Creative Director Hà Đỗ: Không ngây thơ thì không làm nghệ thuật được đâu - Tạp chí Đẹp

Chào chị. Được biết, “Em và Trịnh” dường như không phải là phim đầu tiên chị làm Production Designer?

 

Đúng vậy. Thật ra trước đây tôi đã từng phụ trách phần mỹ thuật, thiết kế bối cảnh cho nhiều dự án như các Music Video (Phim ca nhạc – MV), bộ ảnh thời trang, TVC,… tuy nhiên “Gái già lắm chiêu 3” mới là phim đầu tiên tôi hoàn trành trọn vẹn vai trò Production Designer. Còn “Em & Trịnh” là bộ phim giúp tôi (tự nhận thấy) mình đã “đắc đạo” ở vị trí này.

 

Cụ thể thì vai trò ấy trong phim là gì?

 

Tất cả mọi thứ liên quan đến hình ảnh của phim như mỹ thuật, bối cảnh, trang phục,… Ví dụ như chị còn nhớ phân đoạn ăn trứng vịt lộn của 2 nhân vật chính trong phim “Gái già lắm chiêu 3” chứ? Nhiệm vụ của tôi là phải mang những tưởng tượng của biên kịch, đạo diễn về phân đoạn này trong kịch bản lên màn ảnh rộng một cách chi tiết nhất, chính xách nhất, nghệ thuật nhất và đẹp nhất. Sau đó đạo diễn và quay phim sẽ tiếp tục nhiệm vụ của họ để hoàn thiện các công đoạn tiếp theo. 

Nếu so sánh thì mức độ khác biệt của công việc này với những gì chị từng làm trước kia sẽ như thế nào?

 

Khác biệt lớn nhất chắc chắn là quy mô và khối lượng. Bởi khi làm phim thì mọi thứ luôn nhiều hơn, to hơn, chi tiết hơn, phức tạp hơn, đồ sộ hơn,… so với làm MV hay chụp ảnh thời trang rất nhiều. Nói một cách dễ hiểu thì 1 MV có thời lượng trung bình từ 3-5 phút, một bộ ảnh thời trang trải dài khoảng 6-8 trang tạp chí nhưng một bộ phim thì dài tới 90 phút thì tất cả cứ nhân lên theo cấp độ như vậy sẽ hình dung được làm phim là một công việc khủng khiếp đến mức nào.

 

Vì sao chị lại nhận lời làm công việc “khủng khiếp” này?

 

Nói nghe có vẻ sến súa nhưng mãi đến từng tuổi này tôi mới nghiệm ra làm phim mới chính là đam mê thật sự (cười). Tôi thích cái đẹp, tôi thích sáng tạo nhưng khi chụp một bộ ảnh thời trang hay làm một phim ca nhạc thì giai đoạn sáng tạo ấy chỉ gói gọn trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi làm phim thì tôi được “vẫy vùng” trong thế giới của các nhân vật của bộ phim ấy trong hàng tháng trời. Một cảm giác rất “đã”, rất “sướng”! Một cảm giác mà tôi tin là chỉ có điện ảnh mới đem lại mà thôi. 

Chị có tìm được cái sự “đã” và “sướng” ấy ở “Em và Trịnh” không?

 

Có chứ. Tôi nghĩ có lẽ một trong những quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của mình chính là được trở thành một phần của “Em và Trịnh”. Tôi “sống” cùng bộ phim ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng của anh Linh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – PV), rồi đến giai đoạn casting từng nhân vật trong phim, đọc bản thảo kịch bản, nghiên cứu nhân vật, lên ý tưởng phác thảo, bắt tay vào thiết kế đạo cụ, dựng cảnh, túc trực 24/7 trên set quay,… Tất cả chỉ để đảm bảo rằng phần hình ảnh cho phim phải chân thật, sống động, nghệ thuật và đẹp nhất có thể. Quá trình ấy ví như một cuộc dạo chơi đầy lý trí với nghệ thuật sắp đặt và tôi được thoả sức vẫy vùng trong đại dương của sáng tạo, của hình ảnh và của nghệ thuật. 

Với “Em và Trịnh”, phần nào trong hạng mục công việc của mình khiến chị cảm thấy khó nhất?

 

Chắc là cả bộ phim (cười). Khác với “Gái già lắm chiêu 3” thì “Em và Trịnh” có câu chuyện, bối cảnh và nhân vật hết sức phức tạp và đồ sộ.

 

Ai cũng biết, đây là bộ phim về một con người có thật, về những sự kiện có thật trong lịch sử cách chúng ta cả vài thập niên nên yếu tố chính xác, chân thật và “giống” là không bàn cãi. Thế nhưng với Production Design thì còn hơn cả như vậy. Công việc của chúng tôi là tạo nên hình ảnh vừa đẹp vừa nghệ thuật vừa “biết nói” cho bộ phim để làm sao thông qua đó diễn tả được 100% ý đồ của đạo diễn và biên kịch. 

