Cha con Hip Hop - Tạp chí Đẹp

Cha con Hip Hop

Giải Trí
Từ khi biết đi, cậu theo chân bố đến trường quay, xưởng vẽ, sàn tập nhảy. Chưa bao giờ chúng tôi nhận thấy câu hát “một ngày đầu thu theo cha qua sông” trong bài “Ngẫu hứng sông Hồng” lại sống động đến như thế.

Dạy con kiểu… Việt Max

Cu Pid năm nay hơn 2 tuổi, nhưng gia đình anh chưa hề cho cậu bé đi học, cũng chưa từng thuê bảo mẫu. Với nhiều gia đình, gửi trẻ đến trường như một cách… giải tỏa áp lực, để họ có thêm một quỹ thời gian đáng kể cho công việc và những mối quan hệ xã hội. Nhưng công việc sáng tạo không gò bó thời gian giúp Việt Max có một cách nuôi dạy con tương đối… ngẫu hứng. Anh để cháu bé lớn lên một cách tự nhiên trong sự chăm lo của vợ chồng anh. 

Anh thậm chí còn không mua những dụng cụ tập đi cho cu cậu. Té ngã thì phải đứng lên và đi lại, chứ không chống tay vào bất kỳ chiếc xe nào. Và cách nuôi con khác lạ ấy, theo Việt Max, giúp cho cậu bé nhà anh trưởng thành nhanh hơn. “Cháu gặp biết bao nhiêu người, đi biết bao nhiêu nơi, những va chạm, tiếp xúc tất nhiên phải khiến cháu trưởng thành nhanh hơn những bé chỉ ở nhà hay thậm chí là đi nhà trẻ, sức đề kháng của nó cũng tốt hơn các bạn cùng lứa rất nhiều” Việt Max nói.

Thông thường, khoảng đến 4 hoặc 5 tuổi thì trẻ sẽ hình thành một sở thích rõ rệt về một vấn đề gì đó. Nhưng mới 1 tuổi, Pid đã cho thấy sự thích thú dành cho… hip hop. Một lần kia, Việt Max cực kỳ sửng sốt khi thấy cậu nhóc tì nhà mình… chồng đầu xuống đất để làm theo một động tác khó của hip hop. Là một người làm nghệ thuật, còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi thấy con của mình cũng thích điều mà mình đam mê, theo đuổi. Nhưng Việt Max khẳng định chưa một phút nào anh hướng con theo sở thích của mình. Nếu Pid thích vẽ thì vẽ, thích nhảy thì nhảy, thích chơi thì chơi, thích ngủ thì ngủ, anh không ép con phải làm những gì mà bé không thích.

Cách dạy ấy tất nhiên là vấp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh. Khi Pid được vài tuần tuổi, Việt Max đã mang con ra ngoài cà phê với bạn bè, khiến ông bà một phen hết hồn. Nhưng sự mâu thuẫn về mặt thế hệ rốt cục cũng phải nhường chỗ trước sự quyết tâm của Việt Max. Anh nói: “Ông bà sống ở Hà Nội, gia đình tôi thì ở cả trong này. Góp ý vài lần thì cũng thôi. Vả lại cháu bé vẫn phát triển tốt, nên ông bà cũng không còn gì phải lo nữa. Trẻ con nước ngoài vừa sinh ra là bố mẹ đã vác chúng đi du lịch, tại sao Việt Nam mình lại không làm được?
“Con làm tôi sống tích cực hơn”

Từ khi có bé Pid, Việt Max thay đổi cách làm việc. Anh không dàn trải công việc nữa mà tập trung hơn. Thời gian lao động giảm đi, nhưng năng suất lại tăng lên. “Tôi không còn bôi công việc của mình ra cả ngày nữa mà tập trung giải quyết rốt ráo để còn dành nhiều thời gian chơi với con”, anh nói. “Cái đạo lý thà tập trung làm một việc tốt hơn là chia trí ra cho nhiều công việc để rồi không đi đến đâu thật đơn giản, nhưng trước khi có Pid tôi lại không nhận ra được. Tuổi trẻ mình tham công tiếc việc quá, chỉ đến khi gia đình có thêm một thành viên, một người mà mình yêu thương, chăm sóc tôi mới nhận ra điều này”.

Một thay đổi khác mà cu Pid mang lại cho anh là cách nhìn đời tích cực hơn. Anh nói: “Từ vẽ vời đến phim ảnh, tôi đều tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực hơn. Ngày xưa mình có thể đuổi theo nhiều chủ đề, buồn bã, tiêu cực, thảm não, nhưng bây giờ tôi chỉ thích làm những cái vui vẻ, hạnh phúc nhiều hơn”.

