Thuận: “Văn chương giúp ta nhận ra thứ vô nghĩa lặp lại hàng ngày”


Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh tại Hà Nội, hiện sống tại Pháp.

Các tác phẩm:

– “Made in Vietnam” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Mới, California, 2002)

– “Chinatown” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà nẵng, 2005/bản tiếng Pháp “Chinatown”, Đoàn Cầm Thi dịch, nhà xuất bản Seuil, Paris, 2009)

– “Paris 11 tháng 8” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà nẵng, 2006)

– “T mất tích” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2007 / bản tiếng Pháp “T. a disparu”,  Đoàn Cầm Thi dịch, Nhà xuất bản Riveneuve, Paris, 2012))

– “VânVy” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008)

– “Thang máy Sài Gòn” (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2013 / bản tiếng Pháp “L’Ascenseur de Saigon”, Thuận và Janine Gillon dịch, được trao tặng giải Sáng tạo (Bourse de Création) năm 2013 của Trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre).


“Chọc cười khán giả thì thú vị hơn khoe kiến thức”

– Tại sao lại là thang máy? Tại sao lại là Sài Gòn?- Có lẽ đó là những câu hỏi đầu tiên bật ra trong đầu người đọc sau khi đọc xong tiểu thuyết của chị. Chị có bị ám ảnh bởi thang máy không? Sài Gòn có gắn với kỷ niệm nào của riêng chị không?

– Tại sao lại là thang máy và tại sao lại là Sài Gòn? Ngoài việc câu chuyện bắt nguồn từ một tai nạn thang máy ở thành phố Sài Gòn thì thang máy và Sài Gòn là hai hình ảnh năng động mà theo tôi, tương ứng với cấu trúc của tiểu thuyết này.

Tiểu thuyết có 40 chương được sắp xếp không theo một trật tự nào cả, tên của các chương cũng chỉ có 3 từ lặp đi lặp lại: Hà Nội, Sài Gòn, Paris. Tôi đã viết với ý đồ là mỗi độc giả có thể tự tìm một trật tự mới cho các chương. Điều này tôi nghĩ là có thể làm được vì các chi tiết của “Thang máy Sài Gòn” liên kết với nhau mật thiết đến độ mà dù có bị đẩy ra khỏi nhau như thế nào, chúng vẫn thuộc về nhau, mãi mãi là của nhau. Đây có vẻ là một thử nghiệm ngược lại so với cách viết trước của tôi, nếu bạn đã đọc “Chinatown” thì thấy do tiểu thuyết không phân chia chương, đoạn, nên độc giả không có cách nào khác ngoài việc đọc một mạch từ đầu đến cuối.  

Cũng vậy, thang máy đến với tôi giống như một ý tưởng khi xây dựng tiểu thuyết. Chứ không thể là một ám ảnh.

Kỷ niệm với Sài Gòn? Còn nhỏ tôi đã có dịp theo gia đình vào Sài Gòn sống ba năm. Đó là Sài Gòn của những năm tám mươi quằn quại đói, người nghèo người giàu đều méo mặt xếp hàng, một bên thì để mua bo bo theo số nhân khẩu, một bên thì để nhận viện trợ từ thân nhân ở nước ngoài. Nhân vật chính trong “Made in Vietnam” nói là lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, cô ấy luôn luôn đỏ mặt vì chưa bao giờ phải nghe “xin lỗi” và “cám ơn” nhiều đến thế. Đó với tôi cũng là kỷ niệm không dễ quên về thành phố này.

thuận 

Nhà văn Thuận 

– Thủ pháp lặp được sử dụng nhiều lần trong các tác phẩm của chị, không phải chỉ tới “Thang máy Sài Gòn”, có phải để tạo hiệu ứng déjà vu (hiện tượng mô tả cảm giác một người đã nhìn thấy trước một điều gì đó, đã từng trải qua một điều gì đó mà họ biết chắc chắn rằng chưa từng trải qua – PV)?

– Lặp lại là một cách để tạo nhịp cho câu văn. Tôi thấy nó cũng hợp với văn của tôi, một thứ văn đề cao hài hước và ám ảnh. Ví dụ, bạn khó mà không bật cười khi thấy một nhân vật cứ nhắc đi nhắc lại mãi một câu nói hay làm đi làm lại mãi một động tác, và sẽ còn cười to hơn nữa khi không chỉ một mà nhiều nhân vật cùng nhắc lại hay làm lại. Câu nói đó, động tác đó, thế nào rồi cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Văn chương khiến ta nhận thấy những thứ vô nghĩa vẫn lặp đi lặp lại hàng ngày như thế.

