Tới đây, nhóm sẽ “báo cáo thành tích và thâm niên hoạt động” bằng đêm nhạc “Da LAB – Sau 10 năm” vào 18 giờ ngày 29/7 tại Long Vỹ Palace, 3A Đào Duy Anh, Hà Nội; cùng sản phẩm phòng thu phiên bản giới hạn gồm những ca khúc làm nên dấu ấn của nhóm suốt 10 năm qua.
Toàn bộ 2.000 vé đã bán hết chỉ trong vòng hai ngày, cách thời điểm diễn ra show một tháng, phần nào đủ xác tín về sức nóng mang tên “Da LAB – Sau 10 năm.”
Clip hát live của Da LAB
“Rap trà sữa” đến “Phòng thí nghiệm”
Da LAB gồm các thành viên MPaKK (Trần Minh Phương, tên thân mật là Kào), Rabbit Run (Nguyễn Trọng Đức, thường được gọi là Thỏ) và JGKid (Võ Việt Phương, được biết đến nhiều hơn với cái tên Quách Văn Thơm).
Thứ âm nhạc của Da LAB mang đến từ những ngày đầu sở dĩ bị chính những người anh em trong cộng đồng rap Việt ghẻ lạnh cũng bởi đi ngược lại bộ-nhận-diện “rap là tục tĩu, là gang, là sex, là chơi thuốc.”
Ít người biết rằng, cái tên Da LAB (Phòng thí nghiệm) với ý nghĩa “hòa trộn các thể loại âm nhạc” được các thành viên trong nhóm đặt tình cờ, lấy cảm hứng từ một bộ phim hoạt hình. Cái tên ngầu ngầu, chơi chữ vui tai nhưng về sau lại đúng với phong cách và con đường đi của nhóm.
Gặp nhau ở quan điểm “Âm nhạc phải là sự chia sẻ và kết nối lẫn nhau. Âm nhạc phải hợp tạng, khiến mình thích, và được là chính mình. Âm nhạc không thể vụ lợi.” Da LAB thổi làn gió mới cho rap Việt vào những năm sau thập niên đầu tiên 2000 nhờ viết về những điều bình thường trong cuộc sống, và chiều sâu của nội tâm.
Thứ âm nhạc từng bị bỡn cợt là “rap trà sữa” ấy lại mang đến cảm giác vừa lạ lẫm vừa thân thuộc. Phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc.
Đam mê rap và không qua đào tạo bài bản về nhạc lý, công thức hoạt động của Da LAB cũng giống như hầu hết giới underground (ngầm) là sử dụng các bản nhạc đệm (beat) trên các trang mạng quốc tế sau đó phát triển thêm về giai điệu và cùng nhau đặt lời. Khác ở chỗ, Da LAB không dùng chùa mà mua tác quyền nhạc đệm ngay từ đầu.
Không chủ động được nhạc đệm, điểm mạnh góp phần làm nên bản sắc của Da LAB chính là phần ca từ.
Kào cho biết: “Chúng tôi không chủ đích hay định hướng âm nhạc của Da LAB phải như thế nào mà sở thích của cả ba người đều muốn nói lên những vấn đề của mình, của bạn bè cùng thế hệ, của xã hội mà mình đang sống một cách khiêm tốn, chân thành và cởi mở.”
“Bài đầu tiên tôi viết là về chuyện mình thi trượt đại học, thử hỏi có biết bao bạn bè cùng trang lứa có chung trải nghiệm và tâm tư giống tôi. Trên sân khấu, chúng tôi cũng giống như tất cả các bạn ở dưới, chúng tôi chỉ may mắn là được hát lên.”
“Vì vậy, nhóm muốn âm nhạc của mình trở thành tiếng nói chung, đi vào nội tâm, nếu may mắn chạm tới số đông sẽ kết nối được mọi người. Đó cũng là lý do nhóm rất cực đoan trong phần đặt lời để hát rõ lời nhất có thể. Ca từ phải trau chuốt làm sao gần gũi và dễ hiểu nhất, dễ chia sẻ nhất. Nguyên tắc của nhóm là chú trọng sử dụng Tiếng Việt và phải đầy đủ dấu, từ nào không thể diễn đặt bằng tiếng Việt mới bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh.”
