Từ khoa học viễn tưởng đến du hành thời gian… Liên hoan phim (LHP) Venice 2021 hội tụ những tựa phim đa dạng các thể loại với kỹ xảo điện ảnh đẹp mắt cùng nội dung hấp dẫn, lôi cuốn trong từng thước phim.
“Costa Brava” (địa danh của một vùng đất thuộc Tây Ban Nha) là tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn Mounia Akl (Trung Đông). Cô được biết đến là một nhà làm phim nổi tiếng trên toàn thế giới khi đoạt giải thưởng LHP Cannes lần thứ 69 với bộ phim ngắn “Submarine – Tàu ngầm” (2015). Là một trong những bộ phim được dự đoán sẽ tranh hạng trong LHP Venice 2021, “Costa Brava” thuộc thể loại hài – chính kịch, xoay quanh một gia đình đang cố gắng thoát khỏi sự ô nhiễm độc hại của Beirut (thủ đô Liban), tìm kiếm nơi trú ẩn trong một ngôi nhà trên vùng núi hẻo lánh, xa xôi.
“Costa Brava” được lấy cảm hứng từ thời kỳ ô nhiễm rác thải ở Liban vào năm 2014, cũng như đề cập đến bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế ở đất nước này ngày càng trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19 và vụ nổ Beirut tàn khốc vào ngày 3/8/2020. “Costa Brava” mang đến thông điệp mạnh mẽ, cảnh báo cho tất cả mọi người về những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những năm gần đây.
“Dune” là bộ phim khoa học viễn tưởng lấy cảm hứng sản xuất từ cuốn sách cùng tên của tác giả Frank Herbert. Phiên bản đầu tiên của tác phẩm điện ảnh được trình chiếu vào năm 1984 của đạo diễn David Lynch. Tham gia LHP Venice 2021, bản chuyển thể được Denis Villeneuve cầm trịch với sự góp mặt của dàn sao Hollywood như Timothée Chalamet, Oscar Isaac, Rebecca Ferguson, Jason Momoa, Zendaya… được kỳ vọng trở thành “ngôi sao sáng giá” trong liên hoan phim lần này.
“Dune” lấy bối cảnh ở tương lai, khi loài người đã tiến hóa ở nhiều khía cạnh khoa học lẫn tâm linh. Bộ phim kể về một hành trình của Paul Atreides (Timothée Chalamet), một thanh niên xuất chúng, sinh ra trong một gia đình hoàng gia và được giao phó nhiệm vụ cai trị hành tinh sa mạc Arrakis. Paul phải du hành đến hành tinh nguy hiểm nhất trong vũ trụ để đảm bảo sự an toàn của nhân loại trong tương lai. Khi các thế lực xấu trỗi dậy, tranh giành nguồn cung cấp độc quyền tài nguyên quý giá nhất cho sự tồn tại của hành tinh (một thứ hàng hóa có khả năng khai phá tiềm năng lớn nhất của nhân loại), chỉ những người có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của họ mới sống sót. “Dune” hứa hẹn chinh phục khán giả bằng nội dung mới lạ cũng như kỹ xảo điện ảnh đẹp mắt.
Thạm dự LHP Venice lần thứ 78 còn có sự tranh tài của dự án đình đám “Parallel Mothers” của đạo diễn Pedro Almodovar. “Parallel Mothers” là một cuộc khảo sát về bản năng làm mẹ, một chủ đề quen thuộc trong rất nhiều tác phẩm điện ảnh của vị đạo diễn người Tây Ban Nha. Bộ phim kể về hai người phụ nữ với độ tuổi chênh lệch cũng như cuộc sống trái ngược nhau, nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ của họ trong phòng hộ sinh đã khiến mối quan hệ trở nên gắn kết một cách bất ngờ. Lấy bối cảnh về một thế giới nơi đàn ông chỉ là một “cái bóng” đơn thuần, “Parallel Mothers” là một bộ phim hấp dẫn về sự sống và cái chết, về tình mẫu tử và về việc làm mẹ thực sự là như thế nào. Đảm nhận hai vai diễn quan trọng này là hai nữ diễn viên Penelope Cruz và Milena Smit, cùng với sự góp mặt của một số diễn viên kỳ cựu khác như Aitana Sánchez-Gijón, Israel Elejalde, Daniela Santiago…
Một trong những bộ phim được mong đợi nhất tại LHP Venice 2021 là “Spencer”, tác phẩm chính kịch do nhà làm phim Pablo Larrain (Chile) và Steven Knight (Anh) đảm nhiệm. Bộ phim tái hiện lại thời điểm hôn nhân đổ vỡ của Công nương Diana với Thái tử Charles, cũng như cuộc đời thăng trầm của Công nương xứ Wales. Ba ngày ngục tù trong cuộc đời Diana vào kỳ nghỉ giáng sinh tại Sandringham (Anh) vào năm 1991 được lột tả chân thực qua màn hóa thân của nữ diễn viên Kristen Stewart.
