VĐV Para Games Nguyễn Thị Thủy: Thứ còn lại trong tôi luôn là một ước mơ - Tạp chí Đẹp

VĐV Para Games Nguyễn Thị Thủy: Thứ còn lại trong tôi luôn là một ước mơ

Sao

CHỖ ĐỨNG, ĐÔI CHÂN & NHỮNG VẾT XƯỚC

Thứ tôi còn lại là một ước mơ” – Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ mất chiếc chân trái năm 18 tuổi đã nói như vậy khi nhớ lại biến cố không may đó của cuộc đời mình. Nhưng “thứ còn lại” ấy cũng chính là bệ phóng kỳ diệu đã giúp chị đứng lên để viết tiếp những chương đẹp nhất cho cuốn sách cuộc đời tưởng chừng dang dở ấy.

 “Chỗ đứng, đôi chân và những vết xước” cũng là những chương đời đẹp đã được viết lên bằng nghị lực và lòng đam mê của “chim công làng múa” Linh Nga, ca sĩ Thu Minh, diễn viên Ngô Thanh Vân, người mẫu Thanh Thảo và Mâu Thanh Thủy…

Và họ đều thống nhất với Đẹp rằng, thứ còn lại, cuối cùng, nơi những trang viết đẹp, sẽ không phải là những vết xước, cũng không phải những tấm “huy chương”, mà là cách chúng ta đứng lên bằng chính đôi chân của mình…

Bài cùng chuyên đề
– Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng và chiếc chân gốm độc bản
– Diễn viên Ngô Thanh Vân: “Có gói bảo hiểm cho đôi chân, tôi mua liền!”
– Linh Nga: “Tôi may mắn có sân khấu để… trốn chạy”
– Người mẫu Thanh Thảo: “Độ dài đôi chân chưa bao giờ là trở ngại trong tình yêu của chúng tôi”
– Mâu Thanh Thủy: “Từng suýt không biết dùng chân… vào việc gì”
– Ca sĩ Thu Minh: “Phụ nữ tự lập, đàn ông mới nể”
– Đằng sau những bức hình về “Chỗ đứng, đôi chân và những vết xước”

Giám đốc sáng tạo: Hà Đỗ – Tổ chức: Vũ Khánh Tùng – Bài: Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Milor Trần – Stylist: Jonny Mạch – Địa điểm: S3 Studio

“Là con người thì có thể bạn sẽ mất thăng bằng vì nhiều thứ, chứ không phải chỉ đến khi mất đi một chiếc chân” – vận động viên Nguyễn Thị Thủy, chia sẻ.

Thể thao giúp tôi từ người biết đi thành người biết chạy

– Điều gì đã xảy ra với đôi chân của chị?

– Năm 1982, trên một chuyến tàu hỏa lên Tây Bắc, lúc xuống tàu, tôi không may bị ngã, bong gan bàn chân trái. Vì ở ngoại tỉnh nên khi được đưa về Hà Nội, vết thương bị hoại tử, các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức đã quyết định cưa đi 1/3 chiếc chân. Từ đấy, tôi trở thành người khuyết tật, mất đi một bên chân. Năm đó tôi 18 tuổi, vừa mới bước vào đời.

Chị Nguyễn Thị Thủy đứng trên chiếc chân được làm từ thép cac-bon. Đây là chiếc chân giả vận động viên Nguyễn Thị Thủy được một tổ chức của Mỹ tặng, khi chị giành thành tích cao trong thi đấu tại Para Games. Nguyễn Thị Thủy cũng là người duy nhất ở Việt Nam có chiếc chân giả đặc biệt này.

– Và chị đã sống tiếp thế nào?

– Khuyết tật khiến tôi không còn khả năng lao động như trước, nhưng tôi vẫn cố gắng đi làm và từng trải qua nhiều công việc: làm nhựa, làm may, ngay cả công việc của đàn ông như quai búa ở lò rèn, tôi cũng không quản ngại. Tôi làm tất cả với ý nghĩ, phải nỗ lực để không trở thành gánh nặng cho người thân, và phần nào đó khẳng định chính mình.

