sát hiện đại cũng cần phải chứng kiến địa ngục của nỗi thống khổ của con người để hiểu được mục đích và ý nghĩa đích thực của cuộc sống. “Apocalypse Now” đào sâu thêm vào ý tưởng đó, và khán giả khi cố gắng kiếm tìm ý nghĩa của bộ phim sẽ chỉ nhìn thấy nhân vật trong phim cũng giống như mình, cùng tìm kiếm một cách tuyệt vọng cho sự tồn tại của họ.
Đại úy Benjamin Willard về cơ bản là một kẻ thua cuộc, gã tin rằng, nhiệm vụ mà gã được giao sẽ cho gã một mục đích sống. Đối diện với gã là đại úy Walter Kurtz, một anh hùng chiến tranh, cực kì tài năng và giàu thành tích, nhưng đứng trước sự bạo tàn của chiến tranh ông đã hóa điên, tự phong mình thành vua của một bộ lạc ở Cambodia.
Hai con người họ là hai mặt của một đồng xu, là hiện thân của hai nhân vật trong thần thoại Hy Lạp: thần mặt trời Apollo và con trai của ông ta Dyonisus. Một Apollo không muốn làm người hùng nữa, mà chỉ muốn trốn tránh, và một Dyonisus đấu tranh cả đời để ngồi lên được ngai vàng của Apollo. Đó là một cuộc đấu trí. Và cả hai kẻ tham gia đều thật vô nghĩa nếu thiếu kẻ còn lại.
5. “Citizen Kane” (Công dân Kane – 1941)
Được công nhận bởi người xem phim, giới phê bình và giới làm phim như là bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại (tất nhiên trong nghệ thuật mọi thứ chỉ là tương đối), “Citizen Kane” mang theo nó những kĩ thuật mới nhất trong việc biên tập, phong cách tự sự và góc quay phim. Bộ phim còn nhận được sự ngưỡng mộ lớn hơn nữa nếu xét đến độ tuổi còn rất trẻ của Orson Welles khi ông viết kịch bản, đạo diễn và biên tập bộ phim này.
Từ khóa xuyên suốt của bộ phim là Rosebud – lời nói cuối cùng lúc hấp hối của tỉ phú Charles Foster Kane khi ông chết một mình tại dinh thự của mình. Một nhóm các nhà báo bắt đầu lần ngược về quá khứ của Kane để tìm hiểu ý nghĩa của từ khóa đó. Họ gặp những người quen của Kane, và lần lượt từng người trong số họ hồi tưởng về người đàn ông giàu nhất nước Mỹ.
Sau một tuổi thơ sống trong nghèo khó nhưng ngọt ngào, Kane càng ngày càng trở nên giàu có và quyền lực, ông đạt đến đỉnh cao danh vọng và thành đạt từ rất sớm: ông là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Nhưng sự sụp đổ cũng là điều không thể tránh khỏi. Đến cuối cùng, khi nằm hấp hối một mình trên giường, ông chỉ cần Rosebud bên cạnh mình.
Về mặt triết học, bộ phim diễn tả một cực điểm khi Ý chí hùng cường (Will to Power) tiếp xúc với Thế giới quan riêng biệt (Perspectivism). Sự phất lên của Kane được định hướng bởi ý chí hướng tới quyền lực của ông ta – thứ bắt rễ từ nền tảng Đạo lý của Chủ nô. Nhưng khi đã đạt đến đỉnh cao, thế giới quan của Kane thay đổi.
Không có gì là sự thật khách quan cả. Dưới con mắt của người khác, Kane giống như một vị thần, nhưng dưới con mắt của mình Kane không còn nhận ra bản thân nữa. Những giá trị và tập thể tôn thờ có thể chẳng có nghĩa lí gì so với một số cá nhân. Điều đó giải thích tại sao sống trong một căn nhà tuyệt đại đa số người khác chỉ dám mơ về, gánh trên vai một danh tiếng to lớn, Kane nhận thấy rằng món đồ chơi thuở bé tên là Rosebud là điều duy nhất ông muốn.
