Gia đình là nơi ta lớn lên - Tạp chí Đẹp

Vào cái ngày mà tôi ra đời, ông tôi trồng xuống một cây hồng xiêm giữa sân nhà. Tuổi thơ tôi lớn lên quanh gốc hồng xiêm đó. Mà cái cây thì lớn nhanh hơn một con người. Khi tôi còn rất bé, chạy loi choi thích thú quanh mảnh sân con, thì cái cây đã lớn vổng, xòa bóng mát che kín bóng tôi rồi.

Từ gốc cây ấy, bố tôi cồng kênh tôi trên vai, chỉ cho tôi cách nhìn những quả hồng xiêm còn xanh, quả nào sắp chín, quả nào đã ngọt thắm, chỉ còn chờ tay người bửa đôi mà ăn. Cái sung sướng và hạnh phúc của thuở bé con khiến ta tin vào hai điều:

Một, gia đình là nơi êm ấm và hạnh phúc nhất mà ta có được.
Hai, điều ấy sẽ còn mãi mãi.

Các bài thơ được nhắc đến trong bài: “Nhà chật” (Lưu Quang Vũ) “Kể một chuyện dài”,
“Khi chúng ta mệt rồi”, “Bữa tối”, “Người dưng vĩ đại” (Nhược Lạc) 

Nhưng thực tế thì không giống như sách văn mẫu. Tôi thì vẫn lớn lên, còn cây hồng xiêm thì ngưng lại. Cái cây bị sâu đục rỗng ruột, nó cứ chết dần, từng cành nhánh một, cho đến khi chúng tôi phải chặt cả cái cây đi. Và gia đình tôi cũng vậy.

Trong suốt một khoảng thời gian dài, tôi cố gắng lý giải cho điều ấy, nhưng không hiểu được, cũng không chấp nhận được. Sự đau khổ khiến cho người ta trở nên khắc nghiệt, khó gần và khép kín hơn.

“Không biết làm người tốt thế nào
Tôi hay làm sai”

Đó là những dòng thơ đầu tiên tôi viết trong bài “Kể một chuyện dài”. Tôi hay làm sai, vì không biết đâu mới là điều đúng. Dường như tôi đã luôn sai trong mọi cách hành xử và gìn giữ mối quan hệ, từ trong gia đình, đến bè bạn, công việc lẫn yêu đương. Tôi khép tim mình lại, để không phải đau đớn thêm một lần nào.

Ấy vậy mà bằng cách nào đó, trái tim vẫn can cường mở ra, đẩy tôi vào vị thế mà tôi chưa từng nghĩ đến: làm vợ, và làm mẹ.

01 LÀM VỢ

Mọi chuyện tình đều bắt đầu bởi xúc cảm mãnh liệt. Nhưng hôn nhân lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là lúc ta phải chia sẻ phần đời của mình với một người xa lạ. Như trước đây ta có một căn phòng độc lập, và bạn đời của ta cũng vậy. Thì giờ, hai căn phòng đó được đập thông nhau.

Ở cái thuở ban đầu chung sống, không dễ gì để chấp nhận ngay sự chung đụng này. Như trong bài thơ “Nhà chật” của Lưu Quang Vũ đã viết:

“Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình

Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui”

Chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ, cùng vui. Đây là lúc tôi nhận ra, bên cạnh tôi giờ sẽ luôn là chúng tôi. Chúng tôi phải cùng học với nhau một đoạn đường lớn lên khác. Sau những nổi loạn của tuổi dậy thì, sau những độc lập của tuổi trưởng thành – với công việc, và tiền bạc. Gia đình là bài học của sự sẻ chia.

Sẻ chia không phải là giao nhiệm vụ cho nhau: anh làm cái này, tôi làm cái kia, mà là nương nhau để sống. Là khi ta thấy mệt thì biết có người sẽ đỡ giùm ta. Là khi ta đói bụng, biết rằng có người để cùng ăn, cùng uống, cùng chuyện trò sau một ngày dài.

