Được gọi là “Hệ thống quản lý hành vi trong lớp học thông minh,” giải pháp giám sát mới được lắp đặt tại trường Trung học số 11 của Hàng Châu bao gồm ba camera công nghệ cao lắp phía trên bảng đen, liên tục gửi thông tin cho một phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các biểu cảm trên gương mặt và hành vi nói chung của học sinh và đánh giá xem liệu các em đang cảm thấy hứng thú với bài học hay đang thả hồn đi nơi khác.
Theo các hãng truyền thông Trung Quốc, AI này có thể nhận biết được 7 biểu cảm khác nhau, bao gồm bình thường, vui vẻ, buồn bã, thất vọng, giận dữ, sợ hãi và ngạc nhiên, và sẽ gửi thông báo đến cho giáo viên hành động nếu nó phát hiện ra một hay nhiều học sinh đang xao nhãng trong lớp.
Ngày tháng do hệ thống giám sát này ghi lại cũng có thể được sử dụng để đánh giá hiệu suất giảng dạy của giáo viên.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống này mới chỉ được lắp đặt ở trường Trung học số 11 Hàng Châu, nhưng nếu thu được kết quả tích cực, giải pháp này sẽ được triển khai trên toàn Trung Quốc.
“Việc lắp đặt hệ thống quản lý này chủ yếu là để cho học sinh thấy khi nào các em tập trung nhất và vấn đề nằm ở đâu,” một giáo viên của trường Trung học số 11 chia sẻ với RFA.
“Nó sẽ chỉ ra mức độ tập trung trong lớp của các em, và trong các tiết học mà các em không tập trung, giáo viên sẽ dễ nhận biết được khi nào cần giảng lại bài.”
“Có thể một số học sinh sẽ nghĩ rằng hệ thống này sẽ giám sát các em cả buổi. Nghĩ thế là có phần hơi quá, bởi vì đúng là các em sẽ cảm thấy có áp lực, nhưng mục đích của việc này không phải là như vậy,” thầy giáo này nói thêm. “Mục đích là giúp các em luôn chăm chú học tập ở trên lớp.”
Thầy giáo đã nói rất đúng một điều, đó là các em học sinh sẽ cảm thấy hoảng sợ trước những chiếc camera công nghệ cao ghi lại mọi cử động và biểu cảm của mình. Một số em đã thay đổi hành vi của mình vì lý do này.
“Trước đây khi phải học những tiết mà em không thích, em sẽ rất lười biếng và có thể ngủ gục trên bàn, hoặc mở sách môn khác ra đọc,” một học sinh chia sẻ với trang Hangzhou.com. “Nhưng em không dám làm thế nữa sau khi những chiếc camera đó được lắp trong phòng học. Cảm giác như có một đôi mắt bí ẩn nào đó đang liên tục theo dõi em vậy.”
Trả lời các hãng truyền thông Trung Quốc, hiệu phó trường Trung học số 11 cho biết sau một tháng thí điểm, các em học sinh đã quen với hệ thống giám sát này.
Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội tại Trung Quốc vẫn cảm thấy khó chấp nhận được hệ thống này: “Đó là trường học hay trại tập trung? Các em học sinh là trẻ con chứ không phải mục tiêu của chế độ độc tài,” một người viết trên Weibo.
“Nếu tôi vẫn còn đi học, tôi sẽ không thể tập trung vào bất cứ thứ gì ngoài mấy con mắt đang nhìn mình chằm chằm đó!” một người dùng Weibo khác chia sẻ.