Lấy chính phim “Yêu” làm ví dụ. Việt Max lấy cảm hứng từ bộ phim Thái Lan “Love of Siam” cho sản phẩm điện ảnh đầu tay, nhưng cái kết buồn của bộ phim gốc đã được thay thế bởi một cái kết tươi sáng hơn. Sau khi vượt qua biết bao rào cản, sóng gió, rốt cục hai nhật vật do Chi Pu và Gil Lê đóng đã đến được với nhau. Việt Max nói: “So với thời Love of Siam, cách nhìn của mọi người về chuyện tình yêu đồng giới đã khác. Vậy thì tại sao mình lại không làm cái kết khác đi. Nhưng rõ ràng, chính sự hiện diện của Pid cũng khiến cho tôi muốn làm bộ phim theo một gam màu vui vẻ hơn”.

“Tôi không dạy con, chính con dạy tôi”
Khi bàn về việc dạy con, Việt Max đưa ra một quan điểm thật thú vị: đó là chính cu Pid là người dạy anh, chính xác hơn là buộc anh phải sống chỉn chu hơn để không trở thành tấm gương xấu cho con. Anh mỉm cười nói: “Tôi nhận ra là mình không dạy con, mà con đang dạy mình thì đúng hơn. Chơi nhiều với trẻ con, tôi thấy bọn nó rất… quy tắc. Nếu anh rót một cốc nước mà không đậy nắp, chúng sẽ đậy nắp lại. Nếu mình mở cánh cửa mà không đóng, chúng sẽ đóng lại. Chúng sẽ đẩy ngăn kéo vào sau khi mở ra. Nghĩa là trẻ con hư hay nên đều là do mình cả. Thành ra mình phải làm mọi việc thật chuẩn để nó theo mình, mà thực ra là mình… đang theo nó”.

Anh cũng có một góc nhìn khác lạ về việc giáo dục. Việt Max nói: “Tôi không muốn con mình phải đi học theo lối mòn, phải vào trường, mài đũng quần trên ghế giảng đường mười mấy năm, cầm tấm bằng trên tay rồi không biết mình làm gì. Vợ chồng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về chuyện cho con đi học và thống nhất với nhau: nếu đến tuổi đi học mà cảm thấy việc giáo dục ở trường không phù hợp, chúng tôi sẽ thuê thầy về nhà dạy kiểu home-school, chú trọng về phát triển kỹ năng hơn là học lan man không cần thiết.

Tôi nghĩ một đứa trẻ cứ đi học mà không biết mình thích gì thì sẽ cực kỳ lãng phí. Như tôi và biết bao thế hệ học sinh ra trường ngày xưa, rời khỏi trường rồi mà vẫn không biết mình phải làm gì tiếp theo. Thế nên với bọn trẻ thế hệ sau này, khi đến 5-6 tuổi chúng ta chú ý xem chúng thích gì. Nếu cháu thích gì, mình tập trung cho sở thích ấy là chính. Thích đàn thì học mạnh về đàn, thích vẽ học mạnh về vẽ, kiểu như thế. Sau 12 năm, nếu cháu không thể là thiên tài thì cũng có thể trở thành thợ giỏi”.

Nhưng đi học cũng là chuyện của ít nhất là ba năm nữa. Còn bây giờ, mới 2 tuổi 3 tháng, Việt Max muốn Pid có thật nhiều thời gian để chơi đùa và làm những gì mình thích. Anh nói: “Tôi không thích cho con đi nhà trẻ vì đi học không vui. Có những lúc tôi đi làm về muộn, thấy đã 9 giờ rồi mà phụ huynh vẫn còn đứng chờ để đón con về. Mặt các cháu bước ra khỏi chỗ học đứa nào cũng phờ phạc, nào học chính, nào học thêm. Mà về nhà thì có được chơi đùa gì đâu, ăn xong có khi phải học rồi đi ngủ. Sáng hôm sau 6 giờ lại đi học. Sống như vậy thì khổ quá, có khác gì đi tù đâu trong khi trẻ con là khoảng thời gian đẹp nhất của con người. Hãy cho chúng hoạt động thể chất nhiều, cười đùa cho nhiều vào”.

Bài: Minh Trần
Ảnh: Phan Võ

Thực hiện: depweb

07/03/2016, 13:14