Một thế hệ đã xong – Rồi sao nữa? - Tạp chí Đẹp

Một thế hệ đã xong – Rồi sao nữa?

Sao

Tôi thấy Hồng Ánh đi một mình, cô lặng lẽ nhanh chóng vào rạp chứ không “se sua” như các mỹ nhân khác. Cũng lặng lẽ như vậy, Hồng Ánh “biến mất” ngay. Không khó để hiểu lý do của kiểu “hành tung bí ẩn” ấy, bởi Hồng Ánh đang ở một tâm thế khác: nhà sản xuất phim đi coi tác phẩm của đồng nghiệp, của đối thủ, của đối tác tiềm năng? Cũng có thể là tất cả!

 

Đầm lệch vai Saint Laurent (Runway) 

Ôi những sự nhiệt tình nóng vội!

Tại sao lại khó hiểu đến thế nhỉ? Cái cảm giác thất vọng tràn trề của tôi lúc này ấy? Tại sao khi coi các phim Tết khác, tôi lại không bị thế này?

– Thì các phim khác đứng hẳn về một loại rồi, chị đâu có kỳ vọng, đúng không?

Ừ, tôi thậm chí còn cố tìm điểm tốt ở những phim đó, cố gắng vờ như mình là một khán giả tìm vui nơi rạp chiếu phim… Nhưng phim này thì khác, đạo diễn là người thông minh đấy chứ? Lại mất vài năm cho kịch bản này trước khi bấm máy…

– (Cười) Tôi nghĩ chị cứ kỳ vọng quá rồi, vào một thế hệ người làm phim trẻ của Việt Nam, có lẽ đó cũng là áp lực với họ nếu khán giả đều như chị.

Một thế hệ làm phim trẻ ư? Nó làm tôi tò mò muốn biết quan điểm của Hồng Ánh về rất nhiều cuộc thi làm phim dành cho người trẻ hôm nay mà Ánh vừa là chủ xị, vừa là giám khảo, đôi khi còn tài trợ, truyền thông nữa. Nhiều cuộc thi quá đến mức tôi lại lo rằng có thể nào làm phim dễ thế không?

– Điều này tôi cũng có cảm nhận tương tự ở cuộc thi 86.000km+ lần 1 mà tôi tổ chức. Và tôi cũng chuẩn bị tâm thế sẽ gặp những người trẻ nghĩ rằng làm phim dễ lắm, và ảo tưởng lắm. Phải khẳng định ngay với các bạn trẻ rằng dù có một “thành tích” đáng nể nào đó từ các cuộc thi phim ngắn như YxineFF, 86.000km+ hay 48h… cũng sẽ không đồng nghĩa với việc các bạn đã có một chứng chỉ để bước vào nghề làm phim.

Sự thật cho thấy các bạn sau đó đều rất chật vật khi muốn làm nghề, càng ít người có thể tìm được vị trí để khẳng định mình chứ chưa nói đến việc làm phim dài. Nhưng các bạn lại có một sự nhiệt tình nóng vội. Nhiệt tình hăm hở với nghề thì tốt thật đấy nhưng nhiệt tình nóng vội thì thua. Tôi đã trực tiếp làm việc với các bạn trẻ ấy để thấy họ hay sốt ruột, nôn nóng mà chẳng có kinh nghiệm, đó chính là bất lợi của lợi thế tuổi trẻ. Bản thân giải thưởng YxineFF, hay những phim được giới thiệu ở 86.000km+, giá trị vật chất không cao nhưng bù lại truyền thông quan tâm quá. Mà quan tâm vồ vập vậy nhưng lại thiếu những sự phê bình, nhận xét nghiêm túc chuyên sâu nên các bạn trẻ càng dễ hãnh diện tự hào kèm theo… ảo tưởng. Tôi cũng đang đãi cát tìm vàng đây nhưng ngay cả vàng bụi cũng dường như càng ngày càng hiếm.

Này theo Ánh thì bao nhiêu tuổi sẽ được coi là người làm phim trẻ đấy?

– Tôi nghĩ cái chất trẻ là ở trong cái đầu thôi. Như khi xem bộ phim thể nghiệm “12 bước làm người” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, tôi rất thích. Có thể ai đó nói chưa thấy đây là phim, nhưng tôi thích vì phim này cho tôi cảm xúc, cho tôi suy nghĩ nhiều chiều về con người. Những suy nghĩ đẹp, tích cực, và như thế tôi thấy đây là một tác phẩm hay dù quá tối giản về kỹ thuật. Anh Thuần đâu còn trẻ về tuổi đời nữa, đúng không?

 

Áo họa tiết Balenciaga; Chân váy Giao Linh; Giày Christian Louboutin
Vòng tay đính đá Marni (Runway); Bộ vòng Burberry
 

Em muốn làm đạo diễn

Nhân chuyện “12 bước làm người”, thời buổi này việc quay và thể hiện khả năng làm phim của mình qua một phương tiện ghi hình nào đó không phải là quá khó nữa. Vì có quá nhiều phương tiện có thể sử dụng, như Nguyễn Ngọc Thuần đã làm phim chỉ bằng một chiếc điện thoại iphone. Cái này ở phương Tây đi trước mình nhiều rồi, nhưng hình như ở Việt Nam được ưu ái hơn hay sao ấy nhỉ?

– Cũng một phần tại hoạt động điện ảnh Việt Nam mình không đa dạng chị ạ. Hơi buồn tẻ quá nên khi có sự kiện hay sân chơi nào ra đời thì truyền thông ủng hộ khích lệ nhiệt thành cũng là chuyện bình thường. Mà tôi nghĩ cái gốc mới là quan trọng, người có nền tảng, có kiến thức tài năng đã quyết theo nghề thì họ cứ bền bỉ theo thôi. Một phim hay sẽ tự động truyền đi rất nhanh, truyền thông cũng sẽ tự động gõ cửa…

Nhưng hình như cái yếu và thiếu nhất là con người rồi mới đến tài năng chứ nhỉ? Như dự án của Nhà nước với mấy ngàn tỉ định đầu tư cho văn hóa thông qua việc xây rạp hay nhà hát đã bị phản ứng đấy thôi… Ánh có nghĩ là đến lúc phải đầu tư cho con người không? Đó là điều mà tôi đang thấy thiếu ở đầu ra của các cuộc thi đó?

– Tôi cũng nghĩ đến điều đó, bởi vì khi sản xuất “Đường đua”, cái mà tôi thiếu nhất chính là những người có chuyên môn cho các khâu khác nhau của quy trình sản xuất. Chỉ cần vài phim quay cùng thời điểm là tôi nghĩ sẽ không kiếm đủ người làm rồi. Việc tôi hỗ trợ cho một phim dù ít dù nhiều cũng cho mình thấy kết quả liền. Còn hỗ trợ cho các bạn tham gia các khóa học ngắn ngày thì khó, thành công càng mang nhiều rủi ro mà khả năng tài chính của tôi cũng chưa đủ để yên tâm trông đợi. Việt Nam mình hiện tại toàn những cơ hội manh nha, hoặc là các bạn xin được học bổng, số này ít, hoặc các bạn được gia đình tạo điều kiện cho đi du học, số này nhiều nhưng chọn học điện ảnh thì rất ít. Những cái này lẻ tẻ không tổng lực, chỉ có Nhà nước mới đủ khả năng theo đuổi những dự án dài hạn kiểu này thôi.

Nhưng có lẽ cũng nên công bằng một chút, khi mình đã âu lo và dường như có gì đó cực đoan với những người trẻ, vậy thì điểm sáng nào ở họ để mình còn hy vọng? Tình yêu bất vụ lợi với điện ảnh? Những đam mê tự nhiên chưa biết cách tự kiểm duyệt mình?

– Tôi thích những bộ phim không được phát hành rộng rãi từ những cuộc thi như vậy. Ví dụ như “KFC”, hay “12 bước làm người”… Với tôi đó mới là những tài năng thực sự, đó mới là những kết quả lớn mà các cuộc thi ấy mang đến. Những sản phẩm đó đôi khi không được truyền thông rộng rãi, nó chỉ được biết đến bởi những người có chuyên môn và tôi nhìn thấy ở đó những yếu tố để tin rằng họ sẽ đi được đường dài với điện ảnh. Có nhiều bạn quyết liệt lắm, tôi cần điều đó. Và tôi cũng cần sự bình tĩnh nữa, chứ không thích những người lúc nào cũng khăng khăng “Em phải làm đạo diễn” nhưng lại luôn ngồi đó mà mơ mộng. Tiền làm một bộ phim đầu tay không có, nhưng khi mình hỗ trợ, muốn bạn phải có kinh nghiệm làm phim bằng cách tham gia vào đoàn phim chuyên nghiệp ở bất kỳ vị trí nào đó thì bạn lại không chịu, một hai vẫn chỉ “Em muốn làm đạo diễn!” thì làm sao được đây?

Mấy hôm trước tôi có “bàng hoàng” bởi một bài báo có tựa đề “Một thế hệ đạo diễn đã xong”… Đại ý bài báo nói về thất bại gần đấy nhất của đạo diễn Lê Hoàng để kết luận rằng, có lẽ đã đến lúc một thế hệ đạo diễn cần hiểu họ đã làm xong việc của mình và nên rửa tay gác kiếm, để thiên hạ nhớ về họ như những người đã từng làm phim hay, còn hơn bây giờ biết về họ như những kẻ làm phim dở… Vậy thì, thế hệ nào tiếp diễn đây?

– Vâng, chị nhìn xem bây giờ nhà sản xuất muốn làm phim thì sẽ trông vào ai đây? Hay là vẫn những gương mặt cũ như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng…? Có bạn trẻ nào tạo được lòng tin từ nhà sản xuất để họ bỏ tiền đầu tư chưa? Tiền bạc gắn liền với máu thịt, chứ có phải tiền của Nhà nước đâu mà làm dễ?

Ở canh bạc này, tôi đánh cược với chính mình

Khi nghe tin Ánh và công ty đầu tư cho Nguyễn Khắc Huy làm “Đường đua”, đa số giới làm nghề đều tỏ ra lo ngại vì Huy cũng chỉ mới chứng tỏ mình trong một phim ngắn… Cơ sở nào để Ánh dám bỏ tiền vào một người trẻ như Huy vậy?

– Tôi tin ở Huy 50% và tin ở mình 50%. Hai cái này cộng lại mới đủ là động lực để tôi quyết định bỏ tiền túi của mình và huy động một số bạn bè khác làm “Đường đua”. Ở canh bạc này tôi đánh cược với cá nhân mình nhiều hơn. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác nữa…

Nghĩa là ý định làm phim dài đã đến trước cả khi Ánh có thể nhìn thấy một gương mặt đạo diễn nào xứng đáng để đặt lòng tin và cả tiền bạc của mình?

– Tôi vẫn muốn sẽ cộng tác với một gương mặt mới mà có sự đảm bảo, nhưng khi lựa chọn thì thấy khá hoang mang. Nói gì thì nói tôi đầu tư tiền lần này là đầu tư cho mình, nhưng nó vẫn phải có sự kết hợp, cộng hưởng thế mạnh của Huy cùng những cái khác từ mình chứ 100% đặt lòng tin vào Huy thì chưa đủ ở bộ phim đầu tay này.

Mình phải tìm ra những điểm gì từ Huy chứ nhỉ, để kẻ được chọn cho canh bạc mà Hồng Ánh dốc sức này là Huy chứ không phải một Charlie, Victor hay Quang Dũng nào khác nữa?

– Thứ nhất, Huy đã có một sản phẩm cụ thể mà tôi thích, dù là ngắn. Tôi cũng đã làm việc với Huy một thời gian, biết được cá tính, ưu khuyết điểm của Huy từ đâu. Thứ hai, Huy đến với điện ảnh không vì danh, gia đình Huy kinh tế rất khá, là một trong những đại gia ở Phan Thiết. Vừa về nước sau khi học ở Australia, Huy đã làm việc với tôi nên không bị ảnh hưởng, không có tiếp xúc nào với giới trẻ hay giới làm phim trong nước. Điểm này vừa tốt bởi cậu sẽ là fresh-man đúng nghĩa, nhưng vừa không tốt vì bởi thế mà Huy không có kinh nghiệm sản xuất hay giao tế. Mà ở mình không làm tốt được những cái đó thì sẽ rất khó làm việc, khó chuyển tải những gì mình muốn.

À, cái này làm tôi chợt nhớ đến có lần nói chuyện với một nhà làm phim, anh ấy bảo rằng cái giỏi của Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng là họ có khả năng kết nối ê kíp của mình rất tốt…

– Chị có biết có nhiều nhà đầu tư nói với tôi nếu tôi mời được Dũng hay Đãng làm phim thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí vì không phải lo về truyền thông, cũng không phải lo về việc làm thế nào để mời được Tăng Thanh Hà hay Thanh Hằng… Đãng và Dũng có khả năng đó, nhưng để có nó họ cũng đã phải làm việc trong rất nhiều môi trường để có sự tích lũy, Huy không có điều đó.

Vừa tầm kiểm soát – cũng đủ cho ảo tưởng

Tôi thấy nếu chỉ đơn giản thế thì tại sao Ánh không tự mình làm phim? Ánh đã đi học về sản xuất phim, lại là một diễn viên mười mấy năm nay, có quá nhiều đạo diễn trưởng thành từ nghiệp diễn đó thôi… Tại sao?

– Tôi thiếu kiến thức về ngôn ngữ và kỹ thuật điện ảnh. Những người bạn trẻ như Huy được đào tạo từ nước ngoài về thì khác. Các bạn có cơ hội và điều kiện chơi công nghệ, còn mình là phụ nữ, không thể nắm bắt bằng các bạn. Đành kết hợp thế mạnh của cả hai. Các bạn trẻ ở trong nước cũng không có luôn nhé, công nghệ ấy. Chỉ cần so sánh giữa “Dành cho tháng Sáu” của Nguyễn Hữu Tuấn và những phim của Lê Văn Kiệt. Mình chưa nói đến hay dở, bản sắc bóng dáng Mỹ – Việt nhưng dễ thấy nhất là khoảng cách giữa hai cách làm về mặt kỹ thuật là khá xa.

Nhân nhắc đến Nguyễn Hữu Tuấn, tôi lại nhớ Tuấn đã từng chia sẻ: Em làm phim này để học làm phim, thay vì bỏ tiền đi học làm phim thì em tự làm một phim bằng khoản tiền đó…

– Tôi cũng vậy. Khả năng của mình ra sao, đến đâu chắc chắn nó sẽ biểu hiện rất rõ nét ở bộ phim đầu tay. Tôi giống Tuấn ở cách nghĩ, thay vì bỏ tiền đi học, mình sẽ học làm phim, và tất nhiên tôi sẽ không dám kỳ vọng không có sự vụng dại ở tác phẩm đầu tay của mình. Nhưng học cách này chắc hơn, nó sẽ cho mình kinh nghiệm, những kinh nghiệm có cả xương máu nữa vì tiền của mình mà. Làm “Đường đua”, tôi cũng bị nhiều người nói rằng với tư cách là nhà sản xuất kiêm phó đạo diễn, dường như nhiều khi tôi hơi lấn lướt Huy, hoặc người ta biết đến “Đường đua” là của Hồng Ánh nhiều hơn của Huy… nhưng một đoàn phim hợp tan nhanh làm sao còn thời gian hiểu nhau, tôi phải thay Huy giao tiếp cho nhanh để làm cầu nối giải quyết các xung đột nếu có nữa…

Hiểu người trẻ đến cảm giác là thấu suốt, Hồng Ánh nghĩ gì về những cái tên như Phan Đăng Di, Phanxine…?

– Phan Đăng Di đi theo dòng phim khác, tôi chưa có dịp làm việc cùng mà mới chỉ là hợp tác trong một công việc liên quan đến phim ảnh. Phanxine thì tôi rành hơn, cảm giác bạn ấy đang bị phân tán năng lượng vào quá nhiều vai trò khác dù bạn ấy có kiến thức về điện ảnh rất tốt – đứng về góc độ phê bình. Nhưng tôi có cảm giác Phanxine biết nhiều quá nên… đến bây giờ phim ngắn của bạn ấy cũng chưa có phim nào ấn tượng so với kỳ vọng. Phanxine thỏa hiệp nhiều thứ quá, muốn hoàn hảo nhiều thứ quá, mà điện ảnh, đôi khi không thể thiếu sự cực đoan để đi đến cùng…

Thế còn Roland Nguyễn – người làm đạo diễn dựng cho “Cưới ngay kẻo lỡ” và đang có dự án nổi tiếng “Quảng Nam hảo hớn”? Rồi Tạ Nguyên Hiệp?

– Roland Nguyễn là một trong những đạo diễn mà hiện tại tôi rất mong được cộng tác. Lý do thì chỉ có thể nói do trực cảm vì Roland cũng không phải là người khéo léo, thậm chí là hơi thật thà nữa. Một số phim ngắn của Roland tôi thích. Thêm nữa, hai năm nay Roland đã lăn lộn với thị trường Việt qua công việc dựng phim. Sự nỗ lực của Roland rất lớn. Ngược lại, cũng dành thời gian đi kiếm tiền, lăn lộn với giới làm phim để trưởng thành nhưng Tạ Nguyên Hiệp lại để thời gian đó nhiều quá, đến khi dường như muốn trở lại thì khó.

Những bạn trẻ nói trên đều có xuất phát điểm chung là được biết đến hoặc đang bắt đầu với phim ngắn. Đã đến lúc nên coi phim ngắn là một hoạt động chuyên nghiệp chưa nhỉ?

– Tôi nghĩ đã đến lúc nên để cho phim ngắn tham gia vào dòng chảy chuyên nghiệp. Nên có sự ủng hộ để làm sao phim ngắn có thể được chiếu rộng rãi ở các rạp chiếu phim trước giờ xem phim dài thay cho những spot quảng cáo thương mại. Phim ngắn đang không có đường đến với khán giả. Phim ảnh kiểu gì cũng phải ra rạp. Nhưng phim ngắn cũng chỉ nên phát triển đến thế để vừa tầm với sự kiểm soát cũng vừa đủ cho sự ảo tưởng.

 

Áo Balenciaga; Áo khoác Burberry; Quần lụa Givenchy
Vòng cổ & hoa tai Anna Võ; Vòng tay Marni (phải – trên)
Bộ vòng tay Burberry (phải – dưới); Nhẫn & vòng tay (trái) Zaa
 

Và sẽ là một câu hỏi cuối về một thế hệ làm phim, theo Ánh thì Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn hay Victor Vũ – những cái tên này được nhớ đến, được tạo nên bởi khán giả hay ngược lại?

– Theo tôi thì họ tạo ra khán giả, bởi trước đây tôi chọn phim mà xem. Còn bây giờ tôi chọn đạo diễn để xem phim. Mà như thế nghĩa là họ đã tạo ra người khán giả trong tôi. Thế cũng là quá đủ, phải không?

Cảm ơn Hồng Ánh.


 

*Địa chỉ mua sắm:

Runway (Balenciaga, Loewe, Tara Jarmon, MSGM, Marc by Marc Jacobs, Marc Jacobs)
• Tp.HCM: Vincom Center; Diamond Plaza; Crescent Mall
• Hà Nội: Sun City, 13 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm

Anna Vo
• 23 Đồng Khởi, Q.1, Tp.HCM

 

 

Thực hiện: depweb

27/03/2013, 16:25