Thử làm gỏi hàu, cà chua farcie và cua rang me với công thức chuẩn mẹ nấu - Tạp chí Đẹp

Mãi sau này lớn lên, hiểu chuyện, tôi mới tự hỏi có phải những món mẹ thích, từ lâu, đã được hình thành từ thói quen nhường cho con phần ngon hơn?

“Mẹ em nấu ăn ngon lắm”.
“Mẹ mới gửi đồ ăn cho em”.
“Lâu lâu về quê được mẹ nấu cho ăn là sướng nhất”.

Đó là những câu nói quen thuộc tôi nghe từ đứa em mình. Quê hắn ở Bình Định. Từ năm 18, một mình cậu chàng đã rời gia đình, vào Sài Gòn học đại học rồi quyết định gắn bó với nơi đây. Cậu bảo: sống ở Sài Gòn dễ chịu hơn, chắc mọi người bận rộn nên không quan tâm nhiều lắm đến chuyện của người khác, và biết cách chấp nhận mỗi con người là một bản thể, một màu sắc khác biệt, nên mình được là mình, bây giờ mà về quê làm sao sống nổi! Vậy mà trong tất cả những câu chuyện phiếm của cậu con trai với bạn bè, cả trong những đoạn status trên mạng xã hội, đều ngập tràn nỗi nhớ nhà, đặc biệt là nhớ món mẹ nấu.

Tôi hỏi: “Thế món ‘tủ’ của mẹ em là gì?”.
“Món ‘tủ’ của mẹ là món em thích nhất”, hắn trả lời như vậy.

Tôi phá lên cười. Hóa ra là vậy. Trước đây tôi luôn nghĩ món “tủ” của mẹ hẳn là món ăn mẹ nấu ngon và cảm thấy hài lòng nhất nên mười lần vào bếp thì hết chín lần mẹ đều nấu món đó. Nhưng tôi chưa từng nghĩ sâu xa hơn vì sao mẹ lại cảm thấy vui vẻ khi nấu những món “tủ” ấy. Lý do thật rõ ràng và đơn giản. Sự hài lòng, mãn nguyện của tất cả các bà mẹ trên đời này ắt hẳn là nhìn thấy những đứa con mình ăn uống thật ngon miệng.

Nói rồi, hắn chỉ tôi làm món gỏi hàu sống, trộn với bắp chuối và nước mắm gừng chua cay. Hắn không quên dặn đi dặn lại: quan trọng là phần nước mắm nhé chị. Tôi trộn gỏi hàu với bắp chuối bào theo hướng dẫn, nhưng thêm cả hành tây và rau càng cua. Nước mắm trộn gỏi có vị chua từ giấm và một miếng chanh nhỏ; vị cay từ tỏi, ớt, gừng; vị mặn từ nước mắm; vị ngọt từ mật mía. Vừa làm bếp, tôi vừa tưởng tượng ra “mẹ mập” của hắn làm món ăn này bằng tình yêu dành cho đứa con trai xa nhà. Vừa làm bếp, bác sẽ vừa nói với hắn: “Thôi đừng đi làm nữa Chút, về nhà ở với mẹ, mẹ nuôi!”. Bác gái là người phụ nữ cứng cỏi, hiếm khi nào khóc (hắn kể như vậy), vậy mà cũng có những lúc mủi lòng khi nghĩ tới cảnh thằng con trai ở Sài Gòn một mình, loay hoay kiếm sống. Biết nó có ăn uống đầy đủ không? Có tự chăm sóc cho mình tốt không?

Cách biến tấu món gỏi hàu của cậu em bằng việc thêm rau càng cua, tôi học từ bà nội mình. Bà là một đầu bếp xịn của gia đình. Sinh ra trong gia đình có cha làm chức quan cai quản địa phương, lớn lên dưới sự dìu dắt của mẹ kế, bà nội tôi rất giỏi nữ công gia chánh. Những bữa ăn của bà luôn bày biện thịnh soạn, linh đình, kiểu cách theo lối cung đình thời phong kiến, sau đó, còn được ảnh hưởng phong cách ẩm thực của thực dân Pháp nên sức sáng tạo trong món ăn của bà vô cùng phong phú. Tôi là một con bé may mắn khi được sống cùng bà nội từ bé, được bà yêu thương hết mực, được ăn hết thảy những món ngon bà nấu. Có lẽ tình yêu ẩm thực của tôi được hình thành từ rất sớm mà mãi sau này khi đủ trưởng thành tôi mới nhận ra.

Đa số các món ăn bà nội nấu cho chúng tôi là các món “fusion” (trường phái kết hợp nhiều loại hình ẩm thực của các quốc gia khác nhau). Bà thường làm beefsteak ướp với nước tương, rắc lên trên mặt một ít tỏi cháy, và phủ thêm một lớp bơ. Bà tiềm gà với rau củ, tăng độ ngọt bằng nước mía. Bà thêm bắp cải vào món ragout. Vân vân. Tôi nhớ bà thích sai tôi nhổ rau càng cua và thêm chúng vào các món rau trộn. Bà nói giống rau này không cần phải chăm, mùa mưa, tụi nó mọc rất nhiều trong các chậu cây ngoài ban công. Rau càng cua còn được tận dụng để ăn kèm hoặc trang trí cho những món ăn khác.

