Người ta thường có định kiến loại thức ăn này tốt, loại kia có hại mà không hề kiểm chứng. Trong khi thực tế, nhiều khi loại bị nghĩ là “rất độc” lại chứa những dưỡng chất không ngờ và nhiều loại thức ăn vốn được coi là “cực bổ” lại có thể gây hại bất cứ lúc nào, nhất là trong quá trình chế biến. Mới đây, một nhóm chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu trên quy mô lớn nhằm kiểm định lại giá trị dinh dưỡng thực sự của nhiều loại thực phẩm. Rất nhiều “sự thật” đã được làm sáng tỏ. Dưới đây là 10 loại thực phẩm từng ít nhiều chịu “tiếng oan”, nay đã được thanh minh.
Hầu hết các loại thực phẩm đều có lợi cho sức khỏe, trừ những thực phẩm sử dụng hoá chất có hại. Vấn đề là nên sử dụng thực phẩm như thế nào để đạt được một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn đừng nghĩ rằng những thực phẩm càng quý hiếm, đắt tiền thì càng nhiều chất dinh dưỡng, mà thực tế, chúng có đủ trong các thực phẩm thông thường. Và bạn nên nhớ: trong dinh dưỡng một thông tin sai dù rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
1. Chocolate
Với người lãng mạn, chocolate là biểu tượng của tình yêu với đủ vị đắng cay mặn ngọt. Tuy nhiên chocolate không chỉ có vậy. Chocolate, đặc biệt chocolate đắng là một trong những loại thực phẩm rất tốt, bởi chúng giàu hợp chất polyphenol. Các chất này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ngăn ngừa sản sinh cholesterol trong máu. Một thí nghiệm tại trường Đại học Pennsylvania đã chứng minh nếu mỗi ngày ăn khoảng 40g chocolate sẽ tránh được hầu hết các căn bệnh về huyết áp và lưu thông máu. Ngoài ra polyphenol trong bột cacao (tiền thân của chocolate) là chất chống oxy hóa mạnh hơn cả trà đen, trà xanh và rượu vang. Tuy nhiên, vì chocolate có hàm lượng chất béo và calo cao nên mỗi ngày bạn chỉ nên thưởng thức một miếng chocolate nhỏ hoặc một cốc cacao nóng là đủ.
2. Cà phê
Trước đây, nỗi ám ảnh rằng cà phê sẽ gây ra các chứng bệnh về xương, ngực và tim mạch đã khiến ngành công nghiệp sản xuất cà phê nhiều phen lao đao. Tuy nhiên giờ đây cà phê đã được minh oan nhờ 3 tác dụng rõ rệt đối với cơ thể: uống cà phê đúng cách, đều đặn đúng giờ giúp tinh thần tỉnh táo, giảm hẳn bệnh đau đầu, đồng thời thúc đẩy các hoạt động của cơ thể, đó là chưa kể tác dụng của cà phê trong phòng tránh bệnh loãng xương. Những phát hiện mới nhất cho thấy nếu mỗi ngày uống từ 1 đến 3 ly cà phê có khả năng giảm 50% nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Nhưng dù sao bạn cũng tránh lạm dụng cà phê vì nếu bạn uống quá số lượng đó sẽ dễ bị rơi vào trạng thái bồn chồn, kích thích. Đặc biệt phụ nữ có thai tuyệt đối không nên dùng cà phê./.
3. Thịt bò
Từ lâu thịt bò là loại thực phẩm được ưa chuộng và được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, một số thông tin sai lệch về thịt bò cộng với ảnh hưởng của dịch bò điên đã làm một số người nghi ngại. Thịt bò (nhất là phần thịt nạc, thịt bắp) ngoài hàm lượng protein cao còn rất giàu sắt (loại cơ thể dễ hấp thu), kẽm, axit linoleic (CLA). Nghiên cứu trên 100 người trong đó 75 người thường xuyên ăn thịt bò thay thịt lợn, cho thấy cơ thể họ giàu sắt, phốt pho, vitamin B12 và kẽm. Mỗi ngày bạn nên ăn khoảng 1 lạng thịt bò và chế biến đa dạng, ví dụ thịt bò xào, nhúng tái, thịt bắp nướng, thịt gân thớ hầm nhừ…
4. Bắp cải
Mặc dù bắp cải không giàu vitamin như nhiều loại rau khác nhưng những ai hay ăn bắp cải sẽ không phải lo cơ thể thiếu nước bởi trong bắp cải chứa rất nhiều nước. Không những thế bắp cải còn giàu vitamin K, C, chất xơ và một ít calo. 1/3 chiếc bắp cải cỡ trung bình chứa 30 calo nhưng có tới 12% lượng vitamin C, 8% lượng chất xơ mà cơ thể chúng ta cần mỗi ngày. Ngay từ bây giờ, hãy bổ sung vào thực đơn các món ăn chế biến từ bắp cải nếu bạn không muốn trong một vài năm nữa phải thường xuyên lui tới shop thời trang dành cho người béo phì.
