Dũng khùng: Đãng “vừa đi vừa khóc”, còn tôi “vừa đi vừa chọc” - Tạp chí Đẹp

Dũng khùng: Đãng “vừa đi vừa khóc”, còn tôi “vừa đi vừa chọc”

Sao
Vũ Ngọc Đãng – Dũng khùng: “Hot boy nổi loạn” 

Kẻ “đi lên từ số 0” – Như chính hắn tự nhận, kẻ vào đời cũng chẳng dễ dàng gì vì cái bóng quá lớn của người cha, nhưng cuối cùng lại gặp nhau tại cùng một điểm vạch xuất phát: cùng tốt nghiệp khoa đạo diễn – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Tp.HCM, cùng may mắn sớm gặp được “minh chủ”: nhà biên kịch Nguyễn Hồ – nguyên Giám đốc Hãng phim TFS, người đã mạnh dạn giao phim cho Đãng và Dũng ngay khi cả hai vừa mới ra trường – chuyện chưa từng có ở Việt Nam. Thế rồi cứ như có một cuộc đua âm thầm, cả hai nhanh chóng trở thành hai cái tên “đắt show” của làng phim, được các nhà sản xuất nghênh đón với những bộ phim hốt bạc, “oanh tạc” các rạp chiếu lẫn sóng truyền hình.

Và lúc này, lại tiếp tục một “cuộc đua” mới: Dũng, với bộ phim hành động cổ trang “Mỹ nhân kế” – đã ra đến trường quay; và Đãng là bộ phim truyền hình dài tập “Vừa đi vừa khóc” – đang trong công đoạn hoàn thiện kịch bản…

Hai kẻ, một “tỉnh” – một “say”, một lý trí – một cảm xúc, “bạn” đấy mà cũng là “thù” đấy, hiểu theo một nghĩa nào đó, họ cũng chính là những “Hot boy nổi loạn” của làng phim Việt…

Khác với nhịp điệu hối hả khi trò chuyện với Đãng, thì với Dũng khùng, câu chuyện lại diễn ra vô cùng chậm rãi. Một kiểu nói chuyện dễ khiến người ta nhầm tưởng có thể dễ dàng điều khiển đối phương nhưng hóa ra sau ánh mắt vẻ như lờ đờ và nụ cười hiền khô ấy, là một sự tỉnh táo và “ranh mãnh” có thừa, nghe chừng còn lâu mới chịu sập bẫy (trừ khi là bẫy… “mỹ nhân kế”).
 

Thanh Hằng với tôi cũng như Lương Mạnh Hải với Đãng

Tại sao lại là “Mỹ nhân kế”, mà không phải là “Chân dài hành động” – như cái tên dự kiến ban đầu?

– Vậy bạn nghĩ cái tên nào là thích hợp hơn cho một bộ phim cổ trang? Dù về bản chất, đều là một.

Về khoản này thì hình như anh thua Đãng nhé: Đều là những tên phim dễ bán vé, nhưng riêng tên phim của Đãng thì còn dùng được vào nhiều việc khác (chẳng hạn như mượn làm tít cho bài báo này)?

– Thì đúng rồi, gì chứ riêng về casting và đặt tên phim thì Đãng đúng là số một! Chính vì thế, tôi rất hay nhờ Đãng đọc kịch bản và chọn giúp diễn viên.

Trừ Thanh Hằng? Vì luôn luôn có chỗ cho “nàng thơ”, ngay từ lúc viết kịch bản?

– Đúng, với tôi, Thanh Hằng bao giờ cũng là ưu tiên số một! Cũng như với Đãng, là Lương Mạnh Hải. Dù thường thì, ở mỗi phim, tôi luôn cố gắng trình làng ít nhất một gương mặt mới. Chẳng hạn như lần này, là rocker Phạm Anh Khoa, trong vai một anh chàng chăn dê. Nhưng nếu làm mới được một gương mặt cũ, thì đó cũng là điều đáng làm chứ sao? Việc của đạo diễn là đặt diễn viên vào đúng chỗ và lái họ đi đúng hướng chứ không thể nào biến không thành có được.