“Khi chúng ta mệt rồi
Và muốn ngồi ăn cơm
Ai sẽ sắp giùm ta đôi đũa
Ai sẽ thắp giùm ta bếp lửa
Để hâm lại nồi canh

Khi chúng ta mệt rồi
Ai sẽ giữ lại giùm anh
Những câu nói không cần thưa thốt nữa
Những hư ảo không cần toan kiếm nữa
Và khép chân cho ta mượn
Gối đầu”

Cho đến giờ, tin nhắn của anh khiến tôi nhớ nhất, có lẽ vẫn là cái tin “Chiều nay em về sớm nhé, anh nấu cơm”. Cái tin đến vào lúc công việc còn bề bộn, đầu óc còn ngổn ngang, cái tin như tấm khăn mềm ve vuốt mình trong gió, loan tin rằng: có ai đó đang chờ ta, ở nhà. Chỉ vậy thôi, mà mọi điều mệt mỏi dường tan biến, và ta có thêm sức lực để vượt qua chặng đường mười mấy cái ngã tư – để về với một bữa cơm.

“Dù là đi bao xa
Hay là làm bao việc
Không muốn phải đi tiếp
Vào lúc sáu giờ chiều

Về thôi,
Chào mệt mỏi nhiều
Về thôi,
Nhà có bao điều đợi mong”

Tôi tin rằng ăn uống là một trong những cách kết nối con người đơn sơ và thiết thực nhất. Khi bạn yêu một ai đó, bạn sẽ thấy ăn cơm cùng họ rất ngon. Và ngược lại. Đó có thể là một dấu hiệu thuần khiết, sơ khai nhất mà ta nên để ý trong quá trình hẹn hò.

Ăn cơm cùng thấy ngon, uống nước thấy dễ chịu, cất giọng nói thấy thoải mái, nằm ngủ thấy an lòng.

Bởi vì, suy cho cùng, nếu ta sống cùng nhau trong một cuộc hôn nhân nhiều năm, nhiều chục năm, có gì đáng sợ hơn việc ta không cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cùng nhau trong những điều nhỏ nhặt nhất?

Vợ chồng tôi có cái may mắn của sự đồng cảm và đồng thuận trong lối sống. Dù là cách ăn, uống, sinh hoạt, chuyện trò, chúng tôi hiểu nhau muốn gì, cần gì và nên làm thế nào để cả hai đều thấy dễ chịu.

02 LÀM MẸ

Thế nhưng, khi ta (tạm gọi là) đã hoàn thành một “bài thi” nào đó rồi, thì luôn luôn, bài thi khó hơn sẽ đến ngay. Cuộc sống là những chặng như vậy. Mỗi khi bạn nghĩ rằng mình đã đủ lớn, đủ giỏi, thì cuộc sống sẽ hồi đáp rằng: ồ chưa đâu!

Vậy là, sau khi đã rất hạnh phúc và dễ chịu bên nhau, chúng tôi có con.

Một đứa trẻ ra đời kéo theo rất nhiều bài học ùa đến. Nữa là, chúng tôi có đến hai “bài học” kéo đến tới tấp, gần như cùng một lúc. Chúng tôi chới với trong sự dồn dập của những kỳ thi. Lần đầu ốm nghén, lần đầu thấy mình ăn như điên, lần đầu trong đêm chồng phải chạy đi xin ô mai về cho vợ. Lần đầu tập võ và thi lên đai ngay trong thai kỳ. Lần đầu vác bụng bầu đi phượt. Lần đầu sinh con, lần đầu biết nỗi đau của “hai trăm cái xương gãy cùng lúc”. Lần đầu làm mẹ, làm bố, lần đầu thay tã cho con, lần đầu bị mắng vì vụng. Lần đầu biết thế nào là thức trắng nhiều đêm liên tiếp. Lần đầu tiên biết khi không được ngủ đủ, ta có thể hóa thành con ác thú như thế nào. Lần đầu thấy mệt mỏi, giận dữ, thậm chí chán ghét chính đứa trẻ mà mình đã sinh ra…

Quá nhiều lần đầu cho một tuổi trẻ phải học cách “yêu thương người khác vô điều kiện”. Quá nhiều thử thách cho gia đình, khi đứng trước những cơn sóng vật vã, ta sẽ bất chấp nắm tay đi tiếp cùng nhau, hay là buông ra?