Ngoài ra thì bạn biết đấy, tiểu thuyết được xây dựng từ vô số các chi tiết, và với tôi nhịp điệu (chứ không phải nội dung câu chuyện) chính là chất liệu liên kết chúng lại với nhau. Bạn hãy tưởng tượng thế này: người viết tiểu thuyết có cái gì đó giống như người chỉ huy dàn nhạc, một từ hay một câu không tồn tại riêng rẽ, chúng phải làm sao đi được cùng nhau trong bản hợp xướng của ngôn từ, bằng cách tiết kiệm hoặc phô diễn âm lượng. Sự có mặt của chúng cũng để chuẩn bị cho những gì sẽ đến sau và gợi nhớ những gì đã đến trước.

– Tại sao chị lại nhắc nhiều tới tác phẩm của Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ Huế – trong “Thang máy Sài Gòn” (nhất là khi đã có quá nhiều người sử dụng các ca khúc của Trịnh trong tác phẩm của mình?)

– Sử dụng ca khúc của Trịnh Công Sơn thì đúng là trước tôi người ta làm mãi rồi, nhưng nói chung họ đề cao chất “huyền ảo” hay “triết lý” của nhạc Trịnh, trong khi cá nhân tôi thì lại thấy ở đó khía cạnh cải lương sến sẩm, một trong những thứ không thể thiếu để nói về Sài Gòn ngày hôm nay. Trên thế giới có nhiều thành phố ồn ào và bạo lực, nhưng vừa ồn ào bạo lực lại vừa cải lương sến sẩm như Sài Gòn thì có lẽ cũng ít thôi.

Hơn nữa, nếu bình tĩnh lại thì bạn sẽ hiểu một anh lái xe gốc Hải Phòng sẽ chọn gì: “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay” của Trịnh Công Sơn hay hòa tấu “Mùa thu” của Vivaldi? Bạn có đồng ý với tôi là dù thế nào thì chọc cười độc giả cũng thú vị hơn là khoe khoang kiến thức phổ thông về âm nhạc?

“Hãy bỏ lại các niềm tin cũ kỹ”

– Có ý kiến cho rằng tiểu thuyết của chị rất gần với một kịch bản phim Hollywood. Chị nghĩ sao?

– Tôi không nghĩ như vậy. “Thang máy Sài Gòn” bao gồm rất nhiều giả thuyết và chưa lúc nào có nhã ý tặng độc giả một dịp được rút khăn mùi xoa. Trong khi đó, các bộ phim Hollywood lại cần những câu chuyện éo le nhưng tròn trịa, có đầu có cuối có cao trào, mọi thắc mắc đều tìm được lời giải.

Bạn thử nói cho tôi đạo diễn Hollywood nào dám để khán giả ra khỏi rạp mà không rõ nguyên nhân cái chết của nhân vật chính? Hay đạo diễn Hollywood nào lại từ chối sử dụng chiến tranh Đông Dương để làm nền cho ít ra vài thiên diễm tình Pháp-Việt trai tài gái sắc?

– Trong cuốn sách có nhiều chi tiết được đặt ra nhưng chưa được giải quyết triệt để, ví dụ như chi tiết người yêu của nhân vật chính tên Kai. Chính vì thế, chị có nghĩ rằng cuốn sách này vẫn giống một bộ phim, và có thể làm tiếp phần 2?

– Đừng nghĩ đến một hậu “Thang máy Sài Gòn” làm gì cho mất thời gian. Bởi vì không giải quyết triệt để là ý đồ của tôi. Như tôi đã nói “Thang máy Sài Gòn” là tiểu thuyết của các giả thiết, còn hoài nghi là cảm giác mà tôi muốn tác phẩm này mang lại cho độc giả.

Một trong những thông điệp của tôi là: Hãy bỏ lại các niềm tin cũ kỹ, bước vào “Thang máy Sài Gòn”, bạn tưởng đến Sài Gòn nhưng chưa chắc phải Sài Gòn, tưởng đến Hà Nội nhưng chưa chắc phải Hà Nội, tưởng đến Paris nhưng chưa chắc phải Paris, tưởng là quá khứ có khi lại là ngày hôm nay.  

– Chị liên tục đưa yếu tố trinh thám vào tác phẩm của mình. Trước đó, Trần Dần (nhà văn Thuận là con dâu của nhà thơ Trần Dần – PV) cũng đã từng có thành công tương tự. Liệu có mối liên quan gì không?