Qua rồi cái thời nhắc đến rap “là chửi bậy, là gang, là sex, là chơi thuốc.” Da LAB đã thành công khi thay đổi định kiến trong bộ phận lớn khán giả trẻ giúp họ nhìn thấy chính mình trong âm nhạc của nhóm.
Đó là đam mê tuổi trẻ và hát lên những điều đẹp đẽ, qua giai điệu bắt tai, ca từ bình dị, hóm hỉnh mang nhiều tính tự vấn với ý nghĩa tích cực. Đó là thứ âm nhạc có khả năng khiến người nghe cảm thấy tự do, vui vẻ lại như thư thái, chậm lại. Từ đó hướng họ đến những điều giản dị, khiêm tốn và nhiệt thành với cuộc sống của người trẻ hiện đại.
Nhất là thời điểm “Hà Nội giờ tan tầm” lên sân chơi Bài hát Việt 2013 cũng là lúc Da LAB bắt đầu gây chú ý mạnh mẽ và được chuyên môn đánh giá cao khi khắc họa về Hà Nội gai góc hơn, đời thường hơn.
Đỉnh điểm, năm 2014 nhóm tung “hit khủng” – “Một nhà” – Bản rap có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trở thành “ca khúc quốc dân” với 30 triệu lượt nghe trên youtube, vô số phiên bản cover, thậm chí vang lên khắp các hang cùng ngõ hẻm, mọi đám vui, đám cưới, đã bứt Da LAB ra khỏi giới hạn underground trở thành đại điện tiêu biểu của nhạc Việt đương đại.
10 năm từ “Tử tế show” đến Rap News
Trong bối cảnh biết bao ban nhạc, nhóm nhạc lớn nhỏ hoạt động cầm chừng, hợp tan, Da LAB định hình thương hiệu rap – band và dần chuyển mình ra khỏi giới hạn underground khi mở ra hướng tươi sáng hơn cho cộng đồng rap Việt nhờ cân bằng hai giới: vừa được đại chúng biết đến vừa được trong giới yêu mến, tự hào với vô số bản “hit” và đặc biệt là dấu ấn “Tử tế show” đến Rap News.
Đi qua 6 mùa tổ chức, “Tử tế show” đang trở thành “thương hiệu”, “điểm hẹn” về một festival khẳng định sức nóng của underground, là nơi nhạc rap thực sự bùng nổ và thành tiếng nói chung của người trẻ.
Lần tổ chức gần đây nhất – mùa thứ 6 – trùng thời điểm Hà Nội diễn ra lễ hội Âm nhạc Gió mùa nhưng “Tử tế show” vẫn thu hút 2.000 khán giả và tập hợp số lượng nghệ sỹ đông đảo.
Một số gương mặt khá quen thuộc với truyền thông đại chúng như Kimese, Link Lee, Da Lab… hay Đen. Có đến “Tử tế show” mới chứng kiến “cơn khát” của hàng nghìn cánh tay đu đưa, cổ gào thét theo tiếng nhạc rap, cổ vũ cuồng nhiệt.
Thành công của “Tử tế show,” theo Da LAB, ngoài uy tín và thương hiệu cá nhân của một số thành viên, ban nhạc thì đó là một hành trình bền bỉ “mỗi năm lại liều một tí.”
Trở về năm 2011, thời điểm rap Việt đi xuống. Âm nhạc cũng đi xuống bởi những đề tài về yêu đương, tục tĩu, ủy mị. Thậm chí, cộng đồng rap Việt hai miền “cơm không lành, canh chẳng ngọt.” “Tử tế show” chính là sáng kiến của Da LAB và anh em trong nhóm rap ở Hà Nội, với ý nghĩ “phải làm cái gì đó sốc tinh thần chính mình lên.”