4. “Dogville” (Dogville – 2003)
“Dogville” là bộ phim đầu tiên trong bộ ba phim Hoa Kì – mảnh đất cơ hội của đạo diễn người Đan Mạch – Lars Von Triers. Bộ phim diễn ra trong một khung cảnh nhỏ hẹp, bao gồm chín chương và một đoạn khai đề.
“Dogville” kể câu chuyện của Grace, một phụ nữ xinh đẹp phải chạy trốn khỏi một đám xã hội đen, buộc phải tìm chỗ trú ở một thị trấn nhỏ tên là Dogville. Tom là người đại diện cho thị trấn nhỏ này, chính anh ta động viên cái cộng đồng sống cách ly này đồng ý đón nhận và che giấu Grace. Đổi lại cô sẽ phải làm việc cho họ. Mọi thứ dường như có vẻ ổn.
Nhưng khi vị cảnh sát trưởng đến đó với một bức ảnh thông báo rằng Grace bị “mất tích”, cư dân thị trấn này đòi hỏi nhiều hơn từ Grace để chấp thuận việc che giấu cô. Khi vị cảnh sát trưởng trở lại lần nữa với tấm ảnh truy nã của Grace, đám người này biến Grace thành nô lệ cho họ và giấu tiệt luôn Grace khỏi cảnh sát. Chỉ có điều Grace giữ một bí mật đáng sợ, và việc làm hại cô thật sự là một việc làm ngu ngốc và tai hại cho cư dân của thị trấn đó.
Ý tưởng của bộ phim, như Lars Von Trier đã khẳng định, rằng “cái ác có thể trỗi dậy ở bất cứ đâu miễn là có điều kiện phù hợp”. Nói cách khác, đó chính là ý tưởng mà Nietzsche đã đưa ra trong tác phẩm “Beyond Good and Evil” (Trên cả Thiện và Ác) và “On Genealogy of Morality” (Đạo lý đại cương).
Một lần nữa chúng ta lại thấy Đạo lý Chủ-Nô được nhắc đến. Mỗi con người nên được dẫn lối bởi đạo lý của riêng mình, nhưng khi Chủ và Nô đổi chỗ cho nhau, hậu quả sẽ rất tàn khốc bởi vì họ không tôn trọng đạo lý của nhau.
3. “The Sacrifice” (Sự hy sinh – 1986)
“The Sacrifice” là bộ phim cuối cùng của Andrei Tarkovsky khi ông vẫn còn ở Liên Xô. Vị đạo diễn này đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong khi làm hậu kỳ cho phim, tuy nhiên chủ đề về cái chết trong phim chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Alexander – một nhà báo, một diễn viên đã giải nghệ và một triết gia – trồng một cái cây cùng con trai bị câm của mình – “Little Man”. Anh ta kể cho con trai câu chuyện về Ioann Kolov, học trò của một giáo sĩ tên là Pamve. Ioann được thầy của mình chỉ dạy hàng ngày phải trèo lên đỉnh một ngọn núi để tưới nước cho một cái cây đã chết cho đến khi nó sống lại, và sau ba năm, phép màu đã xảy ra.
Otto – một bưu tá bán thời gian, đồng thời cũng là một triết gia – đi đến với một tấm thiệp sinh nhật dành cho Alexander. Alexander nói với bạn mình rằng mối quan hệ của anh ta với Chúa là không có thực. Sau khi Otto dời đi, vợ của Alexander, bác sĩ gia đình của họ đến đón anh và đứa con trai về nhà.
Mọi người tham gia vào một bữa tiệc sinh nhật cho Alexander. Sau khi bữa tiệc kết thúc, chương trình thời sự thông báo rằng một cuộc chiến hạt nhân đã bắt đầu giữa các siêu cường. Alexander cầu nguyện một cách tuyệt vọng đến Chúa, đánh đổi mọi thứ mình có để ngăn không cho cuộc chiến xảy ra. Otto nói với Alexander rằng anh ta có thể cứu thế giới, nếu tối hôm đó anh đến thăm bà góa Maria, người mà Otto tin rằng là một phù thủy.
