100 triệu đồng dư luận và địa chỉ của sự thật

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vậy là điều mà ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố Hà  Nội Trần Trọng Dực công bố về việc chạy công chức là không có cơ sở, chỉ dựa vào dư luận.

Trên thực tế, kết quả kiểm tra và thông tin từ dư luận đôi lúc lại trái ngược nhau ở chỗ, sự thật không đứng về báo cáo kiểm tra mà lại đứng về phía dư luận, mặc dù nó không có chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm bằng con số như kết quả của một cơ quan kiểm tra. Có rất nhiều sự thật về tham nhũng lù lù  trước mắt nhân dân nhưng không thể tóm được thủ phạm, bởi vì không có chứng cứ chứng minh cụ thể. Hoặc vì nhiều lý do khác, quyền lực có thể xóa sạch mọi chứng cứ, cho nên sự thật vẫn chỉ sống trong dư luận.

Dư luận chỉ mở ra một phiên tòa lương tâm và nhân dân là thẩm phán, bản án là bia miệng ngàn đời. Bản án này tuy không tống giam được kẻ tham nhũng, nhưng ngàn thu không rửa sạch cái danh nhơ nhuốc. Quả thật, nó đáng sợ hơn một bản án có hiệu lực pháp luật.

Bàn rộng ra như vậy để thấy rằng, chuyện kiểm tra không ra việc chạy công chức 100 triệu có gì là lạ. Người đưa tiền hối lộ sẽ không dại gì tự khai mình có hành vi đưa hối lộ, chỉ cần thế thôi là mọi sự kiểm tra đều không có cơ sở. Còn có anh nào tham nhũng lại tự khai mình tham nhũng không? Tất nhiên là không?

Nói như thế không phải là không chống được nạn chạy công chức, nạn mua quan bán quyền. Chỉ cần người đứng đầu trong một đơn vị, lãnh đạo các cơ quan công quyền công tâm, liêm khiết thì đố có anh cấp dưới nào dám lộng hành.

Chỉ có điều, người công chính ngày nay cũng như lá mùa thu.

Người công chính quý hiếm, nhưng càng hiếm người được đặt vào các vị trí lãnh đạo. Phải chăng trong  cuộc đấu tranh chống các hiện tương tiêu cực đang tồn tại, việc đưa và nhận tiền để chạy công chức vẫn chưa thể có câu trả lời cần có?

Lê Chân Nhân

Theo Dân trí


From the same category