“Tết” giãn cách đã kéo dài được gần một tháng và có vẻ vẫn chưa dừng lại. Tất cả chúng ta đều như gã Robinson mắc kẹt lại trên ốc đảo của mình. Sau ngần ấy giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, đây là 13 điều tôi học được cho riêng tôi. Để sau này nhìn lại, tôi biết mọi thứ đã biến động ra sao và tất cả chúng ta đều vững vàng đến thế nào.
Nhà tâm lý học Robin Dunbar gọi 150 là con số kì diệu, vì theo nghiên cứu của cô, vòng tròn xã hội của chúng ta chỉ có thể ở mức tối đa là 150 người. Khi đời sống gói gọn trong các bức tường, con số kia bỗng thu gọn về còn dăm ba, hoặc khá khẩm hơn thì ở mức cơ bản 15. Tôi nghiền ngẫm và liệt kê ra, chợt phát hiện bạn bè chiếm phần lớn con số đó.
Dù là ở thế giới thực hay không gian số, bạn bè vẫn có một giá trị cơ bản đối với tôi, và cả chúng ta. Họ chính là kết quả của nhu cầu xã hội lẫn nỗi tha thiết được gắn kết và một cảm giác thuộc về. Khi lệnh phong tỏa bắt đầu, tôi thực tình nhớ những cuộc gặp gỡ, chuyện trò và tiếng cười nổ giòn như bắp. Lúc đấy tôi mới bắt đầu nhận ra, rằng hạnh phúc của tôi chỉ nằm vỏn vẹn trong một con số 15.
Có mấy chiều tôi ngồi trên ghế xếp ngoài hiên, ngắm một chiếc máy bay cần mẫn vẽ một đường thẳng trắng phớ. Mẹ đang bắt một nồi chè đỗ đen trong nhà, ba ngồi xem tivi vào một chiều hầm hập, tiếng em trai giỡn với bọn chó mèo ở hành lang. Dịch bệnh là một tình huống bất thường, thật kì lạ là tình huống ấy cho tôi được ở cạnh gia đình nhiều hơn. Tôi trân trọng từng phút giây mình có. Và tự nghĩ rằng, thật biết ơn vì có thể rời đi và lại trở về. Tôi đã có thể bay nhảy đến bất kì nơi nào, tự do trải nghiệm những điều mình muốn. Và sau khi đặt được mọi thứ xuống, hoặc một tình huống kì lạ như bây giờ xảy ra, tôi có thể ngoảnh lại và biết rằng mình vẫn còn một nơi để trở về.
Cà tím hấp ướp nước mắm cay. Thịt heo luộc ứa nước ngọt ngào. Rau muống xanh trên dĩa. Nặn chanh vào tô nước luộc là đã thành một món canh ngon. Có lẽ nhiều người đã nhận ra rằng, trong lúc này đây còn được đứng trong bếp nấu ăn đã là một niềm hoan hỉ. Và một bữa ăn ấm bụng giữa thời dịch giã có nghĩa là bạn đang hạnh phúc hơn rất nhiều người. Hãy trân trọng nó. Hãy tận hưởng nó. Và hãy như cô gái Hye Won trong bộ phim “Khu rừng nhỏ”, một hôm ngồi trước món canh bột mùa đông và thốt lên rằng: “Tạ ơn trời vì đã cho con lương thực”.
“Cháu không muốn ra đi đâu”. Peter Parker nói với bác Tony Stark như thế, rồi cậu bé tan thành bụi cát. Lúc đó, tôi thấy buồn cho một anh hùng trẻ tuổi, một nỗi buồn ngắn ngủi gói gọn trong rạp chiếu, trên màn hình đang chạy thước phim Avengers: End Game. Vỏn vẹn mấy năm sau, ở đâu tôi cũng nhìn thấy anh hùng. Đó là những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, dân quân tự vệ dọn khu cách ly, những chiến sĩ phòng chốt ngày đêm, và các tình nguyện viên tận tụy. Tất cả bọn họ đều là anh hùng. Nhưng cùng một lúc đó tôi cũng ghi nhớ rằng, những nỗ lực và khổ sở bây giờ của họ không phải là điều hiển nhiên. Tôi biết ơn họ vì đã cố gắng. Tôi khâm phục họ vì đã đánh đổi. Tôi nhìn họ và nhớ đến Peter Parker. Dẫu sao, đến một kẻ anh hùng như Peter Parker cũng sợ hãi phải ra đi mà.
Có ông chú kia vì muốn đưa cơm mà hốt hoảng đuổi theo anh xe ôm công nghệ. Một gã bán rau hào sảng quyết không tăng giá mùa dịch. Mấy nhóm người trẻ đi rao bánh mì 0 đồng. Khắp các ngả đường thành phố, những xe cơm từ thiện đẩy đưa. Có lẽ, chẳng có thời điểm nào phù hợp hơn để nói về sự tử tế giữa người với người. Rõ ràng trong cuộc chiến với dịch tễ, lòng tốt là thứ khiến chúng ta sẽ chiến thắng cùng nhau.
