10 chất độc trong nhà gây hại cho trẻ nhỏ

1. Amiăng (Astestos): Là vật liệu thường dùng để lợp nhà thay cho ngói, hoặc dùng bảo ôn, bọc lót đường ống giữ nhiệt trong gia đình hay các thiết bị công nghiệp. Khi sợi tơ thoát ra, trẻ hít vào sẽ rất nguy hiểm, bởi mức độ độc tố cao, nhất là nguy cơ gây ung thư.

Giải pháp: Sử dụng amiăng thì nhất thiết, phải thi công đảm bảo chất lượng và được cấp giấy chứng chỉ hợp cách. Nếu xuất hiện sự cố, cần khắc phục ngay. Trong gia đình, nên thay tôn amiăng bằng tôn kim loại, ngói hay các chât liệu mang tính thân thiện khác.

2. Thạch tín (Arsenic): Là một á kim gây ngộ độc nặng, có nhiều trong thuốc trừ cỏ, trừ sâu, một số hợp kim và các loại đồ gỗ gia dụng. Khi ngấm vào cơ thể trẻ, sẽ rất nguy hiểm, nhất là mối lo gây ung thư.

Giải pháp: Đồ gỗ dùng trong gia đình không nên được xử lý bằng thạch tín. Nếu quá cũ, cần loại bỏ và sử dụng các loại gỗ có tính năng ngăn ngừa mối mọt tự nhiên. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ sau khi chơi. Không được dùng thìa, đũa bằng gỗ hoặc dùng tay bốc khi ăn.

3. Thuốc trừ sâu: Đây là loại hóa chất rất độc, thường được dùng trong nông nghiệp, làm vườn nên trẻ thường dễ bị phơi nhiễm. Khi ngấm vào cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, triệu chứng thường thấy là buồn nôn, hôn mê, nôn mửa và gây suy giảm chức năng nhận thức.

Giải pháp: Sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng thân thiện với môi trường và con người. Không nên dùng để diệt côn trùng và sâu bọ trong gia đình hoặc những nơi trẻ nhỏ hay lui tới. Nếu nhiễm độc, cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để khắc phục càng sớm càng tốt.

4. Carbon Monoxide (CO): Là mối đe dọa vô hình đối với sức khỏe trẻ nhỏ – thủ phạm khiến trên 4.000 trẻ em ở Mỹ phải nhập viện mỗi năm. Loại khí độc này được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu như gỗ, than củi, than tổ ong, khí gas, dầu hỏa… và nếu không được thoát ra ngoài, sẽ gây nguy hại cho trẻ nhỏ sống trong môi trường kín. Chỉ cần lượng CO nhỏ cũng có thể gây đau đầu, chóng mặt, suy nhược, buồn nôn và nặng hơn, có thể dẫn đến lẫn lộn, mất trí nhớ.

Giải pháp: Khi sử dụng các lò đốt than tổ ong, bạn cần phải lắp đặt đúng cách, có hệ thống thải khí phù hợp, không nên đốt than trong môi trường kín. Nếu cần, có thể lắp đặt thiết bị cảnh báo khí CO tại gia để kiểm tra mức tích tụ loại khí này.

5. Chất chống cháy Flame retardants: Là hóa chất dùng để ngăn ngừa nguy cơ cháy cho các vật dụng gia đình như gối, đệm, máy tính, tivi, thiết bị có đệm mút, màn che… Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Tổ chức môi trường EWG của Mỹ, nếu trẻ nhỏ phơi nhiễm, hít phải khí độc này sẽ làm suy giảm trí tuệ, mất chú ý, học hành kém và phát sinh ra nhiều khuyết tật về hành vi.

Giải pháp: Mặc dù hóa chất này đã được loại bỏ ra khỏi thị trường, nhưng trong các thiết bị dân dụng vẫn còn chứa hàm lượng cao, nhất là các thiết bị đã quá tuổi thọ sử dụng. Vì vậy, khi vật dụng đã quá cũ, bạn cần phải thay mới, mua các sản phẩm chất lượng từ các nhà cung cấp có uy tín.