Cái tên “Tử tế show” ra đời đơn giản là đề cao anh em sống tử tế với nhau, sâu xa là hướng đến làm âm nhạc tử tế, nâng cao chất lượng âm nhạc lên và hướng đến sự tích cực.
“Tử tế show” thường được tổ chức ở những địa điểm “không tử tế theo định nghĩa của các vị phụ huynh.” Ban đầu cũng hứng chịu không ít sự miệt thị của chính cộng đồng rap.
Lúc đó, kinh phí tổ chức không có, chuyện xin nhà tài trợ thực sự là hão huyền, Da LAB và anh em cứ mày mò, tự huy động.
Quan trọng nhất, theo Kào, “là tập hợp được những người cùng chí hướng để mỗi năm lại hoành tráng hơn , nhạc hay hơn, chất hơn, đông hơn, khán giả mua vé xứng đáng hơn.”
“Tử tế show” năm đầu tiên được làm ở một quán karaoke trên đường Đê La Thành mà bây giờ trở thành hầm gửi xe. Mặc dù “vào của tự do và đồ uống tự lo” nhưng năm đó gộp cả người đến và người hát lại chỉ lèo tèo vài chục.
Năm thứ hai, bán vé vào cửa 30.000 đồng là quyết định vật vã vì sợ không ai đến xem. Cuối cùng cũng kín chỗ nhưng mới khoảng 300-400 người.
Từ năm thứ 5 “Tử tế show” huy động được một đơn vị tổ chức đồng hành sản xuất và bắt đầu được đón hơn 1.000 khán giả.
Tử tế ngày càng chuyên nghiệp, giá vé cũng nhích dần lên. Mùa thứ tư giá vé 80.000 đồng, mùa thứ năm là 120.000 đồng và mùa thứ sáu là 160.000 đồng với cơn sốt vé bán hết 2.000 trong vỏn vẹn 3 ngày.
Con đường dẫn đến những cơ duyên. Nếu “Tử tế show” sốc tinh thần cộng đồng rap, thay đổi định kiến và nâng nhấc underground lên vị thế mới trong một thập kỷ qua, thì RapNewsPlus lại có ý nghĩa “liều thuốc chữa lành vết thương” giúp ba thành viên Da LAB xích lại với nhau, có cảm hứng trở lại với âm nhạc và gặt hái nhiều bước ngoặt có tính quyết định hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.
Kào nhớ lại mối duyên với RapNewsPlus, “Sau khi anh anh Lê Quốc Minh, tổng biên tập báo VietnamPlus chia sẻ ý tưởng muốn bắt tay với Da Lab để sản xuất một bản tin bằng nhạc rap mục đích đưa tin tức chính thống đến với nhiều người hơn nhất giới trẻ, ngay lập tức tôi thấy hào hứng. Tôi đã thuyết phục hai thành viên còn lại của nhóm để tham gia dự án này. Giữa thời điểm nhiễu loạn thông tin, đó là ý tưởng vừa sáng tạo vừa táo bạo, rất ý nghĩa và tử tế.”
Nhờ thực hiện series RapNewsPlus, các thành viên trong nhóm gặp nhau nhiều hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn, những ý tưởng âm nhạc dần nảy nở, cảm hứng phòng thu và giai điệu cũng trở lại.
Một loạt các “hit khủng” của nhóm ra đời trong thời gian này như “Một nhà”, “Sáng hôm qua”…
Không chỉ “tái hợp” và nhập cuộc trở lại với âm nhạc, RapNewsPlus trở thành cầu nối chính thống giúp thứ âm nhạc mang tên Da LAB đến gần với công chúng.
Những khán giả theo dõi bản tin hấp dẫn và sống động RapNewsPlus được biết thêm giai điệu trẻ trung, cá tính của những “Một nhà”, “Hà Nội giờ tan tầm” và ngược lại.
Hiện tại RapNewsPlus đã xuất bản hơn 50 số. Năm 2014, bản tin RapNewsPlus với sự tham gia của Da LAB đã giành được giải thưởng quốc tế về báo chí sáng tạo do Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới trao tặng.
Thông qua nhạc rap, RapNewsPlus thu hút khán giả với cách truyền tải thông tin thời sự mới mẻ, lôi cuốn, hài hước như chính “cơn gió lạ” tiên phong mà Da LAB mang đến bằng âm nhạc suốt thập kỷ qua.
Rap New về Biển Đông
Và… Da LAB sau 10 năm?
Ba thành viên của Da LAB cho biết lộ trình sau 10 năm của nhóm là muốn làm âm nhạc một cách nghiêm túc. Tình cảm của nhóm cũng đến lúc chín muồi. Cátsê của Da LAB hiện nay rơi vào quãng 40 triệu đồng, con số đáng mơ ước với giới underground.
Bên cạnh đó, một nguồn thu không nhỏ hiện nay của Da LAB chính là phí tác quyền, quảng cáo từ vô số bản hit đình đám như “Một nhà”…
“Doanh thu từ âm nhạc đã tương đối và tầm ảnh hưởng của nhóm với khán giả khá ổn định. Nhóm muốn thử tập trung cho âm nhạc một lần nghiêm túc. Hiện tại cả ba thành viên đều tạm nghỉ việc để tập trung làm âm nhạc.”
“Đầu tư về nhạc lý để tự làm ra beat luôn là trăn trở lớn nhất của nhóm. Các thành viên sẽ tìm tòi và học hỏi để nâng cao chất lượng âm nhạc,” Da LAB bộc bạch.
“Chuyên nghiệp đầu tiên phải làm hết sức nghiêm túc, tôn trọng đầy đủ về tác quyền. Da LAB – sau 10 năm sẽ bắt đầu lộ trình hoạt động độc lập thông qua công ty sản xuất nhỏ trực tiếp vận hành các khâu từ quản lý biểu diễn, phát hành kiêm luôn tự thu… tác quyền. Nhóm chẳng ngần ngại thẳng toẹt, không chấp nhận được cách làm việc thiếu minh bạch và thiếu chuyên nghiệp của Trung tâm Thu tác quyền của nhạc sỹ Phó Đức Phương.”
“Nhóm không dám nhận là từ đây Da LAB sẽ hoạt động chuyên nghiệp mà vẫn chân trong chân ngoài để đảm bảo nguồn thu song song với âm nhạc, để nuôi vợ con, mua nhà cửa, đi du lịch. Nếu quá đặt mục đích kiếm tiền từ âm nhạc thì ảnh hưởng tới cảm xúc sáng tạo.”
Hai sản phẩm âm nhạc mới nhất nhóm vừa tung ra trước sự kiện “Da LAB – Sau 10 năm” là hai MV mang hơi hướng nhạc trẻ thay vì phong cách rap quen thuộc.
Với fan của Da LAB, âm nhạc của hai sản phẩm này không còn vui tai, cá tính, nội tâm như trước mà nghiêng sang chiều lớp công chúng mới, để mở rộng thị trường.
Nhóm thừa nhận “có cả hứng thú và có cả thất vọng. Sau 10 năm, nhóm muốn thử để đưa đến những màu sắc khác nhau. Thị trường không phải xấu.”
Thực tế, trải qua 10 năm “thí nghiệm,” chấp nhận sự ghẻ lạnh ban đầu về thứ âm nhạc mất-chất để tìm ra chất-riêng của nhóm, đến nay âm nhạc Da LAB mới đến gần được với khán giả.
Và, nếu không có gì thay đổi theo như lời mời, tới đây, Da LAB sẽ có cơ hội “gần thêm khán giả chút nữa” khi trở thành một trong những khách mời đại diện cho nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn trên sân khấu Monsoon 2017.
Đó là sự thừa nhận, dù ở góc độ nào, vì “Da LAB – Sau 10 năm” hoàn toàn xứng đáng.
Da LAB chia sẻ về 10 năm hoạt động