Nhưng tôi thấy ở đâu đấy trên mạng xã hội, người ta còn dấy lên câu hỏi về cách cho, còn bán tán mãi về một tấm lòng vờ vĩnh. Chỉ là, trong lúc hoạn nạn này tôi học được một điều về lòng tốt: nếu buộc phải chọn giữa việc đúng và việc tử tế, hãy chọn việc tử tế và bạn sẽ luôn luôn đúng.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả và tin sai sự thật, xoay mòng mòng ăn theo giai đoạn bất an này. Vì vậy, khi mọi giao tiếp xã hội đã chuyển qua không gian số, việc tỉnh táo trước thông tin là vô cùng quan trọng. Thứ nhất, hãy chọn nguồn thông tin đáng tin cậy. Thứ hai, đối chiếu thông tin giữa nhiều nguồn khác nhau. Thứ ba, hãy giữ một thái độ nghi ngờ và khách quan. Và tôi còn biết thêm một điều nữa, rằng cái chính không phải là bác bỏ một nhận định và chứng minh cái còn lại, mà phải nghi ngờ cả hai.
Đợt bùng dịch thứ 4 bắt đầu, tôi quay trở về nơi có rừng và biển. Có một đoạn tôi có thể đạp xe giữa những miền xanh, đi bộ dưới rìa núi và hái hoa sen trong đầm. Đến khi thị trấn cũng “trở bệnh”, tiếng còi cấp cứu inh ỏi ngày đêm, tôi ở lại nhà và nhìn ra cửa sổ. Ngoài cửa sổ có một ngọn núi xanh rì. Đụn mây lớn êm đềm trôi đi. Phải đến lúc này tôi mới biết thiên nhiên ý nghĩa nhường nào. Nó có sức mạnh riêng và khả năng chữa lành chính là một dạng sức mạnh như thế. Có lẽ vào ngày trở lại, tất cả chúng ta đều nên đi giữa những cánh rừng, hoặc trên bãi biển, hoặc giữa công viên rợp bóng cỏ cây. Vì chúng ta đã đầy ắp tổn thương, còn thiên nhiên là một sinh vật lắng nghe rất giỏi. Mà vết thương chỉ lành khi chúng được lắng nghe.
Nó chuyển động nhanh theo nhịp sống của thời hiện đại. Hàng tỷ thông tin quăng lên đấy mỗi giờ và hàng triệu cuộc nói chuyện diễn ra mỗi phút. Kể từ lệnh phong tỏa bắt đầu, mà có khi là trước đó nữa, tôi ngụp lặn giữa biển thông tin và những dòng tin nhắn chứa đầy thuật toán. Nhưng rồi một đêm nọ, tôi sực nhận ra rằng: nơi ồn ào nhất lại là nơi cô đơn nhất; mạng xã hội chỉ là đại diện của một thế hệ bất an, những kẻ mất kết nối và đầy buồn bã; sự tồn tại của nó làm lộ ra sự trống trải ngay từ đầu: những cái ôm, gương mặt thật và tiếng nói bên tai.
Con người là sinh vật e ngại sự thay đổi. Trong khi đó, giai đoạn này lại dư dả những tình huống bất thường. Vì vậy, chẳng lúc nào tinh thần tôi trở nên ốm yếu, dễ tổn thương và cần tôi chăm sóc đến thế. Tôi chọn một cuốn sách để đọc, nghe nhạc Chet Baker, xem 10 things I hate about you, trò chuyện với bạn bè và nhân khoảng thời gian này gắng học thêm vài thứ mới. Vào những ngày bỗng chợt u uất, tôi chợt nghĩ tới câu nói của nữ vợt thủ số 1 thế giới Naomi Oska. Rằng sẽ có người giúp được bạn ngoài kia, và hãy nhớ cuối con hầm luôn là ánh sáng.
Trong bộ phim “Run On”, nhân vật Seon Gyeom nói rằng “vận động để sống”. Ướm vào hoàn cảnh này, câu nói đó càng có ý nghĩa. Chẳng còn thời điểm nào phù hợp hơn lúc này để bắt đầu một bài tập mới. Vừa giữ đầu óc trống rỗng không suy nghĩ, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Nó là một nơi chốn riêng tư, nhưng lại có rất nhiều người nhìn thấy. Nó hướng ra thế giới bên ngoài, nhưng lại biểu trưng cho đời sống bên trong. Nó cho phép người ta ngắm nhìn, nhưng lại từ chối sự chung đụng không cần thiết. Nếu phải miêu tả về ban công, tôi sẽ viết mấy lời như vậy. Trong giai đoạn giãn cách này, có lẽ, ban công đã trở thành cầu nối duy nhất của tôi với thế giới yên lặng bên ngoài.
Đường phố từng một thời nhộn nhịp. Những quán cà phê ấm cúng giữa cơn mưa. Buổi hẹn hò ngoài trời với những cái ôm hôn ấm áp. Và người ta nắm tay nhau mà chẳng có lấy chút sợ hãi hay ngờ vực nào. Tất cả chúng ta đều nhớ thương những ngày tháng đó. Và tất cả chúng ta đều cùng rơi vào trạng thái “Nostalgia” – chứng hoài niệm về những điều tốt đẹp đã cũ.
Tất cả đều chuyển sang một khái niệm mới. Sự xa xỉ mới. Định nghĩa hạnh phúc mới. Khái niệm anh hùng mới. Và ngay lúc này đây, tôi cũng đang tách rời nhịp sống bình thường để thích nghi với một nhịp sống mới. Bằng những nỗ lực, lòng vững tin và sự tử tế, tôi tin tất cả rồi sẽ qua được đoạn này. Nhưng tôi không tin những ngày tháng cũ sẽ quay trở lại. Vì giống như tất cả những chuyển giao khái niệm trên kia, một trạng thái “bình thường mới” sẽ ra đời. Ở đó chúng ta nỗ lực để đặt ra những tiêu chuẩn mới, con người có nhiều sự chuẩn bị hơn cho những khó khăn, và cả lối sống trân trọng hơn đối với những điều tốt đẹp đang có.