.jpg)
hai tiếng “gia đình”

Chào Trang, sau một thời gian dài vắng mặt, giờ đây bạn đã là mẹ của một cô con gái 3 tuổi vô cùng xinh xắn. Tôi rất tò mò về cuộc sống của một phụ nữ Việt giữa thành phố Hồi giáo nổi tiếng xa hoa này?
Gia đình tôi mới chuyển đến Dubai (thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập) hơn một năm, nhưng tôi vẫn thấy như mới hôm qua, chỉ khác là không còn cảm giác lạc lõng nữa mà tôi đã “phải lòng” thành phố này rồi.
Nhiều lúc tôi nghĩ cũng thú vị khi cuộc sống của mình pha trộn cùng lúc nhiều nền văn hóa, nên tôi muốn con gái mình, Tiara, sẽ được thừa hưởng những nét đặc sắc nhất từ cội nguồn của bố (Ấn Độ), mẹ (Việt Nam), kết hợp với văn hóa đa dạng của Dubai.
Bạn vẽ hình ảnh quê hương ra sao trong những câu chuyện kể cho con gái?
Tôi tin rằng con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là đi qua dạ dày, vì vậy tôi rất thích nấu các món ăn Hà Nội cho gia đình. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng thường đưa Tiara về thăm quê hay đón ông bà nội ngoại sang chơi để con được tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa quê hương một cách tự nhiên.
Lấy chồng người nước ngoài, bạn có bị lỡ cái Tết nào không?
Tôi là người đặc biệt thích Tết, và chưa từng bỏ lỡ một cái Tết nào bên bố mẹ. Với tôi, Tết chính là gia đình, là khoảng thời gian quý giá, cả nhà gác lại mọi bộn bề của năm cũ, sum vầy bên mâm cỗ cúng giao thừa. Đặc biệt, trên mâm cỗ nhà tôi năm nào cũng có món giò tai, đặc sản của bố. Tôi nhớ năm ngoái cùng chồng và con về ăn Tết, cả nhà đang dọn dẹp vào chiều 30 thì anh Choz (chồng Trang – PV) hớt hải chạy vào “mách” mẹ tôi: “Mommy, daddy is cooking pig head!” (Mẹ ơi, bố đang nấu đầu heo kìa!), và ngần ngại không dám thử món này. Cả nhà động viên mãi, anh mới dám ăn, giờ thì “nghiện” rồi.
Năm nay, vì lịch học của con gái, nên chúng tôi sẽ có cái Tết đầu tiên xa nhà, và cũng là lần đầu tiên tôi chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa, chắc chắn không thể thiếu món giò tai của bố.
Nhiều người tò mò về cuộc sống ở vương quốc Hồi giáo, nơi nổi tiếng hà khắc. Bạn có bị sốc văn hóa trong những ngày đầu mới chuyển đến Dubai không?
Có thể tóm tắt về Dubai qua 2 cụm từ “đa văn hóa” và “sự kỳ diệu của bàn tay con người”. Hơn 80% dân số Dubai là người nước ngoài, còn khoảng 18% là người bản xứ, họ sinh hoạt khá khép kín trong thế giới giàu có của riêng mình. Dubai không chỉ có những tòa nhà chọc trời, máy rút vàng thỏi, thú cưng là sư tử hay báo hoa... Còn có một Dubai khác, trầm mặc và ít ồn ào hơn, đó là cuộc sống của những người lao động tứ xứ, họ đổ về đây với mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, ai cũng mang trong mình một “Giấc mơ Dubai”. Tất cả những điều đó tạo nên một Dubai nhiều màu sắc, sống động. Dubai cũng là nơi ghi dấu những điều kì diệu được tạo nên từ bàn tay con người như biến nước biển thành nước uống, biến hoang mạc thành rừng hoa, biến cát bụi thành những tòa cao ốc vĩ đại.
Người Hồi giáo rất mộ đạo và họ có những nguyên tắc rất nghiêm ngặt, nhưng cuộc sống ở Dubai nói riêng và Các tiểu vương quốc Ả Rập nói chung khá an toàn, phụ nữ và trẻ em được bảo vệ và trân trọng.
Ngày lễ năm mới trong văn hóa Hồi giáo có gì đặc biệt không?
Một điều vô cùng thích thú khi bạn có một gia đình đa sắc tộc, đó là bạn sẽ ăn Tết nhiều hơn 1 lần trong năm! Gia đình mình ngoài Tết Nguyên đán còn đón Tết năm mới Ấn Độ vào cuối tháng 10 và Tết Eid-Al-Fitr của người đạo Hồi ở Dubai. Tết Hồi giáo không chỉ đặc biệt quan trọng với người bản xứ mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người nhập cư. Trong suốt tháng Ramadan, mọi hoạt động ăn uống đều bị cấm tuyệt đối tại nơi công cộng, áp dụng kể cả với người ngoại đạo. Thú vị là 2 ngày bắt đầu và kết thúc tháng Ramadan được xác định bằng cách quan sát sự ló dạng của trăng trên bầu trời đêm, nên ai ai cũng hồi hộp chờ các quốc vương công bố ngày lễ lớn chỉ một vài ngày trước đó.
Cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện thú vị, chúc bạn và gia đình năm mới hạnh phúc, an nhiên.