Nói như anh thì điện ảnh Việt Nam đã chẳng thể có Thúy An của “Cánh đồng hoang”, nếu như thiếu đi sự mạo hiểm của Hồng sến?

– Đồng ý, có thể biến người vô danh thành hữu danh, nhưng không thể biến một người bất tài thành người có tài được! Nên nhớ, Thanh Hằng, ở thời điểm “hôn thần chết”, cũng đâu phải là một lựa chọn an toàn cho một vai diễn? Thế nhưng, làm phim lúc này, có nhiều cái phải tính hơn trước. Biết vì sao khi làm phim, giữa một người mới và một người cũ mà đều được 9 điểm thì người ta vẫn hay chọn người cũ hơn không? Vì thứ nhất là cảm giác yên tâm, thứ hai là sức hấp dẫn đối với nhà tài trợ (đó là điều mà trước đây cố đạo diễn Hồng Sến không phải tính)! Ở Việt Nam thế là còn đỡ đấy! Chứ ở Mỹ, với những diễn viên ngôi sao, thì không phải đạo diễn chọn diễn viên mà là diễn viên chọn đạo diễn. giá trị của một ngôi sao, nó là ở chỗ đấy!

Nhưng Thanh Hằng đâu phải là diễn viên ngôi sao?

– Nhưng cái đáng nói ở đây còn là cái duyên, là sự hợp nhau. Chẳng hạn như Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu, ngoài tài năng ra, nó còn là sự hợp. Bằng chứng là rời tay Trương Nghệ Mưu ra, Củng Lợi gần như không có vai nào xuất sắc. Hay như Lương Mạnh Hải, thì phải vào tay Vũ Ngọc Đãng…

Anh tin là khái niệm “nàng thơ” và “chàng thơ” luôn tồn tại?

– “Nàng thơ” hay “chàng thơ” chỉ là một cách nói, nhưng bản chất của vấn đề là sự tin tưởng nhau. Lương Mạnh Hải với Đãng, tôi nghĩ cũng vậy. Nhất là khi tìm diễn viên nam ở ta thực sự rất khó. Đánh cược với may rủi vì thế đôi khi là điều không đáng, khi đã sẵn có trong tay một lựa chọn an toàn: chưa nói đã hiểu, và luôn hết lòng hết sức với mình.

Chẳng hạn, Đãng cần Hải giảm từ 5 – 10 ký, cái đó Hải làm được, và sẵn sàng làm ngay! Hay như khi tôi nói với Thanh Hằng là hai năm tới tôi sẽ làm một phim hành động (chính là “Mỹ nhân kế” bây giờ), thì lẽ ra, phải đợi đến khi có hợp đồng mới tính. Nhưng đây, Hằng lẳng lặng đi tập võ từ trước đó hai năm, để “đón đầu” vai diễn, bằng một sự tin tưởng hết sức. Nghề này, tiếng vậy, nhưng ít người dám quyết liệt được như thế lắm! Nếu như không muốn nói, tới giờ này, tôi chỉ thấy điều đó rõ hơn cả ở ba cái tên: Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, Thanh Hằng.

Tôi cần cái miệng, chứ không phải cái chân của Thanh Hằng

Vẻ như, cơ hội anh vừa trao cho Thanh Hằng trong “Mỹ nhân kế” cũng tương tự Vũ Ngọc Đãng đã dành cho Lương Mạnh Hải trong “Hot boy nổi loạn”?

– Đúng là trong “Mỹ nhân kế”, nếu là vai nữ chính thì phải kể đến vai của Tăng Thanh Hà, còn vai của Thanh Hằng thực ra chỉ là vai thứ chính. Cũng như trong “Nụ hôn thần chết”, vai nữ chính thì được trao cho Minh Hằng, nhưng vai của Thanh Hằng thì lại là “vai độc”. Và lần này, cũng vậy, là vai trùm của một nhóm sát thủ nữ…

Sự ưu ái dĩ nhiên mang đến cơ hội nhưng cái duyên thì lại phải “của nhà giồng được”, và đó dường như là thứ Thanh Hằng – diễn viên còn thiếu?

– Nhiều người nghĩ tôi chọn Thanh Hằng vì cái chân, nhưng thực ra, cái tôi cần là cái miệng. Một cái miệng “quan trọng” tới mức khi nó mím lại, thì gương mặt đó rất sắc và dữ, nhưng chỉ cần nó nhoẻn cười, thì sắc diện đó ngay lập tức thay đổi: “dữ” thành hiền, “sắc” thành hồn nhiên tươi sáng. Những khoảnh khắc thoắt sáng – thoắt tối đó, tôi nghĩ rất cần cho điện ảnh. Thế nên, cộng với tố chất quyết liệt riêng có, Thanh Hằng nếu như không gặp Dũng khùng thì chắc chắn cũng sẽ có một đạo diễn khác mang tới cho cô ấy cơ hội…

Anh không đủ tỉnh táo để nhận thấy Thanh Hằng diễn còn “cứng” và “gượng” hay sao?

– Thực sự là tôi không thấy. Rào cản lớn nhất có chăng là cũng như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng bước lên màn ảnh khi đã là một model nổi tiếng. Thế nên, sự mặc định là rất khó tránh khỏi. Thêm vào đó, là một ngoại hình đặc chất người mẫu nên chẳng dễ gì tìm vai. Vai người đẹp mặc áo rách, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó… chắc Hằng thua! Mà đó lại mới chính là những vai diễn… dễ đoạt giải. Hay nói cách khác, điểm yếu của Thanh Hằng là chân dài, trừ khi diễn xuất của cô ấy đủ mạnh để lấn át được… chân. Tăng Thanh Hà, tôi nghĩ cô ấy dễ vào được nhiều dạng vai hơn, ít nhiều cũng là vì thế…

 

“Đánh cược với may rủi đôi khi là điều không đáng, khi đã sẵn có trong tay một lựa chọn an toàn!”

Tự nhận “hài nhảm” cho… đỡ  bị chửi

Có phải chỉ vì Thanh Hằng không thể mặc áo rách, không thể sắm vai bi được nên phim của Dũng khùng nhất thiết phải là phim hài?

– Là vì tôi thích được trải nghiệm thì đúng hơn, khi mà cơ hội làm phim, tiếng là đắt sô, nhưng thực sự, đâu nhiều! Một, hai năm gần đây còn đỡ, chứ trước, chỉ biết trông vào mùa phim Tết, mà Tết, không lẽ… khóc? Là nói vui vậy, nhưng “hài nhảm”, có lẽ nó là cái tạng của mình nên mình có theo kiểu gì, thì cuối cùng nó vẫn ra mình thôi…

Anh nghĩ anh đắt sô là vì người ta cần một tay biết chọc cười cho những bộ phim chiếu Tết, hay vì anh luôn đủ tinh ranh để biết thị trường đang thiếu cái gì?

– Nếu như Đãng “vừa đi vừa khóc” (tên kịch bản phim mới nhất của Vũ Ngọc Đãng – P.V) thì tôi lại “vừa đi vừa… chọc” vậy!