Quyết định tái hiện về cuộc đời của cố Công nương Diana, nhà làm phim người Chile đã cho chúng ta thấy người phụ nữ quyền lực một thời tại vương quốc Anh mắc kẹt trong cuộc sống hoàng gia, phải chịu những ấm ức, khủng hoảng, bi thương nhiều thế nào. “Spencer” nhanh chóng nhận được sự tán dương sau khi công chiếu tại LHP Venice 2021, hứa hẹn sẽ không ra về trắng tay trong sự kiện liên hoan phim sôi động lần này.
Thoạt nhìn, “Last night in Soho” mê hoặc người xem bởi những thước phim đẹp ngập trong ánh đèn neon mờ ảo, nơi sự thật trong quá khứ và hiện tại như thế tan vào nhau. Thế nhưng, đừng dễ bị đánh lừa khi đây là tác phẩm kinh dị tâm lý gây cấn với sự tham gia của “nữ hoàng cờ vua” Anya Taylor Joy, Matt Smith và Thomasin McKenzie. Đạo diễn Edgar Wright lên ý tưởng về một câu chuyện du hành thời gian của một NTK thời trang (Thomasin McKenzie), người ngược về những năm 1960 và nhập vào thân xác của một ca sĩ Sandie (Anya Taylor Joy).
Khi ở trong cơ thể của Sandie, cô trải qua một mối quan hệ lãng mạn, một cuộc sống tráng lệ nhưng sau đó, cô bắt đầu nhận ra rằng sự hào nhoáng, rực rỡ tại London không như tưởng tượng, và người phụ nữ này ngỡ ngàng trước những bí mật kinh hoàng khi ở bên trong thân xác của Sandie. “Last night in Soho” là một trong các tác phẩm đầu tiên khởi động trở lại ở Anh khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào tháng 8/2020. Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại niềm tự hào cho nền điện ảnh vương quốc Anh.
“The Power of the Dog” là bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1967 của Thomas Savage do nữ đạo diễn Jane Campion cầm trịch. Phim kể về hai anh em, một người thông minh và bảo thủ (Benedict Cumberbatch), người còn lại vụng về nhưng tốt bụng (Jesse Plemons), đang sống một mình trong nhiều thập kỷ tại một trang trại ở Montana. Sau đó, một góa phụ (Kirsten Dunst) cùng con trai của cô bước vào cuộc sống của họ và đã châm ngòi cho một cuộc chiến giữa hai anh em.
Mười hai năm rời xa điện ảnh, Jane Campion trở lại đầy xúc động với “The Power of the Dog”, một tác phẩm mang đậm phong cách riêng của nữ đạo diễn tài năng. Đối với một nhà làm phim chủ yếu tập trung khai thác về tâm lý phụ nữ, thì bản chuyển thể hấp dẫn này của Jane lại khai thác sự độc đoán, bảo thủ, hà khắc ẩn sâu bên trong tính cách của nam giới. Được đánh giá là bộ phim được yêu thích nhất đầu mùa giải, “The Power of the Dog” sẽ là một đối thủ đáng gờm tại liên hoan phim năm nay.
Paolo Sorrentino viết kịch bản cho “The Hand of God” và tái hợp cùng nhà sản xuất Lorenzo Mieli sau thành công của “The Great Beauty” (2013). Đạo diễn người Ý được biết đến là một người yêu cái đẹp hoàn mỹ về nước Ý hiện đại trong các bộ phim như “II Divo” và “The Great Beauty” từng đoạt giải Oscar năm 2014.
Tại LHP Venice 2021, Paolo Sorrentino mang đến một cuốn hồi ký đậm dấu ấn cá nhân tái hiện trên màn ảnh rộng với đủ đầy cung bậc cảm xúc. Lấy bối cảnh ở Naples (Ý) của những năm 1980, “The Hand of God” là một câu chuyện về chàng thanh niên Naples (Filippo Scotti), trải qua những thăng trầm của cuộc đời, bao gồm cả niềm vui, nỗi đau và sự giải thoát. “The Hand of God” là tác phẩm mang hơi hướng huyền bí, tâm linh của đời sống con người, một thể loại phim đặc sắc trong khuôn khổ Venice 2021.
