Vở diễn của Đam mê - Tạp chí Đẹp

Vở diễn của Đam mê

Thời Trang
>> DFS 10 Đam mê: Hãy cháy hết mình, dù chỉ lần duy nhất trong đời!

Người đàn ông xuất hiện trên màn ảnh, đi bộ giữa những làn xe cộ nhanh đến sợ hãi trong một đoạn đường hầm đen tối; dường như anh rã rời mệt nhọc và bị cuộc sống xô đẩy bào mòn hết sức lực. Anh bị hất ngược lên, bị đâm dúi xuống đất, bê bết máu, lần này qua lần khác; khán giả nhíu mày, nín thở, há hốc, kinh hoàng, băn khoăn.



“Thời trang đơn giản chỉ là nghệ thuật và tình yêu và rồi những cung bậc cảm xúc của nó, hết show diễn này đến show diễn khác, lại thay đổi như mới và rất vô cùng.”




Một đoạn phim ngắn thật làm xúc động sững sờ và đau lòng hết biết. Tôi chắc đấy là mục đích của nhà đạo diễn phim.


Và “Steve Jobs 1955-2011” chạy ngang màn ảnh khi đoạn phim kết thúc. Âm nhạc trỗi lên mạnh mẽ, đèn bắt đầu chiếu sáng, những mảng màu nghệ thuật hiện lên trên sân khấu. Khán giả vỡ òa. “Có lúc cuộc đời đánh mạnh vào trán bạn. Nhưng đừng mất niềm tin. Điều làm tôi trụ lại và tiến bước là bởi tôi yêu công việc của mình. Bạn phải tìm thấy tình yêu. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thỏa mãn là làm những công việc tuyệt vời. Cách duy nhất để làm điều đó là yêu thích những gì bạn làm…”

Đấy chính là đoạn mở đầu của Đẹp Fashion Show lần thứ 10 với tên gọi Đam mê, được tổ chức tại Sài Gòn. Ai đó trong những khán giả băn khoăn về một sự lựa chọn đầy mâu thuẫn và gây tranh cãi cho một show diễn thời trang. Nhưng điều quan trọng nhất và khá âm thầm mà ê-kíp DFS năm nay hướng đến chính là: ghi dấu trong lòng người xem về một mô hình “vở diễn thời trang” đã đi qua gần một thập kỉ thời trang Việt Nam.



Tôi nghĩ mãi đến từ “impact – tác động” trong suốt show diễn của Đẹp. Sự tác động của hình ảnh và âm thanh lên tri giác và xúc giác, tác động một cách day dứt về bố cục và sự chuyển tải của ý tưởng. Những người am hiểu và yêu thời trang chịu đựng dường như quá tải, một sự quá tải thú vị trong những dồn dập của các bộ sưu tập, của âm thanh, của màu sắc và của những màn biểu diễn đan xen. Sợi dây mỏng manh của “impact – tác động” và “gimmicks – chiêu trò” trong ngôn ngữ vô hình chung trở nên chuẩn xác cho đêm diễn.




Như lịch sử vốn có trong 10 kỳ qua của DFS, thời trang đã trở thành một cái gì đó mang tính biểu tượng. Sử dụng những màn biểu diễn đan xen giữa các bộ sưu tập vừa tạo nên bố cục chặt chẽ, vừa luân chuyển ý tưởng một cách nhịp nhàng. Khác với những show diễn khác về thời trang và chỉ thời trang mà thôi, cảm hứng thời trang và sân khấu là chủ đạo và xuyên suốt của DFS.

Nhưng một điều nhỏ mà có lẽ hơi khó khăn khi nói đến chính là đi theo phong cách “vở diễn thời trang” này, ê-kíp của DFS âm thầm gánh lấy một phần to lớn trong ý tưởng sáng tạo, đơn giản đã đưa đến một “vòng tròn an toàn” cho những nhà thiết kế tham gia nơi họ không nghĩ ra những phép thử để gây ấn tượng với khán giả cho bộ sưu tập của chính mình. Câu hỏi đặt ra từ phía khán giả sẽ là những bộ sưu tập này sẽ thế nào nếu chúng không là một vai trong vở diễn thời trang hoành tráng  của DFS?