Alexander đến thăm Maria, rồi tỉnh dậy sáng hôm sau và thấy mọi thứ thật yên tĩnh và thanh bình. Alexander rủ mọi người ra khỏi nhà đi dạo buổi sáng, và khi họ đã đi khỏi, anh ở lại phóng hỏa nhà mình. Một chiếc xe cứu thương đột nhiên xuất hiện và đưa anh đi. Cảnh cuối cùng là khi Maria gặp Little Man đang tưới nước cho cái cây cậu bé trồng hôm trước, và cậu bé đột nhiên không còn câm nữa.
Chi tiết khó hiểu nhất của bộ phim có lẽ là khi Alexander cầu nguyện đến Chúa nhưng cuối cùng lại đến gặp bà phù thủy. Thế giới đã được cứu, nhưng là nhờ ai? Otto nhắc đến một câu nói của Nietzsche: “Mọi thứ tuyến tính đều là giả dối”, dẫn lời một người lùn nói với Zarathustra, thêm rằng “Thời gian là một vòng tròn”. Huyền thoại của Kolov không phải là một chi tiết tình cờ, đó chính là Vĩnh cửu luân hồi.
Alexander đã trao tặng một món quà, một món quà tối hậu cho nhân loại thông qua sự hy sinh “trên cả con người” của mình. Cả bộ phim còn để ngỏ cho người xem diễn dịch lại. Adrei dường như đã xây dựng một câu chuyện phản chiếu chính sự bối rối và bất an của mình. Có lẽ ông coi Vĩnh cửu luân hồi là một khái niệm kết nối tất cả những bộ phim của mình. Tarkovsky chiêm nghiệm về những con người tạo ra những thứ vượt lên trên chính bản thân mình, và cuối cùng thì kẻ tạo ra phép màu là Chúa, hay là bà phù thủy, đâu có quan trọng.
2. “Napoleon” (Napoleon – 1928)
Đó là bộ phim câm mang tính sử thi dài gần 6 tiếng về cuộc đời của Napoleon Bonaparte. Bộ phim mang theo nó những kĩ thuật quay cực kì tân tiến vào thời điểm nó được dựng, như là góc quay thứ nhất (Point of view camera), quay dưới nước, camera cầm tay, thay đổi độ hắt sáng,… Những kĩ thuật này về sau gây ảnh hưởng rất lớn đến Làn Sóng Mới của điện ảnh Pháp.
Cuộc đời của Napoleon, từ khi còn là một sĩ quan cấp thấp cho đến khi trở thành Hoàng đế Pháp là một ví dụ tiêu biểu cho ý chí hùng cường của Nietzsche.
1. “The Turin Horse” (Con ngựa thành Turin – 2011)
Không giống các bộ phim khác trong danh sách này, “The Turin Horse” không khắc họa bất cứ ý tưởng chủ đạo nào của Nietzsche, mà nó tập trung vào cái gốc của những tư tưởng đồ sộ này: sức nặng của sự làm người. Những cảnh quay lặp lại là những cảnh quay thực: 3 thực thể trong phim cố gắng tồn tại trong một cái thế giới gần như vừa trải một cơn khải huyền.
Vị khách trong phim trao cho cô gái một cuốn phản Kinh Thánh. Tiếp nối những suy nghĩ của Nietzsche, vị khách không đổ lỗi cho sự xuống cấp của nhân tính cho riêng mình Chúa, mà cho cả Chúa và con người. Vị khách đó, như lời Bella Tarr đã nói, giống như một cái bóng của Nietzsche.Vị đạo diễn này, kẻ luôn muốn trở thành một triết gia, kẻ luôn luôn tránh xa những cách kể chuyện thông thường, coi “The Turin Horse” như một tác phẩm đơn giản và phản sáng tạo.
Nietzsche, tên đầy đủ: Friedrick Wilhelm Nietzsche (1844 – 1900), là một trong những triết gia và nhà tư tưởng vĩ đại nhất lịch sử.
Tác phẩm của ông chứa đầy những tư tưởng mang tính nền tảng về tôn giáo, đạo lí, văn hóa đương đại, triết học và khoa học, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các phong trào chính trị, văn hóa đại chúng cũng như tư tưởng của các triết gia sau này.
Bài: Phi Hoàng Trịnh
Ảnh: Tasteofcinema.com