10 món Việt được thế giới vinh danh

 

Bánh mỳ kẹp thịt nướng

Ngoài ra, món bánh mì nhân thập cẩm Việt Nam cũng được Tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn vào danh sách những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

Bánh khọt

Bánh khọt là một trong những món ăn ngon nhất thế giới trong cuộc bình chọn tại Lễ hội Ẩm thực Đường phố Quốc tế diễn ra ở Singapore 2013.

Bánh xèo

Một trong 40 món ngon nhất Việt Nam do CNN bình chọn.

Chuối nếp nướng

(Món ăn do bà Ngô Thị Bích Thủy – bán hàng tại khu vực quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tp.HCM thực hiện). Đây là một trong những món ăn ngon nhất thế giới trong cuộc bình chọn tại Lễ hội Ẩm thực Đường phố Quốc tế diễn ra ở Singapore 2013.

Phở bò

Không biển hiệu sáng đèn, không bàn ghế sang trọng, quán phở trên vỉa hè phố Hàng Trống khiến người ta nhớ tới hương vị của gánh phở rong xưa cũ.

Nằm ngay đầu phố Hàng Trống, quán phở chỉ mở từ 5 giờ chiều cho tới tầm hơn 8 giờ tối là hết hàng. Hơn hai chục chiếc ghế nhựa thấp, những chiếc bát tô kiểu cũ, một nồi nước dùng nóng đặt trên bếp than, chục túi thịt luộc chín cùng một rổ bánh phở, đồ đạc của quán chỉ đơn sơ có vậy. Khách quen thường xuyên đến ăn nhiều năm nay không mấy ai hỏi và nhớ tên chủ quán mà chỉ gọi  là  “quán phở bưng”. Cái tên độc đáo ấy có từ nếp ăn trở thành “bản sắc” của quán: khách hàng một tay cầm bát, tay kia cầm đũa húp xì xụp, dù bát phở có nóng bỏng tay thì vẫn cứ phải… bưng.

Phở bò được CNN chọn là 28/50 món ăn ngon nhất thế giới (2011) 

Không nhiều lựa chọn như bò, gà, sốt vang… phở “bưng” chỉ có duy nhất món phở đúng kiểu Hà Nội như nhà văn Nguyễn Tuân từng viết, phải là phở bò chín với đủ miếng nạm giòn, miếng gầu béo, bánh phở dai mịn, hành lá chẻ và nhiều hành hoa. Chiều cuối tuần tới đây dễ gặp những khách hàng nghiện phở ngồi ăn hết hai bát tô đầy.

Nem vuông

Nằm khiêm tốn trên vỉa hè phố trà chanh Đào Duy Từ với biển hiệu “Nem vuông cua bể”, quán là địa chỉ quen thuộc với những người tìm một bữa ăn lót dạ. Quán nem vuông đông khách nhất vào buổi trưa, vỉa hè và phòng ăn nhỏ hẹp hầu như không còn một chỗ trống. Còn nếu đến đây vào ngày cuối tuần dễ thấy cảnh khách hàng phải đứng chờ.

Nem vuông được CNN bình chọn là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á 

Đúng như tên gọi, những chiếc nem ở đây không thuôn dài như truyền thống mà lại vuông vắn nhỏ xinh. Món nem vuông được cho là có xuất xứ từ Hải Phòng, nhưng hiện nay đã có mặt ở Hà Nội và Tp.HCM.

Chả cá

“Tây ba lô” đến Hà Nội không thể bỏ qua chả cá Lã Vọng, nó là cái tên được nhắc đến đều đặn trên mọi cuốn sách hướng dẫn du lịch bỏ túi. Căn nhà vẫn còn đậm chất kiến trúc phố cổ – số 14 phố Chả Cá, là nơi lưu giữ nguyên vẹn cái hồn chả cá Hà Nội hơn một thế kỷ qua.

Con phố này xưa có tên Hàng Sơn. Ai rành lịch sử Hà Nội hẳn đều biết, thời thuộc Pháp, phố Hàng Sơn bị đánh chiếm rồi mất tên, mất dấu, sau vì món ngon chả cá Lã Vọng mà có tên phố Chả Cá cho đến tận bây giờ. Bước vào căn nhà ống nhuộm màu cũ kĩ qua lối cầu thang của nhà họ Đoàn là thấy sực mùi mắm tôm, mùi cá rán trên những chảo nhỏ xì xèo mỡ nước như trêu ngươi những cái bụng đói khi trời vừa xẩm tối. Chả cá Lã Vọng mở cửa từ sáng sớm đến giữa trưa và từ chập tối đến gần đêm, lúc nào cũng nhộn nhịp khách tây, khách ta.

Tác giả Patricia Schultz đã đưa món chả cá Lã Vọng vào cuốn “1.000 nơi nên biết trước khi chết” (1000 Places to See Before You Die). Hãng tin MSNBC chọn nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi… chết (2003).

Bà Ngô Thị Tình năm nay đã bước sang tuổi 93 là con dâu trong gia đình họ Đoàn kể lại: “Ngày rằm tháng tám, cụ chồng tôi mua đồ chơi cho cô con gái út, là tượng ông Lã Vọng ngồi câu cá trên thiên đình bằng chiếc cần không có lưỡi. Cụ bảo ông là người tài giỏi, đức độ nên cái tên ấy không bao giờ bị xóa bỏ. Cụ lấy tên Lã Vọng cho quán cũng bởi mong muốn lâu bền ấy”. Đến nay, ngay cửa sổ nhìn ra đường nhà số 14 vẫn để tượng ông Lã Vọng ngồi câu cá như để nhắc nhớ nguồn gốc quán chả cá đã hơn một trăm tuổi này.

Chả cá không phải món ăn sang trọng nhưng rất kì công khi chế biến. Bốn loại cá thường được dùng làm chả là cá lăng (sống ở sông Đà, thường bắt được vào mùa khô), cá chiên, cá nheo, cá quả… Nhiều người nhầm tưởng cá anh vũ cũng dùng để làm chả nhưng không phải. Cá anh vũ vừa quý hiếm vừa nhỏ nên ít thịt và rất khó kiếm. Thịt cá lăng nạc và ngon nhất nhưng ngày càng hiếm và đắt đỏ nên giờ nhà hàng dùng cá quả là chính. Chả cá nhà 14 vẫn nướng bằng cặp tre trên than hoa và lật giở đều tay cho hai mặt chín vàng như nhau. “Thời bao cấp khó khăn khách hàng mua từng cặp chả về nhắm rượu chứ không ăn theo suất như bây giờ. Mua bao nhiêu nướng bấy nhiêu. Hơn chục năm nay, khách ngày càng đông, nhà tôi nướng sẵn, khi ăn cho vào chảo mỡ đặt trên bếp than để giữ nóng.”, bà Tình kể.

Chả cá Lã Vọng hợp ăn vào những ngày chớm rét song thói quen cũng chuyển mình theo nhu cầu của thành phố du lịch. Giữa những ngày hè nóng bức, khách vẫn ra vào đông đúc. Tiếc là bếp than đã thay bằng bếp cồn.

Nem rán

Nhà hàng “Vườn gia vị” thuộc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội là nơi giới thiệu những món ăn đậm màu sắc Việt Nam với du khách quốc tế. Nem rán được những đầu bếp tại đây tạo thêm nhiều “phiên bản” để phù hợp với những vị khách đến từ nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Chị Thanh Bình, đầu bếp nhà hàng cho biết, món ăn này tưởng chừng đơn giản, bởi đã quá quen thuộc với các bữa cơm người Việt, nhưng muốn cuốn nem đẹp người làm phải rất kì công. Bánh đa (bánh tráng) chọn loại tráng nhẹ tay, ủ lá chuối tươi qua đêm để hơi nước trong lá làm bánh mềm dễ cuốn. Nhân trộn khéo phải dẻo, mịn, trứng cho vừa đủ để không quá khô nem dễ cháy cũng không quá ướt nem sẽ nát khi rán. Khi cuốn nới vừa tay để nem gọn mà không bục. Nem chỉ giòn khi thả vào mỡ đã sôi già. Để khách hàng không ngán, chị Thanh Bình có bí quyết chỉ để dầu rán ngập nửa chiếc nem và lửa luôn để liu riu.

Được CNN bình chọn là Top 10 những món ăn ngon nhất Việt Nam, nem rán (chả giò) cùng phở từ lâu đã được coi là những đại sứ của ẩm thực Việt Nam. 

Khách của “Vườn gia vị” đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, có thể kiêng thịt lợn hoặc kiêng hải sản vỏ cứng nên ngoài nem thịt lợn truyền thống và nem cua bể, ở đây có thêm nem sò điệp, nem tôm, nem cá và nem chay (dùng đậu phụ thay thịt). Nem cá luôn là cá vược trộn lẫn với thìa là, thêm chút ớt để khử mùi tanh. Sò điệp, cua bể đi với rau răm tính ấm để tán hàn… Đúng nguyên lý cân bằng âm dương trong mọi mâm cơm của người Việt từ xưa đến nay. Mỗi loại nem, đầu bếp lựa chọn cách gói sao để “nhìn bên ngoài khách có thể phân biệt được”, chị Thanh Bình cho biết, “Nem sò điệp khó gói nhất, phải cuộn tròn như một túi nhỏ, dùng hành trần thay dây buộc; nem cá dùng bánh đa rế để tạo hình lưới; nem tôm cuộn hình tam giác và nem cua bể hình vuông”. Nhờ thế, nem không còn “bảo thủ” là món riêng cho người Việt mà biến hóa linh hoạt thành món cuộn độc đáo cho khách quốc tế.

Bún riêu cua

Năm 2012, bún riêu cua đã được CNN bình chọn là một trong những món ăn hấp dẫn nhất châu Á.

Bún chả

Nằm ngay đầu ngõ Chợ Đồng Xuân, quán “Bún chả bà Nga” lúc nào cũng đông khách ra vào. Đây là một trong những tiệm bún chả que tre còn sót lại ít ỏi ở Hà Nội. Đã ba thế hệ nhà chị Phạm Thanh Hằng (sinh năm 1972) bán bún chả tại ngõ chợ này. Từ gánh hàng rong của bà ngoại khi chợ mới mở, bún chả còn là thức quà của người giàu có, đến thời bà Nga – mẹ chị làm nên thương hiệu rồi chị Hằng tiếp quản đã 5 năm nay. Quán đơn sơ với hai chiếc bàn gỗ kê sát lối đi chỉ vừa một người qua lại. Điểm khác biệt dễ nhất để nhận ra khi đến quán bà Nga là phảng phất mùi tre nướng trên than hồng. Không “công nghiệp” như vỉ sắt một lượt ra cả khay đầy, mỗi que tre khi nướng chỉ kẹp được bốn miếng chả lại rất mất công chọn lựa. Tre lựa khéo là không quá non dễ có mùi hăng cũng không quá già dễ cháy trên than. “Mình phải lựa theo mấu, cưa tre thành từng đoạn rồi ngâm nước mấy ngày cho đỡ mùi. Một nghìn cặp tre chỉ đủ dùng trong hai tháng rồi phải bỏ đi hết để thay mới.”

Được CNN bình chọn là 1 trong 25 món ăn mùa hè hấp dẫn nhất thế giới (năm 2013) 

Từ sáng sớm, những miếng thịt gối lợn lựa về khi vẫn còn hơi ấm, phần băm nhỏ, phần thái miếng. “Gia vị cũng không có gì cầu kì chỉ quen tay nêm sao cho vừa đủ, ướp cho thật ngấm và không dùng hành tươi vì khi nướng dễ gây mùi cháy khét. Chả que tre nướng rất lâu công vì phải lật liên tục, lửa không được quá to”, lật giở những que tre trên than hồng chị Hằng cho biết.

Cũng như nhiều món chấm khác, bún chả quan trọng nhất là nước chấm. Ngoài giấm gạo ngâm tỏi lấy vị chua, quán bà Nga vẫn giữ nếp cũ của người Hà Nội dùng sấu luộc để nguyên quả cho nước trong. Nước luộc sấu đã có vị chua, mùa hè nóng bức khách có thể dầm thêm cả quả vào bát nước chấm. Giấm sấu không chua bằng giấm gạo nhưng dịu ăn rất vừa miệng.

Bài: Đinh Nha Trang
Ảnh: Minh Monkey,Nam Long 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category