BST của NTK Adrian Anh Tuấn



BST của NTK Hulos

Mỗi bộ sưu tập là một cách thể hiện sự đam mê rất cá thể của những nhà thiết kế. Bắt đầu với một tài năng trẻ măng, Devon Nguyễn, tiếp nối bằng những sắc màu khác biệt mà đầy tính gắn kết của Trương Thanh Hải, Lý Quí Khánh, Hulos, Diễm My,  Adrian Anh Tuấn, Kelly Bùi, Lê Thanh Hòa và kết thúc bằng một một bộ sưu tập đầy tranh cãi của nhà thiết kế nhiều kinh nghiệm Công Trí.



Tôi thích Devon Nguyễn. Tính cách gượng gạo của cô gái, những bộ trang phục mang tính chất punk rock, sử dụng lông, da và những phụ kiện mang phong cách mạnh để làm nổi bật lên cái đen tối và cái trong sáng trong một câu chuyện kể của vải vóc. Devon dĩ nhiên còn trẻ trong tuổi đời và tuổi nghề, khán giả chấp nhận và vỗ tay chúc mừng cô đã mạnh dạn bám lấy những ảnh hưởng của các nhà thiết kế thời trang đại thụ.




Trong khi Devon Nguyễn mở màn DFS một cách đơn giản như chính tuổi trẻ của cô, thì Công Trí kết thúc phức tạp như chính tuổi nghề của anh! Sự thai nghén ý tưởng được thể hiện rõ ràng đến chi tiết trên sàn diễn. Câu chuyện cởi mở từ những cung bậc đau đớn về thể xác và tâm hồn, từ những cái nhíu mày của người xem và rồi thở phào nhẹ nhõm của vải vóc khi dàn người mẫu dàn hàng ngang trên sân khấu. Công Trí hội tụ những siêu mẫu hàng đầu của sàn diễn thời trang Việt Nam; Công Trí giữ chân những người yêu thời trang và những kẻ ngoại đạo tò mò đến tận phút cuối cùng trên ghế; Công Trí gây tranh cãi với tất cả những cung bậc cảm xúc từ yêu, ghét đến bĩu môi, nhún vai, nháy mắt. Tôi nghĩ Công Trí là người thành công nhất đêm diễn, anh là chủ điểm của những xúc cảm cá nhân mặc dù là một fashion show!




Trương Thanh Hải thể hiện đúng cái như anh nói “một sự tưởng tượng của bản thân về một cái gì đó trong thì tương lai, hơi huyền bí và mang màu sắc tâm linh một chút. Là sự hình dung về một vẻ đẹp mang tính vĩnh hằng.” Khi chiêm ngưỡng tác phẩm thời trang của Trương Thanh Hải, tôi liên tưởng đến cái đẹp mông lung, xuyến xao của những con sứa biển. Một cái đẹp khó nắm bắt nhưng lung linh.






BST của NTK Lý Quí Khánh

Lý Quí Khánh là người làm giới thời trang ngạc nhiên. Anh mang đến một niềm “đam mê cổ xưa, một Antique Passion” đẹp đẽ, mê đắm. Bộ sưu tập của Khánh như hình ảnh của nàng Kristen Dunst trong Marie Antoinette khi lần đầu tiên đặt chân đến nước Pháp, trong một cung điện của sự xa hoa, lộng lẫy, của sự giàu có và vì thế đầy màu sắc. Màn trình diễn trên bàn cờ của Lý Quí Khánh bật lên thế mạnh nhờ sự đầu tư về vải vóc của trang phục, những chất liệu gợi cảm hứng của nghệ thuật trang trí, tạo được một bố cục chặt chẽ, một câu chuyện mà ý tưởng và xúc cảm đan xen một cách đầy hữu ý.



