Fulbrighter Trần Ngọc Thịnh: Giáo sư, tiến sĩ còn là nạn nhân của Huyền Chíp - Tạp chí Đẹp

Fulbrighter Trần Ngọc Thịnh: Giáo sư, tiến sĩ còn là nạn nhân của Huyền Chíp

Sao

Cùng quan điểm với nhiều độc giả, cho rằng cuốn sách có nhiều điểm nghi vấn, nhưng không dừng lại ở việc bàn cãi trên mạng, trên báo chí, một người đọc có tên Trần Ngọc Thịnh đã soạn thảo một đơn kiến nghị dài 21 trang, đề nghị Cục Xuất bản đình chỉ hai tập “Xách ba lô lên và đi”. Chiều 27/9, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết Cục đã có công văn gửi NXB Văn học và Quảng Văn Books đề nghị giải quyết và trả lời đơn thư của độc giả liên quan đến hai cuốn sách nói trên.

Đẹp Online đã có một cuộc trao đổi với độc giả Trần Ngọc Thịnh để làm rõ hơn mục đích và mong đợi của anh khi bắt tay vào thực hiện hành động này.

Độc giả Trần Ngọc Thịnh 

“Tôi không lợi dụng đám đông để chèn ép ai cả”

– Anh đã đọc hai cuốn sách của tác giả Huyền Chíp (Nguyễn Thị Khánh Huyền) chưa?

– Sau khi đọc xong cuốn thứ nhất, tôi đã thấy xuất hiện nhiều nghi vấn về tính xác thực của nội dung. Vậy nên tới cuốn thứ hai, tôi không muốn mua nữa, vì tôi thấy nó không có đủ giá trị của một cuốn sách, không xứng đáng để mình bỏ tiền ra mua, đọc chỉ mất thời gian, không giúp ích được gì cả.

– Nếu anh chưa đọc sách của Huyền Chíp, thì anh chỉ lấy những căn cứ do độc giả khác đưa lên trên mạng làm dẫn chứng thôi phải không?

– Có những dẫn chứng mà tôi phải đọc sách rồi thì mới lấy được, còn những dẫn chứng đã có sẵn hình chụp trên mạng thì tôi lấy luôn. Ví dụ dẫn chứng về chuyện Huyền Chíp bị đâm gãy chân, đó là ở quyển 1, những thứ khác như vượt biên trái phép, lao động không giấy phép là Huyền Chíp nói ở cuộc họp báo. Đây là những thông tin được công khai cả rồi, và đều khớp với nhau.

– Tôi không băn khoăn về độ xác thực của những dẫn chứng anh đưa ra, mà tôi muốn thắc mắc: tại sao anh không đọc sách, để có cảm nhận đầy đủ hơn?

– Thực ra vấn đề tranh luận ở đây là: tôi không đặt nghi vấn cho toàn bộ cuốn sách, cũng không đặt nghi vấn rằng văn của Huyền Chíp hay hoặc không hay. Đây là cảm nhận của từng người. Tôi chỉ nghi vấn những điều tôi đã đặt ra. Vì vậy, nếu tôi có nghi vấn gì về cuốn sách, thì không có nghĩa là tôi phải đọc cả cuốn sách để hỏi về một câu. Những thông tin tôi nghi vấn và những thông tin còn lại là khác nhau.

Trần Ngọc Thịnh là học giả của chương trình Fulbright ngành Quản lý công năm 2009.

Nhiều bạn cũng có thắc mắc này, nhất là những bạn hâm mộ Huyền Chíp. Một thắc mắc nữa tôi hay nhận được là: tại sao anh không viết sách thử đi? Viết sách được như Huyền Chíp rồi hãy thắc mắc. Tôi thấy rất buồn cười. Một người đi ăn nhà hàng, chê món ăn dở lại phải trở thành đầu bếp rồi mới được chê à?

– Sách của Huyền Chíp không hề chứa cam kết với độc giả rằng nó chỉ viết về sự thật, phải không anh?

– Không phải. Trong quyển 1, có lời giới thiệu của Gs. Nguyễn Lân Dũng, và cả Huyền Chíp cũng ghi rõ: đây là cuốn “nhật ký hành trình”. Đã là nhật ký hành trình thì phải chính xác. Thêm nữa, khi độc giả thắc mắc về độ chân thực của cuốn sách, nếu Huyền Chíp thừa nhận luôn rằng đây là truyện hư cấu thì cũng chả ai tranh luận nữa, tất cả dừng lại. Tuy nhiên, Huyền Chíp vẫn luôn khẳng định rằng mình đúng.

 – Có hai chuyện tôi muốn hỏi ở đây: thứ nhất, “Xách ba lô lên và đi” được tác giả cho rằng thuộc thể loại nhật ký, nhưng điều đó không có nghĩa rằng cuốn sách phải phản ánh 100% sự thật, và thứ hai, mỗi tác giả viết nhật ký đều thể hiện sự chủ quan của họ. Chỉ vì không phản ánh đúng sự thật mà anh kiến nghị Cục Xuất bản đình chỉ việc phát hành cuốn sách liệu có hợp lý?

– Tôi không áp đặt việc phải đình chỉ, tôi kiến nghị Cục Xuất bản xem xét việc đình chỉ phát hành cuốn sách. Đây là quyết định của Cục Xuất bản sau khi họ thẩm định. Tuy nhiên, những lý do mà tôi nêu ra không phải vì cuốn sách sai sự thật, hay có yếu tố cá nhân của tác giả, mà vì những yếu tố vi phạm pháp luật trong cuốn sách. Tôi cho rằng cuốn sách đang tuyên truyền một thứ văn hóa rất xấu cho cộng đồng, như vượt biên, cư trú bất hợp pháp, lao động trái phép.

Tôi nghĩ, khoan hãy nói tới chuyện cuốn sách có truyền cảm hứng, hay khiến người khác làm theo hay không, mà bản thân những việc nêu trong cuốn sách đã là xấu, và không nên được tuyên truyền, sẽ làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí làm ảnh hưởng danh dự của dân tộc này. Nếu ra nước ngoài mà Huyền Chíp thể hiện là người lưu manh, gian trá, chỉ tìm cách để tiết kiệm tiền, lừa gạt người khác để trốn vé, giả mạo nhân thân… thì sẽ ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người Việt Nam khác. Quyền, lợi ích của dân tộc là thiêng liêng, không một cá nhân nào được phép làm tổn hại.

– Khi một cuốn sách được xuất bản, độc giả có quyền mua hoặc không mua, tin hoặc không tin, anh có hơi hạ thấp độc giả không khi cho rằng họ dễ bị tác động xấu, họ không có quyền lựa chọn hoặc không suy nghĩ độc lập? Tự mỗi người sẽ phải đủ trưởng thành để chọn cho mình một tấm gương nào mà họ thấy có ý nghĩa. Xã hội hay bất cứ ai không nên can thiệp vào chuyện đó.

– Đúng là con người có tri thức thì họ được tự do lựa chọn những gì họ muốn. Tuy nhiên, có một ranh giới nhất định giữa những thứ hợp pháp và không hợp pháp, có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được. Nếu chúng ta vô tình áp dụng nguyên tắc tất cả mọi người đều được quyền tự do lựa chọn, thì sẽ gây ra rất nhiều hệ quả cho xã hội. Nếu cho rằng cuốn sách đó là một lựa chọn cho người đọc, thì sẽ tràn lan những văn hóa phẩm đồi trụy, những người chọn cũng hoàn toàn có thể nói rằng: tôi đã trưởng thành, tôi có quyền lựa chọn. Sự kiểm soát của nhà nước sẽ đảm bảo rằng nền văn học này trong sạch, không có các thứ tạp nham nữa.

Tôi không ủng hộ việc kiểm duyệt tất cả mọi thứ, khống chế tự do tư tưởng, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc có những sự kiểm soát nhất định, nếu không, xã hội sẽ bị suy thoái về mặt đạo đức, làm cho vàng thau lẫn lộn. Còn kiểm duyệt như thế nào thì có luật pháp quy định. Tôi từng so sánh việc cấm cuốn “Đại gia” và cuốn sách của Huyền Chíp. Một bên là sách hư cấu, tác giả có thể thoải mái viết về tham nhũng,… thì lại cấm, trong khi một cuốn khẳng định là sự thật thì lại viết những điều sai trái.

Lịch ra mắt cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tập 2

– Có ý kiến cho rằng, anh có thể nhân danh cá nhân để kiến nghị, nhưng không nên tuyên bố rằng anh hành động như thế vì cộng đồng, vì lợi ích của người đọc.

-Kiến nghị của tôi ký chính tên tôi, đây hoàn toàn là kiến nghị cá nhân, còn việc độc giả quan tâm và ủng hộ là việc của họ. Đây không phải là chuyện lợi dụng đám đông để chèn ép ai cả. Vì khi tôi quyết định làm việc này, có nhiều người nói rằng tôi phải cẩn thận, vì sau Huyền Chíp là một ê kip rất đông, nhưng tôi nghĩ rằng dù tôi có chiến đấu một mình thì lẽ phải vẫn là lẽ phải, không thể nào bẻ cong được sự thực.

Tôi đã chứng kiến, có nhiều người trong xã hội này kiếm tiền không hề dễ dàng gì, một ngày không được 100.000VND, nên khi người ta bỏ ra đồng tiền mồ hôi xương máu mà mua một cuốn sách như thế này, điều đó khiến cho mọi người phải suy nghĩ. Tác giả viết một cuốn sách tạp nham như thế để lấy tiền của người lao động là hành vi không có đạo đức. Không có lý do gì để biện minh cho hành vi đó. Nếu tôi bán một cái điện thoại thật giá 5 triệu đồng thì không ai thắc mắc, nhưng bán một cái điện thoại giả với giá 5 triệu đồng thì lập tức người ta có thể kiện tôi ra tòa. Đó là về mặt pháp lý.

– Đúng thế, anh có thể kiện Huyền Chíp ra toà dân sự, nhưng tại sao anh lại chọn biện pháp can thiệp mang tính hành chính như thế?

– Hành vi của Huyền Chíp có thể đưa ra tòa được, tôi có thể kiện nhà xuất bản về việc bán một sản phẩm dối trá. Tại sao tôi không kiện? Vì tôi nghĩ việc này không cần thiết phải đưa ra tòa, mà phải để cho các bên tự nhìn nhận vấn đề, và quan trọng hơn cả, là có một bên trọng tài.

Hiện nay đang có hai phe, phe bênh vực Huyền Chíp và phe tranh cãi, còn Huyền Chíp thì im lặng không trả lời. Điều đó không đưa sự việc đi tới đâu cả. Đó chính là lý do tôi quyết định đưa vấn đề này ra, và tôi nghĩ đây là một biện pháp hoàn toàn phù hợp vì nó sẽ dừng lại chuyện tranh cãi dài dòng ở đây, cũng như những việc rùm beng để PR cho cuốn sách đó. Tôi nghĩ cái gì thật giả cũng phải rõ ràng, không thể lập lờ được.

Tôi từng viết lời khuyên cho Huyền Chíp, thứ nhất là em hãy thừa nhận rằng thông tin trong cuốn sách mang tính chất phóng đại, hoặc thứ hai, nếu em khẳng định mọi chuyện là đúng, thì em phải có trách nhiệm chứng minh. Em không thể nói rằng em không có trách nhiệm chứng minh. Khi đã bán ra sản phẩm, Huyền Chíp phải có trách nhiệm. Tôi đã đợi xem em ấy phản ứng thế nào.

Tôi bắt đầu viết đơn từ tối ngày 25, khi nhìn thấy bức ảnh bán nude của Huyền Chíp trên mạng. Tôi thấy đây là một chiêu PR rất nhảm nhí, quá rẻ tiền. Điều đó khiến cho nghi vấn đằng sau Huyền Chíp là cả một ê kip có vẻ có căn cứ. Tôi không nghĩ một mình Huyền Chíp lại có thể thao túng nhiều tờ báo đến như vậy.

Tôi cũng không chỉ trích tất cả những phóng viên viết bài bênh vực cho Huyền Chíp, có thể thông tin họ nhận được là sai và họ bị lừa. Họ có thể là nạn nhân, cũng giống như rất nhiều người là nạn nhân. Nhiều người không phân biệt được đúng sai, từ người trẻ tới người già, từ giáo sư, tới tiến sĩ, vậy thì làm sao có thể tin tưởng rằng những người trẻ sẽ không đọc cuốn sách đó mà không xách ba lô lên và vượt biên?

“Tôi muốn cải thiện văn hóa tranh luận” 

– Anh có tự tin rằng mình biết tất cả mọi thông tin đằng sau không?

– Tôi đã nói rồi, tất cả chỉ là nghi vấn. Không phải chỉ là nghi vấn của tôi, mà của nhiều người nữa. Tôi không biết chắc rằng đằng sau Huyền Chíp là ông A bà B, tôi không khẳng định.

– Có ý kiến cho rằng quyền tự do ngôn luận của Huyền Chíp cũng đáng được tôn trọng, giống như quyền tự do ngôn luận của anh?

– Quyền tự do ngôn luận là đúng, nhưng không thể dùng cái đó để biện hộ, muốn nói cái gì thì nói. Nếu những điều Huyền Chíp nói làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khác, đi ngược lại với những giá trị đạo lí thì em sẽ bị lên án.

– Và câu hỏi cuối: có ý kiến cho rằng anh là Fulbrighter (học giả của chương trình Fulbright), tại sao anh không quan tâm đến những chuyện lớn lao, các vấn đề kinh tế, xã hội… mà lại dành nhiều thời gian cho việc một cô bé đi du lịch rồi về viết sách?