Mà đã “chọc” thì phải chọn mấy chỗ mà gậy người khác chưa thò đến chứ! Phim ca nhạc, chẳng hạn, là thể loại phim theo tôi là khó nhất vì nó đòi hỏi kỹ năng diễn xuất ở diễn viên quá nhiều, rồi thì cả quay phim, đạo diễn… Nhưng một mặt, nó cũng dung hòa được cùng lúc hai sở thích của mình, vì trước khi làm phim, mình còn từng học nhạc rồi không? Và đáng kể, nó là dạng thức ăn dễ nuốt, nhẹ nhàng, không gây nặng bụng, có thể xem đi xem lại nhiều lần. Đời sống, tôi nghĩ, đã đầy sự khó thở, vậy có đáng phải gồng mình lên mọi nơi mọi lúc hay không?  

Anh nghĩ người ta có thể xem đi xem lại nhiều lần một bộ phim thị trường sao? Làm như là nhiều tầng nghĩa, lớp lang trong đấy lắm vậy?

– Hài nhảm (chẳng hạn), chị nghĩ là dạng phim “nhẹ hều” sao?

Xin thưa: Hài nhảm, để làm cho ra được chất của nó, là cả một tài năng. Châu Tinh Trì vì thế là thần tượng của tôi trong điện ảnh với những bộ phim đúng chất hài nhảm hơn ai hết. Coi “Đội bóng thiếu lâm” và “Tuyệt đỉnh Kungfu” đi, làm ơn! Gọi là “nhảm”, nhưng ăn thua, là sau cái sự (có vẻ) “nhảm” ấy, là gì, có đúng chỉ là “nhảm nhí” như trước đó chúng ta nhầm tưởng, khinh khi không. Cái đấy, điện ảnh ở mình, hầu như chưa ai làm nổi…

Anh từng “tự phong” “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là hài nhảm còn gì!

– Đấy là tôi “tự thú” thế cho… đỡ bị chửi (thế mà vẫn bị chửi như thường!) Vì ở ta, hài nhảm đâu được coi là danh giá!

“Tối nay 8 giờ” thì sao?

– Chưa đủ nhảm!

“Hello cô ba”?

– Chưa đủ hài!

Vậy cuối cùng, anh tính theo chưởng bộ Hongkong hay hài lãng mạn Hollywood đây? Có “bắt vở” rằng: Nếu như công thức của Đãng là “món kim chi” thì của Dũng Khùng là… McDonald’s, anh có thấy thế?

– Phim Hàn nói cho cùng thì cũng là phim Mỹ chứ khác gì đâu, mà nói chung, đa phần phim thị trường trên thế giới đều có mùi Hollywood hết nên hơi đâu mà ngồi phân loại “kim chi” hay “McDonald’s” chi cho mệt! Điện ảnh Việt Nam mà bắt chước được điện ảnh Mỹ thì đã quá mừng! Vấn đề là có bắt chước được không, khi một bên là cái thằng vừa mới lóp ngóp qua lớp vỡ lòng, một thằng thì đã ra trường, đi làm và “nhận lương” từ tất cả các rạp chiếu phim trên khắp thế giới…

Chả có quả “Giao lộ định mệnh” đấy là gì!

– Vụ đó, mà nói chung là nhiều vụ khác nữa, tôi thấy nhà mình xài từ “đạo” nặng quá, thậm chí, hơi lạm dụng. Cá nhân tôi, trái lại, lại đánh giá Victor Vũ rất cao. Đó theo tôi là người đặc biệt nhất trong số các đạo diễn Việt kiều mà ta đang có. Năm nào cũng chịu khó làm phim và lên tay rất nhanh, phim sau bao giờ cũng khá hơn phim trước…

 

Tôi có cái tật là… phim nào làm xong cũng hài lòng

Nếu cần chỉ ra những điểm giống và khác giữa Dũng khùng và Vũ Ngọc Đãng, anh nghĩ sẽ có mấy cái gạch đầu dòng?