Phải nói concept bàn cờ thực sự hữu ích, giúp nhà thiết kế có chỗ để thể hiện tác phẩm của mình trên khung lớn của bàn cờ sàn diễn, những người mẫu đi trên những ô vuông của sự sáng tạo, sân khấu vì vậy như rộng hơn ra, khán giả có thể nhìn thấy một bộ trang phục từ nhiều phía; như những bông hoa, trang phục của Lý Quí Khánh nở rộ và Thủy Tiên xuất hiện trong chiếc váy hồng đẹp như mơ, làm lu mờ cả những bông hoa đẹp nhất của bàn cờ thời trang đêm ấy. Màn biểu diễn có thể gần như là hoàn hảo, nếu vơ-đét chỉ đứng đó kiêu kì ở một chỗ, như nàng công chúa ngạo mạn trong cung điện mùa đông. Thỉnh thoảng, trong những cái đẹp nhiều tính động, một kết thúc tĩnh và chìm rồi cứ thế tan dần đi để lại những dư âm khôn nguôi!




Khán giả chờ đợi và Kelly Bùi xuất hiện. Nhưng cô không mang đến một concept mới. Cái mà tôi tưởng là cô đã và sẽ thay đổi – giống như cô đã nói – nhưng không phải – vẫn là một màu đen tuyền u uẩn, vẫn là những đôi giày nặng nề lê trên sân khấu. Cái đẹp nhất trong show diễn của Kelly Bùi chính là những mỹ-nhân-nam có vóc dáng tuyệt đẹp giúp chuyển tải ý tưởng của sự nghiêm túc và tính khắt khe của kiếm đạo bằng những bộ trang phục khá giống nhau!




Ngược lại với Kelly Bùi, Lê Thanh Hòa đưa chân người xem đến một thế giới của màu đỏ vĩnh cửu. Chiếc váy đỏ bằng lông vũ nhịp nhàng trên sân khấu là một ấn tượng đẹp mãi không phai trong show diễn của Lê Thanh Hòa.




Như ý tưởng đã sắp đặt trước, một show diễn hoành tráng kỉ niệm chặng đường dài của những vở diễn thời trang DFS, những nhà thiết kế tập trung vào thể hiện tính sân khấu của bộ sưu tập. Có lẽ trong một vài phút ngắn ngủi trong đêm diễn, tôi muốn được nhìn thấy những đường catwalk đơn giản, nơi những người mẫu bước ra cùng tiếng nhạc nhanh mạnh nhịp với những bước đi lạnh lùng. Và đoàn quân của Công Trí bước ra đúng thời điểm kết thúc đêm diễn thật sự tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ sửng sốt, ngỡ ngàng cho người xem. Hai hoặc ba mươi người mẫu bước đi thẳng băng lạnh lùng trên sân khấu, trong âm nhạc gợi niềm đam mê khó tả là một hình ảnh khó quên của DFS 10.







BST của NTK Công Trí


Những tác phẩm ăn khách thì thường gây tranh cãi, DFS 10 là một show diễn thời trang của những kẻ yêu thời trang điên cuồng, của những cái tôi mạnh mẽ bất chấp các định nghĩa, của những nhà thiết kế mới và những nhà thiết kế cũ biết làm mới bản thân. Tôi nghĩ đến sàn đấu đỏ quạch của Lê Thanh Hòa và tự hỏi: nếu tất cả các đêm diễn thời trang cũng là một sàn đấu như vậy, liệu chúng ta có bao giờ cần phải tìm ra người thắng cuộc? Hay cuối cùng thời trang đơn giản chỉ là nghệ thuật và tình yêu và rồi những cung bậc cảm xúc của nó, hết show diễn này đến show diễn khác, lại thay đổi như mới và rất vô cùng.



Bài: Liu Trần




Thực hiện: depweb

14/11/2011, 22:57