Chẳng hạn như món cà chua farcie mà tôi đang giới thiệu với bạn đây. Cà chua bổ đôi, khoét ruột, sau đó nhồi phần thịt xay đã trộn với nấm đông cô và gia vị vào, đem chiên trên chảo với lửa nhỏ cho phần thịt bên trong chín đều. Phần ruột cà chua đem nấu xốt. Đĩa cà chua farcie hoàn thiện sẽ được bày với một ít rau càng cua đứa cháu nhỏ vừa nhặt xong, rưới một ít xốt cà chua lên mặt, rắc thêm tiêu. Khi ăn món này, dùng kèm với nước tương xắt thêm vài lát ớt là ngon nhất. Một món ăn du nhập từ phương Tây đã được bà tôi khéo léo kết hợp hài hòa với thứ nước chấm thân thuộc của quê nhà để ăn kèm với cơm như thế đó.

Trước khi trở thành bà của tôi, bà đã là một người mẹ. Mỗi lần cha và các chú, các bác nhắc đến món ăn bà nội nấu đều không khỏi xuýt xoa. Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với những ký ức về bà nội. Cảnh hai bà cháu cùng đi bộ từ nhà ra chợ Bến Thành mỗi sáng và trở về bằng xích lô với những nguyên liệu tươi ngon, cảnh bà nấu ăn trong bếp cùng con nhóc loắt choắt chơi đồ hàng

sát bên và chờ bà sai vặt, cảnh bà vừa nấu ăn vừa mắng tôi “lại mang dép ngược kìa”, cảnh bà đi tìm để gọi tôi về ăn cơm vì thỉnh thoảng tôi lỉnh sang nhà hàng xóm một mình… vẫn còn hiện lên vô cùng sống động.

Ngược lại, ký ức của tôi về những món ăn mẹ nấu không được sắc nét cho lắm, vì mẹ sinh tôi xong đã phải quay lại với công việc, nên bà nội giống như người mẹ thứ hai, chăm sóc cho tôi từng li từng tí. Nhưng mẹ tôi vẫn là một người mẹ chuyên cần. Mẹ yêu thích việc làm mẹ đến mức chưa từng muốn chối bỏ sứ mệnh ấy lần nào. Mẹ đón tôi chào đời, nuôi tôi khôn lớn bằng sự dịu dàng tử tế. Tranh thủ những cuối tuần hiếm hoi không bận rộn công việc, mẹ cũng thích tự tay vào bếp làm món ngon chiêu đãi con gái. Năm 30 tuổi mẹ lấy cha, 31 tuổi thì sinh tôi ra. Trước đó, mẹ chưa từng biết chăm sóc người khác và vụng về bếp núc. Nhưng có lẽ bản năng làm mẹ và tình thương quá lớn đã thôi thúc mẹ muốn nấu ăn.

Đúng như cậu em nói, món “tủ” của mẹ chính là món mà tôi thích. Một trong số đó là món cua rang me. Đến bây giờ, bằng tuổi mẹ hồi mới sinh tôi, tôi vẫn thường mè nheo: con thèm cua rang me, mẹ làm cho con ăn đi. Đĩa cua rang me mẹ làm trăm lần như một. Dù đã từng ăn món cua rang me ở nhiều nơi – họ có thể thêm hành tây, hay chiên cua vàng rồi mới rưới xốt – nhưng hương vị món cua rang me giản đơn của mẹ mới là số 1. Thông thường, mẹ sẽ phi tỏi cho thơm, vớt tỏi ra, làm xốt me bằng cách xào hỗn hợp me pha loãng với nước lọc, nêm xíu đường, ớt, tỏi, cuối cùng mới cho cua vào đảo cùng đến khi xốt me sệt lại. Khi bày cua ra đĩa mới rắc thêm tỏi đã phi lên trên. Nước xốt đặc sệt, vị chua – mặn – ngọt hòa quyện hài hòa.

Cách đây nhiều năm, kinh tế còn khó khăn. Để có thể mua cua về làm món cua rang me cho tôi đã là một nỗ lực phi thường của mẹ mà tôi nào đâu biết. Lần nào cả nhà ngồi ăn cua rang me, tôi cũng ăn ngon lành phần thịt cua ngon ngọt. Mẹ ngồi bên cạnh chỉ gặm những chiếc càng nhỏ. Tôi cứ hỏi ủa sao mẹ không ăn thịt cua? Mẹ đều cười, nói con ăn đi, mẹ không thích ăn cua, mẹ chỉ thích ăn mấy cái ngoe nè. Con bé tôi ngây thơ tin rằng mẹ không thích thật. Mãi sau này lớn lên, hiểu chuyện, tôi mới tự hỏi có phải những món mẹ thích, từ lâu, đã được hình thành từ thói quen nhường cho con phần ngon hơn?

Gần đây, tôi có đọc được từ quyển “Nghệ thuật yêu” của tác giả Erich Fromm, rằng tình yêu của người cha có điều kiện, còn tình yêu của người mẹ luôn vô điều kiện. Kết luận dựa trên nhiều nghiên cứu nên có thể đúng với số đông. Tôi không chắc lắm vế nói về tình yêu của người cha, bởi cha tôi cũng yêu thương và chấp nhận tôi bất kể tôi đã từng ương bướng và ngỗ nghịch đến thế nào. Đối với vế nói về tình yêu vô điều kiện của người mẹ, tôi hoàn toàn đồng tình.

Dù là mẹ tôi, hay mẹ bạn, tôi tin rằng mọi người mẹ trên đời đều yêu thương con cái theo cách riêng và thực lòng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Món “tủ” của các bà mẹ có thể khác nhau, nhưng ắt hẳn, đó đều là những món con thích nhất! Công thức của các món ăn này ấy hả? Tôi thấy các bà mẹ đều ước chừng theo bản năng. Có lẽ gia vị quan trọng nhất làm nên những món ăn ngon của các bà mẹ chính là tình yêu thương vô biên dành cho con cái.

Bài và ảnh Nhà Có Hai Người
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP