MC Trấn Thành: Tôi sợ phải khóc khi chứng kiến sự tàn sát giữa con người - Tạp chí Đẹp

MC Trấn Thành: Tôi sợ phải khóc khi chứng kiến sự tàn sát giữa con người

Sao

– Sân khấu hài luôn cập nhật nhanh nhất những vấn đề nóng của xã hội. Nếu tưởng tượng một sân khấu cho riêng mình, anh nghĩ, vấn đề nóng nhất hiện tại là gì? Anh mong mình có một vai diễn như thế nào?!

– Nếu có một sân khấu riêng, tôi sẽ đưa tất cả những vấn đề đáng quan tâm của xã hội, những vấn đề mới xảy ra được cập nhật liên tục vào những vở hài kịch của mình. Tôi tin, nếu làm được như vậy, chúng tôi sẽ sớm đưa ra những lời cảnh tỉnh trước những việc làm xấu, để mọi người tránh.

Thật ra, điều tôi luôn đau đáu và quan tâm đó là ứng xử văn hóa của không ít người Việt. Khi tôi lưu diễn ở những nước phát triển, không biết cách giáo dục của người ta thế nào mà đa số người dân ở đó đều sống rất văn minh. Làm bất cứ việc gì, họ đều xếp hàng trật tự, có tổ chức. Ra đường gặp sự cố họ sẵn sàng giúp đỡ. Con người luôn được đặt lên hàng đầu, sinh mạng của con người là quý giá nhất. Thế mà, không hiểu tại sao ở Việt Nam, nhiều sự việc xảy ra khiến tôi tự hỏi, tại sinh mạng con người lại bị coi thường đến vậy. Và tôi bất lực vì không thể trả lời cho câu hỏi tại sao ấy!

Bạn hỏi tôi muốn diễn những vai kiểu nào trên sân khấu hài cuộc đời ấy – Tôi sẽ tái hiện lại những vai cà chớn nhất, sẽ tạo ra hình ảnh về con người tệ nhất với cách cư xử tệ nhất để họ tự thấy mình trong đó. Tôi tin, không có bài học nào hay bằng việc cười vào chính bản thân mình.

MC Trấn Thành

– Có câu: tận cùng của tiếng cười là nước mắt. Anh là một nghệ sĩ mau nước mắt, nhiều người thấy anh trong vai trò một MC đã khóc trên sân khấu khi chứng kiến những màn trình diễn nghệ thuật . Nhưng giọt nước mắt nào nóng hổi trên má anh hiện tại? Và theo anh, vị mặn nào của nước mắt mới đáng sợ?

– Cười đời một cách sâu cay để dẫn đến những giọt nước mắt luôn là mục tiêu tối cao của hài kịch. Các diễn viên hài nổi tiếng của thế giới khi họ muốn ghi dấu được tên tuổi của mình cho cuộc đời này, họ đều phải có những tác phẩm như thế – những tác phẩm mà người ta xem và cười một cách vô tư và thoải mái nhất mà lại thấu hiểu được những nỗi đau không nói nên thành lời của xã hội.

Tôi vẫn đang rơi nước mắt vì clip cô bé ở Trà Vinh bị bạn tra tấn dưới sự chứng kiến của bao nhiêu người mà không có ai giúp đỡ, tương trợ. Đã thế họ còn đứng đó cổ vũ bày binh bố trận, đứng đó hướng dẫn cách thức tra tấn. Xem xong tôi ước gì đó chỉ là vở kịch mà các bạn dàn dựng với nhau cho vui, dù đó là suy nghĩ lố bịch nhưng còn đỡ hơn khi nó 100% là thật.

Tôi chỉ nói thế này thôi, chiến tranh là điều khủng khiếp nhất mà nhân loại luôn lo sợ. Nó xuất phát từ sự tranh giành, mâu thuẫn, và bất hoà rồi dẫn đến tấn công. Vậy chuyện xảy ra trong clip đó có khác gì một cuộc chiến tranh. Chỉ khác nhau thay vì là cuộc chiến giữa các khối cộng đồng, khối liên minh hay quốc gia thì đây là cuộc chiến giữa những học sinh trong phạm vi một lớp học. Từ lớp học này, từ những cái đầu non nớt này, với những nhận thức này nếu không được uốn chỉnh, khi lớn lên, điều các bạn ấy gây nên có khi sẽ còn hơn một cuộc chiến. Đừng cho rằng tôi đang làm quá, bởi nếu chúng ta cứ xem thường những trường hợp như thế này, thì cái xấu sẽ còn cơ hội nhân lên như cỏ. Mà chẳng có gì lan nhanh như cỏ dại.

Tôi mong muốn câu nói này sẽ là bài học đầu tiên mà khi đến trường các cháu phải học: “Người với người sống để yêu nhau”. Vậy nên tôi sợ nhất là phải khóc vì chứng kiến sự tàn sát nhau của chính con người. Và đó là giọt nước mắt tôi nghĩ rằng đáng sợ nhất.

– Tôi chia sẻ với trách nhiệm công dân trong con người nghệ sĩ của anh. Nhưng anh có nghĩ, những việc mà người lớn và nghệ sĩ các anh đang làm, không phải ai cũng đang đi đúng hướng. Và ở khía cạnh nào đó, những thứ này ảnh hưởng trở lại, tạo ra những cái xấu, mà anh đang đề cập đến?!

– Là một nghệ sĩ hài, tôi nghĩ tiếng cười phải luôn có chức năng giải trí, nhưng điều cao nhất tiếng cười đó phải đạt được là chức năng giáo dục. Học mọi thứ qua tiếng cười là phương pháp học nhanh nhất, dễ nhất và là cách học đáng yêu nhất. Với vai trò là một nghệ sĩ, tôi không dám khẳng định mình phải có sứ mạng cải thiện xã hội, nhưng tôi hy vọng tiếng cười của mình tạo ra ít nhiều sẽ mang đến những góc nhìn để cho nhiều người thấy được xã hội này đẹp hơn, tránh được nhiều cái xấu hơn.

– Mới đây anh chia sẻ với Đẹp quan điểm rất thẳng thắn của mình về clip hai nữ sinh đánh bạn. Bản thân anh đã chứng kiến những câu chuyện hành xử nào khác của người Việt, khiến anh bức xúc tương tự?

– Hành xử văn hóa của không ít người Việt luôn luôn đáng báo động mọi lúc mọi nơi. Tôi đã từng đi diễn một số địa điểm, nơi mà người ta yêu nghệ sĩ bằng cách cấu, cắn, la hét, giật ngược nghệ sĩ lại để chụp ảnh, bắt nghệ sĩ làm đúng theo kiểu họ muốn. Biết rằng nghệ sĩ được khán giả yêu thương đó là điều hạnh phúc nhất. Nhưng nếu đứng ở góc độ hàng ngày nghệ sĩ phải đối diện với những điều đó, mong khán giả hãy hiểu cho chúng tôi không phải là thánh nhân. Ước chi khán giả hiểu, nghệ sĩ sẽ không bao giờ từ chối nếu khán giả có những hành động lịch sự, đáng yêu và văn minh.

Ở một địa điểm nơi tôi đến diễn, tôi đã chứng kiến một bạn nghệ sĩ trẻ cản không cho đám con nít tràn lên sân khấu, thế là phụ huynh của các bạn con nít ấy liền đánh bạn nghệ sĩ trẻ kia đến đổ máu ngay trên sân khấu.  Điều đó khiến tôi nghĩ, hình như với một bộ phận người trong xã hội, cách giải quyết vấn đề duy nhất là sử dụng vũ lực. Tôi không hiểu tại sao đất nước chúng ta còn quá nhiều nơi có những người không được học về văn hóa ứng xử như thế.

– Giả sử được trao quyền, anh nghĩ, câu chuyện trong clip đánh bạn của những học sinh ở Trà Vinh nên được xử lý thế nào?