– Khác nhau nhiều lắm! Trước hết, ở thái độ làm nghề. Đãng là người làm nghề cực kỳ nghiêm túc, chỉ biết trên đời có mỗi làm phim, ngày ngày chuyên cần viết kịch bản từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối. Còn Dũng khùng thì “lang chạ” đủ thứ: hết quay ca nhạc đến quay quảng cáo và làm sân khấu, đạo diễn game show… Hẳn cũng vì “lắm mối” như vậy nên tính tôi có vẻ mềm hơn để dễ thích ứng với nhiều đối tượng hơn, còn Đãng thì có phần bộc trực hơn, thẳng tính hơn và cũng dễ quá khích hơn. Thế nhưng, trông Đãng tưởng khó mà dễ, còn tôi, ngược lại, tưởng dễ mà khó. Đãng tức gì là vặc lại ngay tại trận, và nói ào ào như không cho ai nói, nhưng về nhà có thể nghĩ lại. Còn tôi thì nghe gì cũng gật, nhưng khi về, có khi lại làm khác, và có khả năng là chỉ chiều mỗi mình…

Ý chừng là anh “nham hiểm” hơn?

– Tôi bướng bỉnh hơn. Bằng chứng là những nhân vật của tôi (nếu đúng “phim là người” – như người ta vẫn nói) dù có được phái đi đường nào thì cuối cùng cũng lại quay lại đúng đường cũ (vụ này đích thị là tôi!). Còn nhân vật của Đãng thì đúng y chang là tấm gương làm nghề của hắn (cũng là một dạng bướng bỉnh theo kiểu của Đãng!): toàn những con người vượt khó…

Khác nhau có đủ để va nhau không?

Không, thường thì tụi tôi ít tranh luận lắm vì càng là mỗi đứa một kiểu thì lại càng không nên cãi nhau. Và thêm nữa là cũng chưa thấy phim nào của nhau là dở tệ, tới mức phải quay qua “dìm hàng” nhau. Tôi thì lại còn có cái tật là phim nào làm xong cũng thấy hài lòng mới chết (haha), trừ bộ phim truyền hình đầu tay “Con gà trống”…

Nghiêm túc nhé, phim của Đãng, anh thấy ổn nhất phim nào, và phim nào dở tệ?

– “Hot boy nổi loạn” (nhưng phải là bản chưa bị cắt) chắc chắn là bộ phim khiến tôi phục Đãng nhất. Một trong những cái khó nhất khi làm phim là tạo ra được những cảnh sex mà không làm người ta bị “dội”, và thấy “gợn”. Vậy mà Đãng làm được, lại trong một đề tài hết sức nhạy cảm: tình yêu đồng tính. Cắt đi một vài cảnh trong số đó, vì thế theo tôi là một sai lầm của hội đồng kiểm duyệt khi đã làm mất đi của điện ảnh Việt Nam những “xen” hay nhất và khiến cho bộ phim hơi bị “đi ngang”. Chứ lúc đầu, xem nguyên bản, là nín thở, vì những phen “ngược dốc”! Tiếc! Còn cái phim không ưa, thì tôi nghĩ là “Đẹp từng centimet”, vì nó chỉ là một cái bóng không hơn của “Bỗng dưng muốn khóc”.

Nếu chết lại cũng phải chết kiểu khác!

Còn phim của mình thì là… “ngon” hết?

– Là nói cho vui vậy, nhưng phim mình, cái nào dở, cái nào hay mình biết hết chớ, chỉ là… dại gì nói ra và cũng không quá lấy làm căng thẳng mà thôi! Vì dù gì mình cũng đã cố gắng hết sức rồi, mà không tới được thì đành chịu, đành phải đợi đến lần sau…

Mà “lần sau” của anh thì nghe chừng còn nhiều lắm, vì ai chứ Dũng khùng thì nhà sản xuất luôn sẵn sàng “chi mạnh”?

