1. Nên sử dụng liều lượng dầu olive và sữa tắm như thế nào?
Liều lượng được điều chỉnh tùy vào làn da của từng người và cả điều kiện khí hậu nơi chúng ta sống. Với những người da khô thì tỉ lệ dầu olive nên nhiều hơn sữa tắm. Ngược lại, với da nhờn, bạn nên pha olive ít hơn sữa tắm (lúc đầu thử với vài giọt olive, sau có thể tăng dần nếu thấy hợp).
2. Vì sao mình đã áp dụng công thức tắm trắng này hơn 2 tuần rồi mà da vẫn chưa thấy trắng lên?
Mức độ “trắng ra” như thế nào phụ thuộc vào cơ địa (sắc tố da và mức độ phù hợp với dầu olive) và quan điểm “thế nào là trắng” của từng người. Thường những người da ngăm sẽ dễ nhận thấy làn da sáng lên hơn. Với những người da trắng sẵn nhưng vì lý do nào đó mà bị sạm đi (do tắm biển chẳng hạn) thì công thức này giúp da “nhả” nắng khá nhanh. Dầu olive và mọi cách tắm trắng khác không thể “đổi trắng thay đen” hoặc biến “quạ thành thiên nga” được.
Bên cạnh đó, yếu tố sữa tắm mà bạn dùng kết hợp với dầu olive cũng tạo ra sự khác biệt. Một số người (và bản thân tôi) nhận xét là một vài loại sữa tắm khi kết hợp với dầu olive sẽ cho ra kết quả tốt hơn so với loại sữa tắm khác. Vì vậy nếu có điều kiện, bạn nên thử với nhiều sữa tắm khác nhau.
Mặc dù kết quả trắng ra có sự khác biệt đối với từng người nhưng hầu hết những ai đã làm theo cách này đều nhận xét là làn da trở nên rất mịn màng trơn láng và khỏe khoắn. Điều này còn quan trọng hơn cả việc làm trắng da. Bởi có ý nghĩa gì khi một làn da trắng mà thô ráp hoặc xanh xao, nhợt nhạt nhỉ?
3. Nên dùng sữa tắm nào?
Tôi đang dùng sữa tắm Aloe Bath Gel của FLP. Trước đây tôi dùng sữa tắm của TBS cũng thấy khá hợp với dầu olive. Giá của 2 loại sữa tắm trên ở tầm trung (khoảng 300-350k/chai). Tuy nhiên không nhất thiết phải là sữa tắm mắc tiền mới cho hiệu quả cao.
4. Khi tắm với dầu olive, rất hay bị muỗi cắn
Theo nghiên cứu, có một vài nguyên nhân chính thu hút loài muỗi: mùi riêng của cơ thể, màu quần áo sậm (các màu xanh, đen, đỏ), thân nhiệt cao (một số người da rất mát, còn một số người da lại nóng). Nếu dùng dầu olive để tắm mà bị muỗi đốt nhiều hơn, có thể là do dầu olive kết hợp với những chất trên da tạo thành hỗn hợp rất “quyến rũ” với loài muỗi. Bạn nên ngưng sử dụng dầu olive nếu cảm thấy lũ muỗi quá phiền toái, hoặc dùng một loại kem chống muỗi thoa lên da.
5. Dầu olive có làm tăng “vi-ô-lông” không?
Điều này tùy thuộc cơ địa của từng người. Có người dùng dầu olive cả chục năm nhưng chẳng thấy “lông lá” gì cả. Tôi cũng tắm với dầu olive hàng ngày mà không hề có điều gì bất thường xảy ra. Tuy vậy, nhiều người phản ánh là “vi-ô-lông” mọc dài hơn. Trong trường hợp đó, bạn nên ngưng nhé. Còn nhiều cách làm trắng khác có lẽ sẽ hợp với bạn hơn, chẳng hạn tắm trắng với mật ong và sữa.
6. Sử dụng công thức này da có dễ bị bắt nắng không?
Một lưu ý nữa, theo tôi biết, ở phương Tây rất chuộng màu da rám nắng. Họ thường thoa dầu olive lên toàn bộ cơ thể và tắm nắng để có nước da thật đồng màu. Vì vậy nếu dùng dầu olive để có làn da trắng, bạn cần che chắn cẩn thận khi ra nắng nhé.
7. Nên thoa hỗn hợp này lên da trực tiếp hay cho vào bông tắm rồi thoa lên da?
Bạn hãy dùng một chiếc chậu nhỏ, cho hỗn hợp vào trộn đều (thêm ít nước cũng được), thoa lên da rồi mới dùng bông tắm chà để tạo bọt. Cách này giúp hỗn hợp thấm trực tiếp lên da và ít hao hơn là đổ trực tiếp vào bông tắm.
8. Mình có thể hòa dầu olive với sữa rửa mặt không?
Được, nhưng bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Nếu da bạn dễ nổi mụn hoặc nhạy cảm: nên rửa mặt sạch trước, lau khô rồi thoa dầu olive lên da, matxa nhẹ nhàng, sau đó dùng khăn giấy lau khô dầu. Không nên dùng nước rửa hoặc khăn ướt lau lúc này nhé, vì dầu olive không thể hòa tan trong nước. Sau đó rửa mặt lại thật sạch với sữa rửa mặt.
Nếu da bạn không nhạy cảm hoặc ít nổi mụn: có thể hòa dầu olive với sữa rửa mặt để dùng.
Cẩn thận hơn, trong những lần đầu, bạn nên cho vài giọt dầu olive thôi, khi thấy hợp thì tăng dần lên. Để tránh trường hợp mẫn cảm với dầu olive (bị nổi mẩn đỏ hoặc mụn nhiều hơn sau khi dùng), tốt nhất bạn nên thử cho một vùng da nhỏ (trán, cằm hoặc mặt trong cánh tay) trong 3-5 ngày, sau đó hãy áp dụng cho toàn khuôn mặt.
9. Dùng dầu olive để tẩy trang có thật sự làm sạch lớp trang điểm không?
Câu trả lời là sạch hoàn toàn, ngoài ra nó còn giúp lấy đi những mảng sần sùi của mụn cám trên mũi nữa. Sau khi tẩy trang, bạn nhớ rửa mặt lại bằng sữa rửa mặt để sạch dầu. Nếu dùng dầu olive tẩy trang thấy bí da, khó chịu thì không nên sử dụng nữa.
Theo: lamdepcungha.com
Xem thêm: Dầu olive – yêu và ghét