– Thứ nhất, tôi làm việc này vì không chấp nhận thái độ thách thức của Huyền Chíp. Tính cách cá nhân của tôi (dù tôi không hề thù ghét gì Huyền Chíp, vì tới họp báo tôi mới biết em ấy là ai) là thấy chuyện bất bình là không thể ngồi yên. Công việc của tôi rất bận, tôi không có thời gian dành cho mấy chuyện lặt vặt này, nhưng sau khi ảnh  bán nude của Huyền Chíp được tung lên mạng, tôi có tuyên bố với bạn bè rằng đã quá đủ rồi, tôi không muốn chuyện này kéo dài, khiến mọi người mệt mỏi, và tôi phải làm gì đó để chấm dứt. Việc tôi làm không liên quan gì tới Fulbright cả, đừng lôi kéo học bổng Fulbright vào, vì đây là việc cá nhân tôi. Không thể nói rằng tôi được học bổng Fulbright thì tôi phải làm thế này thế kia.

Thứ hai, về câu hỏi tại sao tôi không làm việc lớn: tôi làm việc nhỏ trước, khi mình chưa làm được việc nhỏ thì đừng nói như thế. Bạn nào viết kiến nghị chống tham nhũng, tôi ủng hộ ngay. Ở Việt Nam có thói xấu là không làm, nhưng thấy người khác làm là chê bai, dè bỉu.

Những nhận xét in ở bìa sau cuốn sách

Nhiều người bảo tôi GATO (ghen ăn tức ở – PV), hẹp hòi. Từ bao giờ việc tìm sự thật lại là GATO, hẹp hòi? Từ bao giờ chân lý lại thành hẹp hòi? Nào là “anh này đàn ông lại đi chấp một đứa con gái” – đàn ông hay đàn bà thì đều phải tôn trọng sự thật và chân lý. Nhiều bạn bảo “con bé này ít tuổi, anh tha cho nó”. Tha gì? Ai đánh đấm gì mà tha? Tôi nghĩ trong xã hội này có quá nhiều điều bất bình, mà nếu mình im lặng thì lại tạo điều kiện cho nó phát triển.

Công việc của tôi có rất nhiều điều thú vị, với mức lương cao, tôi không rảnh rỗi đi viết bài kiếm danh, kiếm tiền. Hiện giờ có rất nhiều người lên Facebook của tôi “ném đá”, chẳng có lý lẽ gì, toàn những lời nhảm nhí. Tôi nghĩ, trong xã hội này, tranh luận không phải để “dìm hàng” nhau, hay để khoe ai nhiều kiến thức, mà để nhìn ra cái gì đúng, cái gì sai, đâu là lẽ phải, là chân lý, là sự thực? Người ta chỉ cần thế thôi. Người nào lợi dụng tranh luận để công kích cá nhân, để trả thù là hèn hạ, không có văn hóa.

Tôi nghĩ đây chỉ là một vụ việc nhỏ, nhưng sẽ giúp cải thiện văn hóa tranh luận, cũng như khích lệ tinh thần của những người dám đứng lên, dám thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình nhằm đòi lại sự thật và công lý. Không ai đòi tra tấn, đánh đập, bỏ tù gì Huyền Chíp, mà chỉ cần sự thực được tôn trọng thôi. Nếu tôi không làm thì mọi chuyện sẽ im đi. Anh đi ra ngoài chợ, anh thấy sản phẩm có hại cho người tiêu dùng, anh biết có hại thì anh không mua, nhưng anh  không nói cho người khác biết, thì anh cần xem lại đạo đức, con người mình. Như thế mới là ích kỷ, hẹp hòi.

Mục Giải trí, Đẹp Online rất mong nhận được các ý kiến phản biện, tranh luận của độc giả về vụ việc này. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email linhdtp.editor@lemediavn.com Trân trọng!

Tôi nghĩ mình đang khơi dậy một phong trào làm người ta không thờ ơ, im lặng với những sai trái trong xã hội, vì thờ ơ, im lặng là đồng lõa, và cũng đáng bị lên án. Xã hội này còn rất nhiều điều bất công, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, còn nhiều điều bức xúc lắm, nhưng hãy bắt đầu bằng việc nhỏ.

Tôi không muốn mọi người quá kỳ vọng vào tôi. Sau chuyện này, tôi rất bận. Tôi không đủ sức, việc gì tôi cũng không thể viết đơn kiến nghị, nhưng tôi thể hiện sự quyết tâm, đã làm là làm tới nơi tới chốn. Tôi hy vọng tới tháng 10 mọi việc sẽ kết thúc để tôi quay trở lại công việc của mình.

Tôi không phải là người nổi tiếng, nhưng những điều tôi làm là nhằm truyền tải thông điệp: không phải là “hãy xách ba lô lên và đi” mà là “hãy xách ba lô lên và đi du học”, để mang kiến thức, kinh nghiệm và niềm tự hào về. Tôi không áp đặt rằng thông điệp đó sẽ đúng cho tất cả mọi người. 

–    Xin cảm ơn anh.  

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

28/09/2013, 07:56