“Tại sao còn có sự chia tay sau hôn nhân? Tại sao không ai nói về thực tế, rằng ly hôn là một điều tổn thương vô tận?” nữ diễn viên Jessica Chastain đặt câu hỏi trong một khoảnh khắc đau lòng của cuộc đời mình trong “Scenes from a Marriage” – bản chuyển thể hiện đại của tác phẩm phiên bản gốc năm 1970.
Không chỉ nói về cuộc hôn nhân kéo dài hơn 10 năm tan vỡ, “Scenes of a Marriage” của đạo diễn Ingmar Bergman (Thụy Điển) cùng biên kịch Hagai Levi (Israel) đào sâu những yếu tố khiến việc xây dựng hôn nhân trở nên vất vả như duy trì tình yêu, tránh xa hận thù, vật lộn với sự bất mãn, tránh khỏi sự oán giận, duy trì ham muốn… Và hơn thế, những viễn cảnh sau một cuộc hôn nhân không đến đích như sự tàn phá tinh thần sau khi ly hôn, tâm lý mất mát sau đổ vỡ, số phận của con trẻ… cũng được khai thác triệt để.
Vẫn giữ nguyên tác từ bản gốc, tuy nhiên tác phẩm lần này là một câu chuyện về phụ nữ, người là nguyên nhân gây rạn nứt một gia đình, thay vì vấn đề nằm ở người đàn ông như phiên bản cũ. “Scenes of a Marriage” tạo cảm giác cho người xem có một cái nhìn trực quan, sâu sắc hơn trong đời sống hôn nhân thời hiện đại.
“Mona Lisa and the Blood Moon” là bộ phim thứ 3 của đạo diễn Ana Lily Amirpour với sự tham gia của “Ác nữ màn ảnh” xứ kim chi – Jeon Jong Seo cùng ngôi sao Hollywood – Kate Hudson. Lấy cảm hứng từ những bộ phim siêu anh hùng, từ nền văn hóa Raver (nền văn hóa Anh thế kỷ 50) và tiểu thuyết Gothic miền nam nước Mỹ, tác phẩm điện ảnh của nữ đạo diễn là bộ phim phiêu lưu giả tưởng đầy gây cấn. “Mona Lisa and the Blood Moon” theo chân cô gái tên Lunatic (Jeon Jong Seo) sở hữu một sức mạnh kỳ lạ nhưng vô cùng nguy hiểm. Cô cố gắng trốn thoát khỏi trại tâm thần và vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách ở New Orleans (Mỹ).
Ba người phụ nữ tài năng này hứa hẹn sẽ đem đến trải nghiệm điện ảnh ấn tượng tại tại Venice 2021. Ngay cả khi đây không phải là thể loại phim yêu thích của người xem, “Mona Lisa and the Blood Moon” chắc chắn cũng sẽ khiến họ hồi hộp, đứng ngồi không yên trong từng thước phim.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Elena Ferrante năm 2008, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Maggie Gyllenhaal kể về Leda (Olivia Colman), một giáo sư đại học người Anh, người đang sống cô độc trong một ngôi nhà trên bãi biển của Hy Lạp để dồn hết tâm trí cho dự án sách của mình. Yên tĩnh chưa được bao lâu, sự xuất hiện của một gia đình ồn ào, náo nhiệt từ New York (Mỹ) đã “cuỗm mất” giấc mơ của cô về một mùa hè yên tĩnh dành cho công việc.
Tuy nhiên, sự hiện diện của một gia đình đông thành viên với đầy đủ cha mẹ, con cái yêu thương nhau khiến Leda tủi thân và khao khát có được một gia đình êm ấm. Nhân vật chính hồi tưởng ký ức về khoảng thời gian làm mẹ và nỗi nhớ về 2 đứa con gái mà cô đã từng rời bỏ vì đam mê sự nghiệp. Leda mở lòng tâm sự với người hàng xóm xa lạ và nhận ra làm mẹ là sứ mệnh quan trọng nhất trong cuộc đời cô. Elena Ferrante đã xuất sắc trong việc tập trung khai thác về tình yêu thương gia đình và đặc biệt là tình mẫu tử. “The Lost Daughter” cùng “Parallel Mothers” sẽ có cuộc canh tranh trực diện hơn so với phần còn lại vì chủ đề khai thác khá tương đồng nhau.