May là, chúng tôi vẫn không buông ra.

Bằng cách nào đó, những đứa trẻ lần lượt lớn lên, và những cơn mỏi mệt cũng theo đó vơi đi lần lượt. Tới đây, ta tưởng rằng bài học của mình đã ngơi đi, khoảng thiên đường sắp đến, nhưng cuộc đời lại một lần nữa: ồ chưa đâu, chưa đâu…

Trước muôn ngàn những phương pháp dạy con tiên tiến, hiện đại, dễ dàng tìm thấy trên mạng, tôi chỉ kịp nhận ra một điều: “Một đứa trẻ là sự phản chiếu của chính người nuôi dạy”.

Bọn trẻ con ấy mà, chúng không nghe những gì ta nói, chúng chỉ nhìn những thứ ta làm. Có những tật xấu ta thậm chí không biết mình mắc phải, cho đến khi ta nhìn thấy ở đứa trẻ của mình. Có những điều tốt ta làm, ngỡ rằng vô hình, nhưng lại có giá trị hơn ngàn lời nhắc nhở. Và chính điều ấy mới là bài học, bài thi khó nhất mà mỗi bố mẹ cần phải trải qua. Không nói, mà làm. Không lý thuyết giáo điều, mà sống thực tế như những gì ta tin là tốt đẹp.

Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu trong nhà, rồi mới sinh ông.

Những đứa trẻ ra đời thay đổi hoàn toàn cách tôi thường nghĩ về chính mình, về bạn đời của mình, về bố mẹ mình, về chính con cái của mình.

Tôi đã nghĩ rằng: mình thật yếu ớt, nhưng rồi tôi vẫn sinh ra được những đứa con. Tôi đã nghĩ rằng: làm sao chúng tôi có thể tự mình nuôi nấng những đứa con, nhưng rồi chúng tôi vẫn làm được. Tôi đã nghĩ rằng: tôi sẽ nuôi con theo cách hoàn toàn khác với bố mẹ, và tốt hơn (tất nhiên!) nhưng khi cơn ác mộng bỉm sữa ập đến, tôi mới chợt nhận ra bố mẹ mình đã giỏi như thế nào.

Và cả con nữa, ôi những đứa con.

Khi tôi nghĩ rằng: mình phải làm thế nào để dạy con? Thì con tôi mới là người thức dậy vào 6 giờ sáng mỗi ngày và gọi mẹ nó dậy. Con tôi là người nhắc bố đóng cửa nhẹ thôi, bố đi xe máy chậm thôi, trời mưa nhớ mặc áo mưa. Con tôi là người nhắc mẹ khi ăn phải kéo bát gần vào phía mình, để hạt cơm không rơi ra ngoài, khi ăn không xem TV, và không nói chuyện lúc ăn cơm.

Và đây mới là điều quan trọng.

Có một lần khi tôi đang nằm hát ru cho con ngủ. Tôi tự chế ra một bài hát theo một vòng hợp âm đơn giản. Lời bài hát kiểu thế này: “Mẹ yêu con lắm. Mẹ yêu cả em. Mẹ yêu cả bố. Mẹ yêu cả ông. Mẹ yêu cả bà. Mẹ yêu cả Kua…”.

Thì con tôi, một em bé ba tuổi rưỡi, sau khi nghe xong đã nói rằng: “Mẹ phải yêu cả mẹ nữa!”.

Rồi bé hát: “Mẹ yêu mẹ lắm, mẹ yêu cả con…”.

Và đó là điều khiến tôi nhận ra: Gia đình là gì?

Gia đình là nơi ta lớn lên, và nhận ra chưa bao giờ đủ lớn. Gia đình, không hẳn được tính bằng máu mủ, hay khoảng thời gian ở bên nhau, mà bằng cảm giác thực sự khi ta còn được ở bên nhau.

Bài Nhược Lạc Ảnh Phạm Đ. Dũng
Thiết kế Phạm Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP