“Tôi muốn ly dị”
“Tôi không bị điên”
Sau câu nói này, là đôi mắt đầy tức giận, có thể bạn sẽ đi chỗ khác đóng sầm cửa lại và lẩm bẩm những câu đầy giận dữ. Bạn muốn nói với anh ấy rằng bạn không điên, bạn đã làm đúng. Tuy nhiên, một khi bạn hành xử như thế, người kia sẽ rất dễ ngao ngán và nhìn bạn lúc ấy chẳng khác gì người… hâm hấp. Tốt nhất, khi bạn khó chịu vì lời nói hay việc làm của bạn đời, hãy cố gắng bình tĩnh, nghỉ ngơi ở một nơi khác không có bóng dáng chồng. Đợi khi bạn cảm thấy hạ họa thì hãy nói với chồng những suy nghĩ của mình. Đây là cách tuyệt vời để giữ hòa khí gia đình đấy.
“Anh đang hành xử chẳng khác gì bố anh”
“Anh đúng là một kẻ hèn nhát”
Đàn ông có tính sĩ diện cao. Chê bai anh ấy hèn nhát một lần, dấu ấn trong đầu anh ấy sẽ là cả đời. Có thể, chồng bạn làm việc gì đó không vừa ý bạn và quả thật là không đáng mặt nam nhi, nhưng anh ấy là người bạn đã chọn lựa, là bạn đời của bạn và cũng có thể anh ấy có những lý do riêng mà bạn không thể biết. Thay vì quy kết, hãy dành thời gian tìm hiểu và suy nghĩ chín chắn hơn trong mọi việc. Nếu bạn cảm thấy điều gì không thỏa đáng, hãy trao đổi nhẹ nhàng. Đừng để cảm xúc át đi phần lí trí trong bạn.
“Hãy nhìn xem, con cũng đang rất khó chịu đấy”
Chứng kiến bố mẹ cãi nhau là điều không hay chút nào. Khi con bạn bắt đầu khóc, có thể, bạn rất hả hê và nói với chồng bạn rằng: “Đấy, con cũng đang khó chịu với anh đấy”. Nhưng không hẳn thế, đó có thể là dấu hiệu cho thấy rằng bé cũng đang rất tức giận vì chứng kiến cảnh cãi nhau nảy lửa của bố mẹ. Khi bé khóc, tốt nhất, hai bạn hãy “ngừng bắn”, bình tĩnh lại để dỗ bé, đồng thời, bạn sẽ cũng có chút thời gian tĩnh tâm để sau đó bình tĩnh nói chuyện. Đừng quên giải thích với con về chuyện bố mẹ nóng giận nên tranh cãi, bố mẹ vẫn yêu nhau để con bạn yên tâm và không bị ám ảnh về sau.
“Anh lúc nào cũng làm thế”
Có những bất đồng chỉ xoay quanh chuyện lặt vặt trong gia đình, chẳng hạn thói quen để giày dép. Nếu đã nhắc nhở mà anh ấy vẫn chưa thể thay đổi thói quen thì bạn nên tìm phương án giải quyết. Càm ràm rồi quy kết sẽ khiến anh ấy chai lì và càng chán nản dẫn tới mọi việc vẫn như cũ. Bạn nên nhớ rằng mọi thứ luôn cần thời gian.
“Anh lúc nào cũng muộn”
“Tại sao anh lại bực dọc thế chứ?”
Có thể lúc về nhà, chồng bạn có nhiều tâm trạng bực dọc. Trong lúc anh ấy đang căng thẳng, đừng dại hỏi nguyên do thế nào một cách kém tế nhị như thế. Còn nếu bạn lớ lơ lời khuyên này, một cuộc tranh cãi không mong muốn có thể diễn ra đấy. Cứ im lặng, đợi anh ấy nguôi ngoai rồi từ từ hỏi lý do cũng đâu đã muộn.
“Anh cần phải nói chuyện với tôi ngay bây giờ”
Đây là câu mà các chàng cực kỳ sợ nghe. Cảm giác của họ sẽ là… có chuyện gì nữa đây? Chuyện nghiêm trọng hay không? Mình lại làm sai điều gì chăng?… Cái cảm giác phấp phỏm, lo lo ban đầu của chàng sẽ rất dễ gây cho chàng sự căng thẳng kéo dài tới khi cuộc trò chuyện diễn ra. Nếu chàng có gì chưa phải, hay bạn cần nhắc nhở, bạn cần tranh cãi để giải quyết, thì nên chăng bạn gửi email để cả 2 cùng thảo luận, để tránh câu nói dễ gây xung khắc?
“Tất cả là lỗi tại anh”
Có thể vì chồng mà hai bạn lỡ dở chuyện gì đó, nhưng điều đó không có nghĩa là vì tức giận mà bạn đổ hết mọi bực tức và tội lỗi lên người bạn đời của mình. Có thể anh ấy có lý do nào đó. Chưa kể, thay vì tranh cãi và đổ trách nhiệm, hãy cùng anh ấy tìm cách giải quyết vấn đề thì tốt hơn.
Tiều Phu
Biên dịch từ Redbookmag