Sau khi bôn ba đủ công việc, tôi được anh trai hướng cho đi học may và giúp mở một cửa tiệm nhỏ trong ngõ xóm gần nhà. Năm 27 tuổi, tôi lấy chồng, là một anh hàng xóm. Tôi vững tin hơn trong cuộc sống, nhưng mặc cảm là người khuyết tật vẫn là một gánh nặng trong lòng. Khoảng năm 37 tuổi (năm 1999), một bác sĩ đã giới thiệu tôi đến với thể thao.

Khi chọn một vận động viên khuyết tật như chị Nguyễn Thị Thủy làm nhân vật khách mời của Đẹp, đồng thời xuất hiện trên trang bìa của số 200 đặc biệt này, chúng tôi muốn gửi tới một thông điệp: Chính những vận động viên khuyết tật với lòng đam mê và nghị lực phi thường ấy đã giúp thế giới này trở nên tròn trịa hơn bao giờ hết!

– Thể thao mang đến cho chị điều gì?

– Thể thao giúp tôi xóa đi mặc cảm khuyết tật, làm cho mình từ người biết đi thành biết chạy.

– Từ biết đi thành biết chạy, chị phải trải những khó khăn thế nào?

– Lúc mới đi chạy, tôi vẫn dùng chiếc chân giả thô sơ sản xuất ở Việt Nam. Khi tập, mỏm cụt bị trầy xước, chảy máu, rỉ nước vàng ra, gây đau đớn lắm. Vậy nhưng sau một đêm ngủ dậy, mình lại tự hỏi, có tiếp tục được không, và chẳng hiểu sao, lại leo lên xe, đạp đến chỗ tập. Cái đau cứ chồng lên cái đau, cuối cùng cũng thành quen, như một phản xạ.

Năm 2003, tôi được chọn đi thi giải chạy của bộ môn điền kinh dành cho người khuyết tật toàn quốc, rồi được chọn trở thành vận động viên tham gia cuộc thi Para Games khu vực ngay trong năm đó. Ngay lần đầu tham gia đội tuyển, tôi đạt liền 4 Huy chương Vàng, và ngay sau đó được thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

– Từ khi nào thì những mỏm cụt ở chân chị không còn chảy máu nữa?

– Khoảng 3 – 5 năm, sau khi tôi đi tập. Những vết lở loét dần trở thành vết chai, máu không còn chảy nữa. Đến khoảng 2005, nhờ thi đấu đạt thành tích cao, tôi được một tổ chức của Mỹ tặng chiếc chân giả có chất lượng tốt nhất ở thời điểm đó, và đến bây giờ vẫn còn rất tốt. Đối với tôi, nó rất quý giá. Tôi nghĩ người ta mua được chiếc ô tô vui sướng thế nào thì chiếc chân giả của tôi quý giá như vậy.


– 51 tuổi rồi, chị nghĩ mình còn tham gia thi đấu được bao lâu nữa?

– Hiện tại, ở bộ môn điền kinh, tôi là người nhiều tuổi nhất. Tôi vẫn nghĩ, chỉ khi thua người khác, tôi mới dừng nghiệp thi đấu. Mà tôi chưa muốn thua, nên tôi vẫn nỗ lực mỗi ngày.

Chị Thủy đứng trên chiếc chân gốm độc bản, được nghệ nhân Vũ Đức Thắng làm riêng, dành cho buổi chụp hình của Đẹp

Có chồng từ… một đôi quần đùi

– Điều gì đã biến một anh chàng hàng xóm trở thành người cùng nhà với chị? 

– Chúng tôi gặp nhau là đồng cảm. Chồng tôi mất mẹ sớm, chỉ còn cha, nhưng không lâu sau, ông cũng đi lấy vợ khác. Anh là người đàn ông thiếu thốn tình cảm, và gặp tôi – một cô gái từng nghĩ mình chắc sẽ chẳng yêu ai và chẳng được ai yêu. Sự thiếu thốn của mỗi đứa đã hóa thành tình thương, sự bao bọc. Nhà anh lúc đó mới chuyển đến, kề ngay sát vách hiệu may của tôi. Cô em gái anh hay sang chỗ tôi chơi, nên thỉnh thoảng tôi cũng qua nhà anh, chơi với cô ấy. Nhà anh nghèo lắm. Có lần sang, thấy anh vận một chiếc quần đùi bị rách, tôi mới về may tặng anh một đôi quần mới, bằng vải may thừa của khách. Khi may xong, cô em gái cũng ý tứ bảo xin phép gửi tiền, nhưng tôi không nhận.

Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ những chia sẻ đơn sơ ấy, không có những lần hẹn hò lãng mạn, cũng chẳng có màn tặng quà, tặng hoa nào cả. Sau gần một năm quen, chúng tôi cưới nhau. Từ lúc hai vợ chồng lấy nhau với hai bàn tay trắng, bây giờ tôi đã có hai đứa con ngoan, làm được một căn nhà 4 tầng khang trang. Nhưng hạnh phúc của chúng tôi thì chưa toại nguyện, vì chúng tôi sống với nhau đến năm 2010 thì anh ấy ra đi do bị ung thư gan (khóc).

– Chị có bao giờ trách ông trời, vì vẻ như hạnh phúc nào cũng đến rồi đi nhanh, trong đời chị?

– Khi mất đôi chân, tôi thấy mình mất thăng bằng. Khi chồng ra đi, một lần nữa tôi mất thăng bằng. Sau khi vừa làm xong căn nhà mới khang trang 4 tầng được một tháng, chồng tôi phát hiện bị ung thư. Lúc đó, tôi thấy mình như rơi xuống một hố đen. Anh nằm viện, tôi chạy như một con thiêu thân. Nhưng rồi sau cơn đau, tôi nhận ra, nếu không tự đứng dậy thì mình sẽ chẳng bao giờ thăng bằng lại được. Bây giờ thì tôi thấy, từng có hạnh phúc đã là một may mắn lắm, nên tôi không bao giờ oán trách.

Chị Thủy chụp hình trên chiếc chân của stylist Johnny Mạch tự làm tại buổi chụp hình (Trang phục Nguyễn Công Trí – Giày Nike)

– Những lúc bị cuộc đời đốn quỵ, điều gì đã nâng chị dậy?

– Tôi nghĩ thứ tôi còn lại luôn là một ước mơ. Lúc mới bị mất chân, tôi ước mơ có một gia đình, để vịn vào đi tiếp. Lúc đi tập, tôi ước mơ có những tấm huy chương. Lúc chồng mất, tôi lại ước mơ mình sẽ trở thành người phụ nữ tốt hơn trước đây để làm thay những mong muốn của anh còn dang dở…

Bây giờ tôi không thấy mình khác biệt với thế giới

– Ở ba giai đoạn sống của một người bình thường, một người khuyết tật đầy mặc cảm và khi vượt qua cảm giác tự ti, chị đã đối diện với mình thế nào?

– Từ một người lành lặn thành một người khuyết tật, tôi bỗng chốc trở thành người bất an, lúc nào cũng lo lắng và thấy mình thiếu hụt đủ mọi thứ. Lúc nào tôi cũng mặc cảm với cuộc sống. Khi đi ra đường, tôi thấy ai cũng nhìn mình, dù có khi chẳng ai nhìn cả. Lần đầu tiên ra biển, tôi nhớ rõ mình đã lo lắng làm sao che kín chiếc chân giả để mọi người không nhìn thấy. Đó là lo lắng về hình thể, còn tâm hồn cũng vậy, luôn đầy sự tự ti, luôn cảm thấy mình vô dụng.

Đến với thể thao, những tấm huy chương đã giúp tôi tự tin trở lại. Ra biển không còn phải mặc quần tất kín mít nữa. Đặc biệt, có được đôi chân giả với chất lượng hàng đầu thế giới (theo suy nghĩ của chị Thủy – PV), tôi thấy lúc nào mình cũng như bay khi trên đường chạy. Và bây giờ tôi còn dám mặc quần soóc ra đường.
“Thường thì, lúc mất thăng bằng, mình sẽ đi tìm kiếm sự thăng bằng. nhưng để tìm thấy, thì ý chí quan trọng lắm. nếu vững tin và quyết tâm thì trong quá trình tìm lại sự thăng bằng ấy, có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều điều khác nữa…”

– Chị nghĩ đôi chân có ý nghĩa thế nào với một con người?

