1001 chuyện sức khỏe ngày Tết

Vốn là ngày để mọi người nghỉ ngơi vui chơi nhưng không phải sức khỏe của ai trong chúng ta cũng ổn áp để thật sự tận hưởng “kỳ nghỉ toàn dân” này. Liệu có cách nào để vượt qua một mùa Tết an lành đúng nghĩa không?

Dạ dày muốn “đình công”?

Tình trạng bao tử khó chịu ngày Tết diễn ra khá phổ biến. Lý do phổ biến nhất là vì ngày Tết ta thường ăn các loại thức ăn dạng dự trữ lâu như dưa chua, dưa muối, hoặc thức ăn đặc trưng ngày Tết như thịt mỡ, bánh chưng là những thức ăn khó tiêu, thay đổi đột ngột với chế độ ăn ngày thường. Dạ dày phải làm việc “bận rộn” nhưng mãi không tiêu hóa nổi nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, cảm giác no ngang cả ngày. Đó là chưa kể có khi uống thêm rượu, bia càng kích thích dạ dày thêm.

Vậy nên ăn uống như thế nào để dạ dày khỏe suốt những ngày Tết? Trước hết, bạn hãy cố gắng giữ cho bữa ăn càng giống ngày thường (về giờ ăn, thức ăn). Ngoài ra bạn nên hạn chế các loại bánh, mứt, kẹo hoặc bánh chưng, những thức ăn dễ gây đầy bụng đặc biệt là rượu, bia. Một số gia đình những năm gần đây đã thay bánh, mứt, kẹo sang trái cây như quít, bưởi, nho, táo… Một dấu hiệu tốt trong việc chuyển đổi, cập nhật các món ăn trong gia đình Việt. Trái cây vừa tránh cho hệ tiêu hóa làm việc quá sức vì không chứa nhiều đạm, đường, béo vừa cung cấp nước, muối khoáng và các vitamin đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức khỏe cho việc đi lại, thăm viếng ngày Tết.

Cơ thể từ chối nạp thức ăn

Một tình trạng thường thấy khác khi Tết đến Xuân về chính là căn bệnh “không muốn ăn gì cả”. Có thể bạn đang phải làm việc hay học tập quá mệt mỏi hoặc căng thẳng. Nếu đã trót rơi vào tình huống này thì bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn để cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa của bạn hồi phục lại “sức khỏe”.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn sinh hoạt bình thường nhưng tự dưng lại chán ăn thì có thể cơ thể bạn đang thiếu chất sắt hoặc bị một bệnh mãn tính nào đó, khi ấy bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thế nhưng, có thể do tâm lý ngày Tết sợ tăng cân nên một số bạn nữ “đâm ra” chán ăn. Vì thế để tránh tình trạng lo âu này các nàng vẫn nên ăn uống bình thường và kết hợp các loại trà thảo dược để không phải ám ảnh về cân nặng nhé!

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng thường gặp vào dịp Tết. Người bệnh thường có biểu hiện đau bụng sau khi ăn, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu. Có thể xuất hiện nôn, buồn nôn, tiêu chảy gây khó chịu thậm chí là kiệt sức cho người bệnh. Với căn bệnh này thì việc điều trị không quá phức tạp, bạn có thể uống men tiêu hóa, nhai một ít gừng tươi, hoặc ăn các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cho tiêu hóa như sữa chua… và đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn để hệ thống dạ dày ruột hoạt động hiệu quả hơn. Nếu sau đó các triệu chứng vẫn không thuyên giảm bạn phải đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Ngộ độc rượu

Sau những cuộc vui “quên lối về” thì ngộ độc rượu là một trong những vấn đề nhức nhối xảy ra đều đặn hằng năm. Ngộ độc rượu xảy ra khi bạn uống quá nhiều rượu bia hoặc uống phải rượu giả. Khi bạn bè, hoặc người thân bị ngộ độc rượu, bạn có thể tiến hành sơ cứu bằng cách cho họ nằm trên giường, giữ ấm tối đa thay vì để họ nằm dưới đất hay những chỗ gió lạnh.

Tránh để đầu người ngộ độc thấp giúp dễ dàng làm nôn hết rượu ra, và cho nạn nhân uống nhiều nước ấm để tránh tình trạng mất nước. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho người bệnh uống nước gừng ấm, sữa nóng, hay nước chanh để có thể giải được tình trạng ngộ độc rượu ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trang diễn biếng nặng nên đưa người bệnh đến cơ sở điều trị gần nhất tránh tình huống người bệnh tử vong

Mọi người thường bảo nhau sức khỏe quý hơn vàng nhưng với tâm lý kiêng kị dùng thuốc và nhập viện đầu năm vì sợ cả năm bị như thế, hoặc ngại phiền hà con cháu dịp Tết… dẫn đến việc nhiều người tự ý điều trị tại nhà, chậm trễ nhập viện, gây ra những sự việc đau lòng.


From the same category