6. Formaldehyde: Là loại khí nguy hiểm, độc hại rò rỉ từ vật liệu bảo ôn dạng xốp, gỗ hoặc ván ép, gây kích thích mắt, rát cổ họng, hen suyễn… Nếu phơi nhiễm lâu ngày với nồng độ cao, có thể phát sinh bệnh ung thư phổi, ung thư xoang, vòm họng.

Giải pháp: Để đo mức độ khí formaldehyde, người ta sẽ dùng loại máy chuyên dụng và do các chuyên gia về môi trường thực hiện. Nếu hàm lượng khí quá cao, cần loại bỏ vật liệu bảo ôn, đồ đạc ra khỏi nhà trong vòng vài tuần, thay mới đồ đạc quá cũ, lắp hệ thống thông hơi.

7. Chì: Là kim loại độc hại có nhiều trong sơn, xăng, đặc biệt là sơn tường, sơn đồ đạc, cánh cửa… Nếu lạm dụng nó sẽ phát tán trong môi trường, ngấm vào cơ thể qua đường không khí và tiếp xúc chân tay. Ngoài ra, chì còn rò rỉ từ đường ống, ngấm vào nước gây ô nhiễm, hủy hoại não, suy thận, tổn thương hệ thống sinh sản và giảm trí thông minh của trẻ.

Giải pháp: Khi xây dựng, nâng cấp nhà, bạn cần sử dụng loại sơn đúng chủng loại, quy cách và có độ chì thấp. Để hạn chế ô nhiễm chì trong nước, nên dùng nước lạnh để nấu ăn, không nên dùng nước nóng vì có hàm lượng chì cao. Nên để nước vòi chảy từ 15 – 30 giây, rồi mới lấy nước để dùng.

8. Thủy ngân: Là hóa chất cực kỳ độc hại có rất nhiều trong thực phẩm, nhất là các loại cá, hải sản (cá ngừ, cá kiếm, cá mập, cá thu, cá kình…) được đánh bắt ở những vùng nước biển ô nhiễm nặng, hoặc cá trong ao tù đọng nước. Thai phụ ăn nhiều cá nhiễm độc thủy ngân sẽ truyền sang bào thai. Nếu nặng, trẻ sinh ra có thể bị khuyết tật bẩm sinh, tổn thương thần kinh vỏ não, giảm thông minh.

Giải pháp: Cá là nguồn thực phẩm giàu protein và Omega-3, nhưng cũng chứa cả thủy ngân. Vì vậy, nên chọn các loại hải sản ở vùng nước sạch, không cho trẻ ăn quá 350 gam/tuần. Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ không nên ăn một số loài như cá mập, cá thu, cá kiếm và cá kình.

9. Phthalate: Là hóa chất độc hại có nhiều trong đồ chơi, đồ tắm, đồ nhựa gia dụng sử dụng hàng ngày, rất dễ ngấm vào cơ thể qua đường thực phẩm, không khí, đất, nước… Cũng như hóa chất BPA, phthalate là thủ phạm can thiệp đến chức năng nội tiết. Với trẻ nhỏ, sẽ xuất hiện tình trạng dậy thì sớm, hormone tuyến giáp bị suy giảm mạnh.

Giải pháp: Các gia đình nên chọn mua đồ chơi, núm vú, các thiết bị dân dụng  bằng nhựa an toàn, có chất lượng, hàm lượng phthalate càng thấp càng tốt.

10. Khói thuốc lá: Khói thuốc lá là thủ phạm gây ra bệnh hen, cao huyết áp và các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Giải pháp: Bạn không nên hút thuốc ở trong nhà hay phòng kín có trẻ nhỏ. Tốt nhất, nên bỏ thuốc là càng sớm càng tốt vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bạn cùng những người thân trong gia đình.

Theo Bầu


From the same category