– Chúng ta không thể lúc nào cũng quy trách nhiệm cho phụ huynh, bởi vì đôi khi, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi do nhà trường, vì các em học sinh đều được học cùng thầy cùng cô, cùng giáo trình, cùng giáo án – tại sao bao nhiêu em khác không hành xử như vậy. Vậy rõ ràng, chúng ta phải thừa nhận, xã hội tồn tại những đứa trẻ khác biệt và chúng ta chưa có hệ thống giáo dục đặc biệt hơn dành cho những đứa trẻ có cá tính như vậy.

Hiện nay, có một hình phạt mà theo tôi hoàn toàn không hợp lý, đó là mỗi lần học sinh làm sai, nhà trường sử dụng hình thức phạt cao nhất là đuổi học. Hình như chúng ta đang vô tình chắp cánh ước mơ cho các bạn nhỏ được rời ghế nhà trường sớm hơn dự định để được hành tẩu giang hồ như các bạn hằng mong muốn thì phải? Biết đâu sau này cứ muốn nghỉ học là các bạn ấy lại tổ chức đánh nhau?.

Theo tôi, đuổi học đồng nghĩa với việc từ chối giáo dục những đối tượng cần được giáo dục, đồng thời phóng thích vô điều kiện những thành phần xấu có nguy cơ gây hại cao cho xã hội. Thay vì vậy, ta nên thiết lập ra những môi trường học có tính kỷ luật cao để đào tạo riêng cho những thành phần đặc biệt kích động và hung hăng như thế. Chỉ như thế ta mới có hy vọng uốn nắn được sự nhận thức lệch lạc của các bạn trẻ trở lại với tư duy văn minh. Sau này xem thành tích phục thiện của các bạn ra sao mới xem xét cho các bạn quay lại trường học. Dĩ nhiên không phải học sinh nào đánh bạn cũng phải đem đi cải tạo, tuỳ vào mức độ và quy mô nghiêm trọng của việc tấn công mà ta xử lý cho các bạn đi hay không. Trước khi học để biết chữ, chúng ta phải học để biết làm người và cách cư xử văn hóa của một con người. 

Tôi cũng có ý kiến này xin gửi tới các bậc phụ huynh, các vị rất nên theo học một lớp tâm lý trẻ con, cách tiếp xúc và cách giáo dục đối với một đứa trẻ trước khi quyết định sinh con. Em gái ở Trà Vinh bị đánh từ 2-3 tháng trước, chỉ sau khi clip được đưa lên mạng mới dám nói thật với cha mẹ. Không hiểu thế nào mà đứa trẻ không dám tâm sự và cầu cứu cha mẹ mình khi gặp sự cố? Cha mẹ là chỗ dựa vững vàng nhất cho con, vậy mà khi lâm nạn nó sợ không dám nói cho mình nghe, rõ ràng là có vấn đề trong sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta nên tạo cảm giác gần gũi với con nhiều nhất có thể, để ngoài là cha mẹ, chúng ta còn là một người bạn của con mình. Mà đã là bạn, nó sẽ tâm sự một cách vô ưu mọi điều trong cuộc sống của nó với mình.

Nói tóm lại, tôi thành thật mong chờ một hệ thống giáo dục mới, tốt hơn, văn minh hơn sẽ được thiết lập càng sớm càng tốt và được áp dụng ngay để chúng ta có thể trùng tu tổng thể não trạng của không ít người đang cần được lắp đầy những khoảng trống về nhận thức và cư xử văn minh – dĩ nhiên cho cả người chưa học, học sai, học chưa đủ, học sinh và cả… phụ huynh!

Bài: Thùy Dương
Ảnh: Tang Tang
logo

>> Xem thêm: Trấn Thành – Người mang “gia vị” đậm!
 

Đi theo một dòng chảy khác biệt với xu hướng dẫn chương trình đẹp đẽ và hơi sáo rỗng phổ biến của các MC truyền hình, Trấn Thành chao chát, tạp kỹ và hài hước, vì thế không hiếm khi anh bị “ném đá”. Nói thẳng, nói thật, Trấn Thành cho rằng đó là cá tính của mình!

Thực hiện: depweb

12/03/2015, 14:57