“1 tỷ đã là quá nhiều!” - Tạp chí Đẹp

“1 tỷ đã là quá nhiều!”

Review

– Thấy bảo “Bí mật vườn Lệ Chi” bên anh tận tới giờ mà vẫn sáng đèn hả?

– Ừ, hơn 120 suất rồi đó, mà hôm rồi người ta vẫn ghé kìn kìn!

– Vở dựng dễ phải đến 10 năm chưa anh nhỉ?

– Tròn 10 năm rồi!

– “Gái già” mà “đắt chồng” ghê! Mà hồi đấy bọn anh dựng mất bao nhiêu tiền?

– 85 triệu.

85 triệu, cách đây 10 năm… Cứ cho là tiền trượt giá đi thì giỏi lắm cũng chỉ bằng… 850 triệu bây giờ thôi anh nhỉ?

– Làm gì tới! Kể cả giờ thì cũng chỉ cần chừng 1 tỷ là cũng đã có thể dựng được một vở kịch lịch sử hoành tráng lắm rồi!

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc sân khấu kịch Idecaf 

– Vậy nếu tôi cho anh 56 tỷ, anh sẽ làm gì?

– Việc đầu tiên là tôi… ngất xỉu. Vì sân khấu xã hội hóa xưa nay làm gì có chuyện được ai cho tiền, kể cả là dựng kịch lịch sử cho thiếu nhi coi. Việc thứ hai, sau khi tỉnh lại, là… xin trả lại bớt. Vì ước mơ từ ngàn đời nay của IDECAF, cũng như các sân khấu tư nhân khác, là chỉ cần được nhà nước hỗ trợ, dù chỉ ½ kinh phí dựng vở thôi (và rất hiếm khi ngốn tiền tỷ), là cũng đã đủ để đưa một vở diễn có giá trị như vậy đến được với nhiều công chúng ở các tỉnh thành, thậm chí là mở cửa miễn phí…

– Thôi anh làm ơn… nhận đi mà! Chẳng phải anh sẽ dựng được 56 vở kịch lịch sử hoành tráng sao – theo như “đơn giá” anh vừa nói?

– Chắc chắn là sẽ được ít nhất 56 vở, vì 1 tỷ/vở, tôi thấy đã là quá nhiều! Không tin đưa tiền đây tôi làm cho!

Thôi tôi chả dại! Cứ nhìn cả đống phim, kịch tiền tỷ dựng xong đắp chiếu ở ta là đủ biết! Đấy, đau nhất là quả phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, thấy bảo được đầu tư tận những 56 tỷ, với mục đích chiếu mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long, vậy mà đại lễ qua lâu rồi, vẫn biệt vô âm tín…

– Quả thật hôm rồi đọc tin, tôi cũng thấy… rụng rời! 56 tỷ, kinh khủng quá, có thể làm được bao việc lớn khác! Mà biết đâu chừng là phim không dở, vì là do Hãng phim truyện I thực hiện cơ mà, lại được UBND Thành phố Hà Nội “chọn mặt gửi vàng”… Chỉ lạ là sao tận tới giờ vẫn chưa cho công chiếu, để xem xem nó hay dở đến đâu, có đáng đồng tiền bát gạo…

Chả trách thanh niên giờ họ bảo (chắc không chỉ dặn mỗi… Ngọc Trinh): “Tiền thì anh không thiếu, nhưng… chủ yếu là em phải ngoan”, anh nhỉ!

– Chủ yếu là “em” phải biết dùng đồng tiền sao cho hiệu quả! Đấy, cùng là một kịch bản kịch “Ngàn năm tình sử”, nhưng vào tay IDECAF, đầu tư có 550 triệu, mà tới giờ đã diễn tới 45 suất; còn vào tay một nhà hát lớn của Thủ đô, đầu tư hoành tráng, thì suất diễn nghe đâu lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chưa kể, cũng nhân dịp nghìn năm, nhà hát ấy còn được đầu tư nâng cấp, xây mới mất hàng chục tỷ, lại chiếm lĩnh vị trí đắc địa nhất Thủ đô, vậy mà giờ thử xem xem, tần suất sáng đèn của nó thế nào, có bõ đồng tiền bát gạo… Trong khi sân khấu xã hội hóa ở TP HCM sáng đèn liên tục, nhưng cũng mệt nhoài vì phải lo bao thứ, thì lại chả bao giờ được nhà nước ngó ngàng, dù chỉ gọi là “hà hơi tiếp sức”…

Chuyện! Một đằng mới chỉ có hơn ba trăm năm, một đằng những hơn ngàn năm, người ta được “cưng” hơn là phải! Đến Trương Nghệ Mưu mà vừa rồi còn bị Đài Truyền hình TƯ Trung Quốc chỉ trích là “nhận tiền tỷ làm phim kém” cơ mà, huống hồ…!

– Kể cả một triệu năm đi nữa thì tôi nghĩ sự thể vẫn vậy thôi. Huống chi, sân khấu tư nhân lại chỉ là “con ghẻ”…

À, đến đây thì lại phải dùng câu khác nhé: “Tiền thì anh không thiếu, nhưng nhiều thì anh… không có”! Nên “em ngoan” hay không, … mặc xác em!

Bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” với độ dài 30 tập đã được UBND thành phố Hà Nội đầu tư 56 tỷ đồng giao đạo diễn Đào Duy Phúc và hãng phim truyện I (nay là công ty cổ phần phim truyện I) sản xuất. Bộ phim được rầm rộ bấm máy từ năm 2009 với những lời hô hào sẽ kịp tiến độ để lên sóng vào tháng 10/2010 mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Nhưng đến nay, 2 năm sau đại lễ, phim vẫn… “biệt vô âm tín”.

Và điều đáng nói ở đây, cả UBND thành phố Hà Nội và công ty cổ phần phim truyện I đều không ai muốn trả lời về “số phận” bộ phim này. Từ tháng 3/2012, Thái sư Trần Thủ Độ gửi tham dự Cánh Diều Vàng- lễ trao giải thường niên của Hội Điện ảnh VN nhưng ngay sau đó đã bị loại vì chưa được ký kết lên sóng với bất kỳ đài truyền hình nào. Ngay khi sự việc này xảy ra, đã có nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh “số phận” bộ phim.

Phóng viên Dân trí liên lạc với nhà sản xuất Tất Bình, đạo diễn Đào Duy Phúc đều nhận được câu trả lời rằng, công ty cổ phần phim truyện I chỉ chịu trách nhiệm phần sản xuất. Sau khi bộ phim hoàn tất, hãng phim đã giao 30 tập phim Thái sư Trần Thủ Độ cho đơn vị đặt hàng là UBND thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội sẽ làm việc với đài truyền hình để lên kế hoạch phát sóng cho bộ phim.

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với UBND thành phố Hà Nội về “số phận” bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ nhưng chỉ nhận được câu trả lời, “Khi nào có lịch chiếu, phim sẽ lên sóng”.

Hai năm đã trôi qua, bộ phim lịch sử có số tiền đầu tư sản xuất khổng lồ mừng đại lễ vẫn “im thin thít, lặn mất tăm”. Và đến thời điểm này, chẳng còn ai muốn hỏi, càng chẳng còn ai muốn trả lời về bộ phim này.

Chuyện gì đã thực sự xảy ra với bộ phim lịch sử tiền tỷ của đại lễ ngàn năm?

(Theo Dân Trí)

Thực hiện: depweb

15/10/2012, 08:27