“Moon Landing” – tâm sự tình đầu

Năm 2005, cái tên James Blunt nổi lên như một hiện tượng âm nhạc toàn cầu với “Back to Bedlam” – đĩa nhạc đầu tay mang lại cho anh 5 đề cử Grammy với những ca khúc hit như “You’re beautiful”, “High”, “Wisemen”. Nên nhớ, vào thời của James thì trang youtube chỉ mới được thành lập và các mạng xã hội như Facebook, Twitter vẫn còn là thứ xa lạ. Vì vậy, việc mọi người truyền tay nhau các bài hát của anh trong suốt thời gian dài thực sự là một kỳ tích. Nhờ có cú hích này mà James Blunt từ một nghệ sĩ đi theo con đường indie (độc lập) đã chính thức bước chân vào danh sách những nghệ sĩ xuất sắc nhất của xứ sở sương mù.

Cho đến nay, “Back to Bedlam” vẫn là sản phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của James Blunt, trở thành đĩa nhạc bán chạy nhất tại Anh trong thập kỷ 2000 với hơn 3,2 triệu bản được bán ra. Đáng tiếc, hai đĩa nhạc sau này của James không giữ vững được kỷ lục đó, thậm chí đĩa “Some Kind of Trouble” phát hành năm 2010 là một thất bại về mặt thương mại, khi mà chỉ bán được có vỏn vẹn 100.000 bản trong tuần đầu tiên ra mắt. 

Jame Blunt

Mặc dù đã tám năm trôi qua, nhưng có vẻ James Blunt vẫn còn rất luyến tiếc ánh hào quang của “Back to Bedlam”. Bằng chứng là anh đã mời nhà sản xuất Tom Rothrock, người đã từng đem lại thành công cho đĩa nhạc đầu tay, về hợp tác cho “Moon Landing”. Không những thế, James còn trở về Los Angeles sống với Carrie Fisher để tập trung sáng tác, giống như thời trước khi anh viết các ca khúc trong “Back to Bedlam”. James tuyên bố: “Đây là một đĩa nhạc mang tính cá nhân nhiều hơn, và cũng trở về với những điều căn bản… Nó là một đĩa nhạc về những giấc mơ, khao khát và cả mối tình đầu”. Tuy nhiên, kết quả lại không được như mong đợi.

Âm nhạc của “Moon landing”, nếu so với “Back to Bedlam”, thì đã có sự đa dạng, nhiều màu sắc hơn. James cố gắng thoát ly khỏi hình ảnh nam ca sĩ chỉ gắn liền với cây đàn guitar và hát folk. Anh cùng các nhà sản xuất đã tìm cách pha trộn nhiều âm thanh vào đĩa nhạc lần này. Nhưng những âm thanh đó nếu so với chính James trong hai đĩa trước thì cũng không có gì mới. Trái lại, khi James muốn thay đổi bản thân cũng là lúc anh đang đánh mất bản sắc của chính mình. Đôi chỗ trong đĩa nhạc khiến cho ta có cảm giác rằng anh đang trở nên giống với một ai đó khác.

Đĩa nhạc mở màn đầy hứa hẹn bằng “Face the sun” – bản pop rock có giai điệu buồn bã do chính James sáng tác cùng với Steve Robson. Ở những giây đầu tiên là tiếng động cơ mô tô rồ lên từ phía tai phải sang phía tai trái, như báo hiệu rằng James đang trên con đường đi về phía “mặt trăng”, về với nỗi cô đơn sâu thẳm trong trái tim mình. Sau đó, toàn bộ bài hát ngập chìm trong tiếng piano nhẹ nhàng, dìu dặt đưa ta vào “cõi không người”. Giữa không gian đượm buồn ấy, James tâm sự: “Our weary hearts just fall apart. I feel it in my bones.” (“Con tim mệt nhoài của ta cứ vỡ vụn dần. Anh nhận thấy điều đó tận sâu trong xương tủy”). Cấu trúc bài hát có thay đổi vào đoạn chuyển lời (bridge), khi mà tiếng guitar điện bùng lên cũng là lúc James không còn quan tâm gì đến xung quanh: “You do what you do, then you walk away, you walk away” (“Cứ làm những gì em muốn rồi cứ bước đi, bước đi xa đời tôi”)

Sẽ không có gì đáng nói nếu như 49 phút của “Moon Landing” giữ vững được không khí của “Face the sun”. Thay vì vậy, bài hát thứ hai “Satellites” lại có giai điệu hoàn toàn trái ngược: vui vẻ và có phần nhí nhố hơn. Mặc dù cách đặt tên “Satellites” (“Vệ tinh nhân tạo”) nghe có vẻ khá liên quan đến Moon landing” (“Đáp xuống mặt trăng”) nhưng việc sắp xếp hai bài hát buồn và vui liền kề nhau khiến cho tâm trạng người nghe hoàn toàn đảo lộn. Thêm nữa, phần lời của bài hát lại không ăn nhập cho lắm đối với giaii điệu, khi James cố thể hiện nỗi cô đơn của thế giới hiện đại nhưng thực sự chưa tới.

Cứ như thế, những bài hát còn lại trong đĩa nhạc cứ như một cơn sóng. “Bonfire heart, single mở màn của đĩa nhạc cũng là một ca khúc khá thành công khi lọt ngay vào top những bài hát được nghe nhiều nhất tại Anh. Với bài hát này, James tiếp tục cộng tác với Ryan Tedder – trưởng nhóm nhạc nam OneRepublic, người được mệnh danh là phù thủy tạo hit. Giai điệu của bài hát cũng trộn lẫn giữa folk êm dịu với pop rock nhẹ nhàng, đều là những thể loại dễ nghe. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu “Bonfire heart” được đông đảo khán giả yêu thích.

Một ca khúc đáng chú ý khác là “Heart To Heart”, đánh dấu lần hợp tác đầu tiên của James với Robopop – nhà sản xuất đã đem lại thành công cho Lana Del Rey với bản hit “Video games” và là người đồng sáng tác một loạt ca khúc ăn khách như Stereo Hearts (Gym Class Heroes), “Payphone” (Maroon 5), “Thinking Of You” (Ke$ha),… Song, nếu như Robopop “mát tay” với các nghệ sĩ Mỹ bao nhiêu thì lại tỏ ra thất bại với nam ca sĩ Anh bấy nhiêu. Ca khúc không thể hiện được cá tính của cả người hát lẫn người sản xuất, mà đơn giản cũng chỉ là dễ nghe như bao ca khúc pop khác trên thị trường.

Thất bại lớn nhất của đĩa nhạc thuộc về “Miss America”, bài hát được James lấy cảm hứng từ cuộc đời xấu số của nữ ca sĩ Whitney Houston. Giai điệu bài hát đều đều nhàm chán, chưa kể nội dung đi vào lối mòn của những bài hát tưởng niệm khác, đặc biệt hoàn toàn lạc lõng giữa những ca khúc viết về tình yêu đôi lứa.  

Ngoài ra, có những ca khúc khiến ta có cảm giác rằng James đang “sao chép” âm thanh của những nghệ sĩ khác, mà phần nhiều là những nghệ sĩ được yêu thích. Chẳng hạn như là Mumford & Sons với “Bonfire Heart”, Coldplay với “Face the Sun” hay “Heart to heart”, và ngay cả Jason Mraz với “Postcard”. Điểm sáng ở cuối đĩa là “Bones” lại có đoạn synth ban đầu đã từng được Kelly Clarkson sử dụng trong ca khúc “What Doesn’t Kill You (Stronger)”.

 

Tuy nhiên, trong “Moon Landing” vẫn có những khoảnh khắc James Blunt biết làm chủ chính mình và sử dụng tốt giọng hát đặc biệt trời phú. Chẳng hạn như trong “The Only One”, James nhìn lại cuộc tình đã qua bằng đôi mắt đầy hối lỗi, muốn quay ngược thời gian để sửa đổi tất cả nhưng chẳng thể.

Đến “Sun on Sunday” thì “những giọt nước mắt thầm lặng” bấy lâu đã thực sự rơi xuống. Không khí của đĩa nhạc trở về như lúc ban đầu với piano chậm rãi, đượm buồn. Lúc này, anh đã không kìm được lòng, đành thú nhận hoàn toàn: “And me the thief. So selfishly. All the moments meant for you, I made them mine.” (Chính anh là kẻ trộm. Vô cùng ích kỷ. Mọi khoảnh khắc ý nghĩa với em, anh đều dành về phần mình).

Cuối cùng, đĩa nhạc khép lại bằng “Blue on blue”, cũng là một bài hát khá sâu lắng. Đâu đó, ta thấy được sự chân thành trong giọng hát của James. Những ca từ yêu đương (“anh yêu em”) có thể không khó để viết ra, nhưng thể hiện được nó một cách cảm xúc lại chẳng dễ dàng. Ở độ tuổi 39, James Blunt có đủ trải nghiệm để biến những thứ đơn giản trở thành riêng biệt.

Có thể nói rằng, “Moon landing” là nỗ lực của James Blunt trong việc làm ra một sản phẩm mang tính cá nhân như đã nói, nhưng đồng thời cũng dung hòa được yếu tố thị trường. Một tham vọng khó thực hiện bởi những gì riêng tư thường không hướng đến số đông và ngược lại. James Blunt luôn cố gắng biến mình trở thành một ca sĩ thị trường, trong khi anh không hề nhận ra rằng âm nhạc của mình ban đầu vốn chẳng hề thuộc về số đông.

Kết quả cuối cùng, “Moon landing” vẫn chỉ là một đĩa nhạc dễ nghe và cũng dễ đi vào quên lãng. James Blunt, từ một giọng ca lạ, một cá tính lạ trong âm nhạc đã dần trở nên nhạt nhòa và mờ dần theo năm tháng. Thỏa hiệp đồng nghĩa với thất bại, và James Blunt đã thất bại. Với “Moon landing”, khán giả yêu nhạc chính thức vẫy tay chào tạm biệt một nghệ sĩ tiềm năng, đã từng là một trong những gương mặt xuất sắc nhất của âm nhạc Anh trong suốt thập kỷ.

Bài: Sơn Phước
Ảnh: Jamesblunt.com

Có thể bạn quan tâm: Cứ 3 năm Janelle Monáe mới ra mắt một sản phẩm âm nhạc mới. Nhưng khán giả và thậm chí không ít đồng nghiệp vẫn sẵn sàng chờ đợi bởi họ tin rằng mỗi sản phẩm của cô sẽ là một tác phẩm thực sự xuất sắc.

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category