 

Ví dụ, tạo hình của Dao Ánh và Michiko ít người nhận ra nhưng cả hai nhân vật này đều có một bảng màu, hình đại diện và sắc thái khác nhau. Chẳng hạn như Dao Ánh được ví như ánh hướng dương nên sẽ có màu sắc chủ đạo là màu vàng, hoa hướng dương là biểu tượng chính và mỗi khi Dao Ánh xuất hiện sẽ có những khung hình tròn làm nền để tạo sự dịu dàng, đáng yêu và ngay thơ. Trong khi Michiko lại là một cô gái đầy cá tính với những khung hình vuông, cùng màu sắc rực rỡ, cá tính. Hoặc căn phòng của Trịnh Công Sơn ở mỗi bối cảnh, mỗi giai đoạn cũng phải khác biệt nhưng đều thể hiện được tính cách nhất quán của người nhạc sĩ tài hoa, đa cảm này. 

 

Tôi nghĩ thú vui của một Production Designer là nhìn thấy được những tiểu tiết mà ít người chú ý và tận hưởng “trò chơi sắp đặt” đầy kích thích này khi nhìn thấy phim được trình chiếu. Bởi mọi thứ ở trên giấy thì khác, lên bản vẽ sẽ khác, lên trường quay lại càng khác rồi lên ở màn ảnh rộng thì lại hoàn toàn khác nữa 

Điều gì đưa chị đến với “Em và Trịnh”?

 

Có 3 lý do. Thứ nhất tôi quý anh Linh và đã từng làm việc cùng anh với “Em là bà nội của anh” nên khi anh ngỏ lời mời tôi đồng ý ngay. Thứ 2 chắc không ai từ chối Trịnh Công Sơn cả (cười). Cuối cùng tôi làm phim này là để dành tặng bố mẹ. Cả hai là những chứng nhân trong giai đoạn lịch sử quan trọng ấy và khó có thể diễn tả hết sức ảnh hưởng của bác Trịnh Công Sơn (với những tác phẩm của mình) đến bố mẹ và những người cùng thế hệ. Tôi muốn gửi tặng bố mẹ bộ phim này như một lời sẻ chia, thấu hiểu với ông bà về một thời khó quên ấy.

Tuy chỉ mới thực hiện hai phim nhưng chị có dự định theo đuổi công việc này lâu dài không?

 

Sao lại không? Như đã đề cập, với tôi, Production Design như một nghệ thuật sắp đặt, ở đó tôi được phép chơi “xếp hình” với nghệ thuật. Tôi mê lắm! Càng làm càng thích, càng làm càng “nghiện”.

 

Nhưng công việc này có vẻ khá vất vả với phụ nữ? 

 

Làm phim thì không có vị trí nào dễ dàng cả. Nhất là với phụ nữ. Những ngày “Em và Trịnh” quay ở Huế cũng là những ngày mưa bão khá nặng nề. Cảnh chúng tôi vừa dựng ít phút trước thì vài phút phải lọ mọ dựng lại chỉ vì một cơn mưa. Để làm phim này tôi cũng phải hi sinh rất nhiều, nhất là thời gian dành cho gia đình. Nhiều lúc vừa video call với con xong chỉ muốn bay về nhà ngay lập tức nhưng rồi phải dằn lòng lại vì quay cho hết. Tôi nghĩ rất khó cho phụ nữ khi phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nếu không muốn nói là gần như “bất khả thi”. Vì vậy tôi rất ngưỡng mộ những người phụ nữ có thể quán xuyến được nhiều thứ vì họ chẳng khác gì “siêu nhân”.

Tôi thấy chị cũng là “siêu nhân” ấy chứ. Trên phim trường chị “gánh” cả team, về nhà thì lại “gánh” cả gia đình?

Thôi, tôi không dám nhận (cười). Nếu không có bố mẹ cùng san sẻ thì chắc tôi chẳng làm được gì đâu vì sức người có hạn mà.

 

Production Designer nào ảnh hướng đến chị nhiều nhất?

Tamara Deverell. Bà là người đứng sau các tuyệt tác về hình ảnh như “Nightmare Alley” (2021), “Still Mine” (2012), “X Men” (2000),… Trong đó, tôi ấn tượng nhất là “Nightmare Alley” – một bộ phim mà theo tôi phần thiết kế hình ảnh vô cùng hoàn hảo. 

Chị có tự tin là Việt Nam mình có nhiều bộ phim đặc sắc về hình ảnh như vậy không?

 

Có chứ. Tôi thậm chí còn rất kích thích nếu được làm những bộ phim đậm chất Việt hơn vì nghệ thuật của mình có quá nhiều thứ hay ho để truyền tải. 

 

Có nhân vật nào mà chị nghĩ rằng sẽ là thách thức chị ở vị trí Production Design hoặc là nên có phim về nhân vật đấy?

 

Nam Phương Hoàng Hậu và Trần Lệ Xuân. Tôi nghĩ mình không cần giải thích vì sao.

 

Điều gì có thể khiến chị luôn giữ được năng lượng và tinh thần sáng tạo mạnh mẽ đến vậy?

 

Tôi có một tôn chỉ là làm nghệ thuật thì hãy giữ cái đầu của mình luôn ngây thơ nhất có thể. Bởi có như vậy thì mình mới thoải mái học được nhiều thứ và để cho nghệ thuật đưa đường dẫn lối. 

 

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị. 

 

Bài Madame Huyen
Thiết kế Hà Phạm 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP