Ngày 1/8, “Nhung Đỏ” đánh dấu cột mốc 10 năm hoạt động. Từ nhóm nhạc bị hoài nghi là dự án “chữa cháy” của nhà SM Entertainment, các cô gái giờ đây được ví là “nữ hoàng” ở nhiều mảng như hoà âm, concept,… Trải qua 1 thập kỷ nhiều thăng trầm, Red Velvet vẫn giữ đội hình 5 thành viên và luôn khiến khán giả trầm trồ qua từng sản phẩm âm nhạc chất lượng.
Năm 2014 – Sản phẩm “mì ăn liền”: Red Velvet từng bị đánh giá thấp bởi kế hoạch giới thiệu nhóm quá đỗi hời hợt từ nhà SM. Vào ngày 27/7, công ty tung hình ảnh cá nhân của Irene, Wendy, Seulgi và Joy. Sau đó 9 ngày (4/8), Red Velvet phát hành MV đầu tay “Happiness”. Sự nóng vội này được cho là nhằm “chữa cháy” vụ việc đàn chị Jessica rời SNSD. Mặt khác, màn debut nhóm còn minh chứng rằng SM đã chính thức gạch tên đàn chị f(x), nhóm nhạc ra mắt năm 2009 nhưng đã bị công ty “ghẻ lạnh” trong nhiều năm.
MV “Happiness” vướng tranh cãi: Sản phẩm đầu tay không chỉ đơn thuần giới thiệu nhóm nhạc, mà còn là bước đầu xác định khả năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, “đứa con” đầu tiên của Red Velvet lại không suôn sẻ. Sau vài ngày “Happiness” phát hành, khán giả đặt nghi vấn MV sử dụng hình ảnh liên quan vụ nổ bom hạt nhân tại Nhật Bản. Lúc này, SM mới lên tiếng xin lỗi và chỉnh sửa các phân đoạn chưa phù hợp.
Năm 2015 – Yeri gia nhập: Sau khoảng nửa năm hoạt động, Red Velvet sở hữu lượng người hâm mộ tương đối vững mạnh. Tháng 3/2015, SM thông báo bổ sung thành viên thứ 5 – Yeri. Sự xuất hiện của cô gái chỉ vừa tròn 16 tuổi bị phản đối. Một phần vì Yeri nhỏ tuổi hơn nhiều so với các thành viên còn lại, mặt khác vì người hâm mộ đã quen với đội hình 4 người. Do đó thời gian đầu, fandom của Red Velvet thường lục đục nội bộ giữa OT4 (đội hình cũ) và OT5 (đội hình mới).
Định hình “Red” và “Velvet”: Red Velvet xác định phong cách qua màu tóc và tên nhóm. Irene màu hồng ngọt ngào, Wendy màu xanh dương bay bổng, Seulgi màu cam rạo rực, Joy màu xanh lá cây tươi mới và Yeri màu tím bí ẩn. “Red” tượng trưng khía cạnh rực rỡ, tinh nghịch với chất liệu nhạc điện tử sôi động, còn “Velvet” thì thanh lịch và huyền bí với giai điệu ballad, R&B. Bộ đôi ca khúc đầu tiên với đầy đủ 5 thành viên là “Ice Cream Cake” thể hiện chất “Red”, còn bài b-side “Automatic” cho thấy nét mềm mại của “Velvet”.
Năm 2016 – Cuộc chiến với Twice và BLACKPINK: Không bao lâu sau khi ổn định đội hình 5 người, Red Velvet đối đầu với sự ra mắt của 2 nhóm nhạc mới. Debut từ tháng 10/2015, Twice mất nửa năm để phủ sóng Kpop với bản hit “Cheer Up” (4/2016). Đến tháng 8/2016, BLACKPINK ra mắt và lập tức được chú ý với 2 ca khúc đầu tay là “Whistle” và “Boombayah”. Về phía Red Velvet, các dự án phát hành trong thời điểm này như “Dumb Dumb”, “Russian Roulette” dù được đánh giá cao nhưng không đủ để thành hit.
Năm 2017 – Bản hit mang giai điệu “Red Flavour”: Dù là cái tên thuộc top đầu của gen 3, Red Velvet phải chờ đợi 3 năm để sở hữu ca khúc quốc dân. “Red Flavour” ra mắt năm 2017 đã vượt qua “Cheer Up” (Twice), “DDU-DU DDU-DU” (BLACKPINK) và trở thành ca khúc được yêu thích nhất trên nền tảng nhạc số Melon. Đồng thời, giai điệu đậm hương vị mùa hè này còn được Billboard bình chọn ca khúc hay nhất năm 2017 và gắn cho Red Velvet danh hiệu “Nữ hoàng mùa hè”.
Năm 2018 – PAK đầu tiên với “Power Up”: Sau cú “mở bát” may mắn từ “Red Flavour”, Red Velvet đều đặn phát hành các ca khúc mùa hè hằng năm. “Power Up” ra mắt tháng 8/2018 nhanh chóng đạt PAK (perfect-all-kill) trên các nền tảng nhạc số. Thành tích này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên nhóm sở hữu ca khúc PAK, mà còn là nhóm nhạc đầu tiên của SM làm được điều này. Sau “Power Up”, Red Velvet khuấy động những ngày hè nóng nực với “Zimzalabim” và “Umpah Umpah”.
Danh hiệu “Nữ hoàng theory”: Bên cạnh là những cô gái mùa hè đậm chất “Red”, nhóm còn trở thành “Nữ hoàng theory” với khía cạnh “Velvet”. Các ca khúc “Peek-A-Boo” (2017), “Bad Boy” (2018), “Really Bad Boy” (2018) kể về tình yêu đầy rùng rợn và bí ẩn. Câu chuyện của các MV được lồng ghép nhiều “thuyết âm mưu”, xoay quanh những cuộc rượt đuổi, trò chơi trốn tìm và hiến tế cho người sói để trả thù. Khía cạnh “Velvet” tưởng chừng sẽ kén người nghe, nhưng các sản phẩm đều ghi nhận thành tích khả quan.
Năm 2019 – Màn trở lại không trọn vẹn với “Psycho”: Tháng 12/2019, Red Velvet trở lại với “Pyscho”, bài hát nhuộm màu “Velvet” được kỳ vọng trở thành hit ngay từ khi giới thiệu teaser. Không nằm ngoài dự đoán, “Psycho” dù được ra mắt cuối năm nhưng trở thành ca khúc duy nhất đạt CAK (Certificated-all-kill) trên các nền tảng nhạc số năm 2019, vượt mặt “Red Flavour” để chạm mốc 100.00 lượt thích trên Melon nhanh nhất, và giành 3 chiếc cúp liên tiếp tại 3 show âm nhạc hằng tuần. Thành tích của “Psycho” sẽ “khủng” hơn nếu nhóm thực hiện quảng bá. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi bản hit đã không thể xuất hiện trên sân khấu vì Wendy gặp chấn thương trong lúc tổng duyệt.
Năm 2021 – Phá vỡ “lời nguyền” 7 năm: Nhóm nhỏ Irene & Seulgi ra mắt đầu tiên với “Monster” (2020), mang chất “Velvet” quyến rũ. Nối tiếp là Wendy với album “Like Water” (3/2021), thể hiện màu xanh dương đầy bay bổng và lãng mạn. Sau đó là Joy phát hành full album remake “Hello” (5/2021), mang tinh thần trẻ trung và tươi mới của màu xanh lá cây. Năm 2021 còn đánh dấu cột mốc 7 năm của Red Velvet, đồng thời là thời điểm nhóm tái ký hợp đồng. Các cô gái đã quyết định duy trì hoạt động và trở lại với mini album mùa hè “Queendom”.
Năm 2022 – Bài hát hay nhất trong sự nghiệp: Tháng 3/2022, Red Velvet khắc hoạ mùa xuân ngọt ngào, lãng mạn qua bản nhạc “Feel My Rhythm”. Ca khúc được ví như một bức hoạ cổ điển, với giai điệu được sáng tác dựa trên bản nhạc “Air On The G String” của nhà soạn nhạc vĩ đại Bach. Hình ảnh MV lấy cảm hứng từ những bản vẽ vào thế kỷ 18, cùng trang phục và vũ đạo được dàn dựng theo bộ môn múa ballet. Sau khi nghe bản demo, các thành viên đều vỡ oà và công nhận đây là bài hát hay nhất trong 8 năm qua. Để giữ tinh thần của bản opera trong “Feel My Rhythm”, 5 thành viên còn nhất trí giữ tông gốc rất cao, thay vì hạ xuống để dễ thu âm hơn.
Năm 2024 – Danh hiệu “Nữ hoàng concept”: Red Velvet luôn khiến khán giả phải ngạc nhiên với những concept đặc sắc trong mỗi đợt trở lại. Đến nay, các cô gái vẫn là một ẩn số gây tò mò vì sử dụng những chất liệu mới lạ và tinh xảo. “Chill Kill” (2023) mang khía cạnh “Velvet” ma mị, lấy cảm hứng từ văn hoá phương Đông. Tháng 7/2024, “Cosmic” kỷ niệm 10 năm ra mắt là một bản “Red” vui tươi mùa lễ hội, lồng ghép concept thuỷ thủ huyền bí với câu chuyện MV dựa theo bộ phim “Midsommar” (2019).
5 màu sắc không thể thay thế: Từ sản phẩm “mì ăn liền”, Red Velvet giờ đây trở thành “nữ hoàng” ở nhiều mảng, gồm nhạc số, hoà âm, concept, theory cho đến đoạn bridge. Người hâm mộ ban đầu phản đối về sự xuất hiện của Yeri, nhưng về sau dành nhiều lời khen vì cô em út chính là mảnh ghép còn lại giúp hoàn thiện phần hoà âm từ nốt thấp đến nốt cao của nhóm. Trải qua nhiều thăng trầm, Red Velvet vẫn cùng nhau đi đến năm thứ 10 với đầy đủ 5 thành viên. Các cô gái không “hô mưa gọi gió” như các đối thủ, nhưng luôn chinh phục trái tim khán giả bởi tâm huyết với nghề, được thể hiện qua chất lượng âm nhạc phong phú mang màu “Red” và “Velvet” trong 1 thập kỷ.
Tác giả: Minh Anh