5. Trứng
Trứng, nhất là lòng đỏ chứa một lượng cholesterol đáng kể nhưng chúng vẫn được xếp vào nhóm chất bổ hàng đầu, bởi khi cơ thể hấp thụ dưỡng chất trong trứng sẽ hạn chế được phần lớn lượng cholesterol. Trường ĐH Harvard đã chứng minh: nếu mỗi ngày ăn một quả trứng sẽ tránh được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chứng đột quỵ Vì vậy nếu lượng cholesterol trong máu ở mức bình thường, đừng ngần ngại ăn trứng mỗi ngày. Lòng đỏ trứng còn chứa nhiều vitamin A, D và lutein rất tốt cho mắt.
6. Pizza
Pizza là loại thực phẩm đứng trên đỉnh của “kim tự tháp thức ăn”. Phần vỏ bánh pizza chứa nhiều canxi cacbonat, nhất là khi chúng được nướng ở nhiệt độ cao. Sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo nếu bạn dùng pizza với pho-mai, rau tươi và thịt nướng (thịt lợn hoặc thịt gà). Nếu bạn thích hạt tiêu, hành thì nên dùng thêm nước sốt cà chua – chìa khóa để tránh các yếu tố có hại khi ăn thịt, pho-mai có hàm lượng béo cao, bánh mỳ nướng quá khô. Khi thưởng thức pizza cũng nên ăn kèm với rau hoặc trái cây.
7. Khoai tây
Rất nhiều loại rau, củ quả có hàm lượng canxi cacbonat cao trong đó khoai tây không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn rất an toàn (trừ khi bạn chiên quá lâu trong dầu, mỡ vì khi ấy tinh bột trong khoai sẽ sản sinh độc tố). Khoai tây là nguồn kẽm, sắt, vitamin C và nhiều chất xơ. Một củ khoai tây nướng cỡ vừa chứa 12% lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày. Ăn khoai tây giúp hạn chế cholesterol, ổn định lượng đường trong máu. Bạn nên tận dụng cả phần vỏ khoai tây, hạn chế ăn khoai tây chiên, nhất là chiên kem hoặc bơ.
8. Nhóm quả hạnh (là nhóm quả có nhân hạt như lạc, đỗ, hạt điều, óc chó, hạt dẻ…)
Lượng chất béo trong nhân quả hạch khá cân bằng và điều quan trọng là những chất béo này không chứa cholesterol, tác nhân gây ra những bệnh tim mạch. Hơn thế đây còn là một trong những nguồn protein dồi dào cùng với lượng lớn vitamin E, selen, chất xơ và resveratrol giúp hạn chế lượng cholesterol trong máu.
9. Tôm
Một thời gian dài tôm không được ưa thích vì nhiều người cho rằng nó chứa nhiều cholesterol. Giờ đây người ta đã chứng minh tôm không chứa bất cứ loại độc tố nào, ngược lại lượng calo và chất béo thấp, giàu protein (trong 12 con tôm chứa khoảng 14g protein và 66 calo) cùng với axit béo omega-3 không no giúp ngăn ngừa các căn bệnh về khớp, đặc biệt là hội chứng viêm khớp mãn tính và các loại bệnh sưng viêm. Một nghiên cứu của trường ĐH Rockefeller nêu rõ: nếu mỗi ngày một người bình thường, ăn khoảng 300g tôm sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng cholesterol trong máu.
10. Pho-mai
Đã bao giờ bạn nghĩ pho-mai và bơ là “cùng một giuộc”, toàn là những đồ ăn “siêu béo”? Nếu bạn đã từng ném những miếng pho-mai thơm ngậy vào sọt rác vì ý nghĩ như vậy thì bạn đã nhầm. Mặc dù có lượng chất béo cao nhưng pho-mai lại giàu CLA – một loại dinh dưỡng giúp kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu. Và đương nhiên, pho-mai cũng là nguồn cung cấp protein, canxi dồi dào không chỉ tốt cho xương mà còn hạn chế chứng huyết áp thấp. Ăn pho-mai hằng ngày có nghĩa là bạn đã giảm thiểu nguy cơ bị loãng xương, đồng thời ngăn ngừa các vi khuẩn có hại trong thức ăn phát triển. Mỗi ngày một miếng pho-mai nhỏ chừng 10 đến 20g là hợp lý. Còn nếu bạn vẫn băn khoăn về chất béo trong pho-mai thì bạn hãy chọn loại ít béo. Nhiều người không ăn được pho-mai vì mùi của nó nhưng ngày nay người ta đã tạo ra rất nhiều loại phomai có hương vị dễ chịu hơn.
Trên đây là những loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Có nhiều loại thực phẩm thực tế không được bổ dưỡng như chúng ta vẫn tưởng hoặc phần nào đã bị các nhà sản xuất khuếch trương. Vì vậy hãy đọc kỹ thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn mác mỗi khi chọn mua sản phẩm./.
Chia sẻ bài viết này