Xem thêm >> Khi đồng phục tiếp viên hàng không “cộp mác” couture
Những bộ đồng phục được lòng hành khách nhất
Air France (2005 – nay)
Mẫu đồng phục được thiết kế bởi nhà thiết kế gốc Tây Ban Nha Christian Lacroix vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Được làm bằng những chất liệu cao cấp nhất với gam màu trang nhã, mẫu đồng phục giúp các tiếp viên giữ được ấm trong cái rét châu Âu nhưng vẫn đủ thoáng mát khi đáp cánh ở vùng nhiệt đới.
China Eastern Airlines (2013 – nay)
Cũng được tạo nên từ bàn tay của Christian Lacroix, đồng phục của China Eastern Airlines na ná giống với của Air France, đặc biệt ở gam màu xanh hải quân được chấm phá bởi sắc đỏ nổi bật. Tuy vậy, không thể phủ nhận đây là một thiết kế đẹp, gợi cảm mà vẫn phù hợp văn hóa Á Đông.
Singapore Airlines (1968 – nay)
Thiết kế bởi nhà mốt lừng danh Pierre Balmain và được đưa vào sử dụng từ năm 1968, mẫu váy dựa trên chiếc váy sarong kebaya truyền thống đến nay vẫn gần như được giữ nguyên vẹn, với chỉ chút ít thay đổi về màu sắc. Thiết kế đậm bản sắc dân tộc này chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng những “thượng đế” trên chuyến bay của hãng hàng không Singapore.
Emirates (2009 – nay)
Những tiếp viên của hãng hàng không Emirates xinh đẹp, gợi cảm một cách chừng mực trong bộ comple vàng đồng kết hợp với một chiếc nón đỏ sẫm lạ mắt mang đậm âm hưởng Trung Đông. Mẫu đồng phục thể hiện rõ nét sang trọng của hãng hàng không hàng đầu này.
Những bộ đồng phục bị chê thậm tệ
Skymark Airlines (2014 – nay)
Mẫu váy “mát mẻ” của Skymark Airlines bị chỉ trích nặng nề bởi Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Nhật Bản về sự không phù hợp cho môi trường làm việc, tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục cho các nữ tiếp viên. Dù ngay chính các tiếp viên cũng không hài lòng, mẫu váy đầy tai tiếng này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.
Lufthansa (2005 – nay)
Dù chỉ là một thiết kế đặc biệt được diện vào dịp lễ Oktoberfest của Munich ở Đức, nhưng mẫu áo dài (dirnl) vùng Bavaria của hãng hàng không Lufthansa vẫn được liệt vào danh sách những đồng phục hàng không kỳ dị nhất.
Air Canada Rouge (2013 – nay)
Kết hợp giữa cardigan đỏ bordeaux, quần âu xám, khăn choàng cổ họa tiết nhiều màu và mũ fedora của các tiếp viên đến từ hãng hàng không giá rẻ Air Canada Rouge thật lạ mắt và trẻ trung. Tuy vậy, lựa chọn này cũng khiến cho họ trông như thành viên của một ban nhạc hipster biểu diễn tại các công viên công cộng vào cuối tuần.
Qantas (2013 – nay)
Dù được siêu mẫu Miranda Kerr giới thiệu trong một lễ ra mắt hoành tráng, phản hồi của công chúng – và cả các tiếp viên – về đồng phục của Qantas vẫn không tốt cho lắm. Khi một số cho rằng chúng quá bó chặt, số khác lại cười nhạo những thiết kế này như bước ra từ một bộ phim thám tử hài của thập niên 90.
Air New Zealand (2010 – nay)
Mẫu váy màu hồng hoa vân anh (fuchsia) kết hợp với hoa văn đen này dường như không toát lên được nét thanh lịch và trang nhã vẫn thường thấy ở các nữ tiếp viên hàng không. Cộng với chất liệu trông không được sang trọng, Air New Zealand xứng đáng nhận một điểm trừ lớn cho mẫu đồng phục này.
Bộ trang phục gây tranh cãi
Vietnam Airlines (2015)
Bộ đồng phục mới của phi hành đoàn hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines mới đây đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao của cộng đồng mạng. Rất nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực được đưa ra khi hình ảnh đầu tiên của bộ đồng phục mới này xuất hiện trên một số trang mạng được chụp với điều kiện ánh sáng không phù hợp. Thiết kế đồng phục mới của tiếp viên hãng Vietnam Airlines được thực hiện bởi nhà thiết kế Minh Hạnh, người đã từng mang tà áo dài Việt Nam tới trình diễn tại rất nhiều nơi trên thế giới. Những đường nét biến tấu từ tà áo dài truyền thống trên trang phục mới của tiếp viên Vietnam Airlines trên nền chất liệu vải taffeta màu xanh biển và vàng, thay cho màu đỏ rượu cũ trước đó, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng hành khách. Với những hình ảnh mới của các tiếp viên hãng Vietnam Airlines trong bộ đồng phục mới này, chắc chắn mọi người sẽ có cái nhìn chính xác hơn về những bộ đồng phục cho phi hành đoàn của hãng.
Bài: Trí Võ, Tuấn Anh
Ảnh: AirFrance, Air Canada, Emirates, Air New Zealand, Vietnam Airlines