Đúng là làm phim lúc này không còn khó về tiền, vì các nhà đầu tư đã hào phóng hơn nhiều, và nhiều người muốn đưa tiền cho mình làm phim lắm: xưa 5 tỷ đã là to, giờ có khi lên tới 15 – 20 tỷ. Nhưng khổ nỗi, rạp “ăn” mất 50% rồi, thế nên 50% còn lại, mình phải biết tính cho người ta, chứ không “lừa” người ta được, không thể bẫy người ta bằng ảo vọng. Thế nên, xin bao nhiêu tiền cũng được, còn thì “sống chết mặc bây” – Ok! Nhưng đó là trừ khi, mình tính làm… bộ phim cuối cùng!

Không muốn có “bộ phim cuối cùng” thì có đáng để “phụ lòng” “bộ phim đầu tiên” không? Khi mà cả “chuột” lẫn “con gà trống” đều từng ít nhiều cho hy vọng về một Vũ Ngọc Đãng và Dũng khùng của dòng phim nghệ thuật?

– Chỉ là, lúc đó, cả hai thằng đều nghĩ: Làm nghề chuyên nghiệp là gì? Là phải sống được bằng chính cái nghề đó chứ! Mà muốn sống bằng nghề này, thì chỉ có một cách duy nhất là làm phim có khán giả. Thế thôi! Còn thì, bản chất phim đã là nghệ thuật rồi, chỉ khác nhau ở chỗ bán được hay không mà thôi! Bán được, thì gọi nó là phim thị trường chứ gì? “Forrest Gump” mà không là “hài nhảm” sao? Rồi thì “Titanic”? Vì sao cả Oscar và phòng vé đều phải chào thua nó? Là bởi khi ở đỉnh cao của phim thị trường, thì nó lại chính là phim nghệ thuật!  

Anh có tin có “người tình thủy chung” không mà dám tin có “khán giả thủy chung”?

– Thì cũng chính vì lo người ta khó “thủy chung” nên mình mới phải cố giữ đây! Thế nên, lần này tôi đâu còn dám chơi “hài”, mà phải chuyển qua món nặng đô hơn là phim hành động. Vì lúc này hài đâu còn “ăn” nữa, nhà nhà làm hài, bản thân mình cũng không thể ăn hoài cái món mình đã ăn. Nhục nhất là “xác ướp Ai Cập”! Nhục nhất là đã chết rồi! Còn nếu chết lại thì phải chết… theo kiểu khác, kiểu “xác ướp trở lại”, chẳng hạn!

Vậy “xác ướp” lần này chậm “trở lại” hóa ra là vì… sợ chết  đấy ư?

– Đúng rồi đó! Và để “thoát chết” – hy vọng thế, tôi thấy mình cần phải học cách đi chậm lại, sau khi nhìn những “gương tày liếp” là những người đi nhanh và bị vấp. Lẽ ra, họ đã không bị ngã, hoặc bị dư luận đánh tơi bời như vậy, nếu như họ chịu khó đi chậm lại một chút và nghiêm túc hơn trước những lựa chọn của mình. Đấy là “mượn danh nghệ thuật” cho oai, chứ lý do thật, có khi chỉ là “tầm thường” thế này thôi: Tôi có cái tật là phải xài hết tiền thì mới đi kiếm tiền tiếp được, vì với tôi, không có cái chết nào đáng sợ hơn là… chết đói!

Thư Quỳnh (Thực hiện)

Vũ Ngọc Đãng – Dũng khùng: “Hot boy nổi loạn”

Các bài viết trong chuyên mục:

>> Dũng khùng: Đãng “vừa đi vừa khóc”, còn tôi “vừa đi vừa chọc”

>> Vũ Ngọc Đãng: “Cả tôi lẫn điện ảnh Việt Nam đều… không đủ bình tĩnh”

>> Và nói không… kịp nghĩ

>> Dũng & Đãng: Giống & Khác

Ý tưởng: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Tuấn FR
Trợ lý: Lý Bình Sơn
Trang điểm: Andy Phan

Trang phục: Maschio, Massimo, Ferrari

Thực hiện: depweb

03/07/2012, 15:29