– Ở đây, nếu có mối liên quan nào giữa tôi và Trần Dần thì bởi chúng tôi đều thích quan sát tỉ mỉ, rồi không chỉ quan sát, chúng tôi còn phân tích và lập luận, nhưng mục đích của chúng tôi lại không phải là khiến độc giả mất ăn mất ngủ trong vài ngày cho đến khi biết ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Nếu đọc các tác giả khác, ví dụ các nhà văn của dòng Tiểu thuyết Mới, bạn sẽ thấy cả tôi lẫn Trần Dần đều không phải là các ca đặc biệt, nhưng chúng tôi đã tìm được cách viết riêng của mình. Thể loại gì không quan trọng. Vấn đề là bạn đã viết như thế nào.

Bìa cuốn “Thang máy Sài Gòn” 

– Chị nghĩ sao về nhận xét: sách của chị, dù chọn bối cảnh, đề tài nào, vẫn chỉ là những bi kịch gia đình sau nhiều năm vẫn không thể giải quyết nổi?

– Bi kịch gia đình chưa bao giờ là trọng tâm các tiểu thuyết của tôi. Thậm chí “Made in Vietnam”, “Paris 11 tháng 8”, “T mất tích”, hay “VânVy” còn chẳng có bi kịch gia đình nào cả. Với tôi, bi kịch gia đình không phải lúc nào cũng đại diện cho bi kịch cá nhân. Tôi cũng không quan tâm đến việc giải quyết những bi kịch gia đình ấy. Nhà văn không có nhiệm vụ hòa giải theo kiểu cán bộ phụ nữ. Trong “Chinatown”, cuộc chia tay của vợ chồng nhân vật “tôi” chỉ là bi kịch nhỏ so với bi kịch tha hương mà chính “tôi” phải gánh chịu sau này. Và không chỉ “tôi”, “Chinatown” còn có nhiều nhân vật di dân khác, mỗi người một số phận không giống ai, một nỗi đau giấu kín trong lòng.

Cũng xin nói thêm sự chia tay của “tôi” và Thụy không phải là một bi kịch gia đình, bởi hai vợ chồng không thù ghét nhau, lý do khiến Thụy ra đi là bởi Thụy “chán Hà Nội lắm rồi”. Làm sao có thể ở lại cái nơi mà chỉ vì trót mang họ Âu, một thanh niên khỏe mạnh, chăm chỉ, tốt nghiệp đại học không thể xin nổi việc làm, ngay cả lao động chân tay? Theo tôi, đó là bi kịch cá nhân chứ không phải bi kịch gia đình.

Tương tự “Thang máy Sài Gòn” bao gồm rất nhiều bi kịch cá nhân trong đó bi kịch lớn nhất là của người mẹ, cán bộ lãnh đạo nhưng cả đời giấu kín mối tình gần như vô vọng với một công dân Pháp mà bà đã tình cờ gặp trong thời gian bị bắt tại nhà tù Hỏa Lò, đúng vào thời điểm gay cấn nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ.

– Theo cảm nhận của cá nhân tôi, sau “Chinatown” – một cuốn sách đọc rất cảm động, các cuốn khác càng ngày càng được tác giả tiết chế cảm xúc hơn. Điều đó có đúng không và chị có lý do gì cho việc này?

– Bây giờ nhìn lại, tôi tự thấy “Made in Vietnam” có vẻ nhàn nhạt, “Chinatown” thì dạt dào, “Paris 11 tháng 8” lại lạnh lùng, “T mất tích” còn lạnh lùng hơn, “VânVy” sôi nổi, nhưng đến “Thang máy Sài Gòn” thì dường như vừa tình cảm vừa xa cách. Tôi không cố tiết chế cảm xúc. Tôi chỉ cố để tác phẩm sau là một cung bậc tình cảm khác với tác phẩm trước. Đó có vẻ như là một qui luật trong sáng tác của cá nhân tôi, là cách để tôi hướng tới cái sẽ viết tiếp theo.  

– Xin cảm ơn chị đã chia sẻ! 

Sơn Phước – Linh Hanyi (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

>>> Có thể bạn quan tâm: Tác giả của cuốn sách best-seller “Một mình ở châu Âu” Phan Việt đã dành cho Đẹp Online những chia sẻ rất chân thành về việc chị đã vượt qua nỗi sợ hãi để can đảm đối mặt, vượt qua khủng hoảng và tìm thấy hạnh phúc bền vững như thế nào.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category