– Đôi chân bình thường thì chỉ dùng để đi, ai cũng nghĩ thế. Khi còn đôi chân lành lặn, mình thường không nghĩ gì. Đến khi chỉ còn một chiếc chân lành, mình thấy mất thăng bằng trong cuộc sống. Mà mất cân bằng thì thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Không có chân, không đi được, thậm chí phải bò.

Tôi nhớ rất rõ nỗi đau mất chân, những vết trầy xước khi đi trên chiếc chân giả chất lượng không tốt, rồi niềm hạnh phúc khi được tặng một chiếc chân tốt nhất thế giới. Giờ thì tôi nghĩ, đôi chân là trụ vững giúp con người thăng bằng về cơ học. Thường thì, lúc mất thăng bằng, mình sẽ đi tìm kiếm sự thăng bằng. Nhưng để tìm thấy, thì ý chí quan trọng lắm. Nếu vững tin và quyết tâm thì trong quá trình tìm lại sự thăng bằng ấy, có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều điều khác nữa.

– Chị biết mấy cô người đẹp chân dài: Linh Nga, Ngô Thanh Vân… chứ? Nếu để chị đứng cạnh họ trên chính trang bìa số này, thì chị tưởng tượng cảm giác của mình sẽ thế nào?

– Tôi biết các cô ấy, vì vẫn thường nhìn thấy họ trên ti vi. Tôi thấy các cô ấy thanh mảnh nhưng rất khỏe mạnh. Cuộc đời con người, ai cũng đôi lần mất thăng bằng, và là con người thì có thể bạn sẽ mất thăng bằng vì nhiều thứ, chứ không phải chỉ đến khi mất đi một chiếc chân. Thành ra, với người có nghị lực, có thể sau những lần mất cân bằng, họ có thêm nhiều bài học sống, mà thậm chí người bình thường khác không bao giờ có được.

Nếu đứng cạnh các cô ấy, tôi thấy vui thôi! Và chắc là tôi thấy: Ừ, mình cũng được đấy chứ! (cười)

VĐV ĐIỀN KINH PARA GAMES NGUYỄN THỊ THỦY
Sinh năm 1964 tại Hà Nội.
Bị mất một bên chân trái năm 18 tuổi.
Sau 10 năm thi đấu trong Đội tuyển Điền kinh dành cho người khuyết tật Việt Nam, chị đạt 17 tấm HCV quốc tế và luôn phá các kỷ lục của chính mình. Chị cũng đã được nhà nước trao tặng hai Huân chương Lao động Hạng 3 năm 2005 và 2014.
Năm 2014, Nguyễn Thị Thủy tiếp tục đạt 3 HCV tại Para Games, tiếp tục phá các kỷ lục của bản thân.
Nguyễn Thị Thủy là vận động viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này được một tổ chức của Mỹ dành tặng chiếc chân giả (dùng trong thi đấu thể thao) được làm bằng hợp chất nhựa cacbon và kim loại cacbon.

VĐV PARA GAMES LẠI THỊ NGỌC ÁNH
23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Bắc Ninh, hiện Ánh là vận động viên điền kinh – Đội tuyển Thể thao Quốc gia dành cho Người khuyết tật Việt Nam. Bị mất một bên chân trái năm lên 10, do ngã từ trên cao xuống, đến nay, Ánh đã có 4 năm khoác áo đội tuyển quốc gia và từng đoạt Huy chương Bạc trong cuộc thi Para Games diễn ra tại Myanma năm 2013. Bức hình này chúng tôi phải sử dụng photoshop để ghép VĐV Nguyễn Thị Thủy và Lại Thị Ngọc Ánh. Lý do bởi hai chị không thể chụp chung khi chỉ có 1 chiếc chân giả, và chị Thủy là nữ VĐV khuyết tật duy nhất tại Việt Nam có được chiếc chân giả (tốt nhất thế giới – lời chị Thủy), còn với các VĐV khác, đó chỉ là một mơ ước xa xỉ!

VĐV điền kinh Para Games Nguyễn Thị Thủy – VĐV Para Games Lại Thị Ngọc Ánh; Áo, quần, giày Nike

Thực hiện: depweb

03/09/2015, 16:04