Giám khảo MasterChef Phạm Tuấn Hải: "Có rất ít người hiểu ẩm thực là sự hy sinh" - Tạp chí Đẹp

Giám khảo MasterChef Phạm Tuấn Hải: “Có rất ít người hiểu ẩm thực là sự hy sinh”

Sống


Chef Phạm Tuấn Hải

– Là bếp trưởng của hiệp hội Unilever Food Solutions Vietnam.
– Thành viên của Hiệp hội Các Đầu bếp Đông Nam Á. (Southeast Asian Chefs Association)

– Giảng dạy tại Câu lạc bộ Đầu bếp trẻ.

– Giám khảo chương trình MasterChef VietNam.

“Tôi cởi mở trong cuộc sống nhưng kỷ luật trong công việc”

– Với hơn 25 năm kinh nghiệm là đầu bếp chuyên nghiệp tại các khách sạn lớn ở Việt Nam, theo anh khó khăn lớn nhất của người theo nghề bếp là gì?

– Khó khăn lớn nhất có lẽ chính là làm chủ được bản thân mình. Phần lớn mọi người đều nghĩ nghề bếp là một nghề đơn giản và không được đánh giá cao trong xã hội. Khi các đầu bếp trẻ làm việc, họ chỉ nghĩ tới chuyện thành tích và mong muốn kiếm tiền, vậy nên rất khó để thành nghề. Để thành công với nghề bếp, bạn thực sự phải cần nhiều kiên trì và đam mê.

– Vậy theo anh, đàn ông và phụ nữ ai phù hợp hơn để theo nghiệp bếp?

– Đối với nghề bếp thì nam hay nữ đều có giá trị riêng và ai cũng làm được. Tuy nhiên, đây thực sự là một công việc rất vất vả, áp lực, đòi hỏi người đầu bếp phải có sức khỏe và tính bền bỉ cao.

masterchef vietnam, phạm tuấn hải, giám khảo, đầu bếp, hi chef, unilever food solutions

– Là một giám khảo được xem là khó tính của chương trình MasterChef VietNam, tiêu chí đánh giá một món ăn ngon của anh bao gồm các yếu tố nào?

– Đối với tôi, một món ăn hoàn hảo cần các yếu tố: sáng tạo, trang trí, hương vị và đặc biệt là phải theo đúng trường phái của từng món ăn (món Âu/ món Á/Fusion, ẩm thực kết hợp – PV).

– Đằng sau hình ảnh một giám khảo khó tính trên truyền hình, anh là người như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

– Tôi luôn quan niệm là mình càng chia sẻ và cởi mở thì sẽ càng gặp nhiều người tốt. Đôi khi, có người còn nói tôi dễ tính đó! Tuy nhiên, trong công việc hàng ngày cùng các đầu bếp, tôi luôn đề cao yếu tố kỷ luật và trách nhiệm. 

masterchef vietnam, phạm tuấn hải, giám khảo, đầu bếp, hi chef, unilever food solutions

“Tôi luôn tự hào về nghề của mình và hạnh phúc khi được nấu ăn”

– Công việc của một đầu bếp là nấu ăn cho mọi người thưởng thức, tôi tự hỏi khi về nhà, liệu người đầu bếp có còn hứng thú để tiếp tục vào bếp hay không?

– Có chứ! Tôi vẫn thường tìm cảm hứng nấu ăn qua các bữa cơm cho gia đình. Tôi luôn đặt tình cảm vào từng món ăn, dù là nấu cho khách hàng hay những người thân yêu.

– Món ăn nào anh nấu được gia đình yêu thích nhất?

Là Pizza. Đó là món ăn mà vợ con tôi thích nhất. Nhưng tôi vẫn nghe các con tôi nói rằng chúng thích tất cả các món bố Hải nấu!

masterchef vietnam, phạm tuấn hải, giám khảo, đầu bếp, hi chef, unilever food solutions

– Thường xuyên phải đi xa công tác, anh dành thời gian như thế nào cho gia đình?

– Thường thì tôi phải tự cân đối và dần dần có thêm các cộng sự giúp đỡ trong công việc. Hiện tại, nhóm phát triển sản phẩm của tôi có 12 bếp trưởng và gần 300 đầu bếp. Vậy nên tôi cũng đã có thêm thời gian cho gia đình.

– Anh có chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: “Có rất ít người hiểu ẩm thực là sự hy sinh”. Anh có thể nói rõ hơn về điều này?

– Hy sinh ở đây, thứ nhất là hy sinh bản thân. Người đầu bếp muốn giữ cho vị giác của mình tốt và chính xác thì điều tối kỵ là uống nhiều bia. Lúc nào cũng say xỉn thì làm sao nấu được! Bên cạnh đó, hút thuốc lá hoặc ăn nhiều thức ăn có gia vị quá cay, nồng cũng sẽ làm giảm độ chính xác trong nêm nếm. Hy sinh thứ hai là hy sinh thời gian với những người thân. Những dịp lễ, Tết, cuối tuần, người ta có thể dành thời gian cho gia đình, còn mình thì phải dành cho công việc và đồng thời phải làm việc với cường độ cao hơn rất nhiều. Đó chính là những sự hy sinh mà tôi nhắc đến.

masterchef vietnam, phạm tuấn hải, giám khảo, đầu bếp, hi chef, unilever food solutions

– Với anh, hình ảnh “đàn ông đeo tạp dề” mang ý nghĩa như thế nào?

– Có lần, một người rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh nói với tôi rằng: “Công việc của em thật sự là cao quý. Nghề của em mang đến cho mọi người một nguồn sống và một cảm giác: Sống để thưởng thức”. Do đó, tôi luôn tự hào về nghề của mình và tôi cảm thấy hạnh phúc khi nấu ăn. 

Vì vậy, với những người đàn ông hiện đại, tôi chỉ muốn nói rằng: Hãy vào bếp đi! Khi vào bếp, hình ảnh của bạn sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều trong mắt những người thân yêu của bạn!

masterchef vietnam, phạm tuấn hải, giám khảo, đầu bếp, hi chef, unilever food solutions

Bài: Bình Minh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo

Khi đàn ông đeo tạp dề
Không phải chỉ phụ nữ mới là người giữ lửa và chăm sóc cái dạ dày cho gia đình. Có rất nhiều những nam nhân rất thích vào bếp và chia sẻ những bữa ăn với mọi người.
Họ có thể là đầu bếp chuyên nghiệp hoặc đầu bếp gia đình, nhưng họ có điểm chung là luôn cảm thấy hạnh phúc khi được đeo tạp dề và truyền năng lượng, cảm hứng, tâm huyết cho từng món ăn.
Đẹp Online giới thiệu tới bạn đọc những tâm tư, chia sẻ của các nam đầu bếp tại gia cũng như các đầu bếp nổi tiếng trong các nhà hàng khách sạn về công việc bếp núc.
Mời bạn đọc cùng theo dõi những chia sẻ thú vị của những người đàn ông đeo tạp dề.

Thực hiện: depweb

21/09/2015, 15:07